PHẠM VIỆT KHƯƠNG

Tháng Chạp, mưa lây rây như rắc bụi, đem theo cái lạnh thấm vào da thịt. Ngày cuối tuần, ngồi bên cửa sổ nhìn vẩn vơ ra con đường làng tấp nập, lòng tôi nôn nao. Ký ức gợi nhớ mỗi dịp gần Tết ngày trước, thường quay cuồng với bao mối lo toan, bận bịu đời thường.

Khi đó, hàng hóa khan hiếm, đắt đỏ, các gia đình phải chắt chiu, dành dụm để mỗi chợ phiên chỉ có thể mua sắm được vài thứ. Măng, mộc nhĩ, mật mía, gạo nếp, đỗ xanh, quần áo con trẻ… có thể mua dần từ trước đó cả tháng. Còn thịt cá, bánh, mứt sắm sau. Háo hức ngóng Tết, chị em chúng tôi thỉnh thoảng mở gói hàng Tết ra ngắm nghía, hít hà.

Còn nhớ, năm ấy, từ trước đó mấy tháng, mẹ rậm rạp hối thúc anh chị em chúng tôi chăm đàn gà để “xuất chuồng” vào cữ Tết. Từ lúc con gà mái mẹ nở được hơn chục gà con, lông óng mượt, lon ton chạy khắp sân như những cục len chau chuốt, chúng tôi xúm xít vây quanh, ngắm nghía, tranh nhau chỉ trỏ “xí phần”. Thoáng nhìn lũ gà bé xíu chân chỉ nhỉnh hơn que tăm, chẳng khác nhau là mấy, nhưng săm soi kỹ sẽ nhận ra nét khác biệt của từng con. “Đốm đầu thì nuôi, đốm đuôi thì thịt”, nghe bố tôi chậm rãi lý giải, lũ chúng tôi cứ lao xao truy tìm những con gà sẫm mầu ở phần đầu để nhận nuôi. Ai nhanh nhảu xí phần được con gà ưng ý, còn lại là của đứa chậm chạp. Đôi lúc, vang lên tiếng cãi cọ chí chóe.

Tự phân chia phần gà con của mình xong, chúng tôi bắt đầu chăm lo cho chúng. Mạnh đứa nào đứa nấy lanh chanh để dành thức ăn hậu hĩnh cho gà của riêng mình. Cứ giấu giếm rắc ngô, thóc của nhà cho ăn, rồi ngoài giờ học, tranh thủ đi chộp cào cào, châu chấu, vợt tôm tép, cần mẫn đào bới giun dế cho gà… Đàn gà con được “vỗ béo” lớn nhanh như thổi. Chiều chiều, lúc lũ gà tụ tập trước sân chuẩn bị lên chuồng, chúng tôi xúm lại chỉ trỏ, so sánh độ phổng phao của từng con.

Tết cận kề, vài nhà lục tục quét vôi, sơn sửa cổng, tỉa tót hàng rào chuẩn bị chào năm mới. Buổi tối, mẹ “phát lệnh”: sáng mai bán gà! Đêm đó trằn trọc, khó ngủ, chúng tôi í ới bàn việc chi tiêu khoản tiền bán gà cho riêng mình. Sáng hôm sau mấy anh em thức dậy từ tờ mờ sáng, “thúc” cho gà ăn no căng diều. Nhìn mẹ gánh hai chiếc lồng tre lèn ních gà bên trong, hăm hở bước ra ngõ, lũ chúng tôi nhìn theo lưu luyến.

Buổi trưa tan học, mấy anh chị em co chân chạy thẳng về nhà, hồi hộp đứng vây quanh, nghe mẹ thông báo về số tiền bán lứa gà. Mẹ kể rành rọt giá cả từng con, nào con mào cờ, con mào sít, con trống hoa mơ, con lông vàng… tương ứng từng số tiền khác nhau. Tôi lẩm nhẩm tính xem nhóm gà của mình, gương mặt hớn hở khi nghĩ về khoản tiền không nhỏ. Tất nhiên, mẹ cũng thông báo: tất cả tiền bán gà mẹ “trưng dụng” vào việc trang trải, bù đắp các khoản chi tiêu chung.

Năm sau, lại háo hức bước vào “chiến dịch” vỗ béo đàn gà. Tiếp nối những lo toan, vất vả của cái thuở “đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết”. Mỗi cái Tết rộn ràng của gia đình đều trông chờ hết vào lứa gà, luống rau, để trong từng phiên chợ trôi qua, mẹ lo toan mua sắm dè chừng, lặt vặt, từng thứ một…

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version