Hải Phượng cuốn hút người nghe không chỉ bằng ngón đàn tài hoa, điêu luyện mà còn bằng chính cốt cách phong nhã toát ra từ vóc điệu thướt tha pha lẫn chút điệu đàng nữ tính với bộ áo dài truyền thống, suối tóc nhung mượt.

Nghệ sĩ nữ chọn đàn tranh là nghiệp, biết bao nhiêu là người, biết bao nhiêu cá nhân cùng phục sức như vậy nhưng chỉ có Hải Phượng, mỗi lần ra sân khấu là mỗi lần lấp lánh. Thứ ánh sáng an nhiên, khó trộn lẫn và được đông đảo khán giả trầm trồ, xoa xuýt!

1. Tôi theo chân Hải Phượng trong một buổi trình diễn giao lưu, kết hợp đàn tranh với nhạc cụ dân tộc Nhật Bản mà chị là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất được mời tham dự.

Kể từ lúc Phượng tháo đàn ra khỏi bao để ráp tập lần cuối cùng các nghệ sĩ người Nhật, chị như sống trong một không gian tuyệt mỹ của thứ giai điệu đang cất lên trong đầu, không một ai và không người nào có thể chạm được.

Phượng mặc kệ xung quanh có những ai, liệu họ có đang đổ dồn sự chú ý về phía chị. Phượng vừa ôm đàn, vừa nhẩm điệu, thả hồn vào thế giới đẹp đẽ được chị nuôi dưỡng tận sâu trong tâm hồn, chỉ chờ giây phút sẻ chia và lan tỏa. Phượng của thời khắc ấy hòa vào cung đàn điệu nhạc, thanh tao thoát tục tựa người tiên lỡ chân ghé qua chốn hồng trần mà vẫn còn vương vấn cung nga.

Rồi cứ thế, Phượng mang cái đắm say đó, cái tâm hồn giàu xúc cảm tươi đẹp đó rót vào tai người nghe qua đôi tay thon dài điêu luyện, mải miết trên những phím loan mỏng manh. Nghe Phượng dạo đàn, tựa hồ vạn vật xung quanh phải dừng lắng lại để chiêm ngưỡng.

Một khoảng lặng sau bản đàn như giây phút mê ngủ chợt bừng tỉnh là những tràng pháo tay không dứt, pha lẫn sự tiếc nuối, trách cứ “Sao mà ít, mà ngắn đến vậy?” dẫu lễ hội vẫn còn nhiều trò vui độc đáo, nhiều âm thanh say mê, quyến rũ. Phượng, khoan thai cúi chào, ung dung bước xuống, gỡ móng, cất đàn và trở ra, cần mẫn đứng sau sân khấu, nghe cho kỳ được những giai điệu từ nhạc cụ dân tộc nước bạn.

Sự trọng thị của người nghệ sĩ dành cho nhau, sự cần mẫn học hỏi giữa thời buổi nhộn nhịp chạy show quả tình khiến người ta thêm thương và thêm yêu vô cùng. Đừng nghĩ, cây đàn nền nã và kén khách ấy suốt ngày im ỉm. Nó cũng căng sức đến với những ai yêu mến nó, chỉ là như giai điệu nó cất lên, không ồn ào, rôm rả.

Nghệ sĩ Hải Phượng được xem là “con nhà nòi” khi có mẹ cũng là người thầy đầu tiên và là người thầy lớn trong nghề – nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ Thúy Hoan dốc tâm dạy dỗ và truyền nghề.

Vốn dĩ, gia đình nghệ sĩ Thúy Hoan xưa kia không ai theo nghiệp cầm ca, tuy nhiên “cái máu” văn nghệ văn gừng có lẽ được truyền từ cụ thân sinh của bà, sinh thời là một nhà báo, không viết mảng kịch nghệ, song cực mê hát ả đào.

Một lần, bà theo bạn đến chơi nhà người quen, thấy người ta đánh đàn tranh thì đâm mê mẩn, bèn xin cha cho thi vào Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ Sài Gòn. Ông, với tư tưởng phóng khoáng và cả niềm yêu thích, nhanh chóng gật đầu tán đồng đam mê của con gái.

Nghệ sĩ Thúy Hoan được các nhạc sư lỗi lạc như Nguyễn Hữu Ba, Nguyễn Vĩnh Bảo,… trực tiếp truyền dạy. Bà tốt nghiệp năm 1968. Hải Phượng, ngay khi biết nhận thức đã nghe tiếng đàn lúc khoan thai, dìu dặt, khi réo rắt hoan ca của mẹ.

