Hoàng Thu Phố
Với khán giả Đài Tiếng nói Việt Nam, giọng ca Huế của NSƯT Diệu Hương (ảnh) đã trở nên thân quen, gần gũi. Và mới đây, giọng ca ấy đã ra mắt một album ca Huế có tựa đề “Mười thương”. Cuộc trò chuyện đầu xuân với NSƯT Diệu Hương cho thấy con đường âm nhạc của chị thật đáng khích lệ. |
Phóng viên (PV): Chào NSƯT Diệu Hương. “Mười thương” – album mới nhất của chị vừa ra mắt sau một thời gian dài ấp ủ. Vì sao chị lại chọn thời điểm này để giới thiệu với công chúng?
NSƯT Diệu Hương (DH): Diệu Hương chọn dịp Tết cổ truyền Việt Nam và những ngày đầu xuân, bởi người Việt luôn hướng về nguồn cội, nghe ca Huế ngày xuân cũng là dịp để mọi người ngẫm nghĩ về quê hương. Ngồi cùng gia đình sum vầy trong trong mùa xuân, nghe một làn điệu dân ca cổ lại càng dễ đi sâu hiểu thêm về âm nhạc dân gian của dân tộc. Mỗi độ Tết đến, xuân về cứ nghe “lưu thủy kim tiền, xuân phong long hồ” cất lên trong mỗi chương trình ca nhạc chào xuân, lại thấy tâm hồn yên bình lại, càng yêu cái mình đã lựa chọn. PV: Từng học thanh nhạc, từng thi Sao Mai, nhưng vì sao chị lại theo ca Huế – một thể loại âm nhạc dân tộc kén người nghe và cũng khó nổi tiếng hơn? DH: Diệu Hương đến với ca Huế cũng là cái duyên. Hương học thanh nhạc tổng cộng là 11 năm. Trong thời gian học cũng hát nhiều thể loại. Từ nhạc trẻ, nhạc cách mạng đến thính phòng. Hồi thi Sao Mai, Diệu Hương cũng tham gia với dòng nhạc nhẹ. Và đã gặt hái được nhiều thành công từ dòng nhạc này. Từ 2003-2007 Diệu Hương đã tham gia các cuộc thi chuyên nghiệp và đã được giải cao với nhiều huy chương vàng, bạc. Năm 2010, Hương quyết định ra Hà Nội học thạc sĩ âm nhạc và được biết Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đang thiếu người thu thanh mảng ca Huế. Được giới thiệu, Hương đã mạnh dạn thu thanh. Trong khi thu thanh đã được các anh chị trong đài động viên, Hương về VOV để đảm nhận bộ phận ca Huế. Lúc đầu rất e ngại… Sau đó thì Hương quyết định làm công việc này, và quay về Huế tìm thầy học thêm. Rất may nghệ nhân trong Huế đã tận tình chỉ bảo nên trong thời gian ngắn Hương đã học được hết phần lớn các bài bản chính của ca Huế. PV: Giờ nhìn lại mối lương duyên đó, chị được gì và… mất gì? DH: Giờ Diệu Hương thấy mình được nhiều hơn mất. Được khán giả xa gần yêu quý… Được tiếp nối, được là người lựa chọn để gìn giữ một thể loại âm nhạc mà xưa chỉ có vua chúa mới được nghe là niềm hạnh phúc của Hương… Diệu Hương chỉ biết mình là người được lựa chọn để tiếp nối công việc giữ gìn nét văn hóa như là một duyên tiền định. Chỉ có vậy thôi. Và yên lòng với con đường mình đã chọn. PV: Lan tỏa ca Huế ở môi trường đô thị, mà cụ thể là ở Hà Nội, chị gặp khó khăn gì? DH: Giữ gìn âm nhạc trên đất Huế đã khó khi mà kinh tế thị trường làm phai mờ nhiều giá trị cần được gìn giữ, huống hồ giữa đất Hà thành lại càng khó hơn. Diệu Hương đã “len lỏi” bằng cách biểu diễn cùng với nhóm Xẩm Hà thành vào các tối cuối tuần. Cùng với xẩm, chèo, quan họ, cải lương, Hương đã hát ca Huế trên phố đi bộ. Có người dừng chân chỉ nghe vài phút để nghe cái thể loại nhạc vừa đượm buồn lúc bổng, lúc trầm bồng bềnh trên sông nước. Có người ngồi từ tối đợi nghệ sĩ biểu diễn. Dần dần lượng khán giả đến với ca Huế được nhân lên… PV: Theo NSƯT Diệu Hương, âm nhạc dân tộc, mà cụ thể là ca Huế, đang gặp những điểm khó nào để đến gần hơn với công chúng? DH: Âm nhạc Hương đang theo đuổi rất kén người nghe. Trong thời buổi nhạc trẻ, nhạc ngoại, K-Pop đang áp đảo mạng xã hội thì âm nhạc dân tộc bị nhiều người quên lãng. Âm nhạc truyền thống nói chung và ca Huế nói riêng cho đến tận hôm nay để giữ gìn được là một kỳ tích. Và Diệu Hương vẫn đứng vững, vẫn sống được với nghề khi mà ngày càng có thêm khán giả yêu quý và gắn bó nhiều với âm nhạc dân tộc. Thế hệ chúng tôi không chỉ làm công việc bảo tồn mà còn phải sáng tạo để cho mạch nguồn âm nhạc dân tộc luôn được khơi thông. PV: Vậy theo chị, làm sao để kéo được nhiều khán giả trẻ đến với ca Huế? DH: Trước hết, để đến được với lớp trẻ bây giờ thì ca Huế nói riêng, âm nhạc dân gian nói chung phải được các nghệ sĩ trẻ thể hiện. Và người đó phải đầy tâm huyết, phải hiểu được giới trẻ cần gì. Hai thế hệ gần nhau chắc chắn khoảng cách để hiểu nhau sẽ dễ hơn. Hương hát ca Huế với tâm thế cởi mở của một người trẻ, hát theo một cách riêng, không làm mất cái chất trong âm nhạc nhưng đủ để thế hệ trẻ hiểu dễ dàng hơn. Đó là lòng yêu quê hương, giữ gìn nét đẹp âm nhạc quê hương mà Diệu Hương đang hướng đến. PV: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện đầu xuân! |
Nguồn:Báo Thời Nay
Lê Thị Hồng Nhung đăng bài