1. Mấy nét phác họa thị trường mỹ thuật ở Huế


Thị trường mỹ thuật ở Huế hình thành có vẻ muộn hơn một chút so với Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh, nhưng cũng không kém phần sôi động.

Khoảng từ năm 1990, hoạt động triển lãm và mua bán tranh ở Huế bắt đầu diễn ra khá nhộn nhịp dưới nhiều hình thức khác nhau. Đủ loại gallery và phòng tranh kinh doanh mỹ thuật tiếp nối nhau xuất hiện. Các cuộc triển lãm mỹ thuật chung, riêng thường xuyên được tổ chức không chỉ ở Huế mà còn vươn ra Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và nhiều nước trên thế giới như Pháp, Anh, Mỹ, Đức, Đan Mạch, Hong Kong, Singapore,… Khá nhiều tác giả tổ chức triển lãm cá nhân, triển lãm nhóm và họ đã được các nhà sưu tập mỹ thuật trong và ngoài nước để mắt tới.

Một số họa sĩ ở Huế đứng ra mở gallery hoặc phòng tranh nhằm tìm cơ hội bán tranh của mình, có thể gọi là mô hình “gallery (của) họa sĩ”. Chủ nhân của phần lớn các “gallery họa sĩ” này là các họa sĩ tự do, coi việc vẽ tranh và bán tranh là một nghề kiếm sống. Ở một khía cạnh nào đó, những mô hình “gallery họa sĩ” tạo được lòng tin với người mua tranh vì họ cảm thấy đã mua được tranh “thật” do chính tác giả sáng tác. Người mua có cơ hội trực tiếp trao đổi với tác giả để biết về ý tưởng sáng tác và dễ dàng thương lượng giá cả với tác giả nên việc mua bán thuận lợi hơn.

Hoạt động bán tranh có vẻ chuyên nghiệp và xuất hiện khá sớm là nhóm các họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng, Hà Văn Chước, Lê Văn Ba, Trần Thanh Bình, Đỗ Kỳ Huy và Võ Việt Dũng. Năm 1988, những họa sĩ này đã tập hợp nhau thuê mặt bằng thành lập “xưởng sơn mài” vừa để phục chế sơn son thếp vàng các công trình di tích Huế, vừa vẽ tranh sơn mài bán cho khách du lịch nước ngoài. Trong khoảng 10 năm kể từ năm 1988, nhóm họa sĩ này đã rất thành công trong hoạt động khép kín sáng tác – trưng bày – bán tranhcủa mình.

Café tranh Dama.try Gallery của họa sĩ Đặng Mậu Triết
Gallery Chiêu Ê của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận
Triển lãm tại Tạp chí Sông Hương

Mô hình “gallery họa sĩ” xuất hiện sớm nhất có lẽ làGallery Lê Quý Long của họa sĩ Lê Quý Long. Năm 1993 anh đã tiên phong mở gallery của mình tại Morin, năm 1997 chuyển về số 1 Lý Thường Kiệt và duy trì đến năm 2005 mới ngưng hoạt động. Tiếp đến là gallery của họa sĩ Ngô Tâm, năm 1998 anh thuê lại mặt bằng của phòng tranh ở Tả Vu, Đại Nội Huế, đến năm 2005 họa sĩ Ngô Tâm chuyển về mở gallery tại nhà riêng ở 173 Nhật Lệ. Phòng tranh ở Tả Vu, Đại Nội sau đó được hai vợ chồng họa sĩ Hoàng Thanh Phong và Nguyễn Thị Huệ tiếp quản đổi tên thành Gallery GaKKA hoạt động từ năm 2006 đến nay. Tuy có chậm hơn một chút nhưng lại hoạt động khá bền là Gallery New Space của hai anh em họa sĩ song sinh Lê Ngọc Thanh và Lê Đức Hải (28 Phạm Ngũ Lão và 4 Nguyễn Tri Phương) hoạt động liên tục từ năm 1999 đến nay. Sau năm 2000 trở đi, mặc dù thị trường mỹ thuật ở Huế đã có dấu hiệu chững lại nhưng một số gallery vẫn nối tiếp xuất hiện. Gallery Sẩm của họa sĩ Trương Thiện tại 12 Phạm Ngũ Lão hoạt động từ năm 2001 đến 2003; Gallery của họa sĩ Dương Đình Sang tại số 2 Phạm Ngũ Lão hoạt động trong khoảng 3 năm từ năm 2002 đến 2004; Gallery Son của hai họa sĩ Võ Xuân Huy và Võ Việt Dũng tại số 1 Chu Văn An chuyên bày tranh sơn mài của hai họa sĩ, khai trương năm 2001 nhưng chỉ sau hơn 1 năm đành phải dừng hoạt động vì mặt bằng chuyển sang công năng khác, họa sĩ Võ Xuân Huy quay về xưởng vẽ của mình ở đường Trần Quang Khải được thuê làm xưởng từ năm 1998, năm 2012 lại chuyển về 49 đường Tam Thai. Năm 2002, họa sĩ Phạm Quang Trinh chính thức thuê mặt bằng tại 24 Phạm Ngũ Lão để mở Gallery Du Ca, đến nay vẫn hoạt động cầm chừng.

