TUYẾT LOAN

Chưa từng có một triển lãm nào lại hiện diện cả những con người và hiện vật của những chủ nhân đã ở hai phía của cuộc chiến như “Tìm lại ký ức”. Đây là sự kiện nhân dịp kỷ niệm 45 năm chiến thắng trận Điện Biên Phủ trên không (tháng 12-1972 – 12-2017), do Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội phối hợp Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức.

Triển lãm bao gồm 250 tư liệu, hiện vật và hình ảnh… được chia làm bốn nội dung: “Đối mặt B52”, “Khách sạn Hilton – Hà Nội”, “Ngày trở về” và “Xây đắp tương lai”.

Đối với người dân Hà Nội, ký ức về những tháng năm bom đạn không bao giờ phai mờ. Trận chiến khốc liệt tháng 12 năm 1972 được tái hiện trong sân nhà tù Hỏa Lò, với khung nhà nham nhở còn vết cháy bom, với những căn hầm cá nhân phủ nắp rơm bên trên nắp xi-măng, và những bức ảnh người dân Hà Nội sống, chiến đấu và chiến thắng như thế nào trong suốt cuộc chiến ấy.

“Đối mặt B52” mặc dù không thể đầy đủ, chỉ thông qua những hình ảnh và lời kể của nhân chứng trong thời kỳ đó, nhưng cũng phần nào giúp người xem hôm nay cảm nhận được sự khốc liệt của cuộc sống dưới làn mưa bom bão đạn. Hình ảnh Hà Nội, Hải Phòng – nơi “oằn mình” liên tục hứng chịu bom đạn chiến tranh nhưng bằng tình yêu và niềm tin mãnh liệt, từng người lính, từng người dân vẫn bám đất, bám nhà, bám từng hào giao thông để giữ thành phố. Những hình ảnh, lời kể đó giúp những người chưa từng trải qua chiến tranh phần nào hình dung được cuộc sống khốc liệt mà cha ông ta từng trải qua.

Bà Phạm Thị Viễn, cựu pháo thủ thuộc đội tự vệ Nhà máy Cơ khí Mai Động được biết đến với hình ảnh quấn khăn tang trực chiến bên mâm pháo. Ngày 22-12-1972, khoảng 20 giờ 30 phút, anh chị em đang căng mắt ra đón chờ máy bay tầm thấp, một tốp F-111A xuất hiện, bay thấp, dọc sông Hồng. “Năm khẩu pháo đồng loạt khạc lửa, tôi ở vị trí pháo thủ số 1, nhìn thấy rất rõ chiếc máy bay trúng đạn, phần đuôi lóe sáng…” – bà kể lại. Mấy ngày sau, khi đang trực chiến, em gái bà chạy đến báo tin bố ở nhà đã bị trúng bom. Những ngày sau đó, nữ pháo thủ quấn khăn tang và tiếp tục trực chiến ngoài trận địa pháo.

Bà Viễn chỉ là một trong số rất nhiều người Hà Nội ở lại bám trụ bảo vệ Thủ đô. Cuối tháng 10-1972, số người sơ tán khoảng 140 nghìn người… Đến ngày 21-12, sau trận ném bom B52 vào khu An Dương, Hà Nội lại tiếp tục sơ tán cấp tốc, chỉ những người làm nhiệm vụ chiến đấu, phục vụ chiến đấu mới được ở lại nội thành. Cụ Nguyễn Thị Hảo, xã Thượng Thanh, huyện Gia Lâm, Hà Nội là một trong số người ở lại bám trụ bảo vệ Hà Nội. Bà kể lại: “Nhà tôi ở Thanh Am, ngay gần trận địa pháo cao xạ chân đê sông Đuống. Bom đánh nhiều, mọi người đi sơ tán hết, chẳng có ai ở nhà. Chỉ còn tôi và hai bà trong Hội mẹ chiến sĩ. Tôi coi các anh bộ đội là con mình. Tôi có mỗi thằng con trai. Nó đi bộ đội tên lửa, tôi lúc nào cũng nhớ đến nó. Hằng ngày chúng tôi mang cơm nước lên trận địa, ở nhà có gì mang đi hết, mang đủ thứ, cả khoai luộc… Cứ sau trận bom là 3 bà lại chạy lên trận địa pháo, xem các anh ấy thế nào… Hôm ấy, bom đánh trúng, chúng tôi gọi tên anh em, gọi to từng anh một. Sau này, các anh chuyển đi, sang bên kia đê sông Đuống, chúng tôi có lần sang tận bên kia thăm các anh ấy”.

Nhiều nhân chứng lịch sử đã có mặt tại triển lãm, như thân nhân liệt sĩ phi công Hoàng Tam Hùng; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Nguyễn Đức Soát; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, phi công Trần Việt; phóng viên ảnh chiến trường Chu Chí Thành, các cán bộ làm công tác quản lý, chăm sóc, bảo vệ phi công Mỹ thuộc đoàn 875…

Một số hiện vật trưng bày tại triển lãm.

