Một vở diễn của Sân khấu Nụ cười mới

VH- Gần đây, sân khấu TP.HCM đã tham dự tích cực vào những cuộc thi tài toàn quốc và đã đạt được những thành tích cao. Thành tích ở các cuộc thi này của những đơn vị sân khấu thành phố, với những cố gắng đầu tư vở diễn, đầu tư kinh phí tham gia chứng tỏ nỗ lực rất lớn của các đơn vị sân khấu tư nhân. Tuy nhiên, hoạt động nghệ thuật thường xuyên của sân khấu thành phố lại đang gặp rất nhiều khó khăn.

Sân khấu phía Nam đang gặp những thách thức mới do những sự thay đổi của điều kiện khách quan và chủ quan. Ví dụ như, sân khấu Cải lương đã nhiều năm khó khăn trong hoạt động ở cái nôi của kịch chủng này thì nay lại càng khó hơn bao giờ hết và là minh chứng cụ thể cho những khó khăn đủ phía này. Điều kiện khách quan là, dù rạp Trần Hưng Đạo đã hoàn thành nhưng khi nghiệm thu cho thấy, rạp mới không phù hợp với việc biểu diễn sân khấu nên các nghệ sĩ Cải lương vẫn không có địa điểm biểu diễn. Vì thế, tuy Cải lương vẫn có sự tập vở, cố gắng hết mức để tham gia Cuộc thi toàn quốc năm qua của loại hình này, nhưng hoạt động thường xuyên lại chưa có. Còn lý do chủ quan thì do sân khấu Cải lương ít có vở mới, hay và hấp dẫn nên không đủ sức cuốn hút khán giả. Những khán giả sành điệu của Cải lương không tìm thấy ở các vở diễn hiện nay những tố chất, những điểm hấp dẫn đặc biệt về ca, sự điêu luyện, cá tính trong những giọng ca như trước đây vẫn có ở các diễn viên ngôi sao… những điều trước đây từng khiến họ say mê. Khán giả trẻ hiện không còn mặn mà với Cải lương khi có quá nhiều cách giải trí khác. Rồi điều kiện đi lại hiện nay ở thành phố này cũng có nhiều điều nguy hiểm cho nên để lôi kéo khán giả ra khỏi nhà, rời khỏi những tiện ích là rất khó khăn.

Kịch nói với mô hình sân khấu xã hội hóa một thời được đề cao, đã có những đóng góp rất lớn cho đời sống văn hóa của thành phố thì hiện nay, những điểm diễn từng là niềm tự hào của sân khấu thành phố đang rất vất vả khi khán giả dần bão hòa, không còn tới với các rạp biểu diễn sân khấu như thời kỳ trước đây. Tần suất đỏ đèn ở các điểm sân khấu đã thay đổi rất nhiều. Trước đây, các sân khấu diễn từ thứ 5, 6, 7, Chủ nhật, thậm chí nếu có vở tốt, họ có thể diễn được cả tuần… Nhưng hiện nay các sân khấu đều phải giảm suất diễn, đơn vị nào mạnh thì cũng chỉ có thể diễn được vào chiều thứ 6 và thứ 7.

Dù đánh giá về hoạt động sân khấu trong năm có tích cực hay tiêu cực thì hiện tượng chững lại của sân khấu TP.HCM là sự thật được mọi nghệ sĩ, người hoạt động sân khấu đồng tình. Phân tích về tình hình này, ý kiến chung đều thừa nhận sự điều tiết tự nhiên của thị trường đã tác động không nhỏ tới hoạt động nghệ thuật nói chung, trong đó có sân khấu.

Đạo diễn, NSƯT Trần Minh Ngọc, Tổng Biên tập Tạp chí Sân khấu thành phố cho rằng, với những cách thức vận hành hiện nay thì sân khấu đã nảy sinh những bất ổn khi cứ đi mãi vào những đề tài như kịch ma, đồng tính, tình yêu có tính chất tâm linh… tưởng rằng sẽ ăn khách nhưng giờ thì cũng đã bị bão hòa. Cả đội ngũ nghệ sĩ đều cố gắng nhưng vẫn loay hoay mãi trong hướng đi sao cho phù hợp.

