LTS – Tiến sĩ Trần Đình Ngôn là nhà biên kịch nổi tiếng của sân khấu chèo với hơn 110 tác phẩm kịch bản đã được dàn dựng, trong đó có nhiều vở gây tiếng vang tại các liên hoan, hội diễn, được công chúng yêu mến. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông về những trăn trở sau nhiều năm gắn bó với sân khấu chèo nhân dịp ông vừa được Chủ tịch nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật.


Cảnh trong vở “Những vần thơ thép” của tác giả Trần Đình Ngôn trong nhóm

vở diễn được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.

Thưa tiến sĩ, vì sao ông lại lựa chọn viết kịch bản chuyên nghiệp cho chèo trong khi rất nhiều hình thức sân khấu khác, có thể mang lại nhuận bút hay thù lao cao hơn?

TS Trần Đình Ngôn: Dù là một người học văn hóa tốt toàn diện, nhưng đến cấp 3, tôi bắt đầu thiên về khoa học xã hội. Quá trình đó tôi cũng tham gia biểu diễn kịch ở trường phổ thông và rất yêu chèo. Tôi vẫn nhớ những đêm diễn của đoàn chèo Tả Ngạn, chúng tôi sẵn sàng đốt đuốc đi hàng chục cây số trên những con đường còn để ải rất gập ghềnh để đến xem… Tôi may mắn được những nghệ sĩ chèo đến tuyển dụng thành giáo viên văn hóa và mong muốn tôi trở thành một người viết chèo, vì tôi có khả năng sáng tác thơ, thuộc rất nhiều tục ngữ ca dao, lại sống trong môi trường của chèo từ rất sớm. Những định hướng của các lãnh đạo đơn vị nghệ thuật này đã ảnh hưởng đến sự phát triển sự nghiệp của tôi, khiến tôi chuyên chú luyện tập để trở thành người viết chèo chuyên nghiệp. Và giờ thì tôi tin rằng, tôi đã không phụ tình cảm tin yêu đó.

Gắn bó cả đời với sự nghiệp viết chèo, điều ông trăn trở nhất về nghề là gì?

TS Trần Đình Ngôn: Trăn trở lớn nhất của tôi với nghệ thuật chèo hiện nay là lớp kế nghiệp. Tôi tham gia đào tạo vài chục học trò đã học biên kịch kịch hát dân tộc hệ chính quy của Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, nhưng đến nay chưa thật sự có được em nào biểu hiện rõ triển vọng có thể trở thành tác giả chèo tài năng. Các em có thể viết thành công một kịch bản chèo, song chưa thể gọi là xuất sắc. Tôi cho rằng, để trở thành người viết kịch bản chèo thành công cần phải được đào luyện từ rất sớm. Công phu đào tạo hàng chục năm. Trong khi hiện nay các em không có điều kiện như vậy…

Muốn viết chèo, phải có vốn hiểu biết văn hóa, nhất là văn hóa cổ. Nhưng hiện nay, vốn ngôn ngữ của các em còn nghèo nàn. Các em viết với cách nghĩ, cách nói của người hôm nay mà chưa hiểu rõ người xưa nghĩ, nói bằng từ nào. Thí dụ, bây giờ ta nói chuẩn bị nhưng người xưa lại nói là sửa soạn; hay với từ bố trí thì các cụ bảo là sắp xếp… Hoặc khi mình nhờ người khác việc gì đó, người ta trả lời là không thành vấn đề, thậm chí nhỏ như con thỏ. Trong khi trước đây phải trả lời là việc đó không lớn… Nếu cứ “nhét” vào miệng người xưa cách nói như hiện tại thì không ổn. Đó là chưa kể tới những thứ mang tính cơ bản, nền tảng như vốn kiến thức khả năng diễn đạt.

Theo tiến sĩ, những phẩm chất nào cần có ở người viết chèo?

TS Trần Đình Ngôn: Người viết chèo phải giữ được sự rung động trước cuộc sống, giữ cho tâm hồn mình tươi mới, nhạy bén, không được phép để chai lỳ tình cảm của mình. Để có tác phẩm hay, tác giả phải có năng khiếu nhất định, yêu chèo, đam mê nghề, liên tục học tập và tu dưỡng, lao động hết mình. Đặc biệt, cần hiểu sâu, nắm vững về chèo để tác phẩm thấm đẫm chất chèo hơn.

Cảm ơn ông về những trao đổi rất thẳng thắn.

CAO NGỌC (thực hiện)

Exit mobile version