Kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 33 năm Ngày Biên phòng toàn dân 3/3

KỂ CHUYỆN XUẤT BẢN SÁCH

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Tác giả Phạm Vân Anh

THEO DẤU PHÙ SA là cuốn ký sự-bút ký của nhà thơ, nhà báo, trung tá bộ đội biên phòng Phạm Vân Anh.

Câu chuyện xuất bản cuốn sách này cũng là một trong những kỷ lục đặc biệt của Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC.

Thời gian giãn cách ở Hà Nội những tháng 5, 6, 7 của năm 2021, Phạm Vân Anh chuyển cho tôi 2 bản thảo: Binh pháp chống dịch, Theo dấu phù sa. Mong muốn được tôi giới thiệu cho Sbooks trong tp HCM xuất bản phát hành. Không hiểu do trao đổi không rõ ràng giữa tác giả và giám đốc Sbooks sao đó, nên Binh pháp chống dịch tuột khỏi tay Sbooks, được NXB Quân đội đón nhận và xuất bản ngay.

Cuốn Theo dấu phù sa được tôi đưa vào kế hoạch xuất bản, ngay lập tức biên tập sơ qua để gửi đăng ký giấy phép ở NXB Văn học, cùng lúc cho dàn trang, đọc bông, đặt bìa… Mọi việc phía tôi đã được chuẩn bị rất nhanh. Tuy nhiên khi đưa cho tác giả đọc soát chỉnh sửa, thì Phạm Vân Anh cứ im lặng, ngâm bản biên tập dễ đến 3 tháng sau đó.

Cách tết âm lịch 1 tháng, Nguyễn Anh Dũng, giám đốc Sbooks gọi hỏi tôi cuốn này tiến hành đến đâu rồi, để đưa vào nhà in. Giấy phép cũng có rất lâu rồi. Hỏi tác giả thì chỉ nhận được câu trả lời: Đợi em bổ sung chỉnh sửa chút.

Đợi đến 2 tuần. Sbooks thì có khá nhiều bản thảo đang nằm im trong nhà in. Tôi cũng chuẩn bị khép việc lại, vì có cuốn nào đưa vào nhà in lúc này cũng là vạn bất đắc dĩ nhà in họ mới nhận.

Chỉ còn 10 ngày là tết gõ cửa, Phạm Vân Anh chuyển cho tôi một bản thảo hoàn chỉnh. Sbooks đồng ý cho chúng tôi rút hợp đồng, đưa Trung tâm TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC lo. Để có thể xuất bản trước tết, tôi gõ Thần Đèn Thần Sách, gõ hết các cửa có thể gõ, ngay cả việc phải đổi lại Giấy phép…

Sau 1 tuần thì tôi được cầm cuốn sách trên tay, trang nhã, dày dặn, xinh xắn y như người viết ra nó. Phạm Vân Anh ngồi nhìn tôi cầm cuốn sách, cười cười, cứ như không, như là việc phải như thế.

Ảnh bìa sách

THEO DẤU PHÙ SA, nếu như tôi không là người biên tập, có lẽ khi được tặng sách cũng chưa thể dành thời gian đọc trong cái không khí đón tết bận rộn và nhiều việc cần chú ý hơn là đọc sách. Nhưng vì là người góp phần cho sự có mặt của cuốn sách, nên tôi không chỉ đọc biên tập mà còn đọc để đo đắn, ngẫm ngợi, thậm chí rất ngạc nhiên.

Bởi THEO DẤU PHÙ SA đã đạt được mấy điểm mạnh sau:

Thứ nhất: Đây là một bức tranh tổng thể hình ảnh đất nước Việt Nam, thông qua bước chân của một người lính biên phòng – dù Vân Anh đeo lon sĩ quan, tôi vẫn gọi cô là người lính; Một cây bút trẻ xông xáo – Phạm Vân Anh từng tham gia mấy hội  nghị Viết văn Trẻ, mà tôi là người đã theo các cây bút trẻ hàng mười mấy năm; Một tên tuổi đã có sự định hình trong làng văn – Phạm Vân Anh trước hết là nhà thơ, và chính vì nhà thơ nên khi viết báo lại là một lợi thế cho câu chữ của thể loại ký.

Thứ hai: THEO DẤU PHÙ SA là một cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng, ca ngợi tình đoàn kết hữu nghị các nước láng giềng có chung đường biên: gồm biên giới trên bộ, biên giới trên biển (nếu đó là quốc gia có biển), biên giới vùng trời và biên giới lòng đất; Có chung dòng sông Mê Kông, mà tác giả đã đi tới tận đầu nguồn rồi đi theo dấu phù sa con sông kỳ vĩ này để thực chứng.

Thứ ba: THEO DẤU PHÙ SA có những tư liệu quý về việc xác định thẩm định và xác lập các cột mốc biên giới. Nhiều thành phần tham gia vào việc này, trong đó quan trọng nhất vẫn là lực lượng biên phòng và đồng bào ở các khu vực cận kề.

Thứ tư: THEO DẤU PHÙ SA đã giúp người đọc hình dung sự hy sinh của biết bao chiến sĩ đồng bào trải qua bao thập niên để cùng chung tay với các nước bạn láng giềng đem lại hòa bình no ấm cho các dân tộc các bên. Thông qua những câu chuyện quy tập mộ liệt sĩ, những cuộc gặp gỡ lịch sử…

Thứ năm: THEO DẤU PHÙ SA đa dạng về đối tượng phản ánh, từ người nông dân, đến già làng trưởng bản, đội ngũ cán bộ cơ sở, lực lượng vũ trang và các đồng chí lão thành cách mạng. Là một cuốn bút ký viết khoáng đạt, câu chữ đẹp. Giống như loài hoa mộc miên ở những vùng biên viễn, màu đỏ của những bông hoa đó tạo nên bức rào chắn bảo vệ biên cương Tổ quốc.

Nhà thơ Phạm Vân Anh và nhà văn Võ Thị Xuân Hà

Việt Nam có đường biên giới đất liền dài khoảng 4.924,025 km, tiếp giáp với 3 nước: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Vương quốc Campuchia; có bờ biển dài hơn 3.260 km, với vùng biển rộng hơn một triệu km2, tiếp giáp với hải phận quốc tế và vùng biển các nước: Trung Quốc, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia và Brunei; có hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ và 2 quần đảo lớn Hoàng Sa và Trường Sa.

Biên giới quốc gia là thiêng liêng, bất khả xâm phạm, có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh, kinh tế và đối ngoại. Trải qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, biên cương luôn là “phên dậu” của Tổ quốc, mọi biến động nơi biên cương đều liên quan đến sự an nguy của đất nước. Đó là gia tài thiêng liêng, vô cùng quý giá của ông cha truyền lại cho con cháu.

Xuyên suốt là hình ảnh những người lính biên phòng và các lực lượng khác, cùng đồng bào vùng biên, vẫn đang ngày đêm bảo vệ biên cương Tổ quốc một cách bền bỉ, dũng cảm, nhân văn.

Để kỷ niệm 63 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng và 33 năm Ngày Biên phòng toàn dân 3/3, nhóm các nhà văn nhà thơ nhà báo cùng chung ý tưởng TÔN VINH VĂN HÓA ĐỌC tự hào vì đã có được một cuốn sách hay và ý nghĩa để tặng bạn đọc, tặng các chiến sĩ Biên phòng.

Exit mobile version