Sân chơi phim ngắn đang là cơ hội cho những bạn trẻ đam mê thỏa sức thể hiện mình. Có những thành công và không ít thất bại. Với những đạo diễn đã có chút tên tuổi, đây chính là bước đệm quan trọng để họ tiến xa trong lĩnh vực điện ảnh.    

Sân chơi mở

Bước vào nghề từ năm 2013, cô sinh viên năm 4 Trường Đại học Văn hóa TPHCM Trịnh Ngọc Thanh Giang vừa có trong tay 2 giải thưởng: Đạo diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan phim ngắn Những mảnh ghép cảm xúc (phim Giữ lại yêu thương) và Âm nhạc xuất sắc nhất (phim Bí mật nhà kho) tại Cuộc thi phim ngắn Việt 321 Action.


Từ những lạ lẫm ban đầu khi chạm ngõ phim ảnh, nhưng những ngày ra phim trường, theo chân quay phim thực hiện MV ca nhạc cho các ca sĩ là bước khởi đầu thắp lên niềm đam mê cho Thanh Giang. Cô gái trẻ này tâm sự: “Em cố gắng làm mọi công việc để có tiền làm phim chứ chưa dám nghĩ đến việc làm phim để kiếm tiền”. Và Thanh Giang chỉ là một trong số hàng trăm bạn trẻ với niềm đam mê phim ảnh, đã chọn phim ngắn là bước khởi đầu.


Trong làng phim ngắn vài năm trở lại đây không thể không nhắc đến Trần Dũng Thanh Huy – người từng có vinh dự tham gia LHP Cannes 2013 với bộ phim 16:30 hạng mục Góc phim ngắn. Gần đây nhất, Thằng Ròm, một trong 30 dự án có mặt tại LHP quốc tế Busan 2015 dù không thắng giải nhưng là cơ hội để anh phát triển phim truyện điện ảnh đầu tay của mình.


Tương tự như Thanh Huy, Đỗ Quốc Trung với Cha Cha Cha cũng đang trên đường đi tìm kiếm nhà tài trợ, nhà sản xuất cho phim dài đầu tiên của mình sau khi đã khá thành công với hàng loạt phim ngắn: Ngày đầu tiên của mùa thu, Trực nhật với Thư Kỳ…


Sở dĩ nói phim ngắn là sân chơi mở bởi ngoài việc tham gia các cuộc thi phim ngắn: Làm phim 48h, Gặp gỡ mùa thu, YxineFF… sự phát triển của Internet khiến các nhà làm phim thoải mái chia sẻ sản phẩm của mình, tăng cơ hội cọ xát.


Với những người có tay nghề chắc hơn, cộng với may mắn họ đã tiến những bước dài trong điện ảnh mà điển hình là thành công của Em là bà nội của anh (Phan Gia Nhật Linh) – phim có doanh thu cao nhất điện ảnh Việt, hay nhận được nhiều phản hồi tích cực như 12 chòm sao: Vẽ đường cho yêu chạy (Vũ Ngọc Phượng). Nói về bước chuyển này, Vũ Ngọc Phượng cho hay: “Thực ra để bước từ phim ngắn đến phim dài là rất khó. Ngoài chuyện tay nghề vững vàng cần có đủ uy tín để mang lại sự tin tưởng cho nhà đầu tư”.


Đạo diễn trẻ Trịnh Ngọc Thanh Giang trên hành trình khẳng định mình ở thể loại phim ngắn. Ảnh: NVCC


Tương lai là người trẻ


Có chung niềm đam mê nhưng đa phần những người trẻ làm phim đều thừa nhận với họ, khó khăn lớn nhất khi khởi nghiệp là vấn đề kinh phí mặc dù những sản phẩm đầu tay chỉ tiêu tốn từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Vận động bạn bè, người thân hỗ trợ; thành lập các nhóm sản xuất phim theo tinh thần góp công sức; may mắn có được quỹ hỗ trợ khi tham gia các liên hoan, giải thưởng phim ngắn… là những cách khác nhau để họ vượt qua và tiếp tục duy trì niềm đam mê. Và còn một điểm chung, tất cả đều mơ ước một ngày phim được phát hành tại rạp. Nhưng, điều đáng kỳ vọng hơn họ chính là thế hệ nhà làm phim trẻ mang đến làn gió mới, hứa hẹn là tương lai của điện ảnh Việt.


Tại hội thảo “Các chính sách và biện pháp ưu đãi phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam” tổ chức hồi cuối năm 2015, nhiều đại biểu quốc tế là các nhà làm phim, các chuyên gia điện ảnh Á, Âu… đều khẳng định tạo cơ hội cho những người trẻ là một trong những ưu tiên cần được đặt lên hàng đầu.


Ông Niv Fichman, nhà sản xuất phim Vĩ cầm đỏ, chia sẻ: “Việc phát triển các đạo diễn, nhà sản xuất phim trẻ chính là hệ thống sàng lọc tài năng hiệu quả, từ đó góp phần phát triển ngành điện ảnh”. Trong khi đó, chuyên gia Đan Mạch Jakob Kristein Hogel trong báo cáo về điện ảnh Việt được thực hiện theo đề nghị của Bộ VH-TT-DL, chỉ ra một cách vừa khái quát vừa cụ thể về việc đào tạo và phát triển các tài năng điện ảnh.


Ông cho biết: “Hàng ngàn bạn trẻ tự sáng tác kịch bản, biên tập các bộ phim nhỏ, chia sẻ với nhau hoặc tải phim lên trang YouTube với hy vọng được phát hiện như là Steven Spielberg (đạo diễn Mỹ nổi tiếng – PV) tiếp theo. Việc tuyển dụng không phải là vấn đề đối với ngành công nghiệp phim ảnh mà vấn đề thường nằm ở khâu đào tạo và phát triển tài năng”.


Ông chỉ rõ, bên cạnh việc bồi dưỡng để giữ tài năng, đòi hỏi phải có một nền công nghiệp điện ảnh trong nước có mức độ tự do về nghệ thuật cao, có sự hỗ trợ kịp thời, bởi không có sự đảm bảo rằng thành công sẽ xuất hiện ngay từ ngày đầu tiên. Tuy nhiên, ông Jakob cũng khẳng định, việc sản xuất phim chất lượng cao đòi hỏi nhiều thứ hơn là chỉ có năng lượng tràn trề và tinh thần sẵn sàng tự làm. Kỹ năng làm phim, đam mê và nhiệt huyết được kể câu chuyện của riêng mình là những yếu tố tiên quyết.


Sau bước đệm từ phim ngắn, những đạo diễn như Vũ Ngọc Phượng trăn trở làm sao để cân bằng giữa sở thích cá nhân với thị hiếu của khán giả; giữa việc chiều lòng và nâng cao thị hiếu cho họ; giữa tiếng nói bản thân với ê kíp sản xuất, nhà đầu tư bởi để có được tiền tỷ đầu tư là cả sự tin tưởng tuyệt đối. Quan điểm của anh “không thể để mình làm ra phim dở, dễ dãi, nhưng cũng không muốn làm phim tốt mà không có khán giả” có lẽ cũng là tâm tư chung của nhiều người trẻ. Nếu như những người trẻ như Thanh Giang ấp ủ ý định tiếp tục trau dồi về nghề bằng khóa học đạo diễn tại nước ngoài thì những Phan Gia Nhật Linh, Vũ Ngọc Phượng, Trần Dũng Thanh Huy, Quốc Trung… đang nỗ lực ở các dự án dài hơi với mong muốn góp phần mang đến sự tươi mới và đáp ứng nhiều hơn kỳ vọng nơi khán giả.



Theo Văn Tuấn – SGGP

Exit mobile version