hình ảnh trong một đoạn quảng cáo phản cảm trên truyền hình.

Truyền hình đang bị lũng đoạn bởi vô số clip quảng cáo nhảm nhí. Đó là thực trạng tồn tại khá lâu nay và đang có chiều hướng gia tăng.

 

Xem thường khán giả!

Một số năm lại đây, nhiều phương tiện truyền thông đã đề cập khá gay gắt đến các clip quảng cáo nhảm nhí trên truyền hình. Tuy nhiên, thực trạng này đến nay không những không thay đổi mà còn có dấu hiệu lộn xộn hơn.

Trên mạng xã hội hiện xuất hiện khá nhiều trang fanpage đòi tẩy chay một số quảng cáo bị cho là vô duyên trên truyền hình liên quan đến: sữa chua, máy lọc nước, bột giặt… Cụ thể, có đoạn quảng cáo bột giặt bị cho là vô duyên khi hàng trăm người vây quanh một cô gái “mặt hoa da phấn” đòi cô ấy phải bán bột giặt. Sau một hồi chống cự yếu ớt, cô gái này cũng chấp nhận mở xe hàng để bán hết số bột giặt cho những người đang vây quanh mình trong khi trước đó cô quả quyết phải chở số bột giặt này tới cho một khách hàng quen thuộc.

Đoạn quảng cáo về một loại máy lọc nước có sự xuất hiện của ca sĩ Kyo York phát thường xuyên trên truyền hình cũng gây bức xúc vì nội dung không có gì ấn tượng ngoài việc nam ca sĩ vừa nhảy điệu nhảy của chuột túi, vừa “hú” tên của loại máy lọc nước.

Rồi đoạn quảng cáo thuốc sổ mũi chống dị ứng, viêm xoang có cảnh mấy thanh niên đứng trên xe buýt vô tư hắt hơi trước bao nhiêu hành khách. Đoạn quảng cáo nước ngọt đưa hình ảnh một thanh niên đứng dưới đất ngước lên lầu đòi chai nước ngọt: “Hết yêu rồi trả anh chai…” và giọng một cô gái chanh chua đáp lại: “Trả thì trả”, rồi cô ném chai nước xuống cho anh chàng ở dưới như nhắm thẳng vào mặt. Anh chàng chụp lấy chai nước, tươi cười gỡ nhãn chai nước dò thưởng…

Gần đây, một đoạn quảng cáo sữa chua khẳng định “6-1=6” cũng khiến nhiều phụ huynh phản ứng gay gắt vì cho rằng như vậy là không thực tế, gây ảnh hưởng đến nhận thức của trẻ. Cách đây không lâu, đoạn quảng cáo một loại dầu dùng trong xào nấu cũng bị nhiều “bà mẹ bỉm sữa” đòi tẩy chay vì trái với thuần phong mỹ tục khi có phần khuyến khích các đấng mày râu… cặp bồ. Cụ thể, trong đoạn quảng cáo phát hình ảnh người chồng có hẹn với bạn gái nhưng sực nhớ đến vợ anh ta đang ở nhà nấu cơm. Anh ta đã quyết định tạm biệt cô bạn gái để về nhà ăn cơm với vợ. Về đến nhà, người chồng nói: “Phở dài là của người ta, cơm ngon canh ngọt mới là vợ anh”.

Dễ dãi với quảng cáo nhảm?

Một điều lạ là dù quảng cáo nhảm nhí đang phổ biến trên truyền hình nhưng khán giả lại phản ứng rất yếu ớt. Thậm chí, nhiều bộ phận khán giả còn có dấu hiệu “thỏa hiệp”. Phải chăng khán giả đã quá dễ dãi với quảng cáo nhảm?

Theo thống kê của VIETNAM-TAM (hệ thống đo lường định lượng khán giả truyền hình) trong tháng 3-2017, bình quân mỗi ngày từ 6 giờ đến 24 giờ, một kênh truyền hình phát quảng cáo khoảng 50 lần, mỗi lần phát quảng cáo kéo dài khoảng 2 – 4 phút. Nếu tính bình quân mỗi video quảng cáo cho một sản phẩm là 30 giây thì một khán giả truyền hình sẽ tiếp xúc với khoảng 5 sản phẩm khác nhau cho mỗi đợt quảng cáo.

Có điều bất ngờ là tỷ lệ khán giả rời bỏ quảng cáo lại không nhiều, chỉ từ 5% đến 8% khán giả sẽ chuyển kênh khi xuất hiện quảng cáo. Và khán giả càng nhiều tuổi thì tỷ lệ chuyển kênh càng thấp hơn. Phản ứng của khán giả đối với quảng cáo cũng có sự khác biệt theo giới tính, độ tuổi và theo từng thị trường.

Tại thị trường Hà Nội, những nhóm khán giả có xu hướng chuyển kênh nhiều nhất là nam nữ từ 4 – 19 tuổi và nam từ 40 tuổi trở lên. Ngược lại các nhóm khán giả truyền hình có xu hướng chuyển kênh ít nhất là nam nữ từ 20 -39 tuổi và nữ từ 40 tuổi trở lên. Với khán giả TP Hồ Chí Minh, nhóm khán giả từ 4 – 19 tuổi cũng là nhóm thường chuyển kênh nhiều nhất, trong khi đó khán giả nữ từ 40 tuổi trở lên có xu hướng ít chuyển kênh nhất.

Kết quả đo lường khán giả cũng cho thấy, trong 100 người xem quảng cáo truyền hình thì chỉ có khoảng một người là không xem hết 25% thời lượng quảng cáo, khoảng 2 – 4 người không xem hết một nửa thời lượng quảng cáo, khoảng 5 – 8 người không xem hết ¾ thời lượng quảng cáo và 7 – 12 người không xem hết 100% thời lượng quảng cáo.

Nhóm khán giả từ 4 – 19 tuổi là nhóm có mức độ hoàn thành việc xem quảng cáo thấp nhất, trong khi đó nhóm khán giả nữ từ 40 – 59 tuổi là nhóm có mức độ xem cao nhất. Đặc biệt, khán giả Hà Nội có tỷ lệ xem hết chương trình quảng cáo cao hơn khán giả tại TP Hồ Chí Minh.

Với những khảo sát bước đầu trên, nhiều người đặt câu hỏi, phải chăng vì sự dễ dãi này mà những đoạn quảng cáo nhảm nhí, thô thiển và gây bức xúc xuất hiện ngày càng nhiều trên truyền hình? Tại sao các cơ quan quản lý nhà nước vẫn ngó lơ cho quảng cáo nhảm nhí lũng đoạn?

Nhiều khán giả cũng bức xúc khi có những sản phẩm quảng cáo không hợp lý về mặt thời gian. Chẳng hạn, cứ khoảng từ 19 giờ đến 20 giờ thường là thời gian các gia đình ngồi trước mâm cơm thì truyền hình lại ra sức quảng cáo thuốc chữa trĩ, thuốc chữa ho, thuốc trị ngứa, dung dịch cho phụ nữ, tã giấy trẻ em…

Theo Hà Tùng Long

Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version