Một số tác phẩm văn học đề tài chiến tranh được đánh giá là thành công.

 Văn học về đề tài chiến tranh cách mạng luôn được nhiều thế hệ nhà văn và độc giả Việt Nam quan tâm, là mảng sáng tạo có vị thế riêng trong sự phát triển của đời sống văn học nước nhà. Nhiều tác giả, với những trải nghiệm chiến tranh đã khắc họa thật sinh động hai cuộc kháng chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc, và khẳng định được tên tuổi trong làng văn học. Trong đời sống đương đại, nhiều cây bút trẻ tiếp tục dành tâm huyết cho đề tài này với cách nhìn của những con người thời hiện đại. Nhằm mang lại những góc nhìn sâu hơn về mảng đề tài lớn, luôn giàu sức sống này của văn học nước nhà, Báo Nhân Dân cuối tuần xin khởi đăng loạt bài viết với những góc nhìn, kiến giải đa chiều về mảng đề tài chiến tranh cách mạng.

Có thể nói không quá rằng, cho đến hôm nay, những tác phẩm viết về chiến tranh ghi được dấu ấn sâu đậm trong lòng độc giả cơ bản vẫn thuộc về những cây bút đã trải qua chiến tranh. Gần đây tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh đang nổi lên như một khuynh hướng, song vẫn còn nhiều điều cần đưa ra bàn thảo.

Vẫn là một “siêu đề tài”?

Có quá không khi nói chiến tranh là một “siêu đề tài” và người lính là một “siêu nhân vật” trong văn chương? Chúng tôi nghĩ, phải có cái lý và cả cái tình nhất định nào đó trong nhận định có phần khoa trương này. Nhưng nếu suy ngẫm kỹ nó thể hiện cái nhiệt hứng văn chương của nhà văn khi không hề cố tình quên đi quá khứ hào hùng và đau thương của dân tộc từng đánh thắng hai đế quốc lớn trong thế kỷ 20, trong suốt mười nghìn ngày lịch sử. Khuất Quang Thụy trong tiểu thuyết Những bức tường lửa (2004) đã viết “Còn chiến tranh thì như chưa bao giờ chấm dứt”. Đúng như tâm thế ấy, lớp nhà văn chống Mỹ, cứu nước vẫn trăn trở với đề tài này trong sáng tác của mình. Năm 2010, Khuất Quang Thụy lại công bố tiếp một cuốn tiểu thuyết mới về chiến tranh, với nhan đề Đối chiến và năm 2016 ông cho ra mắt Đỉnh cao hoang vắng. Trung Trung Đỉnh dường như sinh ra để gắn bó với Tây Nguyên và chiến tranh, đã chung thủy với đề tài mình lựa chọn như một cái “nghiệp văn chương”. Từ Lạc rừng (Giải thưởng Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ nhất, 1998-2000, của Hội Nhà văn Việt Nam) đến Lính trận (Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 2011, Giải thưởng Văn học Đông-Nam Á 2012), Trung Trung Đỉnh được đánh giá là một trong những nhà văn thế hệ chống Mỹ, cứu nước gặt hái nhiều thành công nhất với đề tài chiến tranh. Chu Lai được độc giả mến mộ từ Ăn mày dĩ vãng (1992), được coi là một ngòi bút tiểu thuyết “lực lưỡng” viết về chiến tranh. Tiểu thuyết Mưa đỏ (2016) viết về chiến dịch 80 ngày đêm Quảng Trị máu lửa của ông nhận được sự quan tâm đặc biệt của độc giả, đã nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 2016. Nguyễn Bảo sau khi công bố Thượng Đức (2005), dường như vẫn chưa nguôi ngoai về đề tài chiến tranh, năm 2012 ra mắt Đỉnh máu. Hai cuốn tiểu thuyết của Nguyễn Bảo được đánh giá cao ở phần trung thành với lịch sử chiến tranh, sự phong phú của tài liệu sống, nhưng không vì thế phai nhạt phẩm chất hư cấu vốn được coi là hồn vía của văn chương và tiểu thuyết.

Trong Cuộc thi tiểu thuyết lần thứ IV (2011-2015) của Hội Nhà văn Việt Nam, tác phẩm Mảnh vỡ của mảnh vỡ của Vĩnh Quyền đoạt Giải C, đã được dịch sang tiếng Anh. Những cứ liệu văn học sử cho phép chúng ta tin tưởng vào một kho hiện thực bề bộn và phong phú – vẫn là cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh và những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và phía bắc như: Mùa hè buốt giá (2009) của Văn Lê, Cát trọc đầu (2014) của Nguyễn Quang Vinh, Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh, Sống được là may (2014) của Từ Nguyên Tĩnh, Miền hoang (2014) của Sương Nguyệt Minh, Trang trại hoa hồng (2016) của Đỗ Kim Cuông, Rừng đói (2016) của Nguyễn Trọng Luân, Thư về quá khứ (2016) của Nguyễn Trọng Tân,…

Nhiều trong số đó là các nhà văn đã trải qua lửa đỏ và nước lạnh. Trải nghiệm sống và trải nghiệm văn hóa đã giúp họ có được cả bề rộng và chiều sâu của vốn sống. Họ viết về chiến tranh trước hết như là cách trả “món nợ tinh thần” cho những người đã anh dũng hy sinh vì lý tưởng chung. Và sau hết là rút ra những bài học đạo lý cho những người đang sống, đang cùng chung tay xây đắp cơ đồ Việt Nam.

