Nhà điêu khắc Pháp số một Auguste Rodin (1840-1917) qua đời vậy là đã một trăm năm. Nhiều hoạt động kỷ niệm đang diễn ra ở nhiều nơi trên toàn cầu. Các cuộc triển lãm, các hội thảo, các cuốn sách mới, các chương trình phim ảnh liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của ông được mở ra sôi nổi.

Nhiều sự việc hôm nay khiến công chúng và các nhà chuyên môn sững sờ.Trong bối cảnh văn hóa nói chung và nghệ thuật điêu khắc nói riêng dường như chao đảo và bất lực trước những biến động của xã hội loài người có vẻ không hiểu nổi và khó lý giải, sáng tạo của những nghệ sỹ đích thực như của Auguste Rodin vẫn như những ngọn đèn pha vô địch, nhân lên gấp bội niềm vui sống và tin yêu, cỗ vũ mọi cộng đồng kiên cường phấn đấu cho một cõi đời chung dễ thở hơn và ấm áp cho mọi cá nhân và tập thể. Auguste Rodin xứng đáng với sự suy tôn là cha đẻ của điêu khắc thế giới hiện đại, một trong những nghệ sỹ vĩ đại nhất của mọi thời đại. Ông là con của một người lao công tại trụ sở cảnh sát thủ đô Paris và một cô gái nông dân tỉnh lẻ. Thu nhập không cao, nhưng gia đình bố mẹ không những không túng bấn mà còn dễ chịu. Bố mẹ chi chút, cho con ăn học đến nơi đến chốn, giúp con phát huy hết khả năng của mình. Khả năng này, may thay, chính những người dạy dỗ ông phát hiện, và tận tình hướng dẫn ông theo đuổi. Các thầy làm vậy, xuất phát từ sự chăm lo vô cùng da diết của bố mẹ dành cho đứa con, một thiên tài mà bố mẹ không hay biết ! Sáng tác của ông kế thừa chủ nghĩa nhân đạo và chủ nghĩa hiện thực cổ điển Pháp, khởi nguồn từ tổng hòa ba yếu tố cơ bản là nhân văn, phồn thực và thống khổ. Với sức làm việc phi thường và tài năng tổ chức siêu đẳng, Rodin để lại một sự nghiệp nghệ thuật kỳ vĩ hiếm thấy trong lịch sử nhân loại. Riêng về số lượng, ít ai bì kịp ông: 7.000 tranh tượng, 10.000 bức vẽ, 1.000 tranh khắc, 10.000 bức ảnh.

 

Trước hết, không chỉ yên lòng với vô số sáng tác của ông gắn liền vĩnh viễn với những công trình kiến trúc đương thời ở Pháp và châu Âu hầu hết bất tử, với những công viên hầu khắp thế giới, Auguste Rodin còn phát huy hết tiềm năng quý hiếm của khối óc và con tim  mình để tác phẩm của ông lan tỏa sâu rộng vào công chúng đông đảo. Và dường như đây mới là mục đích tối cao của lao động nghệ thuật của ông: Hiện nay, đây đó trên hành tinh, nhiều tác phẩm, chủ yếu là tượng, của  Rodin, đồng hành cùng người dân trong lao động và cuộc sống thường nhật, như một bộ phận tất yếu của đời sống tinh thần. Tượng đủ kích cỡ của ông hiện diện trong một khu vườn nông thôn Hàn Quốc, trong phòng làm việc của một thầy giáo Hà Lan, trong phòng ngủ của một nữ công nhân Mỹ…Vụ khủng bố Tòa tháp đôi Hoa Kỳ, ở Trung tâm thương mại thế giới, New York, ngày 11 tháng chín năm 2001, càng nhức nhối, khi bất ngờ chủ nhân sống sót phát hiện ba bức tượng của Rodin bị xâm hại. Trong khi khai quật các đống đổ nát, các lực lượng chức năng đã tìm được bức Những cái bóng và Tượng bán thân Jean d’Aire bị sứt mẻ hầu như hoàn toàn. Đáng chú ý, bức bán thân là một trong những phiên bản ban đầu, tựa bản nháp, cho công trình nổi tiếng Những nhà tư sản vùng Calais. Một phiên bản bằng đồng của tượng Người đáu đau suy nghĩ, được một thợ chữa cháy từng ngắm nhiều lần, khoanh vùng chính xác trong khu đổ nát, bới tìm mãi vẫn chẳng thấy lại được…

