“Tuổi thanh xuân”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, “Mạch ngầm vùng biên ải” và gần đây nhất là “Đồng tiền quỷ ám”, “Zippo, mù tạt và em”… đã và đang là những bộ phim truyền hình được đông đảo khán giả quan tâm theo dõi. Những bộ phim dài lê thê và nhạt nhẽo ngày càng ít xuất hiện trên sóng truyền hình, thay vào đó là những bộ phim có sự đầu tư nâng cao về chất lượng nội dung. Không thể phủ nhận, những người làm phim truyền hình đang nỗ lực tìm lại tình yêu mà khán giả đã từng dành cho mình trước đây…

Xuất hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước, phim truyền hình Việt từng là món ăn tinh thần không thể thiếu của đông đảo khán giả khắp cả nước. Cũng đã từng có một thời gian, những bộ phim, các gương mặt nghệ sĩ đã trở thành niềm yêu mến của nhiều thế hệ người xem.

Nhưng cùng với sự bùng nổ của các kênh sóng truyền hình, một thời gian dài sau này, phim truyền hình Việt trượt dài trong vòng xoáy của nhạt và nhảm. Những bộ phim dài lê thê, rườm rà cả trăm tập khiến khán giả ngao ngán đến mức chỉ muốn chuyển kênh.

Dù có dễ tính đến mấy nhưng sự yêu mến của khán giả dành cho phim Việt cũng dần mất đi vì những bộ phim mà nội dung sơ sài, diễn xuất hời hợt. Đã có không ít cảnh báo rằng, nếu không thay đổi, phim truyền hình Việt sẽ chết yểu ngay trên chính sân nhà.

“Hôn nhân trong ngõ hẹp” – một bộ phim thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Trước nguy cơ có thật ấy, có lẽ những người làm phim truyền hình đã phải giật mình tỉnh thức. Không thể phủ nhận, gần 2 năm trở lại đây, phim truyền hình Việt đã có những thay đổi đáng kể để kéo khán giả về lại với màn ảnh. Những lời khen ngợi, những tranh luận xung quanh những bộ phim phát sóng ngày càng nhiều… chứng tỏ khán giả đã trở lại và quan tâm hơn tới phim truyền hình. Có thể coi năm 2015 là dấu mốc, chứng kiến sự lên ngôi của nhiều bộ phim truyền hình dài tập cũng như đánh dấu sự khởi sắc của phim Việt sau một thời gian dài chệch choạc.

Một trong những điều dễ nhận thấy nhất là phim truyền hình Việt Nam giờ đây đã chia thành những dòng khá rõ rệt. Các đạo diễn không “tham lam” kể những câu chuyện tràng giang đại hải mà tập trung vào những đề tài cụ thể cho những đối tượng khán giả cụ thể. Trong số đó, dòng phim dành cho giới trẻ thực sự là một bước đột phá, mở ra một hướng đi mới cho phim truyền hình.

Mở màn cho dòng phim này, phải kể tới “Tuổi thanh xuân” – bộ phim truyền hình hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Không chỉ gây ấn tượng với khán giả trẻ bằng dàn diễn viên sáng láng toàn “trai xinh gái đẹp” mang phong cách Hàn Quốc mà câu chuyện tình yêu, những trăn trở, băn khoăn khi bước vào giai đoạn lập thân lập nghiệp của những người trẻ đã thực sự gần gũi, đi vào đời sống.

Sau “Tuổi thanh xuân”, một số phim như “Chỉ có thể là yêu”, “Khép mắt chờ ngày mai”… cũng đã tiếp tục kéo được khán giả trẻ – những người đang bị thu hút bởi rất nhiều loại hình giải trí khác quay về ngồi trước màn hình. Đặc biệt, bộ phim đang phát sóng hiện nay “Zippo, mù tạt và em” đã tạo được làn sóng bình luận trên các phương tiện truyền thông và các trang mạng xã hội.

Sức hút của “Zippo, mù tạt và em” không chỉ từ dàn diễn viên đẹp không thua kém sao Hàn như Nhã Phương, Lã Thanh Huyền, Việt Anh, Mạnh Trường, Hồng Đăng… mà còn bởi câu chuyện tình yêu được kể một cách hiện đại và gần gũi, trẻ trung. Những yếu tố hài hước nhẹ nhàng xen kẽ với yếu tố tình cảm lãng mạn của tình yêu đôi lứa đã khiến bộ phim mang đến những phút giây thư giãn thực sự dễ chịu.

Một dòng phim cũng đã đánh dấu những đổi thay rõ nét của phim truyền hình Việt đó là phim về đề tài hôn nhân gia đình. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà làm phim truyền hình Hàn Quốc đã đặc biệt chú trọng tới đối tượng khán giả là những người vợ, người mẹ, người nội trợ trong gia đình. Đây là đối tượng khán giả chiếm số lượng đông đảo của dòng phim truyền hình và thực sự những nhà sản xuất phim Hàn Quốc đã rất thành công, không chỉ trong nước, khi chú ý tới đối tượng khán giả này.

Chính vì thế “Bánh đúc có xương”, “Hôn nhân trong ngõ hẹp”, “Lời ru mùa đông”, “Mưa bóng mây”… đã trở thành những đại diện tiêu biểu cho phim Việt ở đề tài hạnh phúc gia đình. Những phức tạp trong các mối quan hệ, những nguy cơ mà bất kỳ cuộc hôn nhân phải đối mặt trong cơ chế thị trường đã được các đạo diễn khéo léo phản ánh trong các bộ phim của mình.