5 tuổi, Phượng một buổi đến trường, một buổi ở nhà, không biết làm gì thì được mẹ bày cho cây đàn để tập. 7 tuổi (1976), Phượng chính thức vào Nhạc viện, ngày ngày theo mẹ đến trường trong niềm hân hoan lạ lẫm.

Đi vì thấy vui, thấy mới lạ chứ tuổi nhỏ ham chơi, mỗi lần luyện đàn ở nhà, Phượng vừa đàn vừa ngó chăm chăm vào đồng hồ mẹ đặt, mong cho mau hết 2 tiếng để được thoát đi chơi. Mẹ nghiêm khắc, dõi theo từng bước, bảo, tiếng đàn của Phượng khô như ngói, không cảm xúc. Phượng nghe, nghịch ngợm cười. Tuổi thơ yên bình trôi. Dần dà, Phượng lớn hơn, biết nghĩ hơn, tiếng đàn rặt kỹ thuật như được thổi hồn, bắt đầu biết nỉ non vui buồn.

Ở mẹ, Phượng thừa hưởng không chỉ tình yêu vô bờ bến dành cho đàn tranh, cho âm nhạc dân tộc mà còn để niềm say mê trọn vẹn của mẹ dìu dắt, nâng đỡ trên con đường âm nhạc. Bởi, đã có lúc, đời sống khó quá, chứng kiến nhiều đàn anh đàn chị ở Nhạc viện phải làm việc khác để mưu sinh lúc tốt nghiệp, Phượng chọn cho mình một lối rẽ. Phượng đi học trang điểm cô dâu. Cô của Phượng thấy cháu khéo tay, bèn hướng Phượng đi trang điểm cho các đoàn phim.

Cuối những năm 80, phim nhựa phát triển cực thịnh, nghề trang điểm được trả rất hậu. Nhưng rồi, khóa học nho nhỏ đó, Phượng giữ lại, để dành cho riêng bản thân. “Có lẽ, chị chỉ thích học thôi, không có duyên, không có niềm đam mê với nó nên cuối cùng mình cũng quay về với âm nhạc.” – Phượng nói nhẹ tênh.

2. Khác với vẻ thướt tha, tóc xõa vai mềm trên sân khấu, nghệ sĩ Hải Phượng trong đời thường giản dị, tính cách có phần bộc trực và mạnh mẽ. Tuổi hoa niên của Hải Phượng là những ngày trại hè sôi nổi cùng bè bạn và phong trào đoàn đội. Phượng chính là một trong những thế hệ đầu tiên của Hội phụ trách Đội Thành phố, là ngọn cờ của phong trào trại hè Thanh Đa. Càng bất ngờ hơn khi nghe Phượng kể, năm 1987, như bạn bè đồng trang lứa, chị theo học Akido, để rèn sức khỏe và độ dẻo dai.

Năm 1992, lúc Phượng chuẩn bị thi đai đen bậc 2, cũng là lúc cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh rốt ráo, thấy con gái tập võ cứ “bay vèo vèo”, mẹ quá lo lắng và sợ chị gãy tay, uổng phí tài năng nên bà cấm không cho học nữa. Năm đó, Phượng được giải nhất cuộc thi Tài năng trẻ đàn tranh toàn quốc.

Đây chính là bước ngoặt trong sự nghiệp của Hải Phượng. Giai đoạn này, Sài Gòn bắt đầu mở cửa và phát triển mạnh, khách du lịch đến thăm thành phố và có nhu cầu tìm hiểu về văn hóa, âm nhạc dân tộc ngày càng nhiều. Để đáp ứng nhu cầu của khách, các nhà hàng, khách sạn sang trọng không ngần ngại chi một khoản hậu hĩ mời cho kỳ được những nghệ sĩ đàn dân tộc.

Từ một buổi diễn trong tuần tăng lên kín lịch. Trong hồi ức của Hải Phượng, đó là những tháng năm tươi đẹp vô cùng vì chỉ có những cá nhân thực sự giỏi mới dám mang đàn đi biểu diễn. Khách đến thưởng đàn cũng trọng thị, bặt thiệp vô cùng chứ không cười nói thả ga, ăn uống xô bồ.

Phượng được Đoàn ca nhạc nhẹ Sài Gòn mời về cộng tác chính thức, những chuyến lưu diễn nước ngoài nhiều hơn mà đáng nhớ nhất là chuyến đi 45 ngày với 22 buổi diễn tại Pháp cùng cố GS-T.S Trần Văn Khê, ra mắt thành công CD Đàn tranh xưa và nay do hãng đĩa OCORA ghi âm và đạt giải thưởng quốc tế.

Phượng bảo, chuyến đi đó đã dẫn đến nhiều thay đổi trong suy nghĩ, nhận thức của chị. “Lúc đó, tôi còn trẻ, vẫn thích những bản nhạc mới nhiều hơn (nhạc mới ở đây chỉ những sáng tác mang âm hưởng dân ca, làn điệu, thường được viết cho hòa tấu và cũng là loại bán chạy nhất vì dễ nghe) trong khi thầy thì khuyến khích nhạc cổ (bài bản nguyên khởi như chèo, nhạc Huế, đờn ca tài tử Nam Bộ).

Hải Phượng trong buổi phong tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú”.

Khi bắt đầu dạo đàn, tôi đã rất băn khoăn, không biết khán giả có thích nghe những bản nhạc cổ hay không? Sau buổi diễn hôm đó, tôi nhận ra rằng, bất kỳ loại nhạc nào đi chăng nữa, chỉ cần mình đánh bằng tất cả tình yêu và tâm hồn, nhất định sẽ truyền tải được đến người nghe”. Trở về nước, Hải Phượng lập tức xin thỉnh giáo các thầy, các nghệ nhân ngoài trường lớp để bổ sung kiến thức.

Từ đó cho đến nay, Hải Phượng vẫn là cái tên hiếm hoi đủ sức chinh phục khán giả trong và ngoài nước. Chị chiêm nghiệm: “Với nghệ thuật, thành công phụ thuộc rất nhiều vào sự may mắn. Sự may mắn đó không tự nhiên đến và cũng chỉ đến một lần nên sự chuẩn bị để tiếp nhận vô cùng quan trọng. Việc đầu tiên là phải học tất cả những gì mình có thể, phải biết thế mạnh ở đâu và thường xuyên trau dồi để cơ hội đến, mình phải biết nắm bắt”.

3. Không chỉ liên tục trau dồi kỹ năng và kinh nghiệm, nghệ sĩ Hải Phượng còn hết lòng truyền niềm say mê âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau. Sự gắn bó cần mẫn với Câu lạc bộ Tiếng hát Quê Hương, do nghệ sĩ Thúy Hoan sáng lập, với sự đỡ đầu của GS-T.S Trần Văn Khê hơn 30 năm nay, đào tạo được nhiều tài năng trẻ về nhạc dân tộc là một ví dụ điển hình.

Năm 2014, Hải Phượng tốt nghiệp Tiến sĩ ngành Văn hóa học. Với Hải Phượng, đó cũng là một sự tình cờ vì Nhạc viện TP HCM thời điểm ấy chưa đào tạo trực tiếp học vị tiến sĩ, ra Hà Nội thì Phượng không có điều kiện. “Thật mừng vì ngành học mở cho tôi nhiều con đường, nhìn được nhiều thứ khác rộng mở hơn, như mang thêm hoa thơm cỏ lạ về trồng trên con đường của mình”.

“Tôi muốn học lên không phải vì bằng cấp mà vì khát khao hiểu biết. Và cũng để những bậc phụ huynh có con em đang theo đuổi âm nhạc dân tộc an tâm rằng, xướng ca vẫn có bằng cấp học vị hẳn hoi, vẫn có thể sống đàng hoàng, tuy không giàu có hoặc đồ hiệu như những ca sĩ giải trí”.

Hải Phượng nghiện trà và mê chụp ảnh. Đi đâu xa, Phượng cũng mang theo bộ trà nho nhỏ cùng vị trà chị thích. Thưởng trà mỗi ban mai xanh thắm nơi xứ lạ là một cái thú tao nhã và thi vị. Rồi, trong những chuyến trở về, Phượng lại lỉnh kỉnh mang theo một món quà lưu niệm nào đấy.

Rất nhiều lần, nhớ đến căn hộ gọn gàng tinh tươm quá đỗi của bạn, Phượng định bụng cất, thậm chí bỏ bớt đi cho sáng nhà sáng cửa. Nhưng, chục lần như một, hễ giở ra thì kỷ niệm nối tiếp kéo về, chạm đến đâu là nhớ, là thương đến đó. Đành thở dài, để lại như cũ và đóng thêm kệ.

Hải Phượng, như cái nắng tháng ba còn vương hương xuân vậy. Vàng ruộm, trong vắt và dịu dàng nhưng thi thoảng vẫn nghe hơi lạnh. Cũng như nỗi buồn, Phượng cất giấu đâu đó cho riêng mình, cố gắng đi qua và ngại người khác chạm vào.

 

Theo Hoài Hoài Hương – CATGCT.CAND

Exit mobile version