Năm 2015 đã chứng kiến một năm thị trường âm nhạc Việt Nam nỗ lực hội nhập hơn bao giờ, bằng vào cố gắng mời đến Việt Nam những sao ngoại, show ngoại “có số có má”, hòng tiệm cận giấc mơ biến Việt Nam thành một điểm đến, một trạm dừng chân, thay vì mãi là một “vùng trũng” trên bản đồ biểu diễn của thế giới. Có điều, không phải chân trời nào cũng xanh, và giấc mơ nào cũng dễ tìm bãi đáp…

Khi “vùng trũng” đón khách

Một phần của cái gọi là “chất lượng sống” ở một thành phố được chọn là Thủ đô, hẳn vì nó luôn được chọn là điểm đến, điểm dừng chân của những người nổi tiếng cùng những show diễn “khủng”. Hà Nội của 2015 phần nào khiến người ta cảm thấy hạnh phúc khi được sống ở một nơi mà cuối cùng, họ cũng được xem “Hồ Thiên nga” – đến từ quê hương của nó, hay Peabo Bryson, Kenny G – những “huyền thoại” từng làm nên những dấu yêu trong lòng người hâm mộ Việt, hay mới hơn, trẻ trung hơn, là những Joss Stone, BOND, Samaris, Samsaya… tại Lễ hội Gió mùa Monsoon 2015…


Tuy đây chưa hẳn là những cái tên “nóng” nhất, được chờ đợi nhất trong những chuyển động không ngừng của âm nhạc thế giới, nhưng với một đất nước chưa có được một nền công nghiệp âm nhạc thực sự như Việt Nam, vốn lâu nay ngậm ngùi tặc lưỡi và bão hòa bởi gameshow và liveshow miễn phí trên sóng truyền hình thì bấy nhiêu cũng đã đủ là một niềm hoan hỷ lớn đối với rộng rãi công chúng yêu nhạc, cũng như phần nào mang đến một diện mạo tự tin hơn cho đời sống âm nhạc nội địa. Trong đó, công đầu phải kể đến các nhà tổ chức, nhà sản xuất âm nhạc có tư tưởng hướng ngoại, cách tân (hoặc… hoài cổ) như VPBank, nhạc sĩ Quốc Trung (Tổng đạo diễn Monsoon) hay Mỹ Thanh (nhà sản xuất chuỗi chương trình “In the Spotlight”)… – đã từng bước giúp tạo ra những sân chơi đẳng cấp hơn so với mặt bằng và những “điểm hẹn âm nhạc” thường niên để công chúng yêu nhạc có một lý do đáng giá để chờ đợi, thay vì đêm đêm phải dán mắt lên màn hình TV và chấp nhận được “cho gì ăn nấy”, kể cả các chiêu trò tạo tiếng ồn và mua nước mắt…

Đáp ứng được những đòi hỏi khắt khe của các sao VIP từ chất lượng âm thanh, ánh sáng… đến điều kiện ăn ở, an ninh… và lấy được cái gật đầu của họ quả thật không dễ dàng, với một điểm đến từng bị cho là “tay mơ” về công nghệ tổ chức biểu diễn như Việt Nam. Điều đó ít nhiều cho thấy Việt Nam đã ngày càng chuyên nghiệp hơn trong nỗ lực làm “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, để dần thoát ra khỏi mặc cảm và định kiến “vùng trũng” trên bản đồ biểu diễn của thế giới. Tuy nhiên, cùng đó, là nỗi lo “thu không đủ chi”, vì không phải “cứ có sao là cháy vé”, khi nói thẳng ra là có những ngôi sao rõ ràng đã qua mất thời của họ, khi sang đến Việt Nam (và mới chịu sang Việt Nam?) – ít ra là trong ngờ vực của một bộ phận khán giả mộ điệu, hay không mộ điệu. Hoặc nhiều khi là do “cái khó bó cái hay”: Nếu như không đủ tiền “bao tiêu” cho cả ban nhạc riêng của họ, thì phải chấp nhận những màn biểu diễn trên nền nhạc playback (thu sẵn), chẳng hạn như đêm diễn của Richard Clayderman hay “Hồ thiên nga”…, và chất lượng nghệ thuật, do đó cũng khó mà được hoàn hảo, như phiên bản gốc…

