Trong gia tài âm nhạc của Thượng tá, nhạc sĩ Ngọc Khuê – người đã từng có 42 năm trong quân ngũ và sáng tác hơn 300 ca khúc về bộ đội nhưng với ông, 3 ca khúc viết về mùa xuân: Đồi quyết thắng, Ông đồ, Mùa xuân làng lúa, làng hoa đã để lại dấu ấn sâu sắc với người nghe bởi đã khắc họa hình ảnh về mùa xuân bằng âm nhạc rất sâu đậm…

“Gọi” xuân về bên làng lúa, làng hoa

“Hương hoa bay dạt dào, làng hoa em gọi mùa, mùa xuân! Lúa lên xanh thắm, bên hoa em thơm ngát/Hồ Tây ơi mùa xuân/Tình ca, đơm hoa từ lòng đất/Đôi lứa, tình yêu mùa xuân/Làng lúa, làng hoa mùa xuân”, mỗi khi ca từ trong ca khúc “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” của nhạc sĩ, Thượng tá Ngọc Khuê vang lên đâu đó trên các phương tiện truyền thông khi Tết đến, xuân về như khiến lòng người thêm rạo rực, phấn chấn để đón “nàng xuân”. Với nhạc sĩ Ngọc Khuê, bài hát đã ra đời cách đây hơn hơn 30 năm nhưng trong lòng người nghệ sĩ này, mỗi khi nghe lại tác phẩm âm nhạc vào thời khắc thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới như ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh để ông cống hiến cho nghệ thuật.

Nhạc sĩ Ngọc Khuê thời trẻ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Người chiến sĩ, nhạc sĩ, Thượng tá Ngọc Khuê coi tác phẩm âm nhạc “Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” là một món quà để tri ân công chúng khi mùa xuân đến. Mỗi lần đi dạo quanh Hồ Tây, thả hồn mình vào tiếng gió xào xạc xen lẫn mùi hương của hoa và lúa khiến cho tâm hồn người nghệ sĩ như được thăng hoa.

“Hồ Tây và làng hoa ngấm vào trong tôi từ rất lâu nhưng trước khi viết tác phẩm này, tôi hơi e dè bởi lúc đó có rất nhiều bài về Hồ Tây. Hơn nữa, tôi không muốn viết riêng về hoa và cũng không chỉ viết về Hồ Tây bởi tôi cảm thấy nếu viết như thế thì không đủ ý để diễn đạt tình yêu của mình với mảnh đất này”, nhạc sĩ Ngọc Khuê chia sẻ.

“Mùa xuân, làng lúa, làng hoa” ra đời trong không khí tiết xuân đang ngập tràn phố phường Hà Nội, đó là vào dịp giáp Tết năm 1980, trong một lần đi thăm nhà người bạn ở Hồ Tây, nhạc sĩ Ngọc Khuê một mình lững thững đi dạo quanh hồ, khi đó người dân trồng hoa ở khu vực này rất nhiều và không có những ngôi nhà cao tầng san sát như bây giờ mà chỉ có một bên là cánh đồng lúa và một bên là hoa với nhiều màu sắc tỏa hương thơm ngát. Khung cảnh đẹp, thanh bình đó đã thôi thúc nhạc sĩ Ngọc Khuê nảy ra những ca từ đầu tiên “Lúa ơi thơm ngát cho em hát cùng người/Bởi lúa yêu cuộc đời nên xanh thắm tươi ruộng đồng/Sông lấp lánh mặt hồ cho hoa em ngọt ngào…”. Sau khi viết xong đoạn này, nhạc sĩ Ngọc Khuê cảm thấy rất tâm đắc bởi lúa và hoa là hai phạm trù thể hiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân không thể tách rời. Hình ảnh Hồ Tây một bên là lúa, một bên là hoa vừa thơ mộng, vừa thể hiện cuộc sống của người dân Hà Nội khi đó đang trên đường phát triển. Đoạn đầu và đoạn cuối của bài hát được tác giả thể hiện theo âm hưởng của dân ca Việt Nam nên giai điệu mượt mà, cuốn hút người nghe.

Khi viết xong phần đầu của ca khúc, nhạc sĩ Ngọc Khuê không nghĩ rằng, bài hát phải lấy tên là “Làng lúa làng hoa” mà ông cứ viết ra theo mạch cảm xúc của mình, khi đến đoạn “Đôi lứa, tình yêu mùa xuân, làng lúa, làng hoa mùa xuân”. Lúc đó, tác giả mới nảy ra ý định lấy tên ca khúc là “Làng lúa, làng hoa”.