Song song với các “gallery họa sĩ” kinh doanh thực thụ là các “họa thất” do một số tác giả lập xưởng vẽ kết hợp trưng bày tranh ở nhà riêng. Mô hình “họa thất” này không mang tính chất kinh doanh mỹ thuật chính thức, chủ yếu bán tranh cho khách quen hoặc thông qua môi giới. Các “họa thất” này cũng mỗi nơi mỗi vẻ, có nơi thì chỉ đơn thuần là phòng treo tranh gia đình, có nơi giống như một xưởng vẽ, có nơi kết hợp bán thêm café. Do đó, tên gọi cũng đủ kiểu, có tác giả tự đặt là “gallery”, có họa sĩ thì gọi là “phòng tranh”, cũng có người lại gọi là “họa thất” hay “xưởng vẽ”, “xưởng họa”, “studio”, v.v. Cách hoạt động cũng không ai giống ai, có họa thất hầu như treo tranh cố định của chủ nhân, cũng có nơi thỉnh thoảng lại tụ tập tổ chức triển lãm nhân một sự kiện nào đó. Trừ một vài gallery có biển tên rõ ràng như Gallery Chiêu Ê của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận (89 đường Minh Mạng), Không gian Art – Café Sông Như của họa sĩ Đặng Mậu Tựu (14/7 Nguyễn Công Trứ), Studio Trương Bé (27A Trần Văn Kỷ), Wars Art Café của Nguyễn Văn Hè (27 Lê Ngô Cát), Then Cafe của họa sĩ Trần Tuấn (68 Lê Trung Đình), Gallery Nhất Quýcủa họa sĩ Nguyễn Văn Quý (10 Thái Phiên), Cà phê tranh Dama.try Gallery của họa sĩ Đặng Mậu Triết (42 Hải Triều). Nhiều họa thất hay phòng tranh khác hoàn toàn không đề biển hiệu như Phòng tranh của họa sĩ Nguyễn Thiện Đức (36 Phan Bội Châu), Phòng tranh của vợ chồng họa sĩ Tô Trần Bích Thúy và Nguyễn Thanh Hải (3/6 Vạn Xuân), Phòng tranh của vợ chồng họa sĩ Nguyễn Thị Quang Vinh và nhà điêu khắc Trần Ngọc Anh (64 Tuệ Tĩnh),… và một số họa thất như Họa thất của họa sĩ Phạm Đăng Trí (37 Phan Đăng Lưu), họa thất của hai cha con họa sĩ Đỗ Kỳ Hoàng và Đỗ Kỳ Huy (97 Bao Vinh), Họa thất của họa sĩ Dương Đình Sang (30/8 Lê Thánh Tôn),… Chưa kể nhiều tác giả khác tuy cũng bày tranh, mở xưởng vẽ ở nhà nhưng không tuyên bố công khai. Các Gallery – Phòng tranh – Họa thất này tuy không hoạt động theo kiểu kinh doanh nhưng các họa sĩ vẫn có các “kênh” riêng để quảng bá và bán tranh của mình thông qua website, mạng xã hội, người môi giới hay các khách “ruột” là các nhà buôn tranh và giám đốc gallery.

Sau năm 2000, mặc dù thị trường mỹ thuật đã không còn sôi động như trước nhưng một số gallery của một vài doanh nghiệp có quy mô khiêm tốn hơn như một phòng tranh thị trường vẫn tiếp tục xuất hiện như Gallery Ngôi Sao của ông Hồ Bá Liên tại 56 Lê Lợi (2000), Thuần Gallery của ông Phan Hồng Thuần tại 24 Chu Văn An (2006), Ngọc Diệp với Gallery Ngọc Diệp tại Hùng Vương, nay là Art Gallery Sonatatại Lương Thế Vinh (2007), Ta Gallery tại 44 Phạm Ngũ Lão của nhà thiết kế mỹ thuật Phan Quang Tân (2011). Hầu hết các gallery này đều mang tính chất kinh doanh mỹ thuật thực thụ, chủ yếu bán các loại tranh thị trường cho khách du lịch. Có gallery chỉ treo tranh của một vài tác giả mà chủ nhân thấy “ăn khách”, cũng có gallery treo tranh của nhiều tác giả, ai gửi tranh cũng được. Có gallery ngoài tranh mỹ thuật còn bán thêm một vài mặt hàng khác như đồ lưu niệm, hàng thủ công mỹ nghệ, và đôi khi có cả băng đĩa ca nhạc dân tộc, rồi thì mũ, nón,… nói chung là đủ các mặt hàng.

