Phạm Văn Phường
Khi màn cuối trong vở ba-lê Mối tình thành cổ khép lại trên sân khấu Nhà hát Lớn (Hà Nội), nhiều khán giả đã đứng lên vỗ tay không ngớt bởi những cảm xúc dâng trào. Một vở ba-lê về đề tài lịch sử, song lại hấp dẫn khi chuyển tải được nội dung từ những cách nhìn mới về quá khứ mà vẫn mang tính thời sự đương đại. |
Vở ba-lê Mối tình thành cổ là dự án hợp tác giữa Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội do biên đạo múa người Pháp Béc-tơ-răng Đát (Bertrand d’At) dàn dựng, NSND Phạm Anh Phương, Giám đốc Nhà hát chỉ đạo nghệ thuật. Vở diễn dựa trên truyền thuyết An Dương Vương xây thành Cổ Loa, trong đó nổi bật và xuyên suốt là mối tình đầy bi kịch Mỵ Châu – Trọng Thủy. Theo NSND Phạm Anh Phương, dự án hợp tác dựng vở đã có từ năm 2010 nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Vở diễn được thực hiện bằng kinh phí ngân sách dành cho các hoạt động hằng năm của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam từ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; là một trong những vở mang tính hàn lâm có chất lượng nghệ thuật cao của Nhà hát thời gian qua. Từ cách nhìn nhận của thời hiện đại, nhất là của một biên đạo múa đến từ nước Pháp, vở diễn soi chiếu về quá khứ lịch sử, khai thác câu chuyện tình đầy bi tráng của thời dựng nước Âu Lạc. Mối tình Mỵ Châu – Trọng Thủy được ngôn ngữ ba-lê nâng cánh bay bổng, đầy lãng mạn và mộng mơ, lay động những cảm xúc và khơi dậy lòng nhân ái, bao dung như một thuộc tính ngàn đời của dân tộc Việt.
Với màn mở đầu và chín cảnh diễn nối tiếp mang nội dung quen thuộc của truyền thuyết, vở diễn đã làm nổi bật một tình yêu đã vượt qua những âm mưu, toan tính, vượt qua thời gian để còn mãi trong câu chuyện huyền sử truyền qua bao thế hệ người Việt, nhắc nhở đừng bao giờ để lặp lại bi kịch, đừng bao giờ để “trái tim lầm chỗ để lên đầu” như nàng Mỵ Châu tội nghiệp và nạn nhân của những âm mưu, thủ đoạn chính trị và tham vọng như Trọng Thủy, để rồi ngàn năm qua vẫn phải biến mình thành nguồn nước trong lành nơi đáy giếng, trau chuốt cho tấm lòng và tình yêu trong sáng của người con gái đất Việt. Màn cuối, kết lại bi kịch là khúc nguyện cầu của Trọng Thủy trong nỗi cô đơn, tuyệt vọng và dằn vặt về một tình yêu trong sáng đã tự mình đánh mất bởi những âm mưu. Thông điệp cuối cùng chuyển tải qua hình ảnh viên ngọc đẫm mầu huyết lệ, lung linh tỏa sáng, thể hiện sự vĩnh cửu của tình yêu và niềm tin vào hòa bình sẽ mang lại những điều tốt đẹp. Về mặt nghệ thuật, vở ba-lê Mối tình thành cổ là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa việc sử dụng các hình thức thể hiện của múa ba-lê cổ điển với múa dân gian truyền thống Việt Nam và múa đương đại; tạo nên phong cách riêng bằng ngôn ngữ múa. Các động tác vũ điệu không chỉ đơn thuần mang tính đặc trưng của ba-lê cổ điển mà đã được mềm hóa, gần gũi với các động tác múa uyển chuyển mang tính Á Đông, phù hợp câu chuyện truyền thuyết. Bối cảnh sân khấu được dàn dựng mới lạ, hình ảnh 3D hỗ trợ góp phần làm cho vở diễn thêm phần sang trọng với các hình ảnh minh họa, tạo nhiều ấn tượng và giúp người xem dễ tiếp nhận. Sau khi vở ba-lê Mối tình thành cổ được biểu diễn vừa qua tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhiều khán giả Việt Nam và nước ngoài đến thưởng thức đã đánh giá rất cao vở diễn bởi giá trị nghệ thuật và tính tư tưởng. Vở ba-lê đã cho thấy những nỗ lực và sức lao động nghệ thuật của tập thể dàn dựng và các nghệ sĩ diễn xuất của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, trong đó nổi bật có diễn xuất của các nghệ sĩ Thu Hằng (vai Mỵ Châu), NSƯT Phan Lương (vai Trọng Thủy), NSƯT Cao Chí Thành (vai An Dương Vương), NSƯT Đàm Hàn Giang (vai Triệu Đà), cùng các nghệ sĩ Thọ Dương, Minh Trang, Thu Hòa… Biên đạo múa người Pháp Béc-tơ-răng Đát đã góp phần quan trọng mang tính quyết định vào thành công của vở diễn khi mang vào những kỹ thuật mới của ba-lê châu Âu, tạo ra luồng gió sáng tạo mới, thúc đẩy các xu hướng tìm tòi, kết hợp giữa nghệ thuật phương Đông và phương Tây, giữa hiện đại và truyền thống cho sân khấu ba-lê Việt Nam, thôi thúc các nghệ sĩ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam tiếp tục có thêm những vở diễn mới đặc sắc phục vụ người xem. Nguồn: Báo Nhân Dâm Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |