Nội dung phim rất đơn giản: con tàu chở quái vật Ursa gặp bão thiên thạch ngoài không gian, phải đáp khẩn cấp xuống trái đất. Vụ va chạm khiến toàn bộ phi hành đoàn tử nạn. Chỉ trừ ba người sống sót là chàng thiếu niên Kitai, bố cậu, cũng là chỉ huy tàu – tướng Cypher, bị thương rất nặng, và… quái vật Ursa.
Từ đó, hành trình trong suốt bộ phim là cuộc chiến giữa Kitai với những thử thách trên trái đất – hành tinh sau 1.000 năm bị con người tàn phá và bỏ lại, đã tiến hóa theo hướng đối nghịch để tiêu diệt con người. Thử thách cam go nhất là cuộc chiến với quái vật Ursa – con quái vật vũ trụ tàn bạo, mà chỉ nhìn thấy nó thôi đã khiến người ta đông cứng lại trong nỗi sợ. Tuy nhiên, điều đáng nói là nếu vượt qua được nỗi sợ – khi không còn kinh hãi với con quái vật, người đó sẽ có thể “tàng hình” trước quái thú.
Lúc còn bé, con quái vật đã giết chết chị gái Kitai – khiến Ursa luôn là nỗi ám ảnh kinh hoàng đã ăn sâu vào tâm trí cậu. Nhưng rốt cuộc, Kitai đã vượt qua được nỗi sợ và giành lấy chiến thắng cuối cùng.
Kịch bản dễ đoán, nhưng cái đọng lại trong tôi là câu thoại để đời, câu mà tướng Cypher nói với con trai mình – “Sợ hãi chỉ là một sản phẩm của trí tưởng tượng. Nguy hiểm là điều có thực, rất thực. Nhưng sợ hãi là lựa chọn của chúng ta” (Danger is very real, but Fear is a choice).
Xem đi xem lại nhiều lần, tôi mới thực sự hiểu ra cái ranh giới và sự khác biệt giữa hiểm nguy và nỗi sợ hãi. Quả thực, hiểm nguy, nghịch cảnh, là có cái có thực – là khách quan, không thể né tránh và cần ý thức được thực tế để nhận biết về chúng. Nhưng lựa chọn thái độ như thế nào khi đứng trước nghịch cảnh thì thuộc về chúng ta. Chúng ta có thể chọn – hoặc sợ hãi và đầu hàng, hoặc đương đầu với nó – dù thắng thua chưa biết. Chúng ta bị động trước hoàn cảnh, bị ném vào hoàn cảnh. Nhưng chúng ta hoàn toàn chủ động, hoàn toàn quyết định thái độ sống của mình.
Mỗi lần xem xong phim, không hiểu sao tôi lại nghĩ về chị – một người mẹ tự dạy con mình học ở nhà – hay còn gọi là home schooling, một người tôi tình cờ gặp trong công việc. Gặp một lần nhưng nhớ mãi. Bởi nếu không gặp chị, có lẽ tôi sẽ không bao giờ tin, ở Hà Nội lại có thể có, không phải một, mà là một cộng đồng những người dạy con học ở nhà, không khác gì một vài cộng đồng biệt lập ở Âu Mỹ.
Điều khiến tôi quan tâm nhất là lý do nào khiến chị dành thời gian để tự dạy con mình. Tôi đã chờ đợi những lời lên án và kết tội chất lượng nền giáo dục nước nhà. Nhưng câu chuyện chị kể, với nhiều người có lẽ sẽ là… lãng xẹt. Một lần, con chị kể chị nghe câu chuyện ở lớp, cô giáo em đang nói chuyện với một ai đó qua điện thoại. Cô giáo đang ở trong lớp, đứng trên bục giảng, nhưng cô lại bảo với người kia rằng cô đang ở một nơi nào đó khác. “Vì sao cô giáo đang ở trong lớp chúng con, mà cô lại bảo với người kia là ở một nơi khác, như thế là thế nào hả mẹ?”. Câu hỏi đó khiến chị thực sự trăn trở và quyết định phải hành động. Vốn là một giáo viên, chị rất hiểu chuyện giáo dục, và chị thực sự muốn con mình phải được lớn lên trong môi trường học đường tử tế, để ít nhất, phải trở thành một người trung thực và tử tế. Và thế là, chị quyết định sẽ dành thời gian hướng dẫn con tự học ở nhà.
Vừa vận động, thuyết phục những phụ huynh khác để tổ chức nhóm học, chị vừa dốc sức nghiên cứu các chương trình giáo dục, để tự mình thiết kế và tự hướng dẫn các con và một nhóm bạn nhỏ học ở nhà. Vậy là trong ba đứa con chị, hai đứa nhỏ, ở tuổi mẫu giáo, chị để con học hoàn toàn ở nhà. Đứa lớn, vào cấp 1, cháu vẫn đến trường một phần thời gian. Phần thời gian còn lại chị tự hướng dẫn tiếp.
Chúng ta không chọn được cộng đồng, không chọn được hoàn cảnh xã hội mình đang sống, nhưng thái độ sống, con đường đi đích thực là lựa chọn của cá nhân mỗi người. |
Suốt một buổi chiều trò chuyện với chị, tôi nhận ra rằng chị hoàn toàn là một người bình thường chứ không hề cực đoan hay lập dị. Một người mẹ ngoài ba mươi, với ba đứa con nhỏ, cháu nào cũng vui vẻ, hoạt bát và thân thiện. Nhưng với tôi, những việc chị làm được là một kỳ tích. Bởi đơn giản, tôi biết các anh chị tôi, bạn bè tôi – những người bằng cấp cao, điều kiện tốt – có thể phân tích tường tận những hậu quả của áp lực học hành, thi cử rồi chuyện bệnh thành tích học đường, nhưng rốt cuộc, vẫn tuần vài buổi tất tả đưa con đi học thêm. Lý do là, không học thêm, cô giáo sẽ “thiếu thiện cảm với con”, rồi con mình sẽ bị điểm kém, sẽ tụt lại so với bạn bè trong lớp. Kỳ thực, họ cũng rất thương những đứa trẻ “đầu to, mắt cận”, suốt ngày mệt nhoài với sách vở. Họ cũng biết điểm số và thứ hạng không thực sự có ý nghĩa đến năng lực con mình. Nhưng rồi, họ vẫn “khoán” những đứa trẻ cho các lớp học thêm suốt ngày không ngơi nghỉ. Có ai dám tách mình ra khỏi đám đông, để “lựa chọn” một việc bình thường đến “khác thường” như chị?
Đời không như phim, hiển nhiên là vậy. Đời ít có những “thử thách sinh tử” để kiểm chứng “anh hùng”. Dẫu vậy, tôi tin ít ai trong cuộc đời lại không có những lần đứng trước những lựa chọn khó khăn. Và rất nhiều lần trong số đó, chúng ta không dám hành động khác đám đông – vì “làm khác” đám đông là “nguy hiểm”. Như tâm tư thường nghe của số đông quan chức bây giờ – không thể không nhận phong bì, vì ai cũng như thế cả. Mình ở trong cơ chế trong bộ máy mà làm khác đi là mình “chết”. Như cái tặc lưỡi của đa phần doanh nghiệp – trong cái “cơ chế” này, không “lách luật” một chút, làm sao giàu lên được? Như sự bình thản của người nông dân – rau quả ai cũng phun thuốc, cũng chất bảo quản, không làm thế, sao bán được hàng? Như sự “vô tư” của phần lớn sinh viên – luận văn khóa nào cũng khóa sau “xào” khóa trước, luận án tiến sĩ còn sao chép, đề tài khoa học cấp nhà nước còn “xào nấu”, cái bài luận cỏn con sao phải nhọc lòng? Rốt cuộc, chúng ta lựa chọn nỗi sợ hãi – vì đi theo đám đông, chúng ta được “an toàn”.
Hôm nay trên đường về nhà, dừng lại chờ đèn đỏ, lướt qua tâm trí tôi là After Earth và câu chuyện của chị. Những ngày cuối năm, đường phố chật cứng xe. Không biết từ lúc nào, người Hà Nội ngày càng vội vã và thiếu thời gian. Họ không kiên nhẫn nổi để dừng chờ đèn giao thông chuyển sang xanh rồi mới chạy. Đèn đỏ vẫn còn vài giây, đám đông đã ùn ùn di chuyển. Tôi nhìn chiếc đèn đỏ, nhìn đồng hồ vẫn đếm ngược từng giây, và quyết định lờ đi tiếng còi xe thúc giục đằng sau. Trong một thoáng tôi nhớ đến một câu nói vui thịnh hành trong giới trẻ: “Bố mẹ bạn nghèo không phải là lỗi của bạn, nhưng bố mẹ vợ bạn mà nghèo thì đích thị là lỗi của bạn rồi”. Ai đó có thể nói giới trẻ thực dụng, nhưng họ, những người trẻ đã hoàn toàn đúng. Chúng ta không chọn được cộng đồng, không chọn được hoàn cảnh xã hội mình đang sống, nhưng thái độ sống, con đường đi đích thực là lựa chọn của cá nhân mỗi người.
Theo Nguyễn Quang Đồng – TBKTSG