Bên cạnh các gallery do các họa sĩ điều hành, còn có các gallery được điều hành bởi những người “ngoại đạo” về mỹ thuật nhưng lại có đầu óc kinh doanh nghệ thuật. Khởi đầu là Gallery Liễu Quán (15 Lê Lợi) của Công ty phát triển nhà do ông Kỳ Sơn làm giám đốc liên kết với Hội Văn học Nghệ thuật Thừa Thiên Huế (VHNT TTH) thành lập tháng 8 năm 1991. Gallery này vừa trưng bày tranh, kết hợp với buôn bán đồ cổ và hoạt động khá thành công, bán được một số tranh (phần nhiều là tranh của hai họa sĩ Bửu Chỉ và Hoàng Đăng Nhuận).

Năm 1997, sau khi Gallery Liễu Quán ngừng hoạt động để trả lại mặt bằng cho Giáo hội Phật giáo Huế, Hội VHNT chính thức khai trương Gallery Huế do Phân hội Mỹ thuật điều hành, đặt tại trụ sở Hội VHNT 26 đường Lê Lợi. Gallery Huế của Hội hoạt động cầm chừng được 3 năm thì chấm dứt vì phải nhường chỗ cho các hội chuyên ngành làm văn phòng. Trong thời gian 3 năm, Gallery Huế chỉ bán được khoảng hơn chục bức tranh của một vài tác giả trong Phân hội Mỹ thuật.

Sớm hơn một chút là phòng tranh tại Tả Vu, Đại Nội Huế do ông Mai Khắc Ứng, một cán bộ của Trung tâm BTDTCĐ Huế đứng tên thuê khoảng từ năm 1990. (Năm 1998 phòng tranh này chuyển sang họa sĩ Ngô Tâm quản lý. Nay là Gallery GaKKA của Hoàng Thanh Phong và Nguyễn Thị Huệ). Năm 1993, ông Mai Khắc Ứng lại mở phòng tranh treo tranh của nhiều tác giả tại Morin (lúc đó chưa chuyển thành khách sạn Morin). Năm 1995, Bội Trân – một nữ doanh nghiệp ngoại đạo nhưng rất có “duyên” với mỹ thuật chính thức thành lập gallery tư nhân đầu tiên của Huế mang tên Gallery Bội Trân. Bắt đầu sưu tập mỹ thuật từ năm 1990, chỉ sau 5 năm, Bội Trân đã có một bộ sưu tập tranh khá đồ sộ của nhiều tác giả từ Bắc chí Nam, trong đó có nhiều tranh của những tên tuổi lớn của mỹ thuật Việt Nam. Gallery Bội Trânlúc đầu đặt tại nhà riêng của chị tại 15 Trần Hưng Đạo, năm 1998 Gallery Bội Trân mở thêm không gian trưng bày tại khách sạn Morin, kinh doanh cả tranh mỹ thuật và một số đồ cổ. Năm 2001, chị đầu tư tiếpGallery Minh Châu (mang tên con gái chị) đặt tại số 7 đường Lý Đạo Thành, Hà Nội. Năm 2002, sau khi con gái lấy chồng qua Mỹ sinh sống, chị đầu tư xây dựng tại đồi Thiên An một quần thể kiến trúc nhà rường Huế kết hợp với một vài công trình kiến trúc kiểu Pháp và chuyển toàn bộ tranh về đây trưng bày cho đến nay.

Tuy nhiên, khi thị trường mỹ thuật ở Huế có dấu hiệu “giảm nhiệt” theo sự “xuống dốc” của thị trường mỹ thuật Việt Nam, không ít gallery và phòng tranh ở Huế phải chấp nhận số phận “nhanh nở và chóng tàn”. Một số gallery chỉ tồn tại được nhiều thì vài ba năm, ít thì chỉ vài ba tháng rồi hoặc phải đóng cửa, hoặc tìm cách chuyển sang mô hình khác để tồn tại. Âu đó cũng là sự “sàng lọc” theo quy luật của thị trường. Chỉ những gallery thực sự chuyên nghiệp, có sức “đề kháng” tốt với mọi biến động của thị trường và phù hợp với “luật chơi” của thị trường mỹ thuật mới tồn tại.

