Hoàng Tố Mai
“Di sản văn học lãng mạn – Những cách đọc khác” là cuốn sách thú vị với cách tiếp cận mới về nghiên cứu văn học.
Nếu như thời Phục hưng đã mở ra thời hiện đại ở phương Tây thông qua việc tạo nên tiền đề là chủ nghĩa cổ điển của thời kỳ Ánh sáng, thì chính chủ nghĩa lãng mạn đã bổ sung và hoàn chỉnh cho tiền đề này để đưa tính hiện đại ra toàn thế giới.
Hiếm có một trào lưu nào ở phương Tây mà tính toàn cầu hóa lại mạnh đến thế và có vai trò như một động lực hiện đại hóa cho toàn thế giới ở mọi phương diện, mọi cấp độ. Điều này cho thấy chủ nghĩa lãng mạn để lại một di sản cực kỳ to lớn và sâu rộng trong đời sống văn học và nghệ thuật.
Để tìm một ví dụ về dư âm của văn học lãng mạn trong thời hiện tại có lẽ điện ảnh là lựa chọn tối ưu. Chúng ta đều biết những bộ phim “bom tấn” như Chạng vạng, Chúa tể những chiếc nhẫn, Harry Potter… được chuyển thể từ những cuốn tiểu thuyết cùng tên vốn cũng rất nổi tiếng trước đó.
Thế nhưng ít ai quan tâm đến nguồn cội của những tác phẩm siêu nhiên kỳ ảo thuộc diện best-seller này.
Trong quá khứ, có một dòng văn học được gọi là Gothic. Bối cảnh trong tiểu thuyết Gothic thường là những lâu đài hay tu viện mang kiến trúc Gothic. Tác giả thường nhấn mạnh sự bí ẩn và rùng rợn tràn ngập những căn phòng ma ám, những lối đi ngầm ẩn dưới lòng đất và những bậc thang đầy bí mật. Và tiểu thuyết Gothic chính là một thể loại của văn xuôi lãng mạn chiếm ưu thế trong văn học Anh vào cuối thế kỷ 18 – đầu thế kỷ 19…
Đương nhiên, văn học lãng mạn không chỉ có Gothic. Tinh thần tự do mãnh liệt của nó ở cả phương diện chính trị xã hội cũng như sáng tạo nghệ thuật đã tạo đà cho văn học thế giới có những bước chuyển thực sự ngoạn mục.
Bắt đầu khoảng từ 1750 cho tới 1870, văn học lãng mạn đã cống hiến cho nhân loại những tên tuổi lẫy lừng như Jean-Jacques Rousseau, Johann Wolfgang von Goethe, Lord Byron,Victor Hugo, Edgar Allan Poe, Aleksandr Sergeyevich Pushkin…
Chủ nghĩa lãng mạn được coi là bước chuyển then chốt để văn học cổ điển bước sang một trang mới, những “khuôn vàng thước ngọc” bị phá bỏ để nhường chỗ cho những khuynh hướng sáng tạo mới lạ đầy cuốn hút.
Dư âm của văn học lãng mạn lan tỏa mạnh mẽ đến mức những tác phẩm tượng trưng và hiện thực sau này được nhiều học giả phương Tây cho rằng chúng chỉ là sự tiếp nối của văn học lãng mạn, hay nói một cách khác, chúng thuộc về lãng mạn hậu kỳ.
Như vậy, lãng mạn hậu kỳ sẽ gồm rất nhiều cây đại thụ như Charles Baudelaire, Arthur Rimbaud, Stendhal, Fyodor Dostoyevsky, chị em nhà Bronte… Nếu quan niệm như vậy, có thể thấy các tác giả lớn mà các nhà văn thế kỷ 20 chịu ảnh hưởng sâu sắc đều phần lớn nằm trong giai đoạn lãng mạn và lãng mạn hậu kỳ.
Có thể thấy rằng, các tác phẩm văn học lãng mạn cho đến nay vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho những tác giả hiện đại. Nói một cách khác, văn học hiện đại sẽ không thể có được diện mạo như ngày hôm nay nếu không có suối nguồn văn học lãng mạn.
Trong cuốn sách Di sản văn học lãng mạn – Những cách đọc khác, bạn đọc có thể hình dung rõ tầm ảnh hưởng của trào lưu lãng mạn trong nền văn học thế giới.
Ngoài ra, bạn đọc cũng có thể khám phá các chủ đề chính của văn học lãng mạn chưa được quan tâm nhiều ở Việt Nam như Chủ nghĩa tự do, Thiên nhiên, Sự quyến rũ của cái ngoại lai (exotic), Siêu nhiên để làm nổi bật những đóng góp của văn học lãng mạn cho những giai đoạn văn học sau này, đặc biệt là văn học hiện đại.
Có một thực tế là văn học lãng mạn dường như ở ta bị lãng quên trong khi trên thế giới nó vẫn được nghiên cứu rất nghiêm túc, toàn diện. Thậm chí có nhiều tác phẩm lãng mạn được khám phá lại trong trường ảnh hưởng của lý thuyết mới.
Ngoài ra, Di sản văn học lãng mạn – Những cách đọc khác sẽ đưa độc giả tiếp xúc với những cách đọc và lý giải rất khác biệt về trào lưu văn học lãng mạn nói chung và một số tác phẩm lãng mạn kinh điển nói riêng.
Đó là những cách đọc từ nền tảng triết học, từ góc độ xã hội học hoặc tiếp nhận so sánh văn học với một chủ đề, cùng những cách nhìn mới về những hiện tượng văn chương lãng mạn vang bóng một thời.
Nguồn: Zing.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài