Trong tháng 8 này, khán giả Hà Nội sẽ được thưởng thức một tháng kịch đặc biệt, bao gồm những vở kịch đỉnh cao của năm Nhà hát đình đám nhất ở Hà Nội, tại không gian Nhà hát Lớn, “thánh đường” dành cho nghệ thuật.

11 vở diễn của năm Nhà hát kịch, bao gồm “Vòng phấn Kavkaz”, “Ai là thủ phạm”, “Công lý không gục ngã” của Nhà hát Tuổi trẻ, “Cát bụi”, “Điện thoại di động”, ‘Bỉ vỏ” của Nhà hát kịch Hà Nội, “Kiều”, “Lão hà tiện” của Nhà hát kịch Việt Nam, “Bão của hoàng hôn”, “ Quyết đấu giữa sương mù” của Đoàn kịch nói Công an Nhân dân, và “Dưới cát là nước” của Nhà hát kịch nói Quân đội.

Đây là các vở diễn được dàn dựng dưới bàn tay của nhiều đạo diễn nổi tiếng và có bề dày kinh nghiệm, như NSND Lê Hùng, NSƯT Chí Trung, đạo diễn người Đức Dominik Gunther, NSND Doãn Hoàng Giang, NSND Xuân Huyền, NSND Hoàng Dũng, NSND Anh Tú, NSND Tuấn Hải…

Tháng kịch nói “Những vở kịch còn mãi với thời gian” nằm trong chương trình biểu diễn nghệ thuật đỉnh cao tại Nhà hát Lớn năm 2017. Bà Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn cho biết, năm 2016, có 14 vở diễn kinh điển được trình diễn trong không gian Nhà hát Lớn, còn trong tháng 5 năm nay, các vở diễn nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, ca kịch… đã thu hút được số lượng khán giả đông đảo hơn.

Ông Đào Đăng Hoàn, Cục phó Cục Nghệ thuật biểu diễn cho biết, chương trình này theo định hướng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhằm thúc đẩy sự trở lại của nghệ thuật sân khấu. Tính đến nay, các tác phẩm tốt nếu không được đầu tư thì cũng sẽ hết. Các tác giả viết kịch cũng không nhiều. Chương trình hướng đến các Nhà hát trong cả nước có vở tốt, được khán giả đón nhận và yêu mến. Ông Đào Đăng Hoàn cũng cho biết, đây chỉ là một sự khởi đầu, sẽ có những chương trình nối dài với các vở diễn chất lượng cao, đồng thời khôi phục những vở kịch từng vang bóng một thời trước đây.

Vở “Dưới cát là nước” của Nhà hát kịch Quân đội.

Đối với các nghệ sĩ, việc được biểu diễn trong không gian Nhà hát Lớn là một trải nghiệm mà ai cũng cảm thấy phấn khích. NSƯT Chí Trung, Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ chia sẻ: “Chúng tôi đã từng diễn rất nhiều ở Nhà hát của mình rồi, nhưng mỗi lần đứng dưới mái vòm Nhà hát Lớn, ngắm những khung cửa đã đi qua hơn trăm năm, các diễn viên lại thấy thăng hoa hơn, cảm xúc dâng tràn. Diễn viên diễn hay hơn, thăng hoa hơn bởi vì chúng tôi tập trung toàn bộ tinh túy của mình vào diễn xuất”. Chị Ngọc Thư, Giám đốc Nhà hát Quân đội cũng chung cảm xúc này: “Đối với diễn viên chúng tôi, nếu các vở kịch là tập trung tới 90% trí lực, thì ở Nhà hát Lớn này phải lên đến 98%. Diễn ở Nhà hát Lớn cảm xúc nghệ thuật được đẩy lên rất cao. Cho nên mục tiêu hàng đầu của chúng tôi khi diễn ở đây không phải là để thu tiền về, mà để quảng bá, giới thiệu nghệ thuật kịch nói đến với công chúng, để thu hút công chúng trở lại với chúng tôi”.

Các vở kịch được lựa chọn trên tiêu chí gắn bó với công chúng, cho nên có cả những vở khá mới, vừa được dàn dựng cũng có mặt trong chương trình, như “Kiều”, “Dưới cát là nước”. NSƯT Nguyễn Hải (Đoàn kịch nói Công an Nhân dân) cho biết, hai vở “Bão của hoàng hôn” và “Quyết đấu giữa sương mù” đều liên quan đến đề tài tham nhũng, và các nghệ sĩ mong muốn điều này sẽ thu hút sự quan tâm của khán giả. Các vở diễn cũ, nhưng được thể hiện với một thế hệ diễn viên mới, chất lượng nghệ thuật được nâng cao hơn, và giá trị vở diễn không thay đổi.

Hiện nay, sân khấu kịch nói cũng như sân khấu nói chung đang rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn. Chương trình là một trong những mong mỏi để vực dậy sân khấu kịch nói hiện nay, như lời nghệ sĩ Xuân Bắc, Phó Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam chia sẻ: “Hiện nay các nhà hát phải dựa vào nhau và trở thành một thể thống nhất, cùng nhau vực dậy sân khấu kịch, gây dựng một sức mạnh của nghệ thuật kịch, của sân khấu”.

Nguồn Báo Nhân Dân ĐT
 Dương Thanh Minh đăng bài
Exit mobile version