Theo thông lệ, trong tháng 11 tới danh sách các bộ phim ứng cử giải Oscar cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất sẽ được công bố và danh sách đề cử do ban tổ chức lựa chọn (chỉ có 5 phim) sẽ được công bố vào ngày 24/1 năm sau. Năm nay, phim Khát vọng Thăng Long là đại diện của Việt Nam tại “đấu trường” điện ảnh danh giá bậc nhất thế giới. Nhân sự kiện này, hãy cùng Góc khuất lật giở lại những câu chuyện còn ít được biết tới liên quan tới những bộ phim từng hái được vinh quang hoặc ngậm ngùi nuốt hận ở giải thưởng độc nhất vô nhị này (mỗi năm Oscar chỉ trao một giải duy nhất cho phim không nói tiếng Anh).
Bất chấp những ngày tháng căng thẳng nhất của thời kỳ Chiến tranh lạnh giữa 2 siêu cường Mỹ và Liên Xô, Liên bang Xô Viết (LBXV) đã từng 3 lần đoạt giải Oscar Phim nước ngoài hay nhất. Trong đó, Moskva không tin những giọt nước mắt được xem là đỉnh cao quốc tế cuối cùng…
Câu chuyện xoay quanh 3 cô gái tỉnh lẻ cố tìm một cuộc sống mới đầy đủ ở Moskva. Ba người bạn, Antonina, Lyudmila và Katerina sống chung phòng trọ, cùng làm việc cùng chia sẻ buồn vui. Antonina rụt rè, bảo thủ, nhanh chóng kết hôn với một chàng trai làm việc tại trang trại và có một cuộc sống tạm ổn. Lyudmila xinh đẹp và đầy tham vọng thì xem Moskva chẳng khác trò xổ số, mà cô phải chọn chiếc vé may mắn khi kết hôn với một cầu thủ hockey chuyên nghiệp. 20 năm sau anh ta nghiện rượu và thường phải xin tiền cô. Cuộc đời của cô gái thứ ba, Katerina là câu chuyện nàng lọ lem đương đại. Có nhiều đàn ông theo đuổi, nhưng cô lại có thai với tay phóng viên bội bạc, người đã từ chối trách nhiệm làm cha. 20 năm sau, khi trở thành một giám đốc thành đạt, cô tìm tình yêu mới và thật trớ trêu khi cô gặp lại người đàn ông tệ bạc năm xưa…
Mối lương duyên giữa đạo diễn và nhà biên kịch
Khi đã có danh tiếng, Menshov dễ dàng thuyết phục được những người đứng đầu các hãng phim để thực hiện giấc mơ trở thành đạo diễn. Ngay lập tức, Menshov thành công lớn và đoạt giải quốc gia với bộ phim đầu tay Practical Joke. Tuy nhiên, bộ phim thứ hai Independent Opinion do Chernykh viết kịch bản thì lại không thành công. Lúc ấy ở Moskva có tổ chức một cuộc thi sáng tác kịch bản. Chernykh gửi một kịch bản tham gia. Cuộc thi khá buồn tẻ, 2 giải thưởng đầu bị bỏ trống, chỉ có duy nhất giải Ba được trao cho kịch bản Moskva không tin những giọt nước mắt của Chernykh.
Khi viết kịch bản này, Chernykh bị một trận cúm khủng khiếp và tưởng chừng không thể qua khỏi. Để kịp tham dự cuộc thi, ông đã phải viết một cách vội vã. Nhưng có lẽ sự hối thúc một cách gấp gáp ấy đã giúp ông viết ra được nhiều tình huống quan trọng nhất của phim. Toàn bộ kịch bản được hoàn thành chỉ trong 18 ngày!
Chất liệu chính để làm nên kịch bản này xuất phát từ những người thân của Chernykh. Họ là những người chị em của mẹ ông. Chernykh phải quan sát chú ý đến từng chi tiết của 5 người với 5 tính cách khác nhau. Ông tập hợp được những câu chuyện về thế hệ người Moskva đầu tiên từ tỉnh lẻ lên, cách họ làm thế nào để bắt đầu cuộc sống và thành đạt ở đây.
