TIẾN CƯỜNG

Sau những thành công của hai vở kinh điển Hăm-lét và Lão hà tiện, Nhà hát kịch Việt Nam lại tiếp tục dàn dựng và vừa ra mắt vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét, một tuyệt tác sân khấu thế giới của đại văn hào Uy-li-am Sếch-xpia, dựa trên kịch bản của dịch giả Ðặng Thế Bính, do NSND Anh Tú biên tập và đạo diễn.

Vẫn là câu chuyện tình đã trở nên nổi tiếng và quen thuộc với nhiều thế hệ cùng thông điệp nhân văn về một tình yêu đẹp, trong sáng và chân thành, làm tan chảy những hận thù, định kiến, đạo diễn – NSND Anh Tú tiếp tục tìm tòi, đưa vào vở diễn các thử nghiệm nhằm có một Rô-mê-ô và Giu-li-ét mới của sân khấu Nhà hát kịch Việt Nam, phù hợp cảm nhận và thẩm mỹ của công chúng theo hướng thu hút khán giả trẻ. Chính vì vậy, đạo diễn đã đưa vào những yếu tố của ca, múa nhạc đương đại, thậm chí là cả những màn múa võ, nhảy clacket không kém phần sôi nổi, hào hứng trong lễ hội hoá trang của nhà Ca-pu-lét cùng các màn đấu kiếm tay đôi trên sân khấu.

Trong không gian sân khấu của một đô thị thời Phục hưng châu Âu với những trang phục, ngôn từ của tầng lớp quý tộc, vẫn đan xen tươi trẻ bản tình ca của thời hiện tại do ca sĩ – nhạc sĩ Tiến Minh và nghệ sĩ Minh Thu thể hiện, gần gũi và thân quen, níu kéo hai khoảng thời gian xa cách thêm gần lại.

Tình yêu là như vậy, vĩnh viễn không đổi thay và khi ngôn ngữ trở nên bất lực thì giai điệu sâu lắng của âm nhạc đã nói lên tất cả cung bậc của cảm xúc, những rung cảm của tình đầu, nỗi nhớ nhung da diết và cả buồn đau chia ly.

Ðạo diễn đã cố gắng đặt từng tình tiết, hành động vào một liên kết xâu chuỗi, phản ánh bản chất sự kiện, phản ánh những âm mưu đen tối và sự khốc liệt của máu, nước mắt trong những hận thù. Hình ảnh bình hoa ly trong trắng, tinh khiết, bừng nở trên nền tối như một niềm hy vọng giảng hòa, giải tỏa mối hận thù. Sân khấu được trang trí và thiết kế giản tiện với hai bộ khung dàn được lắp ghép, khi thì thể hiện những nét kiến trúc của thành Vê-rô-na hoa lệ cùng hình ảnh phố xá, lúc lại cách điệu như khung cửa sổ hay những nhịp cầu dang dở.

Cũng theo từng bối cảnh tình yêu nảy nở, hai nhịp cầu có thể nối bờ vui đưa Rô-mê-ô và Giu-li-ét đến với nhau, nhưng có lúc lại tách rời hun hút vực thẳm vì mâu thuẫn giữa hai dòng họ, như một điềm báo trước về sự chia ly mà chỉ có cái chết mới đưa họ trở lại với nhau và hóa giải mọi hận thù. Lời thoại ngắn gọn, súc tích mà thấm đẫm triết lý tăng thêm hiệu ứng từ các chi tiết được đưa vào trong những cảnh diễn.

Sau vở Rô-mê-ô và Giu-li-ét của Nhà hát Tuổi trẻ cách đây 40 năm, tuyệt tác của đại văn hào Uy-li-am Sếch-xpia mới lại được dàn dựng trên sân khấu nước ta. Ðiều này cho thấy, không phải nhà hát nào cũng đủ điều kiện, nhất là về lực lượng để thực hiện ước mơ đưa tác phẩm của Sếch-xpia lên sân khấu như Nhà hát kịch Việt Nam. Có thể nói, với vở diễn vừa ra mắt, nhà hát đã và đang tiếp tục khẳng định được vị thế của một đơn vị kịch nói hàng đầu, đáp ứng sự trông đợi của bạn nghề và những người yêu sân khấu

Nguồn: Báo Nhân Dân

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version