Đắc Linh

Diễn viên trẻ Ninh Thị Như Quỳnh (Nhà hát Cải lương Việt Nam) giành Huy chương vàng với vai phu nhân Mắc-bét.

Sau hơn một tuần tranh tài sôi nổi, cuộc thi “Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương và dân ca kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2017” diễn ra tại Đồng Nai đã mang đến nhiều cung bậc cảm xúc cho người xem qua những trích đoạn sân khấu sinh động, giàu mầu sắc. Cuộc thi đã mở ra hy vọng về lớp diễn viên trẻ kế cận của nghệ thuật sân khấu nước nhà.

Tín hiệu vui đầu tiên là cuộc thi năm nay thu hút một số lượng khá lớn các tài năng trẻ tham gia với 73 thí sinh của 16 đơn vị nghệ thuật cải lương và bốn đơn vị nghệ thuật dân ca kịch trong cả nước. Hầu hết, các thí sinh đều thuộc thế hệ 9X, nhưng đã dũng cảm thử sức với những tiết mục khó và từng được các nghệ sĩ tên tuổi thể hiện thành công, để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ trong làng kịch nghệ. Trong bối cảnh sân khấu gặp nhiều khó khăn, sự dấn thân này không chỉ cho thấy bản lĩnh mà còn là tình yêu dành cho nghệ thuật truyền thống ở lớp diễn viên trẻ. Và có lẽ, cũng chính sức trẻ đã mang đến những yếu tố mới lạ, trẻ trung cho cuộc thi.

Theo ý kiến của Hội đồng Giám khảo, 55 trích đoạn cải lương và 15 trích đoạn dân ca kịch với nhiều thể loại, hình thức thể hiện như: Lịch sử, dã sử, dân gian, thần thoại, tâm lý xã hội đương đại, kịch nước ngoài được Việt hóa… đã tạo nên nhiều cung bậc đa sắc. Các thí sinh dự thi lần này đều có sắc vóc, dung nhan đẹp, hình thể cân đối, hài hòa, diễn xuất thông minh, tinh tế. Cuộc thi đã phần nào giúp phát hiện và định hình được những diễn viên trẻ có tiềm năng với giọng ca truyền cảm.

Theo nhận định của NSND Giang Mạnh Hà, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, tại cuộc thi, các diễn viên trẻ cải lương đã có nhiều tìm tòi trong cách nói lối gối bài ca, biết vận dụng làn hơi và xử lý kỹ thuật ngân rung, luyến láy khá ngọt khi vào bài. Dân ca kịch có số lượng thí sinh dự thi ít hơn, nhưng cũng đã xuất hiện một số giọng ca hay, truyền cảm, mang âm hưởng tiêu biểu, đậm đặc của dải đất miền trung. Sự giao thoa của nghệ thuật cải lương và dân ca kịch đã tạo sắc thái mới, đa chiều cho khán giả. Tại cuộc thi này, có một số trích đoạn xứng tầm đứng chung với các trích đoạn tiêu biểu, mẫu mực của ông cha, làm giàu thêm cho di sản của nền nghệ thuật truyền thống dân tộc.

Tuy nhiên, từ cuộc thi, vẫn thấy những hạn chế nhất định. Đầu tiên là sự trùng lắp tương đối nhiều về việc lựa chọn các tiết mục, trích đoạn dự thi. Thí dụ, vai diễn công chúa An Thu hay Đát Kỷ…, mỗi vai có tới ba đoàn dựng. Tình trạng một vai diễn được hai đoàn dựng khá phổ biến. Điều này một lần nữa cho thấy, tình trạng thiếu hụt kịch bản, tác giả chuyển soạn cho thể loại cải lương, dân ca kịch.

Bên cạnh đó, cuộc thi là sân chơi để tìm kiếm những tài năng diễn viên sân khấu, song, cần hiểu, mỗi trích đoạn dự thi vẫn là sự tổng hòa từ nhiều yếu tố như: Đạo diễn, phục trang, âm thanh, ánh sáng… Để diễn viên tỏa sáng, vẫn cần ý tưởng, sự đầu tư và phối hợp nhịp nhàng của cả một ê-kíp. Nhưng theo dõi cuộc thi, ở vài tiết mục vẫn chưa thấy sự đầu tư nghiêm túc của đơn vị trong chỉ đạo nghệ thuật. Có trích đoạn còn khiến người xem hụt hẫng khi cảm giác thí sinh cắt nguyên một đoạn trong vở diễn để mang ra thi thố mà không cần dàn dựng lại.

NSND Giang Mạnh Hà chỉ ra: Không ít thí sinh hát chênh, phô dây đàn, ca rớt nhịp, ca non giọng, đuối hơi, ca vọng cổ lúc đổ hò bị hụt hơi… Một số câu thoại không tròn vành rõ chữ, nói nhanh, nói vấp làm người nghe khó hiểu. Có những động tác vũ đạo khi sử dụng chưa thuần thục, đường nét múa khô cứng, trang phục chưa hợp lý. Khá nhiều diễn viên trẻ bị áp lực, căng thẳng dẫn đến vai diễn bị căng cứng. Mặc dù có nhiều thí sinh tiềm năng, cân tài cân sức nhưng chưa xuất hiện tài năng nào thật sự tỏa sáng như kỳ vọng…

Đây cũng là điều dễ hiểu, khi việc tìm kiếm tài năng trẻ sân khấu truyền thống từ các cuộc thi chưa bao giờ dễ, nhất là các thí sinh tham gia vẫn còn trẻ về cả tuổi đời và tuổi nghề. Tuy nhiên, ngọc cũng cần mài mới sáng, tài năng nghệ thuật cũng cần trau dồi và khổ luyện. Hy vọng, cùng với việc phát hiện ra những mầm xanh của cải lương và dân ca kịch tại cuộc thi, ngành văn hóa cũng như lãnh đạo các đơn vị nghệ thuật sẽ có những giải pháp thích hợp để đào tạo, bồi dưỡng, tạo cơ hội cho các tài năng diễn viên trẻ trưởng thành, tỏa sáng, tiếp tục phát huy giá trị di sản sân khấu quý báu của cha ông.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version