Những cách viết khác nhau

Tiểu thuyết tư liệu về chiến tranh đang nổi lên như một khuynh hướng có triển vọng. Vì sao lại là tư liệu chứ không phải hư cấu? Bởi vì tư liệu là khách quan. Tất nhiên sáng tác là mang dấu ấn chủ quan. Nhưng thực tiễn văn học đã chứng minh đôi khi người viết áp đặt thái quá cái chủ quan vào tác phẩm. Hư cấu biến thành bịa đặt tùy tiện. Thành thử chân lý đời sống bị bóp méo. Có tác phẩm viết về chiến tranh khiến độc giả chỉ còn thấy sự bấn loạn của con người. Chỉ thấy sông máu, núi xương. Thậm chí có nhà văn nhìn và cảm chiến tranh như một cái gì đó hủy diệt toàn bộ (một thứ “cối xay thịt”). Với họ thì khi “đại bác nổ họa mi ngừng hót”. Sự hư cấu trong những tác phẩm như thế bị mờ nhòe, lẫn lộn. Chân lý đời sống bị phủ lấp, thậm chí xuyên tạc. Tác phẩm chỉ đơn thuần là nơi phô diễn các ý tưởng chủ quan thuần túy. Nơi khoe chữ mà thiếu hẳn nghĩa.

Vậy nên độc giả hôm nay nếu có “ngả” về tư liệu thì cũng có lý do chính đáng. Họ cần sự thật trung thành. Họ cần biết thêm về chiến tranh qua tư liệu gốc, từ đó sẽ chủ động suy đoán, bình giá. Hư cấu nếu thấp lè tè thì không thể bằng tư liệu ngồn ngộn chất đời, chứa đầy sự thật. Nhu cầu chính đáng của con người là tiếp cận sự thật. Dẫu cho “thuốc đắng dã tật sự thật mất lòng”.

Uy quyền của văn học tư liệu đã hiển hiện. Bằng chứng là tiểu thuyết tư liệu – lịch sử Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75 (2014) của Trần Mai Hạnh đã lập kỷ lục in đến 10.000 cuốn (in lần thứ tư). Tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014, Giải thưởng Văn học Đông-Nam Á năm 2015. Trong dự cảm của văn giới và độc giả thì trong tương lai gần và xa, tiểu thuyết tư liệu sẽ soán ngôi tiểu thuyết hư cấu. Nhìn sang Giải thưởng Nobel văn chương 2015, thấy tác phẩm của nữ nhà văn Belarus – Svetlana Alexievich – thuộc về văn học tư liệu: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ.

Tiểu thuyết có yếu tố tự thuật về chiến tranh chắc chắn cũng sẽ chiếm lĩnh độc giả. Vì sao? Vì thế hệ nhà văn chống Mỹ, cứu nước về cơ bản vẫn còn là “chủ lực quân” của văn học. Riêng trong lĩnh vực văn xuôi, những cây bút lực lưỡng vẫn thu hút sự quan tâm của độc giả. Nếu bây giờ họ vẫn viết về chiến tranh thì cần phải vượt qua lối văn “tả trận”. Chiến tranh hiện lên không trong tiếng ùng oàng súng đạn. Chiến tranh không phải chỉ là những cảnh đầu rơi máu chảy. Bây giờ chiến tranh sẽ nối với hòa bình, quá khứ sẽ nối với hiện tại. Và ở cái dấu nối ấy sẽ xuất hiện cái chủ thể viết đã từng tham chiến. Đã bắt đầu xuất hiện yếu tố tự thuật từ tiểu thuyết Thân phận của tình yêu (1991) của Bảo Ninh – tác phẩm nhận Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, 1990. Sau đó là Lính trận (2011) của Trung Trung Đỉnh. Gần nhất là Rừng đói (2016) của Nguyễn Trọng Luân, Thư về quá khứ (2016) của Nguyễn Trọng Tân. Họ là lính chiến thực thụ. Nhiều năm sau chiến tranh họ vẫn có cái cảm giác không thoát ra được khỏi nó. Nghĩa là chiến tranh vẫn như còn hiện diện trong đời sống của cả cộng đồng và mỗi cá nhân. Tiểu thuyết Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân xuất hiện gần đây nhất đã có tiếng vang trên văn đàn. Đó là câu chuyện của chính người cầm bút, trải nghiệm có dư mười năm chiến tranh, trở về và thực hiện được mơ ước của mình – trở thành sinh viên Văn khoa, sau đó hành nghề văn và nghề báo.

Không có gì lạ khi tự truyện và hồi ký đang tràn ngập thị trường sách. Câu khách cũng có, vì lợi nhuận cũng có, thích phô diễn, đánh bóng bản thân cũng có. Nghĩa là muôn nẻo lý do viết. Nhưng nhu cầu được bộc lộ cái “tôi” chính đáng bằng ngôn từ văn chương thì không thể không chấp nhận. Vì thế tiểu thuyết có yếu tố tự thuật về chiến tranh cũng là một cách viết trong nhiều cách viết. Và đã có thành tựu đáng ghi nhận.

BÙI VIỆT THẮNG
Báo Nhân Dân cuối tuần

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version