Giang Nai
Trong cuộc sống, vẫn luôn có những người dám dấn thân, từ bỏ nhiều cơ hội để trở thành người chụp ảnh tự do. Bằng ống kính, họ ghi lại những bức ảnh làng nghề, lễ hội truyền thống, nét đẹp cổ kính còn đọng lại để khơi mạch nguồn xưa, truyền đi tình yêu di sản. |
Lê Bích đam mê chụp ảnh làng, nhất là làng nghề. Số làng nghề anh đi được tính bằng con số hàng trăm. Chủ đề này không mới, bởi càng những làng nghề nổi tiếng như gốm Bát Tràng, Phù Lãng; mộc Chàng Sơn, tương Cự Đà, tranh Đông Hồ…, giới nhiếp ảnh càng “cày xới” nhiều. Tuy nhiên, ảnh làng nghề của Lê Bích luôn khiến người xem bất ngờ, phải dừng lại để ngẫm ngợi. Ví như anh “dụ” người xem đến làng nghề Phù Lãng bằng cách đặc tả đôi bàn tay thô ráp của nghệ nhân bên miệng chiếc bình gốm đang xoay tròn bừng lên dưới ánh nắng chiếu xiên. Anh đặt tên “Chuốt gốm”. Bức ảnh lột tả “chất” Phù Lãng, vừa khơi gợi, vừa khiến người ta tò mò, để rồi “lạc” vào câu chuyện của làng gốm ven sông Cầu… Cha Lê Bích là họa sĩ Lê Bách, một thầy dạy sơn mài. Đầu những năm 1980, khi vừa học hết tiểu học, Lê Bích theo cha đến các di tích. Bài học hội họa đầu đời của anh là mang sách bút đến đình, chùa tập vẽ, tập đến độ nhắm mắt đưa tay mà rồng, phượng vẫn hiện ra. Tình yêu di sản bắt đầu trong anh như thế. Rồi cha đặt vào tay anh chiếc máy ảnh… Lớn lên, Lê Bích học đại học chuyên ngành ngoại ngữ. Ra trường, đang làm chuyên gia cho doanh nghiệp nước ngoài, bỗng nhiên, năm 2005, Lê Bích từ bỏ tất cả. Anh trở về với tình yêu đầu đời. Nhiều người trách anh khi từ bỏ công việc có thu nhập cao, để trở thành người chụp ảnh tự do. Đã thế lại dấn thân vào lĩnh vực “không gặp thời”. Lê Bích bảo, sau bao tháng năm bươn chải cuộc sống, tình yêu với làng nghề, với di sản vẫn cứ lớn dần. Sự trở về là không cưỡng lại được. “Điều thu hút mình nhất là những câu chuyện của làng nghề. Ví như nghề thêu, đâu chỉ là chuyện của đường kim, mũi chỉ. Đó là cả một bề dày văn hóa. Đằng sau mỗi sản phẩm, lại là câu chuyện cuộc đời của những gia tộc, những nghệ nhân. Chuyện về gốm cũng rất thú vị. Những năm trước, khi đăng ảnh làng Bát Tràng, nhiều bạn ngạc nhiên khi xem bức ảnh những bánh than gắn lên tường, những cái bao nung gốm… Từ đó, mình nhận ra rằng, rồi mai đây, nhiều kỹ thuật làm gốm sẽ đổi thay. Ghi lại khoảnh khắc đẹp bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh thôi chưa đủ, cần phải tư liệu hóa bằng văn bản, quay phim. Cánh cửa làng nghề cứ thế mở ra, mở ra mãi”, Lê Bích chia sẻ. Nhìn Lê Bích làm việc, người ta tưởng anh là một nhà nghiên cứu. Anh gặp nghệ nhân trò chuyện, ghi chép, quay phim rồi đối chiếu với các làng nghề khác; so sánh với những nghề ở các quốc gia. Người ta gọi anh là “Bích làng nghề”. Những làng nghề gần Hà Nội, Lê Bích trở đi trở lại cả chục lần. Những làng nghề ở xa, anh “ăn dầm ở dề” có khi đến nửa tháng. Anh thấu hiểu quá trình làm ra mỗi sản phẩm, từ vật liệu, các công đoạn, rồi bí quyết để tạo ra sản phẩm đẹp. Anh sống cùng người dân làng nghề, chia sẻ những vui buồn của họ. Ảnh Lê Bích có chiều sâu của người hiểu thấu đáo cái hay, cái đẹp, chất chứa những nỗi niềm, những trăn trở của làng nghề. Lê Bích còn mê chụp giếng làng, lễ hội, những nét xưa còn đọng lại… Chỉ tính vài năm trở lại đây, anh đã có các triển lãm riêng như: “Những người giữ nét tinh hoa Hà Nội” (năm 2015), “Làng nghề đón xuân” (2016), “Những người giữ hồn Trung thu” (2016)… Ảnh làng nghề, ảnh di sản của Lê Bích xuất hiện trên nhiều tờ báo đến mức mọi người nghĩ anh là phóng viên ảnh xuất thân từ làng quê Việt. Thực ra, anh không làm tại một cơ quan báo chí nào. Gia đình Lê Bích sống mấy đời ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngạc nhiên hơn, Lê Bích không học qua bất cứ trường đào tạo nhiếp ảnh nào. Bạn bè trách Lê Bích mạo hiểm khi dấn thân vào ảnh di sản không phải không có lý. Nhưng cuộc đời vốn có những lý lẽ riêng, Lê Bích vẫn sống bằng nhuận ảnh, nhuận bút từ báo, tạp chí và báo chí là một trong những kênh anh truyền đi thông điệp về tình yêu di sản. Bé gái làng hương truyền thống Cao Thôn (Hưng Yên). Mười mấy năm gắn bó với di sản, cảm giác đơn độc luôn thường trực với Lê Bích. Nhưng giờ, anh bảo, có lẽ nhiều người đã nhận ra đến lúc phải quay về với cội nguồn. Anh có những “bạn đồng hành” trẻ tuổi hơn đang khơi nguồn tình yêu di sản. Một trong những người Lê Bích nói đến là Nguyễn Văn Học – phóng viên Tạp chí Công nghiệp tàu thủy. Nếu Lê Bích thiên về làng nghề, thì Nguyễn Văn Học thích tìm hiểu kiến trúc, lối sống ở làng. Niềm đam mê di sản của Nguyễn Văn Học bắt đầu từ thắc mắc về cái tên làng Thần Đầu quê anh ở Thái Bình. Mày mò tìm hiểu, Nguyễn Văn Học mới biết, người dân ở đây có gốc gác từ cửa biển Thần Phù (Nga Sơn, Thanh Hóa). Khi đến vùng quê mới, các cụ vẫn “mang theo” quê cũ để con cháu không quên, bằng cách đặt tên gần giống là Thần Đầu. Nguyễn Văn Học tìm hiểu về văn hóa làng và choáng ngợp trước sự đồ sộ của nó. Ví như cùng trên nền tảng văn hóa đồng bằng Bắc Bộ, nhưng cả trăm làng thì phong tục, tập quán, lối sống không làng nào giống làng nào. Anh như bị rơi vào mê cung, mà lại không muốn ra… “Đã có nhiều cuốn sách viết về làng Việt. Nhưng khi đi đến các làng quê, mình thấy còn rất nhiều thứ bị bỏ qua. Thí dụ như những làng ven biển Thái Bình. Ở đây không có cổng làng, không có những công trình đình, đền, chùa đồ sộ. Người dân ở đây học không nhiều, nhưng lại giữ các phong tục tập quán tuyệt vời. Cũng là văn hóa Bắc Bộ, vì sao lại thế? Thực ra, đó là đặc điểm của dân di cư, cuộc sống không ổn định; việc giữ phong tục tập