Menshov rất thích kịch bản này, nhưng Chernykh lại không muốn giao cho anh bởi vẫn còn ám ảnh thất bại của bộ phim trước. Nhưng vợ của Chernykh lại rất yêu quý Menshov và tin rằng anh là một diễn viên và đạo diễn có tài. Khi Chernykh đi làm, vợ ông lén giao kịch bản cho Menshov. Thấy mọi chuyện đã lỡ, Chernykh đồng ý làm việc cùng Menshov với bộ phim này. Một quyết định miễn cưỡng, nhưng sau này Chernykh sẽ không phải hối hận.
Thử thách cam go
Ngân sách dành cho bộ phim rất hạn chế do hãng Mosfilm danh tiếng chỉ đồng ý chi khoảng nửa triệu rúp. Để bù đắp khoảng thiếu hụt này, Menshov và một vài người nữa phải chạy vạy kiếm thêm tiền ở khắp nơi. Mọi việc chi tiêu đều phải tính toán rất chi li dè sẻn.
Việc quan trọng kế tiếp là phân vai. Đầu tiên Menshov đặt vấn đề với diễn viên nổi tiếng Irina Kupchenko, Margarita Jerekhova và một số vai diễn phụ khác. Sau rất nhiều cân nhắc – trong đó nan giải nhất là kinh phí – cuối cùng Menshov quyết định chọn… vợ mình, diễn viên sân khấu Vera Alentova, thủ vai nữ chính Katerina. Thật sự ngay từ đầu, không ai trong số các ứng cử viên lại nhiệt tình với vai diễn này như… vợ của đạo diễn! Nhưng cũng phải nói là Vera gặp may do bộ phim thiếu kinh phí nên ngôi sao Irina Kupchenko từ chối đóng vai này.
Nhưng điều quan trọng cần làm là phải tìm một gương mặt nam diễn viên tầm cỡ để vào vai Gosha. Lúc ấy trên truyền hình đang chiếu bộ phim My Dear One, Menshov tình cờ xem qua và nảy ra ý định: “Tại sao lại không mời Batalov nhỉ?”. Sự có mặt của một tên tuổi lớn như Aleksey Batalov trong vai nam chính sẽ là thỏi nam châm của bộ phim. Khán giả LBXV từ thập niên 1950 vẫn chưa quên và rất yêu thích diễn xuất tinh tế của ông trong các bộ phim: A Big Family (1954), The Rumyantsev Case (1955), và nhất là The Cranes Are Flying (1957 – Khi đàn sếu bay qua)…
Nhưng chọn Batalov là một quyết định liều lĩnh bởi lúc ấy ông vẫn đang là một ngôi sao nổi tiếng. Kinh phí bèo bọt của bộ phim này không cho phép mời một tên tuổi lớn như vậy. Batalov đọc kịch bản xong và từ chối với lý do rất bận. Menshov rất thất vọng vì biết đó chỉ là một lời từ chối lịch sự. Ông dự tính chuyển sang mời diễn viên Tikhonov, thì một đêm nọ Batalov bất ngờ gọi lại và nói ông cần đọc lại kịch bản lần nữa. Menshov mừng thầm, và không lâu sau Aleksey Batalov đã nhận lời tham gia.
Bộ phim bấm máy vào tháng 8/1978 khi tiết trời ở Moskva bắt đầu trở lạnh, nhưng cảnh trong phim lại diễn ra vào mùa Hè, nên mọi diễn viên đều phải cởi áo khoác để diễn xuất trong nhà cũng như ngoài đường. Đoàn phim gặp khá nhiều khó khăn bởi thời tiết thay đổi lúc tốt lúc xấu liên tục, trong đó có một cảnh rất quan trọng mà đạo diễn Menshov không bao giờ quên: Cảnh ngôi sao Smoktunovsky gặp gỡ những người hâm mộ ở gần rạp chiếu phim.
Bằng uy tín cá nhân, Menshov đã thuyết phục được ngôi sao Smoktunovsky thật xuất hiện chỉ trong một cảnh duy nhất này. Cả đoàn sướng rơn bởi bộ phim cũng rất cần có hình ảnh của Smoktunovsky, lúc ấy anh đang là một thần tượng rất nổi tiếng ở LBXV từ thập niên 1970, đến mãi sau năm 1978, Smoktunovsky vẫn là tâm điểm của khán giả hâm mộ! Sự có mặt ngắn ngủi của anh sẽ thực sự gây ấn tượng với người xem.
