Mùa Tết Nguyên đán 2016, phim Việt bỗng dưng… bị ế. Dù đối thủ phim nội chen chân vào rạp mùa này khiêm tốn so với các năm trước nhưng phim nội lại phải “so găng” với hàng loạt “bom tấn” ngoại quốc.
Những mùa phim Tết trước, trung bình có khoảng 10 phim ra rạp thì năm nay chỉ vỏn vẹn có 5 phim. Trong đó, “Tía tui là cao thủ”, “Lộc phát”, “Yêu là phải xài chiêu” là phim hài. “Ám ảnh” là phim kinh dị. Chỉ có “Siêu trộm” khai thác đề tài khá mới mẻ: đạo tặc trên mạng. Điều đáng nói đây là năm mà số lượng phim Việt lên con số ngất ngưởng: hơn 40 phim. Số lượng phim trong năm khá “khủng” do vậy nhiều người dự đoán mâm cỗ phim Tết 2016 phải rất thịnh soạn.
Song thực tế hoàn toàn ngược lại. Trong năm sôi động bấy nhiêu thì đến Tết phim nội gần như mất hút. Các suất chiếu èo uột. Nhà sản xuất kèn cựa nhau từng chút một khi phim “Siêu trộm” chỉ có suất chiếu tại “mẹ đẻ” BHD và trở nên hiếm hoi ở các rạp khác. Ế ẩm là vậy nên đến tận thời điểm này gần như chưa có nhà sản xuất nào của các phim trên công bố doanh thu.
Nghệ sĩ Hoài Linh đã không thể trở thành con át chủ bài để tạo nên cơn sốt phòng vé cho “Tía tui là cao thủ”.
Trước đây, phim làm và chiếu trong năm phải đỏ mắt kiếm khán giả nên nhà sản xuất thường trông chờ tận thu dịp đầu năm. Vậy nên không hiếm phim Tết ồ ạt cạnh tranh được tỉa tót, đầu tư dù có đi theo công thức hài hay kinh dị. Tâm lý nghỉ ngơi, vui chơi sau một năm học hành, làm việc vất vả, khiến nhiều người đổ tới tụ điểm giải trí, nhất là các rạp chiếu phim vào dịp đầu xuân. Tết cũng là dịp để các nhà phê bình nhìn vào, đánh giá đời sống điện ảnh nước nhà một năm qua. Nay, nhiều phim có chất lượng tốt, được PR bài bản đã giúp phim Việt có thị trường ở bất kỳ thời điểm nào trong năm.
Phải chăng năm nay, các bộ phim chiếu trong năm đã đủ “ấm cật” nên các nhà làm phim không mấy chăm chút cho đứa con đầu xuân? Kiểu làm phim “mì ăn liền”, ít chi phí hòng thu hồi vốn nhanh vẫn là chiêu thức được áp dụng cho phim Tết. Trong khi đó, đáng lẽ phim trong năm đã quá “ngon” thì phim ngày Tết lại càng phải là đặc sản.
Lý do “Tết bây giờ khán giả toàn đi chơi xa, mấy ai có đủ thời gian ra rạp xem phim nữa” xem ra không hề thuyết phục. Nếu vậy thì giải thích như thế nào khi các phim ngoại như “Tôn Ngộ Không ba lần đánh Bạch Cốt Tinh”, “Mỹ nhân ngư”, “Thần bài 3” của Trung Quốc lại làm mưa làm gió phòng vé Việt Nam, thu về hàng chục tỉ đồng trong vỏn vẹn một tuần nghỉ Tết? Hay bộ phim Việt hóa tình cảm gia đình pha hài như “Em là bà nội của anh” của đạo diễn Phan Gia Nhật Linh vẫn tiếp tục hái tiền tỉ ngày đầu năm dù đã chiếu trước Tết cả tháng trời?
Dù ưu ái phim Việt nhưng phim hay của các nước châu Á vẫn được người dân Việt yêu thích dịp Tết. Trên các diễn đàn, mạng xã hội, khán giả không tiếc lời khen ngợi các phim ngoại. Nào dàn diễn viên xinh đẹp, diễn xuất đồng đều. Nào kỹ xảo mãn nhãn, xứng tầm Hollywood. Nào cốt chuyện hấp dẫn, xúc động, hồi hộp…
Nghe mà ngậm ngùi cho phim Việt. Bởi làm sao mà ưu ái nổi khi phim Việt công chiếu chính thức vào mùa Tết 2016 không hề có phim nào để khán giả trầm trồ như phim nội chiếu trong năm. Nếu phim trong năm phong phú nhiều thể loại từ hài, hành động, tâm lý xã hội… thì mảng miếng phim ngày xuân quay đi quẩn lại vẫn là hài. Năm nay, đã có 3 bộ phim hài, một bộ phim phá án như “Siêu trộm” cũng pha hài.
“Tía tui là cao thủ” có nội dung về đời sống gia đình của người dân nông thôn, hướng đến đối tượng khán giả bình dân. Dù đạo diễn Trần Ngọc Giàu cố thêm thắt nhiều màn kungfu để nội dung thêm lạ lẫm, hy vọng khán giả không bị “lờn công thức” nhưng mảng miếng của ông trong “Tía tui là cao thủ” vẫn na ná “Nhà có năm nàng tiên”, “Năm sau con lại về”, “Quý tử bất đắc dĩ” những năm trước.