quán do các trí thức làng xưa bảo sao, thì đời nối đời cứ làm vậy. Cái hay của người vùng ven biển là kiến thức, khả năng thích ứng với thiên nhiên. Làng nào cũng có một con kênh chính thông ra biển để thau chua. Hệ thống kênh mương được quy hoạch rất gọn gàng. Khi đi giải mã những vấn đề này, mình tìm thấy niềm vui”, Nguyễn Văn Học lý giải việc anh đam mê với văn hóa làng. Dong xe máy đi miên man làm việc “giời ơi”, tiền nhà đem ra tiêu. Có lần vừa thấy chiếc cổng làng với đôi câu đối rất đẹp, chưa kịp ghi chép thì lần sau đi qua đã thấy bị vạt đi mất một mảng. Tiếc quá! Phải cố đi càng nhiều càng tốt khi tốc độ “biến hình” của di sản quá nhanh. Ảnh của Nguyễn Văn Học giàu tính tư liệu. Anh bảo, bây giờ mình nhìn những bức ảnh làng quê chụp hồi đầu và giữa thế kỷ 20 cái nào cũng thấy mến yêu. Những hình ảnh bình thường hôm nay, có thể sẽ trở thành tư liệu quý cho mai sau. Anh mê nhất chụp những kiến trúc cổ, những nếp nhà rêu phong. Nếu giữ tư liệu ấy cho riêng mình thì quá ích kỷ. Mà văn hóa làng, không hiểu thì chưa thể yêu. Đau đáu phải làm được cái gì đó cho cộng đồng. Anh lập diễn đàn “Làng Việt xưa và nay” trên facebook, để kết nối cộng đồng, chia sẻ giá trị văn hóa làng. “Làng Việt xưa và nay” có hơn 1.400 thành viên, trở thành một diễn đàn sôi động. Nguyễn Văn Học coi đó là khởi đầu của những chương trình dài hơi hơn, trong đó có giới thiệu văn hóa làng Việt ra nước ngoài. Có một điều đặc biệt về hai con người này, đó là niềm tin vào văn hóa làng. Khi nhiều người phàn nàn về vấn nạn làng nghề, thí dụ gốm Bát Tràng bị chê là “nhái” đồ ngoại quốc, Lê Bích bảo rằng: Hãy cứ sống với người dân Bát Tràng đi rồi hãy nhận xét. Họ phải trả tiền nguyên vật liệu, tiền nhân công, hàng trăm thứ tiền. Họ đáng được cảm thông, ví như trước khi đi đến ổn định, phải trải qua những khúc quanh co… Nguyễn Văn Học không nén tiếng thở dài trước những tiêu cực ở làng quê. Song anh kể một câu chuyện thay cho kết luận: “Chợ là nơi thường diễn ra nhiều lộn xộn nhất trong cuộc sống hằng ngày. Nhưng nếu ra chợ Đông Ngạc (Bắc Từ Liêm, Hà Nội), người ta sẽ nghĩ khác. Ở đây, có thể xem hàng, mặc cả thoải mái mà người bán vẫn vui vẻ. Nếu ngồi trên xe máy chống chân mua hàng, khách sẽ được chủ đưa hàng ra tận nơi. Cái phong cách Đông Ngạc xưa “Đi đứng thung dung/ Nói năng mực thước” vẫn còn phảng phất. Điều ấy chứng tỏ, dòng chảy văn hóa làng vẫn còn rất mạnh”. Nguyễn Văn Học bảo thay vì khoanh tay đứng nhìn hay trách móc, mỗi người hãy hành động, ngay từ những việc nhỏ nhất. Suy nghĩ ấy thôi thúc những người như Lê Bích, Nguyễn Văn Học dấn thân. Tuy nhiên những người dám dấn thân vì tình yêu và đam mê khơi lại mạch nguồn xưa vô giá lại đang ít dần đi. Nguồn: Báo Nhân Dân Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |