ôi rất nhớ ngày ấy, vào thập niên 1970, khi tấm màn nhung của sân khấu rạp Công Nhân ở Hà Nội vừa kéo lên, nhân vật đầu tiên của vở “Con cáo và chùm nho” (tác giả Fi-ghê-irê-đô) xuất hiện. Một dáng vóc thanh tú, cao ráo, cùng giọng nói ấm áp và trong trẻo cất lên như có nhạc điệu hút người nghe. Lê Chức đó! Người bạn ngồi bên thì thầm nói, đó là một nghệ sĩ trẻ tài hoa của Đoàn kịch Hải Phòng. Sau này mỗi lần có dịp về đất biển, tôi đều xem Lê Chức diễn kịch, và rất yêu giọng nói nồng nàn của anh. Bao giờ cũng vậy tha thiết và quyến rũ… 


(Ảnh sankhau.com.vn)

Những nỗi niềm ngoảnh lại

Nếu tính từ năm 1965, Lê Chức khởi đầu cho nghiệp diễn, thì đến nay đã 49 năm có lẻ. Gặp tôi anh bồi hồi nhớ lại tuổi 18 của mình. Khi ấy anh nhớ, cha anh là nhà thơ Lê Đại Thanh, kiêm kịch sĩ nổi tiếng bị liên quan tới vụ nhân văn ngày ấy, nên anh không được đi thi đại học. Còn chị anh, nghệ sĩ Lê Mai đã bị cho ra khỏi biên chế Đoàn kịch nói Trung ương ngày đó. Lê Chức phải mất một năm đi lao động, nhưng vẫn quyết tâm học tập để đi theo nghiệp sân khấu của cha mẹ. Và quả thật Lê Chức được thừa hưởng gen tài hoa của người cha, có một giọng nói đầy nội lực và phong cách diễn sang trọng.

Chính vì thế, sau khi thi tuyển vào đoàn kịch Hải Phòng, Lê Chức được giao ngay một vai chính. Mới 18 tuổi, Lê Chức xuất hiện như một hình ảnh mới lạ của sân khấu đất biển. Dường như sau đó suốt 15 năm, Lê Chức trở thành một trong những diễn viên chính, tạo nên sự tươi mới trong diễn xuất.

Đến năm 1980, Lê Chức được cử lên Hà Nội học đạo diễn tại trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh. Và một cơ may đã đến, khi anh được chọn đi thi học Đại học Sân khấu tại Ki ép (thuộc Liên Xô cũ). Nhưng, không ngờ cái lý lịch nhân văn của ông bố suýt lại làm lỡ chuyến đi. Tâm sự đến đây, Lê Chức chỉ cho tôi cái biển phố mang tên Lê Đại Thanh mới được gắn tại một con đường ở Hải Phòng. Anh hồ hởi kể, sau cái đận được nhà nước giải tỏa, nhiều nhà văn, nhà thơ trong một thuở bị quy kết nhân văn ấy đã được đánh giá lại. Nhà thơ Lê Đại Thanh là người có những đóng góp với sự nghiệp cách mạng của tỉnh nên đã được gắn tên cho một con phố ở Hải Phòng. Lê Chức cho đóng một cái hình biển mang tên phố Lê Đại Thanh đặt ở giá sách, như một niềm ngưỡng mộ, đi theo suốt cuộc đời mình.

Nhớ đến cha, Lê Chức còn kể khi mình gặp một tai nạn trong nghề nghiệp, đã đi gọi hồn ông để lấy lại niềm tin. Đó cũng là một sự kiện sân khấu, hồi Lê Chức làm Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, gắn với hội diễn sân khấu cải lương toàn quốc, tại TP. Hồ Chí Minh năm 2000. Anh là đạo diễn, kiêm tác giả chuyển thể cải lương, theo kịch bản viết về Nguyễn Trãi của tác giả Lưu Quang Hà. Đó là vở “Vằng vặc ánh sao khuya”. Tiếng vang của Nhà hát Cải lương Việt Nam lúc đó đã không thành công như mong muốn, bởi những tiếng đồn về giải thưởng đã được sắp xếp. Lê Chức khi đó dường như bị cô lập và đúng như anh nói, mình hết sức cô đơn giữa không khí hội diễn. Và tất nhiên, kết quả vở diễn không được đánh giá đúng, đã để lại dư luận trái chiều.

Họa ập đến hay chỉ là một tai nạn trong nghề nghiệp mà thôi. Thật khó hình dung ra, sau khi tốt nghiệp đạo diễn bằng đỏ tự Ki ép trở về, Lê Chức nổi lên như cồn từ năm 1989 về Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam, với bao HCV cho các vở diễn, cùng với những kịch bản được dàn dựng. Cũng trong thời gian này, Lê Chức được phong là Nghệ sĩ ưu tú, năm 1997. Chả lẽ hơn 10 năm thăng hoa, giờ đã đến lúc suy sụp. Không ngờ Lê Chức có lúc đã nghĩ đến cái chết. Tâm thần hoảng loạn, bơ vơ. Thấy tình trạng của Lê Chức như vậy, nghệ sĩ Lê Mai đã cùng người nhà đi tìm thầy gọi hồn cha về, để gặp cậu em. Hồn ông Lê Đại Thanh nhập về, nói chuyện với Lê Chức như một người đồng nghiệp và khuyên, hãy nhớ đến tại họa của đời cha mà vượt lên. Kể đến đây, Lê Chức rơm rớm nước mắt, nhìn lên cái bảng tên phố Lê Đại Thanh, rồi đọc những câu thơ trong bản di chúc của cha. Giọng ông nghẹn ngào:

Khi tôi chết, những người thân đừng nhỏ lệ / Mà ngâm với tôi một đoạn ngắn thơ tôi…/ Một người sinh ra không chết bao giờ / Khi giữa thời gian để lại một vần thơ”. Đó cũng là bài thơ mà được nhà thơ viết đúng vào cái năm mà Lê Chức thi vào Đoàn kịch Hải Phòng (1965). Đây cũng là một thánh đường, mà cha anh đã xây từ viên gạch đầu tiên, và đã để lại nghiệp sân khấu cho mình. Lê Chức tự nhủ, mình đã lấy lại sự lạc quan sau đó, và đứng lên trong niềm tin với nghề nghiệp của mình. Hiện anh là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam.

Rút ruột bán giọng

Cỡ tới mươi năm qua, nhiều người trong đó có tôi luôn luôn bất ngờ, khi nghe Lê Chức đọc lời bình cho các lễ hội và các phim tài liệu, trên các kênh truyền hình. Riêng trên sóng của đài phát thanh thì không mấy khi vắng giọng của Lê Chức. Nhất là buổi tiếng thơ, hay kênh đọc truyện cho thiếu nhi, gần như giọng Lê Chức thường xuyên vang lên.

Lại nói, tôi đã từng nghe giọng diễn xuất trên sân khấu của Lê Chức, nên càng thấy nể anh. Trước đây trên sân khấu chỉ có micro treo, nên các diễn viên phải gắng nói to, vang nhưng vẫn phải thể hiện được cảm xúc của nhân vật. Giọng nói, hay còn gọi đài từ của diễn viên là một tài sản đặc biệt. Mỗi người một mầu âm, một cá tính, tạo nên những sóng nhạc riêng trong ngữ điệu. Điều đó đòi sự nỗ lực của người diễn viên rất lớn, nếu không nói là sự vô cùng. Chính với sự khổ luyện ấy, mà Lê Chức đã phát huy được tài nghệ của mình trong các văn bản bình luận. Tính đến nay, anh nhớ mình đã đọc lời bình cho gần 20 lễ hội, cùng hơn 300 phim tài liệu và khoa học.

Thật ra tôi biết anh còn làm hơn thế, bởi ngay từ hồi năm 1979, Lê chức đã từng đọc trường ca “Mặt đường khát vọng” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trên nền nhạc giao hưởng. Đây là đĩa thơ đầu tiên ở nước ta được Lê Chức thể hiện rất xuất thần. Sau này có dịp đọc một trường ca của thi sĩ Nguyễn Hoa, anh cũng với một giọng đọc tràn ngập cảm xúc, và nhiệt huyết cao độ. Đến nỗi Nguyễn Hoa phải thốt lên, phải cảm nhận lại thơ mình qua giọng đọc này.

Có người nói, Lê Chức đã rút ruột mình để bán giọng, cũng không ngoa. Ai lại có phim tài liệu anh đọc lời bình để thu suốt từ 17 giờ hôm trước, kéo dài qua đêm, đến 5 giờ sáng hôm sau, hoàn thành trọn vẹn 8 tập liền. Anh nói mình đã chuẩn bị cho công việc này từ nhiều ngày đã nghiên cứu văn bản, và muốn thể hiện liền mạch cảm xúc. Lại còn có những phim 100 tập của “Ký sự Thăng Long”, hay 40 tập của bộ phim “Côn Đảo”, hoặc có đêm anh đọc liền tù tì 262 trang sách truyện cho thiếu nhi… Lê Chức diễn giải quả là mình quá say với công việc.

Anh nói mình rút ruột với hai ý nghĩa là phải đọc ngẫm cho hết tầng ý nghĩa của câu chữ. Đọc đi đọc lại cho thấu hết những ý tưởng của tác giả phim để biết ngừng lúc nào để cho hình ảnh tự kể chuyện, và biết lúc nào đọc để tăng giá trị của mỗi khẩu độ của phim. Sau đó khi vào đọc chính thức, âm sắc cần phải thể hiện được tình cảm để nâng giá trị nghệ thuật của phim. Người đọc phải nghĩ đôi khi mình cũng phải là tác giả của bộ phim qua giọng nói. Đó là sự nhập đồng cùng với những giờ phút thăng hoa. Đây là bí quyết nhà nghề, mà anh đi giảng cho nhiều lớp đào tạo MC và kỹ thuật diễn xuất trên sân khấu.

Đau đáu một hồn thơ

Lê Chức đọc lời bình hay như vậy, chính một phần anh là một thi sĩ, cũng nối nghiệp cha về con đường thơ ca. Bài thơ anh đầu tiên anh viết từ năm 1970 về Hạ Long. Đến nay anh đã có 4 đầu sách cùng với 10 kịch thơ đã được dàn dựng. Anh có nhiều ảnh hưởng từ chất triết lý và sự độc đáo trong một tứ thơ của cha mình, nhưng lại ít ghồ ghề, mãnh liệt hơn. Có lẽ vì cái sự khác ấy, mà giọng đọc thơ hay lời bình cho phim của Lê Chức luôn luôn thể hiện tính trữ tình, sâu lắng với cung điệu tự nhiên trên nền nhạc cho mỗi phim. Những âm sắc của Lê Chức được phát tiết, ngày càng có sức cuốn hút, sau nửa thế kỷ tích lũy và đầy trải nghiệm, với mọi thăng trầm của cuộc đời nghệ sĩ.

Vương Tâm

(Trích tập “Nước mắt thời gian”)

(Theo Văn học quê nhà)

Exit mobile version