Tác phẩm điện ảnh là công trình tập thể, là sản phẩm sáng tạo của rất nhiều thành phần: Biên kịch, đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế, nhạc sĩ, diễn viên, người làm đạo cụ, phục trang, hóa trang… Đương nhiên không thể xem nhẹ bất cứ thành phần nào. Nhưng người ta dễ dàng thống nhất với nhau: Trước hết là vai trò của biên kịch và đạo diễn, sau đó đến diễn viên, rồi mới là các thành phần còn lại. Ở hai vai trò đầu tiên, từng có hai luồng ý kiến khác nhau: Người nói biên kịch là chủ chốt (không có “bột” sao “gột nên hồ”?). Kẻ lại nói đạo diễn mới là chính, quyết định tất cả…

Tôi tán thành ý kiến thứ hai và xin được khẳng định: Một bộ phim (truyện) thành công hay thất bại, hay hoặc dở, giá trị, chất lượng đến mức nào hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng người đạo diễn. Vai trò này quyết định đến hiệu quả cuối cùng của bộ phim. Đạo diễn cần một mình chịu trách nhiệm, chứ khó đổ lỗi cho các thành phần khác. Phim hay đồng nghĩa với đạo diễn có tài. Ngược lại, dĩ nhiên là do đạo diễn yếu kém, thiếu tài năng.

Vì sao vậy?

Cứ bảo trước hết phải do biên kịch. Nhưng có điều hiển nhiên ai cũng dễ thấy: Một kịch bản hay mà rơi vào một đạo diễn xoàng thì liệu có thành bộ phim hay? Những ý tưởng sâu xa, cao cả; những hình tượng đặc sắc, đậm chất nhân văn của tác giả kịch bản đã được đạo diễn lĩnh hội, thẩm thấu theo cách riêng của mình- do bất tài- rốt cuộc khi thành phim đã trở nên dễ dãi, nông cạn, tầm thường.

Ngược lại, một kịch bản bình thường, thậm chí non yếu, nhưng vào tay một đạo diễn tài ba thì chắc chắn sẽ được sửa sang, nâng cao. Đạo diễn này sẽ đắp điếm cho kịch bản đầy đặn, sẽ thổi hồn vào các nhân vật, sẽ nâng thêm tầng tư tưởng, triết lý của nhà biên kịch vốn dĩ lúc đầu chỉ là những tư duy hạn chế, không mấy giá trị. Lại cộng thêm việc đạo diễn có tài sẽ biết lựa chọn ê-kíp cộng tác (nhạc sĩ, họa sĩ, diễn viên…) và cùng họ bàn bạc cách thể hiện tốt nhất.

Một cảnh trong phim “Thương nhớ đồng quê”.

Ở đây, nổi lên một vấn đề: Mối quan hệ giữa nhà biên kịch và đạo diễn. Ở nước ta, mối quan hệ này đây đó từng bị tình trạng “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Thường thì người viết kịch bản phàn nàn đạo diễn làm méo mó đứa con tinh thần của mình, khiến họ không còn nhận ra hình hài chúng, như là do người khác “đẻ” ra. Không mấy khi nhà biên kịch nhận kịch bản của mình kém cỏi, nhờ đạo diễn nâng cao, mới thành phim hay mà phổ biến là ngược lại: Nếu trung thành với kịch bản của tôi, phim đã không đến nỗi như thế(!). Tất nhiên, điều này không có gì khó hiểu bởi các cụ ta đã nói “văn mình, vợ người”.

Không ít đạo diễn cho rằng phim của mình không đạt hiệu quả như ý là do kịch bản yếu. Sự thực có thể như vậy. Nhưng có ai bắt họ phải thực hiện kịch bản đó mà không được can thiệp để nâng cao? Giả sử nếu sau khi trao đổi, bàn bạc với nhà biên kịch mà vẫn không được chấp thuận thì đạo diễn hoàn toàn có quyền từ chối làm phim đó.

Lý do dẫn tới phim dở trong trường hợp này có thể giải thích: Hoặc là đạo diễn vô trách nhiệm, hoặc là tài năng còn bị hạn chế. “Một chuyện chép ở bệnh viện” của Bùi Đức Ái nếu không được chuyển thể thành phim “Chị Tư Hậu” thì ít người biết đến, mặc dù nhà văn khá tên tuổi (bút danh Anh Đức với tác phẩm “Hòn Đất” nổi tiếng khi ông vào chiến trường B). Nhà văn tự viết kịch bản phim này nhưng phải nhờ bàn tay đạo diễn của Phạm Kỳ Nam, bộ phim mới trở nên có giá trị, nổi tiếng. Còn trường hợp đạo diễn tự viết kịch bản – ở nước ta- như Đặng Nhật Minh là hiếm hoi.

Cả ba phim đặc sắc của ông (“Thị xã trong tầm tay”, “Bao giờ cho đến tháng 10”, “Đừng đốt”) đều do ông tự viết kịch bản văn học. Đạo diễn đồng thời là người biên kịch sẽ tạo nên những tác phẩm điện ảnh như ý muốn của tác giả. Nhưng như vậy không có nghĩa bộ phim có giá trị nếu tác giả giữ hai vai trò trên thiếu tài năng. Đặng Nhật Minh là trường hợp quý hiếm ở nước ta.

Cũng có nhiều đạo diễn đổ lỗi cho diễn viên. Họ nói rằng kịch bản không đến nỗi nào, nhưng do diễn viên non yếu, đã không thể hiện được ý đồ, tư tưởng của họ. Lý do này càng khó thuyết phục vì không ai có quyền tìm kiếm, quyết định lựa chọn diễn viên thay đạo diễn. Có ai bắt họ phải sử dụng diễn viên yếu kém? Và giả sử dàn diễn viên chỉ ở mức “thường thường bậc trung” thì chính nhờ tài năng của đạo diễn sẽ trở nên khá hơn, đảm đương được vai trò.

Đạo diễn không biết cách khai thác từ những ý tưởng sâu sắc qua các hình tượng, phân tích, mổ xẻ tâm lý nhân vật hời hợt, không có khả năng thị phạm thì làm sao có thể khiến diễn viên hoàn thành được sứ mạng? Cần nhớ rằng trên thế giới – đặc biệt là điện ảnh Xô Viết trong những năm Liên Xô chưa sụp đổ – đã có không ít những diễn viên trước khi tham gia đóng phim nào đó chưa được ai biết đến, hoặc mới chỉ là diễn viên sân khấu không mấy đặc sắc. Nhưng khi gặp được đạo diễn điện ảnh tài ba, họ đã tỏa sáng, trở thành ngôi sao màn bạc.

Lại có trường hợp kịch bản tốt, đạo diễn vốn dĩ không đến nỗi nào, diễn viên cũng không phải là kém tài, nhưng phim vẫn rất bình thường. Một trong những lý do dễ thấy ở trường hợp này là do đạo diễn chọn nhầm diễn viên. Diễn viên A, B nào đó giỏi đấy nhưng vào vai cụ thể của phim nào đó không hợp. Rốt cuộc cũng là do đạo diễn chưa có “con mắt tinh đời”.

Không ai phủ nhận tài năng của Lê Vân. Nhưng theo tôi, chị thành công trong “Bao giờ cho đến tháng 10”  của Đặng Nhật Minh hơn là “Chị Dậu” của Phạm Văn Khoa. Nhiều người và ngay cả chính đạo diễn cũng tự cho rằng đã chọn được diễn viên đích đáng vào vai chị Dậu sau khi mất rất nhiều công sức tìm kiếm. Không thể không thấy Lê Vân vào vai hết mình với nhiều cảm xúc đáng trân trọng, cũng khó có thể phủ nhận tài năng diễn xuất của chị, nhưng riêng tôi vẫn thấy nhân vật chính trong “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố chờ đợi một nữ diễn viên khác.

Vào vai chị Dậu đòi hỏi một ai đó có dáng vóc đậm đà, khỏe mạnh, của một “người đàn bà lực điền” đúng như nhà văn miêu tả vừa thô mộc, chất phác, đặc sệt quê mùa nhưng khi bị đè nén, áp bức thì biết cách vùng dậy một cách rất bản năng của chính cái sức mạnh thể chất ấy đối với tên lính lệ (“túm lấy cổ hắn, ấn dúi ra cửa”). Lê Vân không có được những nét đó. Ở chị, dẫu công việc hóa trang đã rất công phu và diễn xuất đã rất cố gắng nhưng vẫn để lộ chất mảnh mai, thị dân, xa lạ với nhân vật.

“Cánh đồng hoang” của Hồng Sến được coi là một trong những phim truyện hay nhất của điện ảnh Việt Nam. Tạo nên giá trị của bộ phim không thể không nói đến đóng góp lớn của hai diễn viên Lâm Tới và Thu An đảm đương hai vai chính.

Trước phim này người ta đã biết đến tên tuổi Lâm Tới nhưng chủ yếu lại qua các vai phản diện mà tiêu biểu là Trần Sùng trong “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm”, chứ không phải là vai anh bộ đội trong “Hai người lính” và Núi trong “Đường về quê mẹ” (hai vai chính diện trong hai phim). Đạo diễn Hồng Sến đã rất tinh khi lựa chọn Lâm Tới vào vai Ba Đô – một nông dân lạc quan, gan góc. Ông đã giúp Lâm Tới diễn tả đến tận cùng ý nghĩa thẩm mỹ của hình tượng này.

Còn Thu An không phải là diễn viên nổi tiếng. Trước phim này, chưa ai biết đến chị. Nhưng đạo diễn cũng đã khiến chị hoàn tất tốt đẹp nhân vật người vợ – một vai không dễ đảm đương.

Còn những phim mà kịch bản không đến nỗi nào, sự hạn chế hiệu quả cuối cùng của phim nhiều khi ở những diễn viên chính. Suy cho cùng, cũng bởi đạo diễn không có khả năng giúp họ phân tích tính cách nhân vật, hóa thân vào đời sống nội tâm nhân vật. Đạo diễn cũng thiếu khả năng thị phạm để có thể gợi ý diễn xuất cho họ.

Mới hay đạo diễn – chứ không phải ai khác – đã là người tạo nên thành, bại, giá trị hay tầm thường của một bộ phim truyện. Cũng hơi quá khắt khe nếu nói như Lê Vân trong cuốn tự truyện của chị: Ở nước ta, chưa có đạo diễn điện ảnh thực sự có tài. Chị cũng cho rằng sau khi xem xong các phim của Trương Nghệ Mưu (Trung Quốc) thì hết muốn xem phim truyện Việt Nam.

Có thể chưa đến nỗi như thế. Có thể ở nước ta cũng có một số đạo diễn – dĩ nhiên là ít ỏi – từng tạo nên những bộ phim có giá trị nhất định. Song, có một thực tế: Các đạo diễn Việt Nam ít chịu thừa nhận phim yếu kém là do mình, tất cả chỉ bởi mình. Xin đừng đổ lỗi cho bất cứ ai. Ngược lại, nếu phim thành công, được giải cao trong kỳ liên hoan điện ảnh nào đó thì lại dễ dàng công nhận vai trò chính là đạo diễn- tức bản thân mình. Tuy nhiên, ở trường hợp thứ hai, có vẻ hơi “cá nhân”, nhưng đã rất đúng.

Theo Nguyễn Đình San – Văn nghệ công an

Exit mobile version