Hàng loạt tượng của ông được coi là đạt đến độ hoàn chỉnh, khó có thể tinh tế và giàu ý nghĩa hơn. Đấy chẳng hạn bức Hôn, 1886, từng gây sốc khi mới ra đời. Song với thời gian, nó tỏ rõ tính chân thực không thể chối cãi về một niềm vui trần thế thánh thiện, phổ biến và vĩnh cửu. Những niềm vui ấy là cứu cánh của nhân loại qua bao thăng trầm thường khốc liệt của cõi thế. Bức Người đau đáu suy nghĩ, 1882, thực chất là một chân dung đại văn hào Pháp Victor Hugo (1802-1885), người thân thương với bất cứ ai đã biết đến tác phẩm của ông. Số đó đã là khổng lồ sinh thời nhà văn, lại lớn không ngừng theo chiều dài lịch sử. Không cần ngắm thật kỹ, người ta đã bị hớp hồn bởi thần thái chiến thắng và trầm tư mặc tưởng của cây bút có lẽ đại chúng nhất của mọi thời đại. Các đường nét thì rắn rỏi mãi theo thời gian, cơ thể thì cứ thêm nặng nề vì bao nỗi nặng lòng nối tiếp bất tận. Năm 1877, ở tuổi 37, Rodin mới cho ra mắt tác phẩm điêu khắc thứ nhất. Ấy là Tuổi tráng niên (tạm dịch: L’Age d’Airain. Tượng này được mang nhiều tên khác nữa, như Nhân loại thức tỉnh, Thời đại đồ sắt, Thời đại đồ đồng…). Xin mở một ngoặc đơn: năng khiếu đặc biệt về nghệ thuật của Auguste Rodin bộc lộ rất sớm. Cha mẹ cho ông vào học vẽ trong một trường chuyên dạy toán và vẽ ở thủ đô. Ngoài lên lớp, ông còn miệt mài tự học, như thường xuyên lui tới Bảo tàng Le Louvre, hay Phòng tranh khắc trong Thư viện quốc gia Pháp…, để nhìn ngắm tác phẩm và luyện vẽ thật đúng ý. Một hôm, ông đẩy nhầm cửa một lớp điêu khắc, thấy các bạn đang nhào đất sét say sưa vô cùng. Ông đứng sững lại, tim đập rộn. Từ đó, điêu khắc là si mê không giới hạn của ông. Thế nhưng, lớn lên, ông thi vào đại học mỹ thuật, ba lần không đỗ. Không đỗ ở chính môn ông định hiến cả đời mình: điêu khắc. Nguyên nhân bị trượt là phong cách điêu khắc của ông quá mới mẻ so với phong cách có tính đại trà hồi bấy giờ.

Ông đành đi làm thuê cho các họa sỹ và điêu khắc gia, để có tiền độ nhật. Và chắt chiu hàng ngày, để năm 1875, thực hiện một trong những ước mơ lớn nhất của cuộc đời là du lịch sang Italia. Ông háo hức khám phá những thành tựu văn hóa thần kỳ của một trong những nền văn minh rực rỡ nhất của nhân loại. Đặc biệt tìm cho được bí mật của Michel-Ange (1475-1564), một nghệ sỹ Italia đa tài, thần tượng của ông về điêu khắc. Bí mật đó là chuyển động của tâm hồn, thể hiện ở bề ngoài cơ thể. Trở lại Pháp, ông dành hẳn 18 tháng để làm nên Tuổi tráng niên. Ông thuê người lính Bỉ Auguste Neyt 22 tuổi làm mẫu. Ông không thích người mẫu nam chuyện nghiệp, vì điệu bộ của họ nặng tính ước lệ. Bao đăm chiêu và thổn thức, bao quả quyết và vững lòng, ông cho một cảm nhận ấp ủ từ lâu về nhân tình thế thái hiện thân thành một chàng trai, mảnh khảnh nhưng cương nghị, đầu ngẩng lên, như bám riết một hy vọng tuyệt mỹ nhưng xa vời. Bức tượng có kích cỡ như người thật. Nó gây ấn tượng mạnh đến nỗi, khá nhiều người nghi ngờ Rodin đổ nó theo khuôn đúc sẵn từ một thanh niên đã chết. Dù vậy, nó vẫn được đem trưng bày và được khen ngợi hết lời ở mấy cuộc triển lãm ở Pháp và Bỉ, với các tên gọi Kẻ chiến bại, Tuổi tráng niênhay Người thức tỉnh…Rodin cho đức thành nhiều bản nữa. Thành phố Paris mua liền hai bản. Ngay năm 1878, Rodin sáng tác bức Saint Jean Baptiste, lớn hơn người thật nhiều, cũng thành công không kém, nhằm chứng minh mình không hề dễ dãi. Tuổi tráng niên mở rộng đường cho Auguste Rodin vào lao động nghệ thuật cao qúy, vào ổn định, vinh quang và bất tử. Các hợp đồng đặt hàng tới tấp “nhào đến”. Ông thuê nhà đất làm xưởng, thuê người mẫu, cả nam lẫn nữ, thuê thợ thủ công và nghệ sỹ phụ việc, thuê cả thư ký, thợ chụp ảnh, một “công xưởng cộng sản chủ nghĩa” thực sự đã ra đời. Người ta không thể không nhớ tới bi kịch Van Gogh – Gauguin. Đó là mơ ước cùng nhau xây dựng một xưởng vẽ theo mô hình ấy: làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Mơ ước quá đẹp, với Gauguin (1848-1903) và Van Gogh (1853-1890), chỉ là ảo tưởng. Và Van Gogh đã mất mạng vì thực tế phũ phàng và cay nghiệt. Không rõ Auguste Rodin có biết bi kịch ấy không. Song giờ đây nhìn lại, chúng ta thực sự kinh ngạc, rằng nhà điêu khắc Pháp lẫy lừng đã hiện thực hóa được phần nào khát vọng của danh họa Hà Lan bất hạnh !