“Khách sạn Hilton – Hà Nội”, cái tên ngày xưa các phi công Mỹ dành cho nhà tù Hỏa Lò, cũng chính là nội dung của phần trưng bày liên quan đến những câu chuyện của những phi công Mỹ từng bị giam ở đây. Từ năm 1964 đến năm 1973, một phần nhà tù Hỏa Lò được dùng để tạm giam phi công Mỹ, trong đó phần lớn là những phi công đã tham chiến trong trận “Điện Biên Phủ trên không”. “Vị khách đặc biệt” đầu tiên là trung úy hải quân Everestt Alvarez Jr, phi công lái máy bay A4 Sky-Hawk, bị súng phòng không của đại đội 141 do Trung đội phó Trương Thanh Luyện chỉ huy bắn rơi ở Bãi Cháy, Quảng Ninh lúc 14 giờ 43 phút, ngày 5-8-1964. Alvarez là phi công đầu tiên bị bắt ở miền bắc trong chiến tran phá hoại, là người khai trương “Hilton – Hà Nội” và cũng là phi công Mỹ bị giam lâu nhất tại đây (8 năm, 7 tháng).

Triển lãm còn trích lại những lời kể của “vị khách đầu tiên” này”: “Nơi tôi ở trước đây (buồng giam số 6), chỉ có mấy gốc nho già, phía trên có cửa sổ, thỉnh thoảng anh bộ đội Việt Nam ở tầng trên vẫn ném kẹo và thuốc lá xuống cho tôi… Tết cổ truyền Việt Nam, chúng tôi đôi lúc cũng được ngồi xe đi dạo phố. Người Hà Nội lúc ấy hơi bé, đàn bà mặc quần đen, đàn ông áo bốn túi đóng kín cổ. Bây giờ không thấy nữa…”.

“Khách sạn Hilton – Hà Nội” còn là nơi từng giam giữ nhiều cựu phi công khác, sau này đã trở thành những cây cầu nối đặc biệt trong mối quan hệ Việt – Mỹ như đại úy không quan Douglas Brian (Pete) Peterson, hay thiếu tá hải quân John Sidney McCain. Những cựu phi công, cựu tù binh từng bị giam giữ trong nhà tù Hỏa Lò đều được chăm sóc với một chế độ đặc biệt, cao cấp hơn so với ngay cả cán bộ quản giáo trong trại giam, thậm chí có cả cà-phê, thuốc lá…, và họ đều dành thời gian suy nghĩ về cuộc chiến sau những gì tận mắt chứng kiến. “Ngày trở về” ghi dấu ấn họ rời khỏi cuộc chiến, trở về trong vòng tay gia đình và đã thay đổi suy nghĩ của mình.

Phần cuối cùng của triển lãm “Xây đắp tương lai” kể về chặng đường xây đắp hòa bình của người dân Việt Nam, về những cuộc tìm kiếm và trao trả hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh, những chuyến trở lại thăm Việt Nam của các cựu binh Mỹ, rồi những nỗ lực nhằm xây đắp mối quan hệ giữa hai quốc gia Việt Nam – Hoa Kỳ.

Cựu hạ sĩ Robert (áo sọc xanh nhạt) phải ngưng bài phát biểu vì quá xúc động.

Điều đặc biệt nhất của triển lãm là sự có mặt của hai người, hạ sĩ lục quân Mỹ Robert P. Chenoweth, người đã có thời gian sống tại “Hilton – Hà Nội” và ông Thomas Eugene Wilber, con trai trung tá hải quân Walter Eugene Wilber (cựu phi công Mỹ bị giam tại Hỏa Lò). Hạ sĩ Robert đã không kìm nổi những giọt nước mắt khi kể về những kỷ niệm ở nơi mình từng bị giam cầm, sự đối xử nhân đạo với tù binh Mỹ, sự quả cảm của người dân Hà Nội…, tất cả đã khiến cho ông cảm kích và hiểu hơn những giá trị tốt đẹp của cuộc sống. Ông cũng tặng lại cho Ban Quản lý di tích những kỷ vật theo ông từ những năm tháng còn ở Hỏa Lò, mà ông vẫn giữ như báu vật: một chiếc túi đựng đồ cá nhân, bộ bát đũa và lá cờ Việt Nam.

Phát biểu tại triển lãm, TS Nguyễn Thị Bích Thủy, Trưởng Ban quản lý khu di tích nhà tù Hỏa Lò chia sẻ: “Trưng bày “Tìm lại ký ức” là dịp để người dân Việt Nam thêm tự hào khi đã lập nên kỳ tích của thế kỷ 20, là dịp để các cựu phi công Mỹ nhớ lại một khoảng lặng trong cuộc đời của họ, và để giúp những người chưa từng trải qua chiến tranh biết thêm nhiều câu chuyện thời chiến, đặc biệt là chuyện về “Khách sạn Hilton – Hà Nội”.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version