Sau khi hoàn thành tác phẩm âm nhạc này, tác giả đã đưa lên Đài Tiếng nói Việt Nam để thu âm. Sau khi nghe xong, một số nhạc sĩ khuyên là nên thêm chữ “mùa xuân” vào bài hát bởi trong ca khúc này có nhiều ca từ đề cập đến mùa xuân. Bài hát sau đó lấy tên chính thức là “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”. Với nhạc sĩ Ngọc Khuê, tác phẩm âm nhạc này không những mang đến cho ông Giải thưởng và cúp vàng của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam về một trong những ca khúc hay nhất về nông nghiệp, giải của Bộ VHTTDL vào năm 1982, nhưng quan trọng hơn là bài hát đã chạm vào trái tim người khán giả.

Từ “Đồi Quyết thắng” đến “Ông đồ”

Giáp Tết năm 1968, khi đó nhạc sĩ Ngọc Khuê đang là chiến sĩ pháo cao xạ bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa). Lúc đó, cây cầu này là huyết mạch giao thông nối liền hai miền Nam – Bắc nên địch đánh phá rất ác liệt. Cầu Hàm Rồng lúc đó phải oằn mình chống trọi với rất nhiều bom đạn của quân thù. Người dân khi đó đã khắc hai chữ “Quyết thắng” lên đồi 134 trước Tết năm 1969 để thể hiện ý chí quyết tâm chiến đấu chống kẻ thù của quân và dân ta.

Bản nhạc bài hát “Mùa xuân làng lúa, làng hoa”.

Dòng chữ “Quyết thắng” được hoàn chỉnh khiến cho tâm trạng của nhạc sĩ Ngọc Khuê cảm thấy tự hào và ông muốn viết một tác phẩm âm nhạc về nơi mà ông từng cùng đồng đội chiến đấu với kẻ thù. Bài hát “Đồi quyết thắng” ra đời đã để lại ấn tượng sâu sắc với người dân và từ đó nhiều người thường gọi Đồi 134 là Đồi Quyết thắng.

“Tôi sáng tác ca khúc “Đồi Quyết thắng” trên cơ sở bài thơ của nhà văn Từ Nguyên Tĩnh – người cùng chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng với tôi. Bài hát này đã trở thành ca khúc yêu thích của bộ đội nói chung và bộ đội đã từng chiến đấu ở cầu Hàm Rồng nói riêng bởi đã khắc họa niềm tự hào của người dân nơi đây trong việc bảo vệ huyết mạch giao thông thời chiến tranh. Trong bài hát có ca từ “Bà con nơi đây gọi là Đồi Sim, nhưng lính pháo chúng tôi gọi là Đồi Quyết thắng/ Ơi ngọn đồi quanh năm đọng nắng và quanh năm trỗi dậy một màu xanh… Ơi hôm nay nhịp cầu ta đứng đó, đạn khua vang muôn nhịp trống đồng…”, khiến tôi nhớ nhất vì được viết lên từ tình cảm thiêng liêng của những ngày cùng “nếm mật nằm gai” với người dân nơi đây để bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Đều được ra đời vào mùa xuân nhưng bài hát “Đồi Quyết thắng” được viết dưới làn đạn quân thù nên mang âm hưởng hùng tráng nhưng ca khúc “Ông Đồ” được viết vào thời điểm đất nước đã thống nhất. Tuy hai bài hát khác nhau về thời gian ra đời nhưng đều thể hiện tinh thần, khí phách lạc quan của quân và dân trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

“Ông Đồ” được nhạc sĩ Ngọc Khuê viết trong lần đầu đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào dịp Tết. Mặc dù được sinh ra và lớn lên ở Hà Nội nhưng đây là lần đầu tiên người nhạc sĩ này được thưởng thức Tết Hà Nội. Hình ảnh Ông Đồ già ngồi cho chữ ở nơi thiêng liêng khiến cho tâm hồn người nhạc sĩ trở nên dạt dào cảm xúc. Phần đầu của bài hát trích thơ của Vũ Đình Liên nhưng đến đoạn sau thì tác giả sáng tạo lại phần âm nhạc và lời ca để tạo nét riêng cho ca khúc.

Ba tác phẩm viết về mùa xuân của Thượng tá, nhạc sĩ Ngọc Khuê không chỉ để lại cho ông nhiều kỷ niệm sâu sắc trong thời gian ở chiến trường và cả khi đất nước đã hòa bình mà còn mang đến cho người nghệ sĩ này niềm vui, sự khích lệ trong sáng tác để mỗi mùa xuân mới, ông lại đau đáu với niềm mong ước được sáng tác nhiều tác phẩm hay hơn nữa về mùa xuân.

 

Theo Khánh Huyền – QĐND

Exit mobile version