ĐÀM BẢO NGỌC

Nhạc trưởng Đàm Linh.

Phiêu diêu, đắm chìm trong dòng thác thanh âm đỉnh cao, những khoảnh khắc xuất thần đầy biểu cảm của nhiều thế hệ nhạc trưởng nổi tiếng, cả trong và ngoài nước đã được lưu lại, chân thực và vô cùng sống động, qua ống kính của nhà báo – nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán. Triển lãm ảnh Nhạc trưởng 27&45 ra mắt mới đây là món quà mà ông gửi tặng công chúng yêu nghệ thuật hàn lâm, sau hơn hai chục năm ròng miệt mài theo đuổi chủ thể sáng tác đặc biệt này.

Trong dự định ban đầu của tác giả, Nhạc trưởng 27&45 sẽ trưng bày 45 bức ảnh của 27 vị nhạc trưởng. Nhưng đến ngày triển lãm chính thức khai trương, số lượng cây đũa chỉ huy đã tăng lên 31, với 55 tác phẩm, bao gồm cả ảnh màu và ảnh đen trắng.

Nguyễn Đình Toán tâm sự, ông không thể ước lượng mình đã có mặt trong bao nhiêu buổi biểu diễn, “đốt” bao nhiêu cuộn phim (từ cái mốc 2004 trở về trước), chụp bao nhiêu kiểu ảnh kỹ thuật số (từ 2004 trở về sau) để gạn lọc được chừng đó khoảnh khắc đẹp, của chừng đó gương mặt nhạc trưởng tài danh. Nhưng ông vẫn nhớ như in dấu mốc đầu tiên, Liên hoan Nhạc kèn lần thứ nhất diễn ra vào ngày 4-5-1994. Trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, ông đã có được những tấm ảnh quý giá của hai cây đại thụ khí nhạc Đàm Linh và Cao Việt Bách. Để rồi sau đó, ống kính miệt mài của ông đã nắm bắt, thể hiện sống động cả thần thái lẫn phong cách chỉ huy của biết bao thế hệ nhạc trưởng. Từ Trọng Bằng, Đỗ Hồng Quân, Đặng Hữu Phúc tới Phạm Ngọc Khôi, Doãn Nguyên, Lê Phi Phi, Đặng Châu Anh… Từ Graham Sutcliffe đến Yoshikazu Fukumura, Honna Tetsuzi… Trong suốt 23 năm qua, Nguyễn Đình Toán có mặt trong hầu hết những đêm hòa nhạc đỉnh cao tại Thủ đô. Khi khán giả đắm chìm trong thế giới âm nhạc cổ điển, ông lặng lẽ di chuyển liên tục, lặng lẽ căn chỉnh từng góc máy, lặng lẽ đợi chờ một biểu cảm xuất thần của vị nhạc trưởng. Và bấm máy.

Chụp ảnh, trong một môi trường yêu cầu sự im lặng tuyệt đối như các buổi hòa nhạc không đơn giản. Nhất là với chiếc máy ảnh cổ lỗ, lúc nào cũng lạc hậu so với đồng nghiệp, “với ống kính vớ vẩn” có giá trị vật chất khiêm tốn mà ông có thể tự trang bị cho mình. Ông chọn cách nhẫn nại đợi chờ những hợp âm mạnh, những trường đoạn cao trào mới dám tác nghiệp, để tiếng máy lạch xạch không gây ảnh hưởng tới thính giác rất nhạy của các nghệ sĩ. Chụp nhân vật duy nhất luôn quay lưng vào khán giả trong suốt đêm diễn cũng là một thử thách. Vậy mà bằng tình yêu lớn lao dành cho các nhạc trưởng, “những con người tài năng” như cách gọi của ông, Nguyễn Đình Toán vẫn “bắt” được những biểu cảm gương mặt đầy ấn tượng, với góc máy cùng ánh sáng đẹp ám ảnh. Điều duy nhất khiến ông tiếc nuối, đó là “chất lượng vớ vẩn” của chiếc máy ảnh khiến ông chỉ có thể lưu lại được những giọt mồ hôi lấm tấm mà đành bất lực trước những giọt mồ hôi đang chầm chậm lăn trên gương mặt các nhạc trưởng. Như một biểu tượng lao động nghệ thuật vất vả vô cùng nghiêm túc của người nghệ sĩ.

Nhạc trưởng Đặng Châu Anh.

Nhà báo, nhiếp ảnh gia Nguyễn Đình Toán là phóng viên ảnh của tạp chí Xưa và nay. Cuối năm 2013, ông có triển lãm đầu tiên, Văn Cao – 18 năm trước, với 27 tấm ảnh lần đầu công bố của người nhạc sĩ tài hoa. Nhạc trưởng 27&45 là triển lãm thứ hai mà ông dành tặng công chúng mê nhiếp ảnh. Triển lãm kéo dài trong một tuần, từ ngày 17 tới 23-9-2017, tại khách sạn Thăng Long Opera, 1C Tông Đản, Hà Nội.

Nguồn: Báo Nhân Dân hàng tháng

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version