Bộ đôi ông bà Nho, Nhã do Hoài Linh và Việt Hương thủ vai gần như trưng trổ lại kiểu hài đã thể hiện trong “Nhà có năm nàng tiên”. Ngoài kịch bản non nớt, kiểu lẩu thập cẩm Đông Tây kết hợp thì tên tuổi đạo diễn Lê Bảo Trung đã là một bảo chứng… cho thất bại của phim “Lộc phát”. Đây là đạo diễn liên tục bị khán giả chỉ trích vì những tác phẩm thảm họa như “Biết chết liền”, “Gia sư nữ quái”, “Bảo mẫu siêu quậy”. “Yêu là phải xài chiêu” – tác phẩm đầu tay của Khương Ngọc với vị trí là đạo diễn lại có kiểu tưng tửng mà mới xem vài phút đầu, khán giả cũng đoán hết được cốt truyện.
“Siêu trộm” dù được chú ý nhiều vì nội dung Heist (đánh cướp) vốn chưa có một phim Việt nào thực hiện nhưng lại rất ít rạp chiếu. Ngoài ra, poster lẫn trailer bị chê hời hợt. Riêng món “máu me” duy nhất trong mâm cỗ Tết là “Ám ảnh” lại làm không tới chất “dựng tóc gáy” của một phim kinh dị. Ekip vội vã cắt sửa, thêm thắt để kịp cho ra lò dịp Tết là một sai lầm vì nó khiến phim có nhiều chi tiết chắp vá. Hình ảnh Yaya Trương Nhi đầy máu ngồi quay đầu trên chiếc ghế cũng khiến khán giả cho là đạo nhái một bộ phim kinh dị ngoại nổi tiếng.
Một đạo diễn cho rằng phim hài Tết thất bại vì khán giả quá no nê với hài trên truyền hình. Có thể nói, năm 2015 là năm hoàng kim của làng hài. Hàng loạt các chương trình hài như “Cười xuyên Việt”, “Ơn giời, cậu đây rồi”, “Hội quán tiếu lâm”, “Bí mật đêm chủ nhật”… chưa đã cho cơn thèm khát hài của nhà đài khi rất nhiều chương trình, trò chơi truyền hình có yếu tố hài tiếp tục ra đời “sòn sòn”. Thậm chí, đến những chương trình vô cùng nghiêm túc như thi trí tuệ, thể thao… cũng có gương mặt làng hài cầm trịch hoặc làm MC.
Dù là “ca” lạ trong 5 bộ phim Tết 2016 nhưng “Siêu trộm” của đạo diễn Hàm Trần không đạt được doanh thu mong đợi.
Trong năm, các phim điện ảnh hài cũng chiếm thị phần khá lớn. Song số lượng phim làm nên cơn sốt lại thuộc về phim đề tài xã hội, thiếu nhi, tâm lý, tình cảm như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “12 chòm sao – Vẽ đường cho yêu chạy”, “Cuộc đời của Yến”, “Yêu”… Đây đều là những bộ phim có gương mặt diễn viên mới mẻ. Còn cái duyên hài của ngôi sao dường như đã bị khai thác cạn kiệt, đến mức khán giả thấy là ngán. Điều này khiến phim chọc cười dễ dãi phải chật vật tìm chỗ đứng.
Sự thất bại của “Trùm cỏ”, “Kungfu phở”, “Hy sinh đời trai”, “Già giân, Mỹ nhân và Găng tơ”… liên tiếp trong năm 2015 là một minh chứng. Thành công hiếm hoi của phim hài “Em là bà nội của anh” chứng tỏ một điều rằng: dù làm phim thể loại gì, chất lượng vẫn phải đặt lên hàng đầu.
So thời điểm, nhiều nhà làm phim nhận thấy các dịp như nghỉ hè hay nghỉ lễ ngắn ngày kiểu Giáng sinh, Tết Dương lịch… lại rất hút khách. Thậm chí, doanh thu những dịp này còn vượt trội so với Tết Nguyên đán vốn lắm đối thủ ngoại đáng gờm chen chân. Thay vì đổ xô vào dịp Tết, các nhà sản xuất bây giờ thích rải đều phim trong năm, càng thưa phim ra rạp cùng lúc thì càng dễ cạnh tranh. “Hương ga”, “Lạc giới”, “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”… là một ví dụ.
Năm 2016, rất nhiều phim có chi phí lên tới cả triệu đô được khán giả ngóng đợi vẫn nằm im chờ thời. “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” do Ngô Thanh Vân sản xuất kiêm đạo diễn gây chú ý ngay từ khâu tuyển diễn viên, lịch làm việc với các chuyên gia nước ngoài và những phân cảnh tuyệt đẹp … Siêu phẩm này đáng lẽ được chiếu vào dịp Tết. Song hiểu được rủi ro, Ngô Thanh Vân quyết định phát hành “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” vào mùa hè 2016. Dự án phim “Truy sát” của Trương Ngọc Ánh cũng chọn thời điểm trong năm để kiếm tìm doanh thu.
Một dự án khác đầy hấp dẫn là “Fan cuồng” cũng khiến khán giả phát cuồng theo khi thời diểm dự kiến ra mắt khoảng vào giữa năm. “Bao giờ có yêu nhau” của Dustin Nguyễn không dại tung vào dịp Tết như kiểu thừa thắng xông lên của “Trúng số” Tết 2015 mà kiên nhẫn chờ đến tháng 3.
Nhiều bộ phim phát hành trong năm cho thấy phim Việt đủ sức kéo khán giả trong mọi thời điểm chứ không chỉ dựa vào mỗi dịp Tết. Thế nhưng sự quay lưng hay dễ dãi với Tết của các nhà làm phim đang là điều đáng buồn. Bởi ngày đầu năm, khán giả vẫn khao khát được thưởng thức những món ăn tinh thần đầy cảm xúc, phong phú và đa dạng.
Theo Phan Thi Uyên – Văn nghệ công an