Đây cũng chính là trở ngại lớn nhất mà nghệ sĩ violon Bùi Công Duy gặp phải, trong giấc mơ: Đưa được cuộc thi danh tiếng Tchaikovsky về Việt Nam, vì một trong những điều kiện siêu khó của nó là phải đưa nguyên một dàn nhạc dây gồm hơn 60 nhạc công Nga sang công diễn. “Thiếu đi điều đó, Tchaikovsky sẽ không thể là chính nó, với những ai từng biết nó và cần được biết về nó – đúng như nó có” – Nghệ sỹ Bùi Công Duy trăn trở.


“Huyền thoại saxophone” Kenny G trong vòng tay người hâm mộ Việt Nam

Nhu cầu thật, hay chỉ để… làm sang facebook?

Cùng với nỗ lực “đón khách” để nhà sản xuất từng bước chuyên nghiệp hóa mình lên, cũng như ít nhiều góp phần nâng cao trình độ thưởng thức của công chúng, thì ở một phía khác, cũng có những cố gắng thầm lặng nhưng không kém phần quyết liệt, cũng với mong muốn giúp đời sống âm nhạc Việt Nam không đi chệch quá với dòng chảy âm nhạc thế giới vốn dĩ không đợi “rùa bò”.

Nhiều năm nay, nhạc sĩ Dương Thụ, dù đã ở vào độ tuổi “cổ lai hy”, cũng vẫn chưa chịu nghỉ ngơi, âu cũng bởi mong muốn góp thêm được một chút gì đó lạc quan hơn cho đời sống âm nhạc, bằng vào việc hỗ trợ, đưa ra ánh sáng những tài năng âm nhạc trẻ thuộc các lĩnh vực còn trong bóng tối và ít được sự quan tâm của công chúng, nhà nước, báo chí. Đó là lĩnh vực khí nhạc và ca khúc mang tính sáng tạo. Chia tay “Điều còn mãi” sau 5 năm gắn bó, từ 2016, ông đang tính là sẽ bắt tay thực hiện một concert thính phòng – giao hưởng đương đại mang tên “Hơi thở mùa xuân”, dự kiến tổ chức định kỳ vào mùa xuân hằng năm tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nhằm giới thiệu với công chúng các nghệ sĩ trẻ và các tác phẩm khí nhạc, thanh nhạc của các tác giả trẻ. “Ở Việt Nam, âm nhạc hàn lâm trong khoảng  10 năm trở lại đây đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Nhưng nhìn sang các nước trong khu vực như Thái Lan, Singapor, Indonesia, Malaysia, sự thay đổi này còn quá chậm chạp. Những người soạn nhạc trẻ và những nghệ sĩ trẻ hoạt động trong lĩnh vực này rất ít có điều kiện để thể hiện mình, dù đội ngũ ngày càng đông đảo hơn. Tác phẩm của họ bước đầu đã có những tìm tòi mới mẻ nhưng dường như không hoặc ít được biết đến. Còn các nghệ sĩ biểu diễn, nếu tài năng được khẳng định thì hầu hết hành nghề tại nước ngoài. Lý do là họ không có môi trường đúng nghĩa để hoạt động, không được sự hỗ trợ cần thiết của cộng đồng những người làm nghệ thuật, cũng như công chúng…” – Nhạc sĩ Dương Thụ chia sẻ.