Sự “đóng băng” quá sớm của thị trường mỹ thuật đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống mỹ thuật trong nước và Huế cũng không là một ngoại lệ.

2. Nguyên nhân “xuống dốc” của thị trường mỹ thuật Huế

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự “xuống dốc” của thị trường mỹ thuật Việt Nam, trong đó có thị trường mỹ thuật ở Huế. Ngoài những lý do chung như vấn nạn tranh chép, tranh nhái (còn gọi là tranh thật, tranh giả) mà dư luận đã nêu, sự “èo uột” của thị trường mỹ thuật Huế cũng có những lý do riêng của nó.

Nguyên nhân trước hết vẫn thuộc về chính đội ngũ tác giả. Mặc dầu nhìn toàn cục mỹ thuật Huế đã có những “đỉnh cao” nghệ thuật được ghi nhận bằng các giải thưởng mỹ thuật danh giá cả tầm quốc gia và quốc tế. Nhưng nếu xét nét hơn, có vẻ như các họa sĩ Huế vẫn thiếu sự “đột phá” trong sáng tác để đủ sức thu hút giới sưu tập và các nhà đầu tư mỹ thuật đến Huế? Không ít các họa sĩ ở Huế dường như chỉ mãi đi trên một con đường nghệ thuật quen thuộc mà không muốn rẽ lối để “làm mới” mình? Phải chăng vì vậy mà mỹ thuật Huế thiếu những trào lưu nghệ thuật mới? Có khá nhiều tác giả trẻ bộc lộ sự “cạn kiệt” sức sáng tạo quá sớm, sáng tác thường quẩn quanh với những motip hay đề tài quen thuộc. Nói cách khác là họ đã “nhân bản hàng loạt” những bức tranh na ná như nhau một cách dễ dãi. Một vài tác giả trẻ còn “sản xuất” tranh của mình bằng cách mở xưởng thuê người thực hiện một số công đoạn (sơn mài) rồi ký tên (thậm chí có lúc chữ ký cũng bị ký thay). Điều đó khiến cho khách nước ngoài cảm thấy đã không mua được tranh “thật” và càng không phải là tác phẩm nghệ thuật “duy nhất”. Hơn nữa, nếu nhìn dưới góc độ thị trường mỹ thuật thì không ít họa sĩ ở Huế dường như chưa thấy được vai trò quan trọng của truyền thông trong chuỗi hoạt động sáng tác – triển lãm – truyền thông – bán tranh. Có không ít họa sĩ sáng tác rất nhiều “tranh cho mình” rồi “chất đống” trong nhà, không có điều kiện tổ chức triển lãm cá nhân, và cũng không muốn (hay không thể) gửi tranh cho các gallery hay đưa lên website. Rất hiếm tác giả có website riêng, thực tế có những tác giả còn không thể nhớ được mình đã bán tranh gì, bán cho ai, hay tìm hiểu xem những người mua tranh của mình vì lý do gì. Dường như các họa sĩ Huế chưa thực sự đầu tư cho triển lãm của mình đúng mức cần thiết. Có vẻ như triển lãm chỉ là để trình làng tác phẩm mới của mình là chính, việc làm thế nào để bán được tranh không quan trọng (dù ai cũng muốn). Điều đó dễ thấy qua việc tổ chức triển lãm thiếu chuyên nghiệp, catalogue in ấn rất sơ sài, thiếu sự gắn kết với truyền thông, hoạt động quảng bá mờ nhạt, khách mời đến dự khai mạc triển lãm phần lớn là những người… trong hội mỹ thuật (những người này chủ yếu đến để “chia vui”, tán gẫu với nhau chứ có ai đi mua tranh của đồng nghiệp bao giờ?). Vì vậy, hầu hết các triển lãm mỹ thuật ở Huế chỉ tưng bừng ngày khai mạc rồi sau đó là sự vắng vẻ kéo dài cho đến ngày bế mạc. Đó là chưa nói chỗ treo tranh rất tạm bợ, không gian chật hẹp, thiếu phương tiện chiếu sáng, không có nhân viên trực thường xuyên. Những điều này đã làm cho hoạt động mỹ thuật ở Huế vừa thiếu sức hút đối với công chúng, vừa mất đi tính chuyên nghiệp cần có để tạo lập một thị trường mỹ thuật phát triển.

Nguyên nhân thứ hai là vai trò mờ nhạt của phê bình mỹ thuật và sự đơn điệu của công tác truyền thông đối với các hoạt động mỹ thuật ở Huế. Nhiều bài viết về mỹ thuật Huế mang tính chất đưa tin báo chí nhiều hơn là phê bình và lý luận mỹ thuật dẫn đến sự vắng bóng tranh luận nghệ thuật nhằm góp phần định hướng thẩm mỹ cho công chúng. Tin bài chỉ giới hạn trong phạm vi báo chí và truyền hình địa phương, ít được giới thiệu trên các báo, đài của Trung ương và ở hai thành phố lớn là Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh đã không thể đưa mỹ thuật Huế vươn xa khỏi địa bàn. Cùng với đó là sự thiếu vắng một số “thành tố” quan trọng khác trong “guồng máy vận hành” của mỹ thuật Huế như các nhà giám tuyển mỹ thuật (curator), giám đốc các bảo tàng và gallery chuyên nghiệp, các nhà tư vấn mỹ thuật hay các nhà đầu tư mỹ thuật có uy tín đã làm cho “chuỗi hoạt động” của thị trường mỹ thuật ở Huế bị nhiều “đứt gãy” không thể liên kết với nhau trong một hệ thống vận hành chung. Hệ quả hiển nhiên là các tác giả cứ “đơn độc bơi” giữa dòng chảy của thị trường, công chúng thì thờ ơ với các hoạt động mỹ thuật và các nhà sưu tập mỹ thuật luôn vắng bóng trong thị trường mỹ thuật ở Huế vì thiếu thông tin.

Nguyên nhân thứ ba là sự thiếu chuyên nghiệp trong các hoạt động kinh doanh mỹ thuật ở Huế. Các gallery nghệ thuật và phòng tranh thị trường bị nhập nhèm về tên gọi, không gian trưng bày chật chội, mục tiêu đầu tư không rõ ràng làm cho bộ mặt bên ngoài của thị trường mỹ thuật trở nên lem nhem, manh mún. Có quá nhiều người quản lý, điều hành gallery chưa được trang bị những kiến thức căn bản về mỹ thuật dẫn đến việc sưu tập, tuyển chọn tác phẩm mỹ thuật để kinh doanh còn rất tùy tiện, thiếu kinh nghiệm trong việc tổ chức trưng bày các tác phẩm làm sao cho đẹp mắt, “tôn lên” được vẻ đẹp của từng tác phẩm. Chưa nói đến các kỹ năng kinh doanh mỹ thuật cũng đòi hỏi sự chuyên nghiệp và yêu cầu về chuyên môn cao, liên quan đến nhiều vấn đề khác như tổ chức các hoạt động triển lãm, đầu tư các tác giả có tiềm năng, xây dựng hồ sơ tác phẩm, tác giả, lập website, kết nối truyền thông, thiết lập các mối quan hệ trong thị trường mỹ thuật… Điều này thì ngay chính các họa sĩ đứng ra mở các gallery cũng còn nhiều lỗ hổng trong kinh doanh nghệ thuật. Bên cạnh đó là mối “liên kết hoạt động” giữa các tổ chức, cơ quan, ban ngành liên quan đến văn hóa – du lịch ở Huế còn quá lỏng lẻo theo kiểu “việc ai nấy biết” khiến cho thị trường mỹ thuật ở Huế khó phát triển bền vững.

Một nguyên nhân khác là ở Huế gần như không có các nhà sưu tập mỹ thuật địa phương. Có lẽ ở Huế còn quá ít các doanh nhân đủ tiềm lực tài chính để nghĩ đến việc mua tranh như là một cách đầu tư sinh lãi, chưa nói đến đam mê “chơi tranh” như là một thú vui tinh thần và thể hiện đẳng cấp văn hóa cần có đối với một người thành đạt về tài chính.

Nguyên nhân cuối cùng là những hạn chế về cơ sở hạ tầng phục vụ cho các hoạt động mỹ thuật. Dù đã có khá nhiều không gian văn hóa nhưng Huế vẫn thiếu các thiết chế mỹ thuật rất cơ bản như bảo tàng mỹ thuật đương đại Huế, nhà triển lãm mỹ thuật đạt chuẩn, các gallery chuyên nghiệp, v.v. Điều này làm cho các hoạt động triển lãm mỹ thuật ở Huế khó tránh khỏi tính chất “nghiệp dư”, “tạm bợ” và khó có thể hình thành một “môi trường mỹ thuật” đủ sức thu hút công chúng trong và ngoài nước thường xuyên đến Huế thưởng lãm nghệ thuật hay sưu tập, trao đổi, mua bán các tác phẩm mỹ thuật. Mặt khác, dù Huế luôn được coi là trung tâm văn hóa – du lịch của miền Trung và cả nước nhưng ngành du lịch Huế vẫn lúng túng trong việc thu hút và giữ chân khách du lịch đến Huế. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường mỹ thuật quốc tế ở Huế.

