VŨ VŨ

Có nhiều sự kiện cho các nhà làm phim ngắn nhưng cơ hội mở rộng còn hạn chế.

Các cuộc thi phim ngắn được ví như cơ hội cấp tấm vé vào con đường chuyên nghiệp cho các nhà làm phim trẻ. Nhưng với sự gia tăng về số lượng các liên hoan, hội thảo phim ngắn hiện nay, rất khó để phân loại, đánh giá.

Sân chơi “chất” nhưng cộng đồng nhỏ

Các cơ sở đào tạo nghề điện ảnh uy tín thời gian gần đây đều tổ chức các cuộc thi phim ngắn, vừa là nghiệm thu đồ án tốt nghiệp vừa để giới thiệu những tác phẩm chất lượng của sinh viên.

Trường đại học (ĐH) Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội nhiều năm qua có Liên hoan phim (LHP) Ong vàng, ĐH Hoa sen có cuộc thi Sfilm contest, Trung tâm Hỗ trợ phát triển tài năng Điện ảnh TPD có LHP Búp sen vàng, SIFS có thi tài cho phim ngắn tốt nghiệp các hạng mục. Năm nay cũng là lần đầu Trường ĐH Khoa học xã hội & Nhân văn TP Hồ Chí Minh tổ chức LHP phim ngắn FY Film, kêu gọi nhận phim từ đầu tháng 5, và kết sổ vào cuối tháng 8. Những cuộc thi này ban đầu xuất phát từ phạm vi trường học nhưng đã có kết nối trong cộng đồng làm phim trẻ, bước đầu thu hút nhà tài trợ. Hơn cả, đây có thể là cơ hội cho các bạn trẻ được các nhà chuyên môn để ý tạo điều kiện đi xa hơn.

Với lối dạy đổi mới của điện ảnh trực tiếp, khai thác cảm xúc thật của nhân vật, TPD đang có nhiều phim ngắn chất lượng cao của cả thể loại phim tài liệu và phim truyện. LHP Búp sen vàng tổ chức thường niên là bệ phóng cho nhiều phim tốt đi đến tranh giải tại hạng mục phim ngắn của giải thưởng Cánh diều vàng, Bông sen vàng, hay LHP quốc tế Hà Nội. Sau đó sẽ là cơ hội để các bạn trẻ tiếp tục gửi phim chinh phục các giải thưởng khu vực, quốc tế. Nhiều đạo diễn, nhà sản xuất trẻ được vinh danh ở Búp sen vàng đã bắt đầu tham gia giảng dạy trong môi trường chuyên nghiệp như Hà Thái, Hà Lệ Diễm, Ngô Đài Trang, Nguyễn Lê Hoàng Việt…

Tuy nhiên, vì vẫn nằm trong khuôn khổ một lễ tốt nghiệp mở rộng, sản phẩm nhiều khi còn mang tính “trả bài”, các LHP này thường không có “mạnh thường quân” đồng hành ngay từ đầu, truyền thông còn hạn chế nên vẫn dừng lại ở sự tranh tài trong cộng đồng hẹp.

Nhiều tiếc nuối ở các đấu trường lớn hơn

Từ năm 2009, tiệc phim trực tuyến Yxineff gây dấu ấn khi thu hút nhiều nhà làm phim Việt Nam và quốc tế gửi tác phẩm tham dự. Sau 5 năm phát triển, vì những mâu thuẫn trong nội bộ nhóm sáng lập và những khó khăn trong quản lý bản quyền nội dung online, tiệc phim đã kết thúc không hẹn ngày gặp lại vào năm 2014. Các tên tuổi đạo diễn Việt Nam và gốc Việt từng được trao giải của Yxineff sau này chủ yếu hoạt động ở lãnh địa phim độc lập, ít được biết tới như Tạ Nguyên Hiệp, Trần Lý Trí Tân, Trương Quế Chi, Trần Dũng Thanh Huy, Lê Bình Giang… Đây là điều đáng tiếc vì với quy mô, tiêu chuẩn đã tạo dựng được, ban tổ chức hoàn toàn có đà để phát triển hơn nữa phạm vi hoạt động và tầm ảnh hưởng thiết thực của tiệc phim.

Sau Yxineff, nhiều cuộc thi phim ảnh do các đơn vị tư nhân tổ chức chủ yếu gây ấn tượng vì giải thưởng cao và tạo phong trào tốt nhưng không có những phát hiện về chuyên môn xứng tầm. Mặc dù các cuộc thi làm phim đã truyền thông bài bản để đề cao ê-kíp tạo ra sản phẩm, thậm chí còn tỏ ra chuyên nghiệp hơn cả các LHP do các cơ quan quản lý điện ảnh tổ chức.

Hoặc như 312 Action, cuộc thi phim ngắn do Tạp chí Thế giới văn hóa tổ chức, gây sốc khi trao giải thưởng tiền mặt 100 triệu đồng dành cho phim hay nhất và chuyến học tập tại Mỹ cho đạo diễn xuất sắc. Tuy nhiên, các tác phẩm dự thi hầu như không được biết đến và nhiều bộ phim ngắn có cách làm như một clip viral.

Cũng có hai mùa cống hiến, 7 film fest – LHP phim ngắn 7 phút với đề tài giao thông kết nối nhiều nhóm làm phim bán chuyên và khuyến khích người làm điện ảnh với ý nghĩa cộng đồng, còn có cả hội thảo hướng dẫn đi cùng. Thế nhưng khi cuộc thi kết thúc hầu như không ai nhắc đến phim.

Các LHP kiểu này còn thường xuyên lặp lại chuyên gia như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đạo diễn Charlie Nguyễn, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, nhà sản xuất Jenni Trang Lê, diễn viên – nhà sản xuất Trương Ngọc Ánh, Kathy Uyên…, giống như một gameshow tài năng chỉ tập trung vào giám khảo mà ít quan tâm thí sinh.

Một tín hiệu đáng mừng cho phong trào điện ảnh trẻ năm nay là sự trở lại của Dự án “Làm phim 48H” (48HFP) sau ba năm gián đoạn do tình hình tài chính khó khăn. Đây là cuộc thi làm phim theo nhóm trong thời gian hai ngày thành lập năm 2001 ở Mỹ, có nhiều phiên bản ở các nước và ra mắt tại Việt Nam từ năm 2010. Một số đạo diễn thành danh hiện nay đã đi lên từ sân chơi này như Phan Gia Nhật Linh, Vũ Ngọc Phượng, Nguyễn Hữu Tuấn… Mong rằng, với nhiều cải tiến về luật chơi, 48HFP không sa đà vào việc quảng bá cho tên tuổi người sáng lập mà tạo cơ hội thật sự cho các nhà làm phim trẻ cọ xát năng lực.

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version