TUỆ MINH
Dường như với nhiều người, tháng Chạp đến là lúc chuẩn bị gói ghém năm cũ, chuẩn bị cho năm mới đến. Với những người đi xa, tháng Chạp cũng là lúc khép lại một vòng quay mà điểm kết thúc cũng là điểm khởi đầu: là Tết, là về quê. |
Hầu như mỗi chúng ta, ai cũng ra đi từ một ngôi làng nào đó. Dù có thể là mới chân ướt chân ráo rời đi thôi, cũng có thể đã rời đi từ nhiều đời trước. Nhưng, chúng ta đã đi bao lâu, bao xa và chúng ta có trở về được nữa, có khao khát trở về? Tháng Chạp đất trời mông lung một màu sương khói, là lúc trăm nẻo ký ức đều hướng tới quê nhà, trở lại những tháng ngày xưa cũ, về chốn đồng quê. Mà thực ra không chỉ có tết mà những tháng năm tất bật, có lúc nào người xa quê thôi không thao thức nhớ quê? Mới đây, tôi có dịp xem vở sân khấu thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” mà người ta bỏ công dàn dựng cũng để nhằm tôn vinh vẻ đẹp của nông thôn xứ Bắc. Bỏ qua những tranh cãi về bản quyền cũng như chất lượng vở diễn, những “thực cảnh” do chính người nông dân trình diễn tại sân khấu đó đã khiến người xem xúc động. Có lẽ đối với nhiều người Việt, nỗi ngạc nhiên và xúc động không chỉ vì lần đầu tiên được thưởng thức một chương trình nghệ thuật “thực cảnh” – với “sân khấu” là những “mảnh ruộng” lấp xấp nước, hình ảnh phông nền là cảnh trí quen thuộc như bờ ao, rặng cây, làng mạc, núi non và cánh đồng. Ngạc nhiên và xúc động, là vì những cảnh ấy, người ấy, tưởng rất đỗi bình thường, quen thuộc nhưng khi lên sân khấu mới thấy lung linh và quý giá. Ngồi giữa rất đông khán giả có đủ khách nước ngoài lẫn người Việt, tôi từng chứng kiến tất cả ồ lên thích thú khi thấy một đàn vịt đâu đó sau rặng tre chạy lạch bạch ra đồng. Nhiều tiếng xuýt xoa khi trong màn khói sương bảng lảng hiện ra một mái đình, rồi một con ngõ, bóng người thấp thoáng cấy cày, quăng chài, kéo lưới. Trong một nếp nhà lấp ló ngọn đèn dầu, tiếng ru ầu ơ cất lên man mác. Con đường làng quanh co nhỏ bé trong làn khói bếp hoàng hôn, từng đoàn gồng gánh chở những chiếc đèn đó mờ ảo xa dần hay đàn chuồn chuồn chao trên mặt nước… Rồi những đoàn sĩ tử lều chõng trảy kinh, tiếng guốc mộc gõ lách cách sân đình, đoàn trẻ em rồng rắn hát một điệu đồng dao, đến những đền chùa, miếu phủ, rồi những hoạt cảnh rối nước, ca trù, chầu văn… mới chợt trầm trồ xuýt xoa, đồng quê với những con người lao động lam lũ mà sao đẹp đến thế, nên thơ bình yên và cũng “giàu sang” đến thế. Những hình ảnh lướt qua như những thước phim nhanh nhưng thật sự chạm vào ký ức và trái tim của người xem. Nhưng, trở về thực tại, đó chỉ là những “hoạt cảnh” trong một vở diễn. Hàng trăm năm đã trôi qua, nhiều thứ đã mờ xa không còn dấu vết. Nông thôn bây giờ không chỉ đã thay đổi hình hài mà còn thay cả nếp sống, cả tinh thần và dường như, đã mất đi những nền tảng. Nhớ có lần nghe ông Nguyễn Sự, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói đại ý rằng, trong nhiều dự án đầu tư phát triển thành phố, ông luôn cố gắng giữ lại những mảnh ruộng. Một mảnh ruộng thôi nhưng đó là cả một nếp làng, là “hồn quê” cần giữ. Không nói thì ai cũng biết, ở hàng nghìn làng quê bây giờ, những cánh đồng đang dần thay bằng chung cư, nhà máy, khách sạn, resort. Những con ngõ lát gạch nên thơ với bờ rào xanh mướt đã thay bằng đường bê-tông, hàng rào cũng bê-tông kiên cố. Dù có giữ được vài mảnh ruộng, thì mảnh hồn quê cũng đã nhiều tản mát. Cảnh sắc thì có thể thay đổi nhưng “tinh hoa” là thứ phải được chưng cất, kết tinh từ nghìn đời. “Tinh hoa Bắc Bộ” – vẻ đẹp nên thơ ấy, thấm đẫm triết lý đời sống, kết tinh của mọi buồn vui hạnh ngộ ấy, thực sự còn đâu đó hay không? Xem “Tinh hoa Bắc Bộ” để chỉ thấy lòng mình thêm nỗi niềm “thương nhớ đồng quê”. Tháng Chạp về, năm hết, người đi xa quê mong chờ mỗi dịp Tết để về quê nhưng làng quê dường như ngày càng xa mãi… Nguồn: Nhandan.com.vn Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |