Dù bị giới phê bình coi thường, Doctor Zhivago (Bác sĩ Zhivago) vẫn trở thành một trong những bộ phim lãng mạn được yêu thích nhất mọi thời. Khán giả khắp thế giới mê mẩn màn diễn của Julie Christie và Omar Sharif, trong vai cặp tình nhân trong phim.
Nhân kỷ niệm 50 năm ra đời, bộ phim Bác sĩ Zhivago (1965) của nhà làm phim Anh David Lean đang trở lại các rạp chiếu ở Anh, với bản phim đã được xử lý kỹ thuật số.
Câu chuyện tình không nhuốm màu thời gian
Bác sĩ Zhivago là một trong những câu chuyện tình vĩ đại nhất trong lịch sử làm phim. Dù bạn là người đang yêu, đã yêu hay đánh mất tình yêu thì bạn vẫn tràn ngập cảm xúc và bật khóc khi xem bộ phim này.
Xem phim Bác sĩ Zhivago trong rạp chiếu là một trải nghiệm không thể quên được, nó đưa bạn trở lại thời điểm trước khi có DVD và YouTube. Bộ phim dài hơn 3 tiếng, như con tàu hơi nước lao ầm ầm vào quá khứ, đưa các nhân vật trong phim đi khắp nước Nga băng giá.
Kể cả chưa hề xem phim, có khả năng bạn đã nghe nói đến câu chuyện kể về cuộc đời bác sĩ Zhivago và những éo le tình ái của ông cùng hai phụ nữ trong bối cảnh cuộc cách mạng Nga năm 1917.
Cuộc sống yên bình, dễ chịu của Zhivago ở Moskva chìm trong hỗn độn khi xảy ra Thế chiến I và cuộc Cách mạng Nga. Zhivago chia tay vợ con tòng quân làm bác sĩ quân y.
Trong khi đó nhân vật Lara tình nguyện làm y tá với hy vọng tìm kiếm tung tích chồng cô. Chiến tranh bùng nổ khắp nơi, Zhivago và Lara được bổ nhiệm công tác chung tại một nhà thương ở tỉnh nhỏ xa xôi. Zhivago bị thôi thúc bởi những cảm tình cho Lara…
Bác sĩ Zhivago là câu chuyện không nhuốm màu thời gian, vượt qua kỷ nguyên bối cảnh trong phim và cả thời kỳ bộ phim được phát hành. Trong khi đó, các diễn viên Omar Sharif (diễn viên Thổ Nhĩ Kỳ) và Julie Christie (Anh) như thể sinh ra là để hóa thân thành Zhivago và Lara, mặc dù họ chẳng “dính dáng” gì tới nước Nga.
Phim được dàn dựng theo cuốn truyện cùng tên của nhà văn Nga Boris Pasternak và sự ra đời của cuốn tiểu thuyết này cũng kịch tính chẳng kém gì câu chuyện của nó.
Đây là tiểu thuyết duy nhất của Pasternak, được ông hoàn tất vào khoảng năm 1956, song không được xuất bản ở Liên Xô khi ấy vì có các nội dung nhạy cảm. Năm 1957, Pasternak được nhà báo Italy Sergio d’Angelo đề nghị gặp gỡ khi ông tới Moskva.
Lúc đôi bên gặp nhau, Pasternak đã trao cho d’Angelo bản thảo chưa xuất bản của cuốn truyện và nhà báo này đã đưa bản thảo ra khỏi Liên Xô. Sau khi mang về Italy, D’Angelo đã liên hệ để cuốn truyện được xuất bản. Nó nhanh chóng trở thành tác phẩm ăn khách quốc tế, nhận được nhiều lời ca ngợi.
Năm 1958, Pasternak đã được trao giải Nobel Văn học. Pasternak qua đời hồi năm 1960, 5 năm trước khi tiểu thuyết của ông được đưa lên màn bạc.
Giới phê bình chê bai phim, khán giả yêu thích
Khi ra rạp chiếu, phim đã nhận được những ý kiến trái chiều của báo giới ở Mỹ và ở Anh. Viện Hàn lâm nghệ thuật điện ảnh và truyền hình Anh (BAFTA) không trao bất cứ giải thưởng nào cho bộ phim này. Tuy nhiên, công chúng ở 2 bờ Đại Tây Dương lại yêu thích phim.
Viện Hàn lâm khoa học và nghệ thuật điện ảnh Mỹ cũng có tình cảm với bộ phim. Tại mùa trao giải Oscar năm 1966, phim đã được đề cử ở 10 hạng mục và cuối cùng đoạt giải Kịch bản xuất sắc nhất, Âm nhạc hay nhất, Trang phục đẹp nhất, Đạo diễn Nghệ thuật và Quay phim xuất sắc nhất.
“Đây là câu chuyện tình tuyệt vời. Bộ phim rất đẹp, cả về trang phục, bối cảnh. Mọi thứ trong phim đều hấp dẫn” – Rita Tushingham, nữ diễn viên thủ vai con gái của Lara trong cảnh đầu và cuối phim, chia sẻ.
Người góp phần làm cho câu chuyện này trở nên bất hủ là David Lean, một trong những nhà làm phim Anh vĩ đại nhất. “Lean biết mình muốn gì. Tôi biết có một số người cảm thấy không dễ dàng khi làm việc với ông. Họ nghĩ ông không ưa các diễn viên. Song thành thực mà nói, tôi thấy mình chẳng gặp vấn đề khi làm việc với ông. Thật tuyệt vời là Bác sĩ Zhivago không hề lỗi thời và điều kinh ngạc là rất nhiều người vẫn nhớ, vẫn thích câu chuyện này” – Rita nói.
Ngoài dịp kỷ niệm 50 năm Bác sĩ Zhivago lên màn bạc, việc tái phát hành bộ phim này còn có ý nghĩa tưởng nhớ ngôi sao Omar Sharif, người đã qua đời hồi tháng 7 năm nay.
Theo Việt Lâm – Thể thao & Văn hóa (dịch từ BBC)