Năm phim Việt chiếu rạp dịp Tết không có bộ phim nào hội đủ các yếu tố thị hiếu, thị trường để chinh phục khán giả trong nước và kết quả là bị phim ngoại đè bẹp trên sân nhà.

Sức hút của hai ngôi sao lớn Quách Phú Thành (Tôn Ngộ Không) và Củng Lợi (Bạch Cốt Tinh) đã góp phần mang lại doanh thu cho phim Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh – Ảnh: AMP


Thay vì chọn ủng hộ phim Việt, hầu hết khán giả dành số tiền của mình cho phim ngoại nhập vốn hấp dẫn hơn nhiều.

Trong tuần lễ vàng (golden week) của dịp nghỉ Tết Nguyên đán (từ ngày 7 đến 14-2), ba bộ phim Trung Quốc thu về tổng cộng hơn 500 triệu USD tiền bán vé tại thị trường Trung Quốc, lập kỷ lục là tuần phim có doanh thu cao nhất trong lịch sử điện ảnh thế giới.

Ngoài lý do chính là nhờ sự phát triển rực rỡ của thị trường điện ảnh Trung Quốc, lý do quan trọng hơn để giành được chiến thắng này: khả năng nắm bắt thị hiếu khán giả và phát hành trúng điểm rơi của các nhà làm phim.

Sự thất bại của doanh thu phim Việt tết cũng có thể lý giải từ hai yếu tố quan trọng này.

Kỷ lục mới từ tuần lễ vàng của điện ảnh 
Hoa ngữ

Chưa bao giờ các kỷ lục doanh thu điện ảnh tại thị trường Hoa ngữ lại được thiết lập nhanh và lại dễ bị xô đổ như hiện nay. Ngay cả thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới hiện nay là Bắc Mỹ cũng bị nao núng khi trong tuần lễ Tết Nguyên đán vừa rồi, doanh thu từ thị trường Hoa ngữ đạt đến gần 550 triệu USD, điều mà thị trường Bắc Mỹ chưa bao giờ đạt được, cho dù có các bộ phim bom tấn thành công hay các dịp lễ lớn.

Tại thị trường Trung Quốc, tuần lễ vừa rồi cũng xác lập hàng loạt kỷ lục: riêng ngày mùng 1 tết, ba bộ phim đồng loạt phát hành thu về 100 triệu USD trong một ngày, là doanh thu trong một ngày cao nhất mọi thời đại. Và ngay sau đó là kỷ lục doanh thu trong dịp cuối tuần và kỷ lục doanh thu trong một tuần (bảy ngày) cao nhất mọi thời đại.

Nếu như trước đây doanh thu hằng tuần luôn được chia đôi, khu vực Bắc Mỹ và phần còn lại của thế giới, thì hiện nay doanh thu được tính là: Trung Quốc và… phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Bắc Mỹ.

Phá kỷ lục doanh thu nhanh nhất mọi thời đại trong tuần rồi là The Mermaid (Mỹ nhân ngư) của đạo diễn – vua hài Châu Tinh Trì. Với kinh phí chỉ 60 triệu USD (thấp hơn nhiều so với phim bom tấn Mỹ), sau bảy ngày công chiếu đầu tiên, bộ phim thu về 276 triệu USD riêng tại thị trường Trung Quốc và 304 triệu USD nếu tính thêm các thị trường khu vực.

Bộ phim về nhì là From Vegas to Macau 3 (Thần bài 3) của đạo diễn Vương Tinh với 119 triệu USD (kinh phí là 40 triệu USD) và đứng thứ ba là The Monkey King 2 (Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh) với doanh thu sát sao là 116 triệu USD (kinh phí 60 triệu USD).

Như vậy chỉ trong tuần trình chiếu đầu tiên của dịp tết, cả ba bộ phim Trung Quốc đều đại thắng. Lý giải cho thành công lớn này, không chỉ các tờ báo Trung Quốc mà cả những tờ chuyên về điện ảnh lớn của Mỹ là Variety và Hollywood Reporter đều nhận định cả ba bộ phim thành công nhờ có những tuyệt chiêu chinh phục và nắm bắt thị hiếu khán giả.

Với thành công… không tưởng của Mỹ nhân ngư, cây bút Ben Sin của tờ South China Morning Post cho rằng ngoài thương hiệu đã được đảm bảo của vua hài Châu Tinh Trì, bộ phim là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa bi, hài và cả lãng mạn.

Lâm Doãn vai nàng tiên cá trong Mỹ nhân ngư


Với Tôn Ngộ Không và Thần bài, thành công của hai bộ phim này cũng được lý giải theo góc độ “thương hiệu”. Thần bài vốn là loạt phim “cờ bạc” gắn liền với tên tuổi của Châu Nhuận Phát trong quá khứ, gần đây được phục hồi trong một “bộ ba” mới và dù bị chỉ trích là “hết chiêu”, thậm chí tập 3 này được coi là “thảm họa điện ảnh”, nó vẫn tăng tốc tại phòng vé nhờ một dàn sao luôn đảm bảo doanh thu là Châu Nhuận Phát, Lưu Đức Hoa, Trương Học Hữu và Lưu Gia Linh.

Với Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh, sự thành công đầu tiên đến từ một cốt truyện kinh điển đã được điện ảnh Trung Quốc dàn dựng hàng chục lần, vẫn ăn khách.

Sức hút thứ hai chính là hai ngôi sao lớn Quách Phú Thành (Tôn Ngộ Không) và Củng Lợi (Bạch Cốt Tinh). Và cuối cùng là kỹ xảo được cải tiến vượt bậc so với phần 1 ra đời cách đây hai năm.

Phim Việt: không có phim tết nào thật sự 
hấp dẫn!

Nếu cả thị trường điện ảnh khổng lồ Trung Quốc chỉ có ba bộ phim chiếu tết và phát hành đúng điểm rơi là mùng 1 tết với chiến lược cực kỳ bài bản thì Việt Nam có đến năm bộ phim Việt chiếu rạp, phát hành tản mác và thật sự trong năm bộ phim này không có bộ phim nào hội đủ các yếu tố thị hiếu, thị trường để chinh phục khán giả. Kết quả là chính phim Việt tự chia rẽ khán giả và bị phim ngoại đè bẹp trên sân nhà.

Doanh thu khá nhất là Tía tui là cao thủ nhờ phát hành khá sớm và vẫn giành được thị phần khán giả bình dân vốn không quan tâm đến ngôn ngữ điện ảnh, miễn là có… Hoài Linh. Bốn bộ phim còn lại, với doanh thu từ 15 tỉ đồng trở xuống, có thể nói là thất bại.

Cảnh hành động trong Siêu trộm


Nếu ba bộ phim kia sự thất bại có thể được báo trước vì sự cũ kỹ trong đề tài và sự non tay trong ngôn ngữ điện ảnh, thì sự thất bại đáng tiếc nhất là Siêu trộm – một bộ phim được chờ đợi trước đó của đạo diễn Hàm Trần, một trong ba đạo diễn Việt kiều giỏi nghề nhất hiện nay bên cạnh Charlie Nguyễn và Victor Vũ.

Dù xét về tay nghề và kỹ thuật, Siêu trộm là bộ phim chuẩn mực nhất của điện ảnh giải trí Việt Nam, thậm chí có thể đặt ngang một bộ phim giải trí hạng trung của Hollywood, nhưng khi bước ra khỏi rạp chiếu, bản thân người viết đã nhận định rằng bộ phim này khó thành công tại thị trường Việt Nam.

Không chỉ với một đề tài xa lạ và thiếu độ bám thực tế, Siêu trộm thiếu một cách kể chuyện có sự kết nối với khán giả. Những hình ảnh cắt dựng nhanh, hào nhoáng nhưng lại dễ trôi tuột đi vì thiếu nhịp điệu.

Sự lạm dụng những cú quay cận cảnh đôi khi lại phản tác dụng vì để lộ diễn xuất không có chiều sâu của diễn viên và không có sự phối hợp ăn ý nhịp nhàng giữa họ.

Dàn diễn viên của phim, vốn không có một ngôi sao thực lực nào (Ngô Thanh Vân chỉ đóng vai cameo và nhanh chóng… chết ngay trong đoạn mở đầu) khiến bộ phim khá chật vật để giữ khán giả kết nối với nhân vật.

Đó có lẽ là lý do dù được khen ngợi nhiều về mặt kỹ thuật và dựng phim, Siêu trộm thiếu một sự gắn kết cảm xúc, hay đơn giản là một chút triết lý nhân sinh để lôi kéo khán giả đến rạp. Đây lại là những lý do quan trọng nhất, nếu xét từ thành công của hai bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh và Em là bà nội của anh.

Thị trường điện ảnh Việt đang rất lớn và cơ hội cho phim Việt còn rất nhiều. Nhưng quan trọng hơn, các nhà làm phim hãy nghiên cứu kỹ hơn về thị hiếu và tâm lý của khán giả trước khi làm phim, nếu không muốn bị đè bẹp bởi phim ngoại ngay trên sân nhà.

Khi thị trường điện ảnh nội địa mạnh lên thì không cần bảo hộ, phim Việt vẫn chiến thắng.

Nghĩ đến miếng bánh thị phần 
trong dịp lễ

Ngoài lý do chất lượng và thị hiếu không đủ chinh phục khán giả Việt trong dịp tết, một lý do quan trọng nữa khiến phim Việt thất thu là cả ba bộ phim “bom tấn” Trung Quốc nói trên và một bộ phim bom tấn của Hollywood đều đổ bộ vào các rạp chiếu Việt Nam ngay trong những ngày đầu năm mới.

Trong khi doanh thu phim Việt khá ảm đạm, doanh thu từ Mỹ nhân ngư, Tôn Ngộ Không và Deadpool đều cao đột phá tại thị trường Việt Nam trong tuần vừa qua.

Chờ đợi việc bảo hộ điện ảnh nội địa hiện nay khá mơ hồ khi chưa có một điều luật nào cụ thể, thay vào đó các nhà nhập phim lớn hiện nay hãy nghĩ đến miếng bánh thị phần cho phim Việt trong những dịp lễ đặc biệt.

Hãy thử nhìn sang điện ảnh Trung Quốc, trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, ngoài ba bộ phim bom tấn nội địa, không có bất cứ một bộ phim Hollywood nào được trình chiếu trong tuần lễ vàng này, đó là lý do doanh thu hoàn toàn đổ vào túi các phim nội địa mà không bị san sẻ cho phim ngoại nhập.

Theo Lâm Lê – Tuổi trẻ

Exit mobile version