Đi sâu vào khai thác chuyện tình cảm và các mối quan hệ giữa các thành viên gia đình một cách gần gũi, đời thường những bộ phim này đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ khán giả. Không ít phụ nữ đã tìm thấy mình trong đó, những trăn trở, căng thẳng trong qua trình tìm kiếm hạnh phúc, giữ gìn hôn nhân, tình yêu giữa vô vàn những va đập của đời sống.

Song song với dòng phim tâm lý, tình cảm, dòng phim chính luận cũng đã dần lấy lại được vị thế của mình. Lợi thế của dòng phim này là luôn đề cập tới những vấn đề bức xúc của đời sống, được dư luận đặc biệt quan tâm. Tiếp nối sự thành công của “Đất và người”, “Chủ tịch tỉnh”, “Khi đàn chim trở về”… những bộ phim sau này như “Gia phả của đất”, “Mạch ngầm vùng biên ải”… đã phân tích một cách sắc sảo, thẳng thắn những vấn đề nổi cộm của đời sống.

Không chỉ phản ánh đời sống nông thôn miền Bắc, phim truyền hình Việt đã mở rộng đề tài tới nhiều vùng miền khác nhau. Mang dấu ấn rõ nét vùng sông nước miền Tây thì có “Bồng bềnh trên sông” hay về phận đời cơ cực của diêm dân trước sự khắc nghiệt của thời tiết và nạn buôn lậu muối ngoại thì có “Mặn hơn muối”.

Dàn diễn viên trẻ đẹp là một trong những yếu tố hấp dẫn của phim “Tuổi thanh xuân”.

Ở mảng phim chính luận pha hình sự, phim truyền hình Việt Nam đã ghi dấu trong lòng khán giả bằng những cái tên như “Chạy án”, “Bí mật tam giác vàng” và gần đây nhất là “Câu hỏi số 5”, “Đồng tiền quỷ ám”… Những tình tiết giật gân, những pha rượt đuổi ly kỳ, những màn đấu trí hấp dẫn cùng sự diễn xuất có chiều sâu đã khiến những bộ phim này lấy được sự cảm tình từ phía khán giả.

Bên cạnh đề tài, nội dung của phim đã được đầu tư, gần gũi hơn thì một thay đổi rõ rệt nhất ở phim truyền hình đó là rút ngắn tập phim. Nếu như trước đây, có những bộ phim dài tới 70 – 80 tập, thậm chí lên tới cả trăm tập thì giờ đây, trung bình mỗi bộ phim chỉ trên dưới 30 tập. Phim truyền hình thường dài tập nhưng nếu không quản lý tốt kịch bản sẽ dẫn đến tình trạng đầu voi, đuôi chuột.

Hơn thế nữa, một nội dung vừa vặn, xúc tích chắc chắn sẽ góp phần khiến bộ phim hấp dẫn hơn một kịch bản dài dòng, lê thê, rườm rà. Các đạo diễn phim Việt dường như đã phần nào hạn chế được thói quen “bôi dài” để có được những bộ phim vừa vặn, giữ được khán giả đến tập cuối cùng.

Có thể nói, phim truyền hình Việt gần đây đã khởi sắc nhờ sự đa dạng, phong phú về thể loại và nội dung khá đồng đều. Những bộ phim được đầu tư kỹ lưỡng, mang đậm hơi thở cuộc sống đã góp phần giúp phim truyền hình phần nào thoát khỏi tình trạng lặng lẽ lên sóng và kết thúc lúc nào không hay. Những phim loanh quanh đề tài tình yêu tay ba tay tư tranh giành tài sản tràn lan thời gian vừa qua cũng đã được hạn chế thay vào đó là những bộ phim có nội dung sâu sắc, chân thực với đời sống.

Không thể phủ nhận phim truyền hình Việt lấy lại được cảm tình của khán giả còn bởi sự kỹ lưỡng của đạo diễn trong lựa chọn bối cảnh và diễn viên. Cùng với kịch bản, diễn viên là một trong hai yếu tố quyết định sự thành công của phim. Chính vì thế, gần đây, cùng với sự siết lại của quy trình chọn lọc phim, các đạo diễn đã đặc biệt chú ý tới yếu tố này. Đã từng có thời điểm, sự quen mặt của các diễn viên ở những vai diễn na ná nhau khiến phim truyền hình rơi vào tình trạng nhàm chán. Không chỉ cố gắng làm mới bằng những gương mặt diễn viên lạ mà quan trọng hơn là yếu tố diễn xuất được các đạo diễn đặt lên hàng đầu.

Lo chạy theo số lượng, cách làm phim chụp giật, không chuyên nghiệp cũng đã từng xuất hiện. Nhưng giờ đây, các đài truyền hình cũng chọn lọc kỹ đối tác làm phim để chọn ra những đơn vị có tiềm lực kinh tế và uy tín trong việc sản xuất phim. Bản thân các đơn vị đối tác cũng hiểu rằng muốn đi đường dài, muốn giữ chân khán giả bắt buộc phải chăm chút tốt cho bộ phim. Hơn thế nữa, phim Việt đang ở thế cạnh tranh gay gắt với phim nước ngoài, nếu không chú trọng đến đầu tư nâng cao chất lượng phim, các nhà sản xuất sẽ khiến khán giả quay lưng và ảnh hưởng tới uy tín, doanh thu của đơn vị mình.

Khánh Thảo – Văn nghệ công an

Exit mobile version