3. Để có một thị trường mỹ thuật ở Huế phát triển bền vững trong tương lai

Để có một thị trường mỹ thuật ở Huế phát triển bền vững trong tương lai, cần có những nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết, đây là lúc để mỗi tác giả nhìn lại các sáng tác của mình một cách bình tĩnh hơn, có nhiều thời gian để chiêm nghiệm và đầu tư dài hơi sáng tác các tác phẩm có tầm vóc mang đậm nét “bản sắc Huế” hơn. Hơn ai hết, giới sáng tác mỹ thuật cần dũng cảm thoát ra khỏi tình trạng sáng tác quanh quẩn với những gì “bán được” hay “sẽ bán được” mà phải vươn tới “vẽ cho mình”. Chỉ có như vậy mới hy vọng có những tác phẩm mỹ thuật vươn tầm khu vực và thế giới, là cơ sở để có một thị trường mỹ thuật thực sự phát triển và bền vững. Và xem ra ngoài việc sáng tác, các họa sĩ cũng cần chăm chút hơn đến những chi tiết nhỏ nhặt từ chiếc đinh căng toil vẽ, hồ vải, làm vóc, chọn sơn, quy trình kỹ thuật,… theo các tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường mỹ thuật. Chưa nói đến còn phải biết quảng bá, PR (public relations) bản thân. Người mua tranh bây giờ chỉ cần search trên google là có thể tìm hiểu “thân thế và sự nghiệp” của tác giả, xem có những hoạt động gì nổi bật hay không, vì vậy, các tác giả cần tận dụng các kênh truyền thông như website, mạng xã hội, báo chí, truyền hình để tạo lập tên tuổi của mình trên thị trường mỹ thuật.

Workshop đồ họa tại New Space Arts Foundation
Thực tế tại Tranh dân gian làng Sinh của nghệ nhân Kỳ Hữu Phước

Tuy nhiên, những nỗ lực tự thân của giới sáng tác mỹ thuật là cần thiết nhưng chưa đủ mà phải có sự “chung tay” của toàn bộ hệ thống các tổ chức chính trị, xã hội. Để Huế có một đời sống mỹ thuật phát triển và một thị trường mỹ thuật bền vững, cần có nhiều tổ chức, cá nhân trong cả hai khu vực nhà nước và tư nhân cùng tham gia vào “quá trình vận hành” của thị trường mỹ thuật. Có thể coi đây là một “hệ sinh thái mỹ thuật” bao gồm hệ thống các “nhân tố tổ chức” và “các nhân tố cá nhân” gắn kết chặt chẽ với nhau. Các nhân tố chức bao gồm hội mỹ thuật, các trung tâm mỹ thuật, bảo tàng mỹ thuật, nhà triển lãm mỹ thuật, nhà sáng tác văn học nghệ thuật, nhà đấu giá các tác phẩm mỹ thuật, các gallery chuyên nghiệp, trường đào tạo và giáo dục mỹ thuật, viện nghiên cứu mỹ thuật Huế,… Các “nhân tố cá nhân” là các nhà nghiên cứu mỹ thuật, lý luận và phê bình mỹ thuật, nhà giám  tuyển mỹ thuật (curator), nhà tư vấn mỹ thuật (art consultants), chuyên gia phục chế mỹ thuật, nhà đầu tư mỹ thuật, nhà sưu tầm mỹ thuật, công chúng của mỹ thuật, v.v.

Ở tầm vĩ mô, Quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần đây là một trong những bước đi tích cực của Chính phủ nhằm đưa mỹ thuật nước nhà lên một tầm cao mới, đủ sức hòa nhập vào dòng chảy chung của mỹ thuật trong khu vực và thế giới. Đây là cơ hội để Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch phát triển mỹ thuật ở Huế đi vào chiều sâu, bổ sung hoàn thiện các thiết chế mỹ thuật cần thiết nhằm tạo đà phát triển văn hóa – du lịch Thừa Thiên Huế nói chung, mỹ thuật Huế và thị trường mỹ thuật Huế nói riêng.