Nhà viết kịch Mỹ Dung thì lại nhận xét, có lẽ do sự “nở nồi” của các sân khấu mới khiến khán giả bị chia ra quá nhiều. Nguyên trong năm 2015, chị đã thấy có tới 4 sân khấu mới khai trương như sân khấu Sen Việt, Tâm Việt… chưa kể các sân khấu kịch cà phê… Các sân khấu mới ra đời chưa tìm được hướng đi riêng, chưa có đội ngũ nghệ sĩ tinh hoa, phải tìm tới các diễn viên truyền hình để diễn kịch, giọng không được, diễn không xong. Sự bất ổn từ khâu kịch bản tới nghệ sĩ biểu diễn, rồi cơ sở vật chất khiến chất lượng nghệ thuật của các sân khấu này thấp, gần như dạng kịch truyền hình, không thu hút được khán giả thì chớ, lại còn gây mất niềm tin với công chúng yêu kịch.

Đồng tình với nhận xét này, nhà viết kịch Hoàng Song Việt phân tích thêm, khi sân khấu gặp bất ổn, thì từ người quản lý tới các bầu sô đều tỏ ra lúng túng, không có sự định hướng, đưa ra các dự án giúp sân khấu sàn diễn giải quyết tốt. Xuất phát từ tình hình chung, khán giả có quá nhiều lựa chọn từ các loại hình mới. Cùng với sự phát triển chung, mật độ phát sóng cải lương dày đặc từ truyền hình, điều này từa tựa thời cải lương lao đao vì video cải lương. Khán giả nằm nhà có đủ các loại hình từ cải lương, phim truyện, đặc biệt là các game show rất vui, khai thác đủ những hình thức cuốn hút của sân khấu trên sóng. Khán giả có thể xem những diễn viên, nghệ sĩ mình yêu thích trong rất nhiều chương trình trên truyền hình. Cái đáng buồn là rất nhiều ngôi sao hài, nghệ sĩ nổi tiếng của các sân khấu, là “thương hiệu” nghệ sĩ riêng của từng sân khấu cũng đang bị truyền hình lôi kéo…

Đó là chưa nói tới việc quảng bá cho sân khấu vẫn còn rất yếu. NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội NSSK Việt Nam phát biểu: Phải có kế hoạch quảng bá những tác phẩm mang tính định hướng, có chất lượng nghệ thuật. Như những cuộc thi của cả ngàn nghệ sĩ, kéo dài hàng nửa tháng vậy mà vẫn không có được một chương trình truyền hình trực tiếp. Các báo đều đang thu hẹp đất cho sân khấu, thu hẹp dần những bài viết về vở diễn, về những tài năng đích thực của sân khấu khi được giải ở cuộc thi. Ví dụ nghệ sĩ Thanh Ngân của Cải lương là một tài năng rất rực rỡ, vậy mà sau đó rơi vào trạng thái im lặng khá đáng sợ… Bên cạnh đó, theo ông, cũng rất cần đầu tư cho cơ sở vật chất để sân khấu thành phố có thể hoạt động tốt hơn khi việc hoạt động sân khấu không vì thế mà gặp thêm khó. Như sân khấu 5B Võ Văn Tần phải đi bộ lên tới tận tầng 5 mới có thể xem được. Hay sân khấu Hoàng Thái Thanh, vốn rất vất vả để tạo dựng thương hiệu cho mình nhưng nay lại phải chuyển tới địa điểm khác, rất hẻo lánh. Trong bối cảnh thị trường khó khăn mà lại cứ bắt khán giả chạy theo nghệ sĩ, chạy theo tác phẩm để thưởng thức thì quả là khó chấp nhận…

Sân khấu năng động, nhưng thị trường là sự đào thải, nếu không phấn đấu tới với những giá trị, những sự đổi mới ở trình độ cao hơn thì sẽ bị giảm sút. Theo các nghệ sĩ đang hoạt động một cách đầy cố gắng thì, dù muộn, rất cần tới sự tiếp sức từ phía Nhà nước để sự nghiệp sân khấu thành phố có thể phát triển được, nên có những biện pháp quyết liệt hơn để cứu sân khấu thành phố. Đầu tư thích đáng cho những tác giả có tài, có tầm thực sự. Tập trung những thành phần tinh túy của các kịch chủng từ cải lương, kịch, hát bội để đưa ra một phương án khả thi nhất, từ đó bắt đầu làm lại từ đầu.

Theo Cao Ngọc – Văn hóa

Exit mobile version