Tự tin và thực tế lắm, Rodin mới bình tĩnh lập nên xưởng điêu khắc của mình. Sản phẩm điêu khắc bấy giờ được đòi hỏi với số lượng ngày càng nhiều và thời gian giao hàng ngày càng ngắn. Không chỉ thị trưởng Paris hâm mộ kiến trúc và điêu khắc, nhất là khi chúng được quy tụ trong các tượng đài. Biết một mình không làm xuể công việc mỗi độ một dồn dập và to lớn, Rodin lúc đầu thuê người phụ giúp. Từ năm 1893, ông mua một đồi rộng nhiều hec ta ở Meudon, khu Seine-Thượng, ngoại vi Paris. Meudon là nơi lui tới làm việc và sinh sống của nhiều tên tuổi của văn chương nghệ thuật Pháp, như Ronsard (1524-1585), Rabelais (1483-1553), J.Rousseau (1712-1778), Balzac (1799-1850), R.Wagner (1813-1883), Manet (1832-1883), Céline (1894-1961)…Tại đây, ông lập xưởng điêu khắc, hoạt động cho tới bây giờ. Hàng ngày, khoảng 50 người làm việc trong và ngoài xưởng. Gần gũi ông trong xưởng, thường có từ 5 tới 26 người giúp việc, chủ yếu là các nhà điêu khắc hay họa sỹ, và các chuyên gia đúc khuôn có hạng.  Lương trung bình cho mỗi người này là 20 franc ngày. Xung quanh xưởng là thợ thủ công, thợ nhào đất, thợ đẽo đá, thợ đổ khuôn, thợ đúc, lương từ 10 tới 12,5 franc ngày, họ có thể ăn ở cùng vợ con trong các lán trại ngay trên đồi không xa xưởng. Chưa kể các nhà nhiếp ảnh (Họ chụp các chi tiết tác phẩm, các bản vẽ hay tượng mẫu, các nguyên mẫu,…để lưu lại hoặc giúp Rodin hoàn thiện ý tưởng và công trình). Ở đây, ai cũng làm việc 10 giờ ngày, chủ nhật ít hơn chút ít. Đáng chú ý, mỗi sáng sớm, Rodin thường đích thân giao việc cho từng người. Dù luôn luôn có quản đốc. Hợp tác với Rodin suốt từ đó cho đến khi ông qua đời là 4 quản đốc, 4 thư ký, 5 chuyên gia đúc, 8 nhà nhiếp ảnh, 50 nhà điêu khắc, họa sỹ…Có người chỉ hợp tác một lần. Không ít người gắn bó với ông 10 năm, 12 năm, 18, 21 hoặc 23 năm…