Song song, là mong muốn đưa âm nhạc cổ điển “xuống đường” tại TP Hồ Chí Minh, hiện đã kêu gọi được tài trợ và hy vọng cũng sẽ triển khai trong năm 2016 này. “Năm 2014, trong một chuyến sang Nhật, tại thành phố Kanazawa, tôi đã rất xúc động khi nghe dàn nhạc giao hưởng của các cháu độ tuổi khoảng 13, 14 biểu diễn ngay trên sân ga. Nhiều khách nước ngoài vòng trong vòng ngoài chăm chú thưởng thức các tác phẩm cổ điển do các cháu trình tấu. Một nước Nhật văn minh và văn hóa cao lộ diện ở một sự kiện tưởng như nho nhỏ này. Tôi mơ làm được một chương trình như thế ở TP Hồ Chí Minh…” – Người nhạc sĩ già nặng lòng với khát vọng trẻ.

Trong một cố gắng khác thuộc về nhạc nhẹ, nhạc sĩ Quốc Trung – người đã không quản khó khăn trong việc tìm kiếm tài trợ để có thể mời được nhiều ngôi sao quốc tế đến với Monsoon, lại ôm một nỗi niềm trăn trở khác, cũng trong câu chuyện đưa âm nhạc Việt Nam nhập vào dòng chảy chung: “Trừ những chương trình tri ân khách hàng như Richard Clayderman, Kenny G… thì những chương trình phải bán vé như Peabo Bryson, Hồ thiên nga… theo như tôi biết là lỗ nặng. Hay như ngay chính Monsoon, dù bán với giá vé rất “sinh viên”, thì cũng đừng mơ sốt vé. Thực tế cho thấy, dù nhà tổ chức đã nỗ lực hết sức trong cố gắng mời các “sao ngoại” đến Việt Nam, thì công chúng phần đông lại vẻ như không có nhu cầu thưởng thức. Không ít những người đến xem những chương trình đó thì hoặc là vì được cho vé, hoặc để “check in” theo kiểu: “À, tôi đã ở đó”, cho “sang”… facebook…”.

Chủ nhân của một trong những sự kiện âm nhạc đình đám nhất trong năm hóa ra lại khá bi quan về nỗ lực hòa vào dòng chảy chung của nhạc Việt mà anh vốn là một nhân tố tích cực: “Cứ bảo cần giáo dục âm nhạc cho học sinh ngay từ trên ghế nhà trường thì mới mong âm nhạc Việt Nam nhích được dần ra biển lớn, nhưng biết đâu, càng cố càng xa. Vì bên ngoài, thế giới họ tiến rất nhanh, trong khi ở Việt Nam tiến bộ lắm thì đi với tốc độ rùa bò, không thì dẫm chân tại chỗ, và phần lớn là… đi ngược lại”.

Nhưng dù vậy, cũng đâu hay ho gì việc tự biến mình thành một ốc đảo, nếu như không nỗ lực mở cửa, kết nối? Và thói quen thì cần phải có thời gian để nuôi dưỡng và hình thành? “Liệu ai người sẽ đủ kiên nhẫn để làm việc đó? Các nhà sản xuất thì lúng túng, khi không có tài trợ và ngay cả khi có tài trợ, vì không phải nhà tài trợ nào cũng đủ văn hóa. Nghệ sĩ phần lớn mải chạy sô, bầu sô thì an toàn phải là số 1. Các nghệ sĩ trẻ hầu hết chỉ thích làm gì thật nhanh, thật dễ. Mạo hiểm có chăng là cố gắng thay đổi chút ít khách mời, đại loại như lần trước đổ café vào mắm tôm, thì lần này đổ mắm tôm vào… mù tạt vậy, để chiều lòng đại đa số khán giả chủ yếu thích nghe quen: ca khúc quen, ca sĩ quen, thậm chí concept cũng phải quen…” – Nhạc sĩ Quốc Trung cười buồn.

Và điều đó có nghĩa, sau nhiều nỗ lực, giấc mơ hội nhập của nhạc Việt vẫn mãi hát bài “mơ về nơi xa lắm”?

Theo Nguyên Lê – Đại Biểu Nhân dân

Exit mobile version