Cảnh này quay vào một buổi tối nọ, nhưng trời đổ mưa tuyết nên không thể quay. Menshov lo lắng đứng ngồi không yên, rồi cuối cùng ông đành phải thương lượng lại với Smoktunovsky và 2 ngày sau anh lại đến. Cảnh quay hôm đó diễn ra giữa lúc trời trở gió mạnh, nhiệt độ xuống thấp hơn bình thường. Tất cả mọi người trong đoàn đều phải mặc áo ấm, vậy mà Smoktunovsky và các diễn viên phụ phải phong phanh vì cảnh này đang là đêm mùa Hè! Không thể muối mặt hẹn với Smoktunovsky một lần nữa vì bất cứ lý do gì, nên đạo diễn Menshov và đoàn phim phải quay thật khẩn trương bởi những cảnh này rất quan trọng với bộ phim, không thể bỏ được. Thật hú hồn khi vừa quay xong thì tuyết bắt đầu rơi.
Nói chung tuy kinh phí ít ỏi, nhưng Menshov lại may mắn có trong tay một đội ngũ làm phim chuyên nghiệp đã làm rất tốt công việc của mình, giúp bộ phim đã hoàn thành đúng kế hoạch quay trong 4 tháng thu hình. Khung cảnh của bộ phim được tái tạo lại rất đẹp thông qua trang phục, kiểu tóc, mẫu mốt, cửa hàng, khách bộ hành. Cảnh những xe điện ngầm, chuyên chở chim bồ câu hay những chú thỏ… Tất cả đều rất thực tế như chính bản thân bộ phim.
Bộ phim quan trọng cuối cùng của LBXV
Tháng 2/1980, bộ phim được chiếu ra mắt tại rạp Pushkinsky và được người xem hưởng ứng nồng nhiệt, bởi nó toát lên tính chân thực rất rõ nét. Hai ngày sau, cả Moscow chỉ bàn tán về nó. Các quầy vé kín đặc khán giả xếp hàng dài, mặc cho tiết trời buốt giá. Để mua được vé có khi họ phải đợi 4 tiếng đồng hồ hoặc hơn. Hàng triệu khán giả chen lấn xô đẩy để vào kín các rạp chiếu phim ở thủ đô Moscow. Cơn sốt lan nhanh và cả LBXV đều muốn xem phim này. Chỉ trong thời gian ngắn bộ phim đã đứng thứ nhì doanh thu mọi thời đại tại LBXV, chỉ xếp sau Những tên cướp biển thế kỷ 20 (1979) của đạo diễn Boris Durov.
Mọi người ồ ạt đi xem để suy ngẫm lại quá khứ mà thực tế đã từng diễn ra trong cuộc sống của họ. Xem phim cũng là dịp để hồi tưởng lại thời thanh niên, bởi những sự việc đó vẫn luôn tồn tại ở đâu đây. Đạo diễn Menshov nhớ lại: “Tất cả mọi người đều mong muốn xem bộ phim của tôi. Phải nói rằng, trong suốt cuộc đời của mình, tôi chưa bao giờ gặp được niềm hạnh phúc lớn như thế này!”.
Bộ phim quan trọng đến mức đầu thập niên 1980, tổng thống Mỹ Ronald Reagan đã xem phim này vài lần, trước cuộc họp thượng đỉnh với tổng thống LBXV Mikhail Gorbachev, để tăng thêm phần hiểu biết về “Tâm hồn Nga”!
Năm 1980, bộ phim đã đoạt Giải Thưởng Lớn (Grand Priz) tại LHP quốc tế Bồ Đào Nha. Năm 1981, Vera Alentova đoạt giải Saint-Michel tại LHP quốc tế Brussels (Bỉ), và giải USSR State tại LBXV dành cho nữ diễn viên xuất sắc. Nhưng quan trọng hơn cả là bộ phim đã đoạt giải Oscar dành cho phim nước ngoài hay nhất (1980). Trong lịch sử, đây chỉ mới là lần thứ ba, và cũng là lần cuối cùng một bộ phim của LBXV đoạt được giải thưởng điện ảnh danh giá nhất thế giới này. Như lời nói của một sinh viên ngôn ngữ người Nga: “Đây là một bộ phim kinh điển, tôi không nghĩ rằng sau này nước Nga có thể làm được bộ phim tuyệt vời như vậy nữa”.
Theo Bá Vũ – Thể thao & Văn hóa