Nhà thơ Nguyễn Hữu Quý

Các đại biểu thảo luận về những vấn đề thời sự của thơ ca Việt Nam đương đại. Ảnh: XUÂN TUYỀN

Trong khuôn khổ chuỗi hoạt động Ngày Thơ Việt Nam lần thứ 16, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Thơ và những vấn đề của thơ đương đại”. Chúng tôi xin trích giới thiệu tham luận của nhà thơ Nguyễn Hữu Quý về vấn đề đang rất được giới học thuật và công chúng yêu thơ quan tâm hiện nay, đó là thơ cách tân và những bài học đổi mới thi ca.

Thơ đang chuyển động hay đứng im?

Sự chuyển động thi ca Việt sau năm 1975 nên nhìn ở cả hai mặt nội dung và hình thức. Cùng với sự biến động lớn của xã hội, nhất là hình thức kinh tế thị trường gắn với quá trình đô thị hóa nhanh chóng trong bối cảnh hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa ngày càng sâu sắc chứa đựng muôn vàn ảnh hưởng và hệ lụy, sự giao lưu văn hóa mở rộng từ vùng miền đến khu vực và thế giới đã có những tác động đáng kể đến thơ ca. Những cách tân của thơ sau năm 1975 vừa do yêu cầu nội tại (của người sáng tác và của xã hội), vừa chịu ảnh hưởng từ các trào lưu, luận thuyết thơ có nguồn gốc từ nước ngoài. Vế sau mới là cái chủ yếu. Phong trào Thơ mới 1930 – 1945 là một thí dụ điển hình. Một số trào lưu, luận thuyết thơ chủ yếu từ phương tây du nhập vào Việt Nam đã tạo cảm hứng, ý tưởng, hành vi thay đổi thơ truyền thống. Quá trình tiếp nhận, thực hành ấy không suôn sẻ mấy nếu không muốn nói là trắc trở vì nhiều yếu tố ngoại lai không phù hợp với tâm lý, thói quen cảm thụ thơ của đông đảo người Việt. Cái được gọi là đặc điểm “duy tình” của người Việt bấy lâu nay làm cho người ta yêu thích những bài thơ chứa chan tình cảm hơn là những thi phẩm triết luận, ngẫm suy. Tuy nhiên, văn học nói chung và thơ nói riêng luôn cần phải được bổ sung, bồi đắp. Thơ “duy tình” và thơ “duy lý” đang cùng tồn tại bình đẳng trên thi đàn Việt chứng minh cho sự chuyển động đáng trân trọng của thi ca Việt Nam hiện nay. Nhờ đó mà nền thơ Việt có được sự đa dạng, phong phú, muôn màu, muôn sắc như bây giờ.

Trong sự đổi mới của thơ nước ta hiện nay cần phải ghi nhận đóng góp của thơ cách tân, kể cả nội dung và hình thức, đặc biệt là hình thức. Tuy rằng, thơ cách tân đang gặp những trở ngại đáng kể từ phía một bộ phận không nhỏ người viết, người đọc nhưng phải thừa nhận đã có đóng góp cho việc đổi mới hình thức thơ ở Việt Nam trong mấy năm qua.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, hình như kiểu thơ được gán tên hiện đại, hậu hiện đại ấy chưa vượt trội lên được xu hướng thơ truyền thống, lại càng chưa tạo ra được một cuộc “cách mạng thi ca” như kỳ vọng của một số người.

Nhiều tác phẩm văn học xuất sắc của thế giới, trong đó có thơ, khi vào Việt Nam đã được đón nhận nhiệt tình và có sức sống bền lâu trong lòng nhân dân ta. Ðương nhiên sự tiếp thu, tiếp nhận xưa nay đều có sàng lọc và ở mức độ nào đó cũng phải được “Việt hóa” mới có cơ hội tồn tại, phát triển trong dòng chảy văn hóa bản địa. Truyền thống văn hóa nói chung và văn học nói riêng nhìn tổng thể như là “cơ địa” của dân tộc, nó chỉ tiếp nhận những thực thể ngoại lai phù hợp và ngược lại, sẽ kháng chọi, đào thải những cái lạ không thể dung hòa. Ðấy chính là bài học đổi mới thơ, không thể tiếp nhận tất cả, càng không được đoạn tuyệt, quay lưng với truyền thống vốn là nền tảng tạo nên “chất” thơ Việt hằng nghìn, hằng trăm năm nay.

Niềm tin vào sự chuyển động của thơ Việt thời hậu chiến chưa hề mất đi, nhưng không phải từ những tuyên ngôn cao giọng đó đây, càng không phải từ các “thể nghiệm” dung tục, bôi đen, ám chỉ thô thiển… Những nét mới đích thực của thơ từ hàm lượng sáng tạo chứa trong đó, sự tươi mới của thi ca cần thanh cao, tinh tế; càng hiện đại, càng truyền thống, bám riết truyền thống, khơi sâu truyền thống sẽ gặp gỡ nhân loại mà không đánh mất tấm chứng minh thư dân tộc mình.

Thơ cách tân, hành trình đang dang dở…

Những người sáng tác thơ theo xu hướng cách tân hình như đang cố chứng minh thơ hiện đại, hậu hiện đại là sự lựa chọn tất yếu cho đổi mới thơ Việt hiện nay. Theo họ, dạng thơ rõ ràng, dễ hiểu, du dương xưa nay không còn hợp thời nữa. Ðã có những phát ngôn đó đây trên các diễn đàn văn nghệ cổ xúy cho thơ hiện đại, hậu hiện đại, xem nó như là giải pháp cho sự phát triển của thơ Việt. Những phát ngôn kiểu này thường hay khoác cho các nhà thơ cách tân bộ cánh lộng lẫy: Các nhà thơ cách tân đã kết hợp hài hòa giữa cái “tôi” trong thơ mới, tính “đại tự sự” trong thơ thời chiến với tâm thức mở nhiều chiều của đời sống văn minh hiện đại. Sự kết hợp ấy được đẩy xa một khoảng cách bằng những ẩn giác, trực giác, mê sảng…, bằng những mô đun, lát cắt, biểu tượng… để bạn đọc bình tĩnh minh định nó trong một thế giới thơ mới lạ. Các nhà thơ theo khuynh hướng này đã kết hợp được những tinh hoa của các trào lưu thơ ca phương Tây với những quan niệm về tâm linh trong văn hóa phương Ðông từ cổ đại đến hiện đại, nhằm tạo nên những diện mạo thơ độc đáo, đa dạng và khác biệt ngay cả với những bạn viết cùng thế hệ (nhà thơ Mai Văn Phấn).

Thiết nghĩ, nếu các nhà thơ cách tân ở nước ta làm được những điều như vậy thì có lẽ đã tạo ra được một cuộc “cách mạng thi ca” như Thơ mới của thế kỷ trước.

Theo tôi, điểm chung nhất mà các nhà thơ cách tân ở nước ta muốn hướng tới là một trật tự thơ mới. Trong thơ của họ thường xuất hiện những hình ảnh rời rạc, những kết hợp không thông thường, những cấu trúc lỏng lẻo, những thủ thuật cắt dán, những chồng lấn, những tập mờ. Biểu hiện của vô thức, của những giấc mơ hay ảo giác mung lung cũng là cái hay gặp trong thơ cách tân; yếu tố siêu thực như là một đặc điểm nổi bật.

Ở một khía cạnh khác, không phải lúc nào các nhà cách tân thơ cũng thờ ơ với cái thực. Tuy nhiên, không hiểu một số nhà cách tân thơ quan niệm về cái mới trong thơ ra sao mà lại đưa hiện thực vào thơ kiểu thấy gì nói nấy, nghĩ gì viết nấy. Không ai khác, chính Chế Lan Viên từ lâu đã cảnh báo việc đưa vốn sống vào thơ thế nào cho đúng: Vốn sống của người viết văn và người làm thơ phải ngang nhau, nhưng cách làm phải khác nhau. Giống như cùng một thứ nếp cho ta rượu và bánh chưng. Thơ cần phải tinh. Tinh trong hình ảnh, ngôn ngữ. Ðó là yêu cầu bất di bất dịch của sáng tác thơ; xưa đã thế, nay cũng thế.

Thơ Việt Nam sau năm 1975 vẫn đang chuyển động như một yêu cầu không thể thiếu của cuộc sống với sự đa dạng, phong phú hơn rất nhiều về nội dung và hình thức so với thời kháng chiến. Ðiều đó không có gì lạ khi quá trình hội nhập, toàn cầu hóa là một xu hướng tất yếu của nhân loại hiện nay. Văn hóa nói chung, văn học nói riêng cũng nằm trong tiến trình đó, nghĩa là đang chịu ảnh hưởng của những yếu tố ngoại lai. Cả mặt tích cực và tiêu cực đều có thể tác động sâu sắc tới nền văn học nước nhà, trong đó có thơ ca.

Chúng ta đã được chứng kiến sự chuyển động của thơ Việt trong những thập kỷ sau chiến tranh. Theo tôi, dòng chảy chủ đạo của thi ca Việt hiện nay vẫn là thơ truyền thống đang được đổi mới. Nhưng bất cứ sự đổi mới nào thì trước hết cũng phải hướng tới nhân dân và dân tộc mình. Thơ cũng thế. Ðừng bao giờ để nhân dân hờ hững, chối bỏ thi ca. Hạnh phúc của nhà thơ là được nhân dân đón nhận tác phẩm một cách nhiệt thành. Ðể có được hạnh phúc đó, các nhà thơ vẫn phải trả lời hai câu hỏi: “Viết cái gì?” và “Viết như thế nào?” đã có từ lâu nhưng chưa hề cũ.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version