Một tiết mục nhạc chèo truyền thống của dàn nhạc Nhà hát Chèo VN, một dàn nhạc được đánh giá là bài bản và chính quy nhất so với các đơn vị chèo chuyên nghiệp hiện nay Ảnh: N.H |
VH- Trong sân khấu kịch hát dân tộc, âm nhạc đóng vai trò là “phần hồn” của vở diễn. Để làm sống dậy “phần hồn” đó, không thể thiếu vai trò của các nhạc công. Tuy nhiên, trên thực tế, đội ngũ nhạc công đang rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng.
Trong một vở diễn kịch hát dân tộc, âm nhạc vừa làm nhạc nền để thể hiện các tình huống kịch; vừa phục vụ cho diễn viên ca thể hiện tâm lí, tình cảm, tính cách, hành động nhân vật; vừa phản ánh đặc trưng của loại hình – là kịch hát. Ngoài ra, âm nhạc sân khấu kịch hát dân tộc còn đứng độc lập khi hòa tấu các làn điệu, bài bản (nhạc không lời) và độc tấu các nhạc cụ, thể hiện rõ tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ và làm toát lên được nét độc đáo, riêng biệt của âm nhạc kịch hát dân tộc.
Với vai trò quan trọng như vậy, cho nên, trong sân khấu kịch hát dân tộc các nhạc công được coi là người tạo nên “phần hồn” của vở diễn và là “thầy đàn” cho diễn viên.
Thế nhưng, hiện nay, ở các đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc từ trung ương đến địa phương, lực lượng nhạc công tham gia diễn tấu trong các chương trình biểu diễn đang thiếu thốn trầm trọng. Theo các nhà chuyên môn, một dàn nhạc chèo thường phải hội tụ trống, nhị, nguyệt, bầu, sáo. Một dàn nhạc tuồng thường phải có trống, nhị, kèn, mõ, cồng, thanh la. Một dàn nhạc cải lương phải hội tụ đàn guitar phím lõm, đàn kìm, đàn cò, đàn tranh, đàn bầu. Ngoài các nhạc cụ chính trên, nhạc chèo còn sử dụng thêm hồ, tam thập lục, tiêu, mõ, não bạt, sinh tiền, tiu, cảnh, chiêng, chũm chọe…; nhạc tuồng còn có thêm chuồng chìa, tang đẩu, kèn, sáo, hồ, tam, tứ, nguyệt, tranh, bầu…; nhạc cải lương còn bổ sung thêm violon, sáo trúc, trống jazz, kèn trumpet… để làm tính năng hỗ trợ biểu diễn.
Trong khi đó, hiện nay, nhiều đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc chỉ có 4 hay 5 nhạc công. Thậm chí có đơn vị chỉ duy trì 2 nhạc công. Mặc dù không ít nhạc công có thể sử dụng được 2 hoặc 3 nhạc cụ. Song trong trường hợp phải hòa tấu đa dạng các loại nhạc cụ khác nhau, thì họ không thể biểu diễn nhiều nhạc cụ cùng một lúc được. Sự thiếu hụt này làm nghèo nàn đi âm nhạc của loại hình và không thể hiện được đầy đủ tính năng, hơi (chất) của những làn điệu, bài bản trong từng loại hình.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.Trước hết, lãnh đạo một số đoàn chưa đánh giá hết tầm quan trọng của một dàn nhạc. Họ coi dàn nhạc chỉ là thứ yếu, không nhất thiết phải đầu tư. Hiện nay, phần lớn là các đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc công lập, kinh phí bao cấp eo hẹp, kết hợp với khó khăn tìm kiếm khán giả đã trở thành gánh nặng và nỗi lo toan thường trực của các đoàn, nhà hát. Cái “nghèo” đã buộc họ phải tìm đến mô hình hoạt động gọn nhẹ nhất. Đây là căn cứ dẫn đến tình trạng dàn nhạc của không ít đơn vị bị cắt giảm.
Thứ ba, cung không đáp ứng đủ so với cầu. Trên thực tế, các đơn vị sân khấu kịch hát dân tộc luôn có nhu cầu tuyển nhạc công, tuy nhiên, họ không tìm đâu ra nhạc công để bổ sung vào dàn nhạc. Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội – nơi cung cấp chủ yếu nhạc công kịch hát dân tộc, nhiều năm nay không có một lớp nào. Học viện Quốc gia Âm nhạc Việt Nam không đào tạo chuyên sâu để biểu diễn phục vụ nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc. Hơn nữa, sự khó khăn của đời sống sân khấu kịch hát dân tộc đã khiến nhiều tài năng chọn loại hình âm nhạc hiện đại khác để phát triển sự nghiệp. Ngoài ra, thu nhập thấp kém đã đẩy không ít nhạc công rời bỏ đoàn này để sang đoàn khác hoặc bỏ hẳn nghề để làm công việc khác có thu nhập cao hơn.
Từ năm 2014, Bộ VHTTDL đã phê duyệt Đề án đào tạo diễn viên, nhạc công cho các đơn vị nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp trong phạm vi cả nước. Trên cơ sở đó, một số đơn vị đã phối hợp với Trường ĐH SKĐA Hà Nội tổ chức đào tạo theo địa chỉ nhằm đáp ứng yêu cầu của đơn vị, từ đó nâng cao chất lượng nghệ thuật, duy trì và phát triển đội ngũ kế thừa. Đây là giải pháp hiệu quả. Tuy nhiên, cách thức đào tạo này không dễ thực hiện vì gặp phải khó khăn như: tuyển sinh nhưng không có người học hoặc số người học quá ít, năng khiếu thi đầu vào thấp. Đơn cử như, năm 2014, Nhà hát Tuồng Việt Nam tuyển sinh được 40 học sinh, sau đó có 6 học sinh bỏ học, còn lại 34 học sinh (11 nhạc công và 23 diễn viên) hay Nhà hát Cải lương Việt Nam chỉ tuyển sinh được 15 học sinh chuyên ngành diễn viên, sau đó 3 em bỏ học và không tuyển được học sinh nào chuyên ngành nhạc công. Ông Hoàng Văn Đạt – Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam cho biết: “Ở vòng sơ tuyển, chúng tôi tuyển được 7 học sinh chuyên ngành nhạc công có chất lượng rất tốt. Nhưng đến vòng chung tuyển, 7 học sinh đó không hiểu vì lí do gì, không đi thi tiếp nữa”. Không tuyển được người, có đơn vị muốn tìm đến giải pháp tổ chức đào tạo chính đội ngũ nhạc công của mình học thêm các nhạc cụ còn thiếu để bổ sung cho dàn nhạc. Tuy nhiên, họ lại thiếu kinh phí để thực hiện. Hơn nữa, tuyển được người học và mất công đào tạo, song không ít lãnh đạo đơn vị nghệ thuật lo lắng không giữ được chân những người tài năng và để họ ra đi vì hai lí do cơ bản: thu nhập thấp và chủ trương không tuyển biên chế của cơ quan quản lý mặc dù chỉ tiêu biên chế của đơn vị còn thiếu.
Để tháo gỡ tình trạng “khủng hoảng thiếu” nhạc công của các đơn vị nghệ thuật sân khấu kịch hát dân tộc, rất cần sự đầu tư, quan tâm một cách có định hướng, đồng bộ của các nhà quản lí. Bởi muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc trong sân khấu kịch hát dân tộc thì không thể không giữ gìn đặc trưng âm nhạc của chính loại hình đó, nếu không sẽ chẳng có cái gốc cho mọi sự kế thừa, phát huy, phát triển.
Trần Thị Minh Thu – Văn hóa