Rodin vẽ rồi nặn hình, sau đó, tự tay đúc tượng bằng đất sét, đôi khi bằng chất dẻo. Từ mẫu này, thường là các mảnh ghép của tác phẩm hoàn chỉnh, trên đó có chép cẩn thận, bằng bút chì, các kích thước cần thiết, những người phụ việc lắp ráp thành công trình, chỉnh sửa theo ý Rodin cho tới khi đạt yêu cầu. Nghĩa là từng chi tiết trên mặt, trên cơ thể, đặc biệt là hai bàn tay…đều “cuồn cuộn suy tư xà xúc cảm”. Tiếp theo, đúc bằng thạch cao. Rồi tác phẩm được phóng to hay thu nhỏ theo nhiều kích cỡ. Rồi tùy nhu cầu, nó sẽ được đúc bằng thạch cao hay bằng đồng. Số bản co dãn tùy ý. Một vài tác phẩm xuống cấp theo thời gian, các chuyên gia nghiên cứu các mảnh vụn vỡ của chúng, bằng chụp x quang hay tia laser, khám phá rằng Rodin nắm rất vững cơ cấu và kỹ thuật chất liệu, như hợp kim, kết đúc, sao cho đạt được chất lượng cao nhất và bền vững. Chuyện tưởng vụn vặt này cho thấy ông dày công chừng nào cho nghệ thuật. Đúng là Leonardo da Vinci (1452-1519) thời hiện đại ! Ngoài nỗ lực của bản thân, ông còn được đông đảo người yêu nghệ thuật ủng hộ và cổ vũ, trong đó có các chính khách như Georges Clémenceau (1841-1929) hay vua Anh Eduard VII (tới thăm ông năm 1908), các văn nghệ sỹ như Emile Zola (1840-1902), Stefan Zweig (1881-1942) hay Rainer Maria Rilke (1875-1926, nhà văn Áo, từng làm thư ký cho ông vì trọng đức, phục tài)…Đại diện cho quảng đại dân thường là tập thể các công nhân, nhà điêu khắc, họa sỹ, thợ chụp ảnh như đã đề cập. Hai người tác động cụ thể và lớn nhất vào sự nghiệp của Auguste Rodin là Camille Claudel (1864-1943) và  Rose Beuret (1844-1917). Camille Claudel, kém Rodin 24 tuổi, là một trong 200 học trò của ông, trong đó có nhiều người Anh và người Mỹ. Do được gần gũi nhiều – được mời làm mẫu, được trợ giúp Thầy như một điêu khắc gia có tài, được Thầy chỉ bảo nhiều trong sáng tác, -, do không thể không xúc động trước nhân phẩm và thiên tài của Thầy, cô học trò nhỏ đã đem lòng say mê Thầy bằng một tình yêu nồng nàn cuồng dại. Trong môi trường hợp tác lao động và được ngưỡng vọng như thế, Rodin đã không tránh nổi những “phút xao lòng”, hoặc một đôi tháng, hoặc mười năm có lẻ. Như mối tình với cô học trò khích lệ ông rất nhiều trong sáng tác. Đáng buồn, dù ông đã viết thư hứa kết hôn với Camille Claudel, Rodin vẫn không thực hiện. Thế là Camille đành phải ra đi. Ít lâu sau, từ năm 1913, cô phát điên, và được đưa vào bệnh viện tâm thần. Ở trong đó, mấy chục năm sau thì qua đời trong tang thương cô quạnh. Mối tình Thầy Trò này, thời ấy, ai cũng biết. Như thế, bạn tình suốt đời của ông, bà Rose Beuret, không thể ngoài cuộc. Song bà không hề than vãn hay tỏ ra khó chịu. Bà vẫn chịu thương chịu khó, chăm sóc ông tận tình. Như suốt từ khi về sống với ông như vợ chồng, nhưng không hôn thú. Bà vốn là thợ may, con của một nông dân chân chất nhân từ. Rodin gặp bà khi bà 20 tuổi. Ông mời bà làm mẫu. Dần dà, tình yêu nảy nở. Ông bà có một con trai với nhau. Ông không thừa nhận, dù nó lớn lên, vẫn làm việc trong xưởng của bố. Ông cũng có với Camille mấy con, và đều chối bỏ. Hẳn với ông, con cái chỉ hợp pháp, khi bố mẹ chính thức là vợ chồng (?!) Hiện nay, công chúng nghệ thuật vẫn nâng niu nhiều bức ảnh nhà điêu khắc lụ khụ,  tay trong tay với bạn tình bất hủ Rose Beuret, mắt  xa xăm đượm buồn. Dĩ nhiên, ông cũng không tránh nổi những nỗi buồn trần thế. Chẳng hạn, với kiệt tác Tượng đài Balzac, mà chúng tôi sẽ đề cập trong một bài riêng. Cuối tháng một 1917, Rodin làm lễ thành hôn với bà, khi bà đang ốm nặng. Nửa tháng sau, bà trút hơi thở cuối cùng, sau 53 năm tận tình chăm lo và giữ gìn cho ông và cho cả xưởng điêu khắc của ông. Chín tháng sau, ông theo bà. Ông bà nằm chung mộ trong vườn ngôi biệt thự nổi tiếng của ông ở Meudon. Trên mộ là bức tượng của ông, Người đáu đau suy nghĩ.

 

 Nguồn Văn nghệ số 33/2017

Theo Vanvn.net

Phạm Thuý Quỳnh đưa bài

Exit mobile version