Hà Trang
Hà Nội dù ngổn ngang và bề bộn, nhưng vẫn đẹp duyên dáng trong từng nét văn hoá lâu đời.
Khi những cơn gió đã se lành lại và nắng cũng nhu mì đi, “Có phải em mùa thu Hà Nội” lại vang lên trong những quán café để gợi nhắc người ta về tình yêu với mảnh đất này. Có ai đã nói, Hà Nội chỉ đẹp trong tiết xuân thì và lập thu. Nhưng Băng Sơn thì ngược lại. Với Thú ăn chơi người Hà Nội, ông đi sâu vào từng ngõ ngách văn hoá của người dân nơi đây để thấy yêu thủ đô trong từng ngày ông sống.
Nói đến Hà Nội thì phải nói đến ăn uống. Người Tràng An có một gu ẩm thực rất riêng, đạm bạc giản đơn nhưng tinh tế chi tiết. Điển hình như “Canh sấu mùa hè.”
Ai xa quê mà không nhớ canh rau muống. Nước luộc thanh thanh, vắt thêm chút chanh hay dầm thêm vài quả sấu là có một bát canh chua giải nhiệt mùa hè. “Hà Nội ăn rau muống quanh năm, nhưng có lẽ chỉ mùa này, quả sấu đầu mùa mới làm món nước rau luộc ngon đến thế, không kể sợi rau xanh rờn còn được chấm vào bát nước mắm dầm sấu, có cùi sấu màu vàng nhạt pha màu xanh nhạt cùng vị chua không gắt như chanh như giấm.”
Bàn tay thiếu nữ Hà thành khéo léo làm được đủ món cơm lành canh ngọt, từ cá kho tộ đến thịt đông ngày Tết. Nhưng khoan nói đến những cao lương mỹ vị hay những món tỉ mỉ công phu, trong cái tiết trời gắt gỏng của mùa hoa đỏ, “bát canh sấu ngọt mà thanh, chua mà dịu, trong vắt vẫn đậm đà” như cứu tinh cho một ngày lao động ướt đẫm mồ hôi. Người ta uống canh sấu không chỉ để sảng khoái ngay trong một trưa hè oi bức, mà còn để nhớ lâu hơn một thức quà đặc trưng Hà Nội khi mùa về.
Nếu như tập đầu của Thú ăn chơi người Hà Nội tập trung vào văn hoá ẩm thực với cốm Vòng, bún chả hay bánh tôm Hồ Tây, thì trong tập hai nhà văn nói về văn hoá tinh thần của người thủ đô sành điệu. Có thể nói Băng Sơn có một niềm yêu thích đặc biệt với Tết, bởi ông tỉ mẩn bóc tách từng lớp phong tục đầu xuân của kinh thành Thăng Long rồi trầm trồ trước nét thanh lịch rất duyên trong từng tập quán.
Ngày ba mươi Tết không thể thiếu “Hương mùi già.” Ngày nay, người ta ỷ lại vào đủ loại dầu gội sẵn có nên thế hệ trẻ có lẽ ít người biết đến tục tắm tất niên. Cây rau mùi thường ngày được nêm vào món ăn như một thứ gia vị, bởi vậy xuất hiện trong những phở, những bún, hay cả những “đĩa rau sống cho bún riêu, chả cá, canh dưa, bát măng hầm, bát bóng thả, đĩa có hình bầu dục bầy con cá bỏ lò…” Đến độ tháng Chạp, cây mùi ra hoa và biến thành mùi già.
Người xưa tin rằng tắm nước mùi già vào chiều cuối năm sẽ dội bỏ đi những muộn phiền và vướng bận năm cũ, để con người sẵn sàng bước vào năm mới với một cơ thể khoẻ mạnh và tâm trí khoáng đạt hơn. “Hương thơm của lá mùi già không bao giờ làm ai khó chịu, hắt hơi, dù đứng sát ngay bên cạnh. Nó cứ như có như không, nó mơ hồ lãng đãng như sương bạc… Nhưng nó thơm, chính hương thơm này mới là Tết…”
Gần 600 trang sách chia làm hai quyển, Thú ăn chơi người Hà Nội là một cuộc du hành đến mọi đường to ngõ nhỏ của kinh thành Thăng Long, mà đi đến đâu cũng thấy văn hoá ngàn năm nơi này thật đẹp. Hẳn nhà văn Băng Sơn phải có một tình yêu tha thiết với Hà Nội lắm mới có thể nhìn ra cái đẹp trong từng chi tiết, từ gia vị ngày Tết đến bát nước chấm thường nhật, đến cả cái thú chơi hoa hay chuyện giày dép của cô thiếu nữ. Giữa một xã hội xô bồ với còi xe inh ỏi và những đề án gây xôn xao không dứt, Thú ăn chơi người Hà Nội như một nốt nhạc trầm, để nhắc ta về một tình yêu với Hà Nội đậm đặc văn hoá.
Nguồn: Zing.vn
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài