LÊ HUY BẮC

1. Điện ảnh (cinema, xuất hiện vào cuối thế kỉ XIX) ra đời sau tiểu thuyết (novel) rất lâu, hơn hai thế kỉ nếu tính từ Don Quixote. Văn xuôi hư cấu ngày xưa, không lâu sau thần thoại, đã xuất hiện loại hình truyện kể dài, nhưng phải đến sau thời Phục hưng, khái niệm tiểu thuyết mới xuất hiện. Từ đó, tiểu thuyết được xem là đỉnh cao của nghệ thuật kể chuyện. Xét thành tựu tự sự, các nhà phê bình hầu hết đều tập trung vào tiểu thuyết. Cho đến thế kỉ XX, khi điện ảnh trở thành một thế lực, vai trò của tiểu thuyết có phần suy giảm, thói quen đọc tiểu thuyết không còn được duy trì như trước. Người ta dần chuyển sang thưởng thức kể chuyện hư cấu bằng hình ảnh được truyền tải trên màn hình.

Cái thời mới ra đời, điện ảnh phải đi theo tiểu thuyết. Có nghĩa là câu chuyện được kể bằng ngôn từ chi phối cách kể của câu chuyện được kể bằng hình ảnh. Những tác phẩm điện ảnh thời kì đầu về cơ bản vẫn rất gần với tiểu thuyết trong việc tái hiện một thực tại đang bước đi. Nhưng dần dần, điện ảnh tách xa tiểu thuyết, phô diễn những kĩ thuật đặc thù của loại hình. Đến lúc này thì tiểu thuyết lại vắt chân lên cổ chạy theo điện ảnh. Rất nhiều kĩ thuật của điện ảnh được tiểu thuyết vay mượn trong cuộc đổi mới thể loại. Có thể nói, nhờ điện ảnh mà tiểu thuyết đã vượt qua được thời kì khủng hoảng, tiến tới một nền tiểu thuyết tràn đầy sức sống của một thời kì mới, thời hậu hiện đại.

Kĩ thuật điện ảnh xóa nhòa ranh giới giữa quá khứ, hiện tại và tương lai. Điện ảnh không thể mổ xẻ tâm lí người nhưng bằng cách “thay thế điểm nhìn”, nghệ sĩ vẫn cho thấy được một phần tâm lí, nhưng chỉ một phần nhất định. Chỗ yếu này của điện ảnh ghi nhận tiểu thuyết bao giờ cũng hơn điện ảnh trong tái hiện tâm lí. Nhưng việc thay đổi điểm nhìn và đồng hiện không gian thì văn chương chẳng thể nào bắt kịp điện ảnh.

Tiểu thuyết hậu hiện đại, trong nỗ lực tái tạo sự hỗn độn của cõi thế đã vay mượn nhiều từ điện ảnh. Một trong những lối tư duy hậu hiện đại đặc thù là xóa bỏ ranh giới giữa thực tại và hư cấu. Các nhà hậu hiện đại cho rằng cái con người quen gọi là “thực tại” rốt cuộc cũng chỉ là “thực tại của một diễn ngôn”, một kiểu hư cấu theo cách nhìn nào đó mà thôi. Thêm nữa, bất cứ chuyện gì xuất hiện trong văn bản cho dù có giống hệt hoặc được cho là giống hệt với thực tại thì cũng chỉ là sản phẩm của hư cấu. Tuy nhiên, với cách làm của các nhà hậu hiện đại, người đọc luôn bị đánh lừa rằng đấy là chuyện có thật bởi con người lẫn nghệ sĩ sáng tạo ra văn bản đều được đưa vào một trường “có thật”, khó có thể phản bác sự “không thật” đó.

2. Từ hệ hình tư duy này, ta thấy Ma làng của Trịnh Thanh Phong phần nào đó được cấu trúc theo lối hậu hiện đại. Có nghĩa là câu chuyện về một vùng đất hư cấu với những nhân vật hư cấu, nhưng được “làm cho thật” bởi nhà văn Tỏ, một con người có thật của địa phương có tên là làng Lộc, nằm bên bờ sông Lô. Đây là một địa danh hư cấu, mọi chuyện đều hư cấu, nhưng chỉ cần để cho tác giả câu chuyện “là có thật” với một địa danh thật “sông Lô” thì tức khắc Ma làng “gợi” cho người đọc về một chuyện “có thật”.

Nhưng tính chất hậu hiện đại trong truyện suy cho cùng vẫn chưa thật rõ. Nhìn tổng thể, Ma làng chỉ là một câu chuyện mang đặc tính cổ tích tiền hậu hiện đại. Yếu tố cổ tích chiếm ưu thế. Tuy đã dùng kĩ thuật hậu hiện đại nhưng tác phẩm lại luôn hướng đến khát vọng lập lại một trật tự trên vùng đất hỗn độn. Cách làm này khiến cho Ma làng vẫn cứ là một câu chuyện chung chiêng giữa hai bờ hiện đại – hậu hiện đại. Người đọc dễ nhận ra một câu chuyện có một cái kết có hậu: ác giả ác báo, ở hiền gặp lành. Truyện không có Bụt như trong cổ tích nhưng luật nhân quả là tư tưởng xuyên suốt trang viết của Trịnh Thanh Phong.

Cấu trúc nhân vật đọc được truyện về mình, kiểu truyện bịa đặt được kiểm chứng bởi những con người bịa đặt (nhưng sẽ tạo được ở người đọc hiệu quả truyện có thật) đã có từ thời Phục hưng khi Cervantes để thầy trò Don Quixote biết người ta viết về hành trình phiêu lưu của họ. Sang thời hậu hiện đại, hiện tượng nhà văn hư cấu bản thân thành nhân vật, để nhân vật mang chính tên mình, đối thoại với các nhân vật khác có trong sáng tác của Paul Auster. Ở Ma làng, nhà văn Tỏ trực tiếp xuất hiện đối thoại với các nhân vật khác trong đoạn cuối của phần một và ở cả phần hai. Điều đó cho thấy Trịnh Thanh Phong có ý đồ biến câu chuyện bịa đặt thành chuyện có thật. Cấu trúc này của Trịnh Thanh Phong có nét giống với cách làm của các nhà văn Nga như Anton Chekhov, Mikhail Sholokhov… Ở Việt Nam, cách viết và cách đặt vấn đề về nhân sinh của Trịnh Thanh Phong khá giống với Nguyễn Mạnh Tuấn. Sâu xa hơn, cách kể này, giống với cách các diễn viên trên sân khấu tuồng chèo, xuất hiện nói rõ bản thân trước khi nhập vai trình diễn.
dc60d8f2ed3d079a716c5a0390257aae trang 8 6b56e
Cảnh trong phim Ma làng

Đến đây, chúng ta cùng trở lại với cấu trúc tiểu thuyết điện ảnh. Không chỉ xóa nhòa ranh giới giữa các lớp thời gian, cấu trúc này còn có nét đặc thù nữa là trưng ra rất nhiều sự kiện. Ta cũng có thể gọi loại tiểu thuyết này là “tiểu thuyết sự kiện”. Sự kiện dày đặc của tác phẩm có sức hấp dẫn người đọc. Những sự kiện đó được xây dựng trên trục đối lập giữa chính – tà, ánh sáng – bóng tối… Do vậy khi rời bỏ tính sự kiện, câu chuyện trở nên nhàm chán. Mấy chục trang đầu của phần hai Ma làng rơi vào tẻ nhạt khi tác giả từ bỏ nguyên tắc “sự kiện” mà đi vào “phân tích tâm lí”. Nhấn mạnh “sự kiện” là đặc thù của cổ tích và cả của chủ nghĩa lãng mạn, chủ nghĩa hiện thực. Xét từ góc độ nghệ thuật truyện, tiểu thuyết của Trịnh Thanh Phong mang nợ rất nhiều từ các cách kể trước đó.

Tuy nhiên, vấn đề mà tiểu thuyết này đặt ra quả là táo bạo và sâu sắc. Truyện bao quát một khoảng thời gian sự việc dài từ thời kì Đổi mới vào cuối thập kỉ 1980 đến thập kỉ đầu của thế kỉ XXI. Phần một của truyện tập trung vào thời kì Đổi mới với việc chuyển đổi cơ chế từ hợp tác xã sang khoán ruộng, xóa bỏ bao cấp. Phần hai tập trung vào cơ chế mở cửa thị trường, làm giàu bằng công nghiệp hóa và tư nhân hóa… Hai giai đoạn phát triển đất nước ứng với ba thế hệ lãnh đạo làng Lộc. Thế hệ đầu tiên là ông Tĩnh, bí thư Thê, chủ tịch Tòng. Đây là thời kì gây bao nỗi hoang mang: “một người suốt đời chỉ đi đánh giậm, tài cán gì mà cứ leo vào các chức sắc nhẹ như lông hồng” – thời kì quan liêu, độc tài, độc đoán xuất hiện nhiều. Những kẻ xấu, ít học và vô học như Thê và Tòng liên kết trục lợi, hãm hại dân lành, gây ra nhiều mất mát, khổ đau. Điển hình là việc bí thư Thê lên cơn tà dâm, cưỡng hiếp bà Lâm, mẹ Nghiệp – chàng thư sinh vừa đỗ đại học. Chứng kiến hành vi bỉ ổi của bí thư Thê, Nghiệp đánh ông ta, sau đó bị ông ta và “lão Tòng đánh giậm” liên kết vu oan tống vào tù đến năm năm. Mãn hạn tù trở về, Nghiệp tay trắng gây dựng cơ nghiệp, lại bị lão Tòng vu oan nên phải giả vờ điên ra sống trên mảng bè dưới sông. Đấy là thời kì kẻ đánh giậm lên ngôi vùi dập trí thức. Trí thức muốn tồn tại thì phải giả điên, phải đứng ra bên lề cuộc đời. Làng Lộc đói nghèo, nhiều tệ nạn.

Thế hệ thứ hai sau Đổi mới là chủ tịch Lập, bí thư Thành, Tâm, Lường… Thế hệ này được vị bí thư huyện Thường ủng hộ lối làm ăn mới nên đã đưa được làng Lộc tiến lên. Tâm, Thành, Lập là những người có tài và có đức. Họ sẵn sàng vì người khác, vừa làm giàu cho mình vừa làm giàu cho cộng đồng. Làng Lộc khởi sắc, ngày một giàu có hơn. Đây là thời kì cái thiện lên ngôi. Cái ác đã phải trả giá theo lối rất cổ tích. Lão Tòng ngẫu nhiên bị rắn độc cắn chết khi đang mang bao thuốc độc định đổ xuống sông giết chết cá của Nghiệp và Dỏ. Nhờ sự công tâm và thức thời của Tâm và Thành, Nghiệp dần có chỗ đứng trong xã hội. Tri thức mà Nghiệp có được đã hỗ trợ rất tốt cho gia đình anh và bà con làng Lộc trong việc nuôi cá, nuôi nhím… Lúc này trí thức được trọng dụng và được đặt đúng chỗ. Người có học hết điên, có đất dụng võ, trở thành trung tâm của sự phát triển xã hội. Cuộc sống của dân làng Lộc phơi phới cứ như là trong mơ. Kẻ xấu Lại phải bỏ làng ra đi, Ất thì hóa điên mãi mới được chữa khỏi. Nhờ sự dìu dắt của Tâm mà Lập đã trưởng thành và trở thành chủ tịch huyện.

Thế hệ thứ ba của làng Lộc gồm có kẻ cơ hội là chủ tịch Ất, sau trở thành bí thư và bí thư Lúa, người vốn tốt nhưng không cưỡng lại được sức cám dỗ của đồng tiền và quyền lực, nên dần bị tha hóa. Sự tha hóa đã trở thành hệ thống, khi mà không lâu sau Đổi mới, Tâm cay đắng nhận ra: “Rồi mai đây, cái gì cũng mua được”. Quả thật làng Lộc đang biến chuyển theo hướng đó. Đứng sau Ất là Lại và Mánh và cao hơn nữa là chủ tịch tỉnh Đà, người vốn không có nhiều hiểu biết nhưng lại muốn giúp dân làm giàu bằng cách duy ý chí đưa đàn bò sữa về Bâm Dương, rốt cuộc bị phá sản, đẩy người dân vào cảnh khốn đốn. Sự độc đoán của Đà là mầm mống cho những kẻ cơ hội như Lại và Mánh trục lợi. Trong khi đó vì kiên quyết chống chủ trương của Đà mà Lập phải từ chức. Người tốt lại bị loại ra khỏi guồng máy lãnh đạo, tạo điều kiện cho những kẻ xu nịnh, bất tài ngoi lên. Thay thế Lập là Thúc, người sau này cất nhắc Lúa lên ghế chủ tịch huyện chỉ để ngủ với anh ta.
Khi Lúa lên huyện, chồng Lúa là Hỏa, vốn là anh chàng nấp váy vợ được nhấc lên ghế chủ tịch làng Lộc. Hỏa biết chuyện vợ mình với Thúc nhưng anh ta cắn răng làm ngơ. Đổi lại, anh ta có thể đi ngủ với mấy cô gái làm tiền tại nhà nghỉ do Ất ngầm quản lí. Thật là chua chát cho thế thái nhân tình… Sau khoảng thời gian đi lang thang Lại quay về làng Lộc với hi vọng làm lại từ đầu nhưng không phải theo lối lao động chân chính mà bằng thói lưu manh hắn học được ở phương xa. Lại dạy Ất: “Muốn có tiền, có chức thời buổi này là phải lưu manh, phải cơ hội, phải biết nhìn xu thế chính trị để làm ăn”. Câu nói này thâu tóm hết tính chất nham hiểm quỷ quyệt của hắn.

Không thể bỏ qua cách đặt tên nhân vật trong tác phẩm Ma làng. Mỗi cái tên tự nó đã nói được bao điều về bản tính người. Tay Mánh (ngầm ẩn mánh mung, làm điều xấu) thì quản lí ngân hàng, ngoi lên từ bao vụ áp phe xấu xa; Lại (ngầm ẩn thói vô lại) đi nhiều nhưng chẳng học được điều tốt mà chỉ chăm chăm nghĩ chuyện ác chuyện xấu. Dưới sự dìu dắt của Lại, Ất (ẩn dụ cho sự ất ơ, ngu ngốc) dần trở thành tay xảo trá có hạng, lợi dụng chính trị, quyền chức để làm giàu… Những người tốt thì sở hữu những cái tên ngầm mang nghĩa tốt: Tâm (tấm lòng), Nghiệp (sự nghiệp), Mưa (cội nguồn sự sống)…
Từ cách đặt tên nhân vật như vậy, người đọc sẽ nhận ra được tính luận đề của Ma làng. Tác giả hướng trọng tâm truyện vào ba phạm vi: chính trị, kinh tế và giáo dục. Cuối truyện, sau khi phân tích, trình bày hết mọi lẽ, nhà văn gói trọn lại trong mấy chữ con người và sự giáo dục con người. Phải có con người tiên tiến, đức hạnh thì mới có xã hột tốt đẹp.

Chiếm phần lớn sự kiện trong Ma làng là những vấn đề đau xót. Nhưng dẫu sao thì cái nhìn sắc sảo của Trịnh Thanh Phong về cuộc đời ấy không hàm chứa trong nó sự bi quan. Nếu tác phẩm rơi vào cây bút hậu hiện đại triệt để thì người đó tất kể câu chuyện bằng cái cười hài hước, thậm chí là hài hước đen (black humour). Tác giả Ma làng chưa làm được điều này, nhưng đổi lại anh đã đưa ra được cái nhìn lạc quan vốn xuyên suốt tác phẩm. Nền tảng lạc quan của Trịnh Thanh Phong được đặt vào cụ Tĩnh – người có năm mươi năm tuổi Đảng, vào Tâm – con cụ Tĩnh, bộ đội phục viên, vào Dỏ – con người bổ bã nhưng rất nhân ái và đặc biệt vào Nghiệp – một trí thức đúng nghĩa, vào Lập – một lãnh đạo chân chính… Nhờ vào “nguồn sáng” này mà sau bao đổ bể của nền kinh tế do kẻ xấu và dốt nát gây ra, làng Lộc vẫn đứng vững.

3. Kể chuyện bằng con mắt điện ảnh đương nhiên sẽ bám sát hiện thực. Tiểu thuyết điện ảnh vì thế sẽ có khuynh hướng tự thân là kiểu tiểu thuyết hiện thực. Người kể luôn quan sát và không xa rời cuộc sống mảy may. Thế mạnh của lối kể này là sẽ tạo được “tính sử” đậm đặc cho tác phẩm. Nhưng điểm yếu chết người của nó là khi hiện thực đó qua đi, tác phẩm sẽ khó hấp dẫn người đọc như cái thuở ban đầu.
Đáng ghi nhận ở Ma làng là nhà văn đã vận dụng một số bút pháp hậu hiện đại trong tác phẩm, tuy độ thuần thục và hiệu quả của chúng chưa có thể lấn át lối kể chuyện truyền thống. Điều này cho thấy, dẫu có thể không thực sự ý thức về lối viết đang ảnh hưởng sâu rộng trên thế giới mà không ít tác giả nổi tiếng của nó đã được dịch ở Việt Nam như Jorge Louis Borges, Gabriel Garcia Marquez, Paul Auster… thì Trịnh Thanh Phong vẫn khó có thể thoát khỏi bầu không khí đó.

Dẫu sao, xét theo tiêu chí hiện thực thì tác phẩm của Trịnh Thanh Phong đạt đến chín mươi chín phần trăm của khuynh hướng. Người đọc sẽ đồng ý với những gì tác giả đưa ra và kiến giải. Làm được điều này chứng tỏ Trịnh Thanh Phong có sự quan sát và am hiểu sâu sắc bản chất xã hội Việt Nam đương thời. Vậy nên, dẫu lối viết của ông chưa nhiều cách tân, vẫn hấp dẫn được người đọc bởi suy cho cùng cái tốt trong đời bao giờ cũng chế ngự được cái xấu và cuộc sống dẫu thế nào đi nữa thì cái đích cuối cùng là vươn đến những điều tốt đẹp hơn. Niềm tin của Trịnh Thanh Phong không phải không có cơ sở.

L.H.B

Nguồn Vannghequandoi

Exit mobile version