Với những lợi thế về di sản văn hóa vật thể và phi vật thể của mình, Thừa Thiên Huế đã và đang xem “du lịch văn hóa” là một trong những sản phẩm chủ đạo. Hình thức du lịch này, có thể khẳng định, là một trong những loại hình bền vững mang nhiều lợi ích cho môi trường du lịch (cả môi trường tự nhiên và nhân văn) của điểm đến. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, loại hình du lịch này cần phải được hiểu là không chỉ nghiên cứu, khám phá “những sản phẩm được hình thành từ quá khứ” mà còn bao gồm những sản phẩm trong dòng chảy văn hóa của đương đại. “Du lịch văn hóa” do vậy bao gồm luôn cả “du lịch di sản” và “du lịch mỹ thuật”1.

Theo đó, ngành mỹ thuật với ý nghĩa là một bộ phận của văn hóa có vai trò quan trọng trong việc tạo lập cảnh quan văn hóa (cultural landscape), cảnh quan nghệ thuật (landscape art), góp phần hình thành môi trường thẩm mỹ phục vụ du lịch, đặc biệt là làm phong phú các sản phẩm du lịch ở Huế, nhất là loại hình “du lịch văn hóa”. Điều này đồng nghĩa với việc tạo cơ hội để thị trường mỹ thuật ở Huế phát triển bền vững. Vì vậy, có thể nói rằng, sự hưng thịnh của thị trường mỹ thuật Huế (bao gồm cả thị trường mỹ thuật nội địa và thị trường mỹ thuật quốc tế) có mối liên hệ hữu cơ với sự phát triển của các ngành văn hóa và du lịch Huế.

Trước thực trạng Thừa Thiên Huế đang “lãng phí” những tiềm năng của sản phẩm “du lịch mỹ thuật” trong “du lịch văn hóa” và để Huế thực sự có một thị trường mỹ thuật bền vững trong tương lai, có lẽ một vài đề xuất dưới đây đối với ban ngành các cấp của Huế là cần thiết:

– Đa dạng hóa các hình thức hoạt động mỹ thuật theo tinh thần xã hội hóa nhằm phát huy mọi tiềm năng trong cộng đồng. Hội Mỹ thuật cần chú trọng các hoạt động liên kết, đối ngoại và quảng bá mỹ thuật Huế bằng nhiều hình thức linh hoạt. Đã đến lúc mỹ thuật phải thực sự đồng hành và hòa nhập vào dòng chảy chung của đời sống xã hội, không thể bó hẹp trong phạm vi các cuộc triển lãm đến hẹn lại lên theo kiểu phong trào, hình thức bề nổi mà thiếu hiệu quả chiều sâu. Nói cách khác, hoạt động mỹ thuật cần sự chuyên nghiệp hơn trong tất cả mọi mặt, từ tổ chức hoạt động, sáng tác, giám tuyển, triển lãm, truyền thông, bảo tàng, trao đổi học thuật, dịch vụ mỹ thuật,… Hội Mỹ thuật cũng có thể tổ chức các buổi giao lưu giữa Tác giả – Tác phẩm – Công chúng thông qua các đợt triển lãm nhằm tạo cơ hội cho công chúng đến gần hơn với mỹ thuật.

– Hình thành “Quỹ phát triển văn hóa nghệ thuật Huế” thông qua sự đóng góp tài chính từ các doanh nghiệp để đầu tư các công trình văn hóa nghệ thuật, mỹ thuật dưới dạng các dự án được xã hội hóa. Xây dựng một chính sách miễn giảm thuế phù hợp cho các doanh nhiệp có tài trợ, đầu tư cho các hoạt động VHNT nói chung và mỹ thuật nói riêng; khuyến khích các doanh nghiệp, doanh nhân mua các tác phẩm mỹ thuật như là một sự đầu tư có chiều sâu, góp phần gìn giữ và phát triển văn hóa nghệ thuật Huế. Miễn giảm thuế đối với các gallery trong một vài năm đầu hoạt động cũng là cách “hỗ trợ” hiệu quả để các doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững.

– Phát huy thế mạnh của ngành mỹ thuật trong vai trò “kiến tạo” cảnh quan môi trường thành những “không gian nghệ thuật” nhằm tạo lập vẻ đẹp đậm tính thẩm mỹ cho bộ mặt đô thị Huế, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch Huế. Văn nghệ sĩ Huế cần đóng vai trò tích cực trong việc tham mưu, góp ý, thẩm định các công trình mỹ thuật công cộng như tượng đài lịch sử, tượng trang trí công viên, biểu tượng, quy hoạch cảnh quan đô thị. Xây dựng những tiêu chuẩn mang tính “luật hóa” về tỉ lệ không gian kiến trúc dành cho “trang trí mỹ thuật” đối với các công trình kiến trúc công cộng như sân bay, bưu điện, nhà ga, bến xe, nhà văn hóa, thư viện, văn phòng công sở, v.v. Quy hoạch hợp lý một số tuyến đường đi bộ phục vụ nhu cầu “vui chơi – mua sắm – ẩm thực” của khách du lịch, tạo điều kiện cho thị trường mỹ thuật phát triển. Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức mỹ thuật, tập huấn kỹ năng kinh doanh mỹ thuật cho những người kinh doanh mỹ thuật. Tiêu chuẩn hóa một số yêu cầu tối thiểu trong kinh doanh mỹ thuật như diện tích trưng bày đạt tiêu chuẩn về không gian trưng bày, chiếu sáng, v.v.

– Tăng cường các hoạt động truyền thông đối với mỹ thuật. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu mỹ thuật, lý luận và phê bình mỹ thuật; hình thành một số tờ báo, tạp chí song ngữ như tạp chí Du lịch Thừa Thiên Huế, tạp chí Mỹ thuật Huế; xây dựng các chuyên mục truyền hình về mỹ thuật nhằm tăng cường hiệu quả truyền thông trên cả 3 lĩnh vực giáo dục thẩm mỹ, quảng bá nghệ thuật, phát triển du lịch.

– Chú trọng phát triển loại hình “du lịch văn hóa” trong đó có những sản phẩm du lịch gắn kết với các hoạt động mỹ thuật như triển lãm mỹ thuật quốc tế thường kỳ tại Huế, hội chợ mỹ thuật thường niên, workshop mỹ thuật, xây dựng các sản phẩm tour du lịch tham quan các bảo tàng, họa thất, giao lưu, trao đổi với các tác giả mỹ thuật, nhiệm trú sáng tác, triển lãm. Có chính sách phù hợp để hỗ trợ, khuyến khích các nhà thiết kế mỹ thuật và các doanh nghiệp sáng tác và sản xuất nhiều mẫu mã sản phẩm thủ công mỹ nghệ mới mang đậm nét văn hóa Huế phục vụ nhu cầu mua sắm hàng lưu niệm của khách du lịch. Khuyến khích các đoàn ngoại giao của tỉnh, thành phố, doanh nghiệp sử dụng các tác phẩm mỹ thuật có chất lượng làm quà tặng “ngoại giao” như là một hình thức quảng bá cho văn hóa Huế và mỹ thuật Huế. Tăng cường cơ hội giới thiệu tranh, tượng của Huế trong các sự kiện văn hóa tại nước ngoài.

– Để có một công chúng có trình độ thẩm mỹ cao trong tương lai, ngành giáo dục cần đổi mới phương pháp dạy mỹ thuật ở bậc phổ thông theo hướng chú trọng bồi dưỡng năng lực cảm thụ thẩm mỹ cho học sinh, tăng cường các hoạt động ngoại khóa về mỹ thuật như tham quan di tích lịch sử, bảo tàng, xem triển lãm, thăm các họa thất và giao lưu các tác giả mỹ thuật.

Một vài đề xuất trên có thể chưa thật đầy đủ nhưng nếu được triển khai một cách đồng bộ và kiên trì, sẽ là cơ sở để mỹ thuật Huế và thị trường mỹ thuật ở Huế thực sự phát triển bền vững trong tương lai.

Huế, 11/2014 – 5/2016
T.T.B   
(SHSDB21/06-2016)

……………………..
Bài viết có sự góp ý của HS. ThS. Võ Xuân Huy, GV trường ĐHNT Huế lúc sinh thời (anh mất ngày 15/3/2016) và Trần Hữu Thùy Giang, NCS chuyên ngành Quản lý du lịch tại Đại học Southern Cross, Australia.

1. “Cultural tourism covers not just the consumption of the  cultural products of the past, but also of contemporary  culture or ‘way of life’ of a people or region. Cultural  tourism can therefore be seen as covering both ‘heritage  tourism’ (related toartefacts of the past) and ‘art tourism’ (related to contemporary cultural production)”. Nguồn dẫn:  Richards, G. (2001). The development of Culture Tourism  in Europe. In G. Richards (Ed.), Cultural attractions and  European tourism( 3-29). New York: CABI Pub, trang 7.

Trần Thanh Bình – TCSH

Exit mobile version