Nhà văn Võ Thị Xuân Hà (nguyên Trưởng Ban Nhà văn trẻ, Hội Nhà văn Việt Nam) vừa có thêm cho mình hai “đứa con tinh thần mới”, đó là tập truyện ngắn “Không khóc ở Seoul” và tập “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà

“Không khóc ở Seoul” gồm 11 truyện ngắn đặc sắc của Võ Thị Xuân Hà, được một số nhà văn và chuyên gia ngôn ngữ Trung Quốc tuyển chọn và xin phép tác giả dịch sang tiếng Trung.

Người khởi xướng phụ trách nhóm dịch là giáo sư dịch giả Chúc Ngưỡng Tu – một giáo sư đầu ngành bộ môn tiếng Việt, có thâm niên giảng dậy tiếng Việt ở các trường Đại học Trung Quốc trên 40 năm và đã được Uỷ ban toàn quốc các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn học nghệ thuật Việt Nam.
“Không khóc ở Seoul” có những truyện viết đã lâu, có những truyện mới ra gần đây như chung quy đều là những truyện viết về phụ nữ Việt.
Tuy là những truyện ngắn rời, nhưng tập sách như một cuốn phim thu lại khá đầy đủ các sắc diện lịch sử cận hiện đại Việt Nam, mà trong đó, người phụ nữ luôn là vai chính, dẫu chỉ quan sát hay trực tiếp dự phần, họ hiện lên sống động, rất đời, người đọc có thể nhìn thấy họ ở bất cứ đâu trong cuộc sống quanh mình.

Bìa cuốn “Không khóc ở Seoul”

ản tiếng Trung của 11 truyện ngắn trong “Không khóc ở Seoul” được chau chuốt kĩ lưỡng và ngữ nghĩa chuẩn xác, cố gắng bảo lưu tối đa lối hành văn và phong cách của tác phẩm gốc.
Sách được đánh giá thực sự là một tài liệu hiếm hoi và hữu ích đối với những người dạy và học tiếng Trung Quốc, bởi từ trước đến nay đa phần chỉ có tác phẩm dịch từ tiếng Trung Quốc sang tiếng Việt, có rất ít tác phẩm được dịch từ tiếng Việt sang tiếng Trung, lại càng chưa có tác phẩm văn học song ngữ nào được xuất bản.
Vẫn với lối văn phong không ồn ào, tiết tấu kể vừa phải, chứa đựng nhiều thủ pháp trong từng câu văn, mà như nhiều nhà phê bình nhận xét, là lối viết trong không gian đa chiều, “Chuyện của những nhân vật có thật trên đời” không thể đọc hiểu ngay một câu tưởng như đang kể chuyện, tưởng như nghiêm túc nhưng thực ra lại “u-mua” (giễu nhại) tưởng như pha trò mà có thể chảy nước mắt tận trong tim.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà nói với Thể thao & Văn hóa (TTXVN) về Chuyện của các nhân vật có thật trên đời:
– Tôi có thói quen tập hợp các truyện ngắn viết trong thời gian một năm để gửi in tập của năm đó. Thói quen này đã được thực hiện hàng chục năm qua. Nhưng đến tập truyện ngắn này, cơ duyên lại diễn biến theo hướng khác: 15 truyện ngắn được viết trong ba năm 2017, 2018, 2019, và được chọn lọc, sắp xếp không theo trình tự thời gian.
15 truyện ngắn chủ yếu tập trung mô tả những lát cắt rất mảnh, dường như không gây chảy máu, tưởng như không để lại vết sẹo nào, nhưng khiến cho hạnh phúc và bất hạnh đều song hành thử thách những con người bé nhỏ. Những mảnh tâm hồn bị cắt cứa đó được sắp đặt theo mô hình khối ru bích, nhân vật tự mình xoay trở, kiếm tìm, hi vọng.
Và cuối cùng, tôi vẫn muốn tất cả các nhân vật của tôi đều đứng vững và cao hơn chính họ trong cõi sống muôn vàn trắc trở.
* “Những nhân vật có thật trên đời” thì đã rõ. Còn chuyện về họ mà chị kể cho bạn đọc có phải là những chuyện có thật?
Khi chiếc đũa chỉ huy của nhạc trưởng được vung lên, bạn không thể hình dung chiếc đũa chỉ huy đó tạo nên đường đi âm thanh, hay chính âm thanh tạo nên vị thế nhạc trưởng. Các âm trầm âm bổng đan xen tạo nên bản nhạc, và có cả những âm câm mà tai chúng ta hầu như không phân biệt được. Nhưng chúng vẫn tồn tại.
Những nhân vật có thật trên đời này trong mô tả của tôi thật như chưa từng có thật, và cũng hình như đã có thật ở cõi nào đó rồi. Họ thật sự đã sống đã tồn tại, lướt qua chính cuộc đời tôi, hoặc tôi đã đi qua cuộc đời họ, hay họ đã đi qua kiếp trước của tôi hay ai đó… Khi đọc “Chuyện về những nhân vật có thật trên đời”, bạn đọc sẽ thấy họ qua lăng kính của chính mình. Tôi chỉ cung cấp cách thức để bạn đọc tiếp cận với họ, dự phần với cuộc đời họ. Và tôi song hành cùng bạn đọc.

Bìa cuốn “Chuyện của những nhân vật có thật trên đời”

* Từ những chuyện của các nhân vật có thật ấy, chị có “ngộ” ra điều gì không?
Khi “ngộ ra” được những điều gì đó, là khi tôi tạo dựng nên được những câu chuyện. Và khi câu chuyện hình thành, tôi lại tự “ngộ ra” chân lí cho câu chữ của mình. Điều gì đó, như là có sự dẫn dắt trên cao, thôi thúc sáng tạo. Và tôi thấy mình thật hạnh phúc sau phút giây một truyện ngắn được viết ra. Cứ như vậy, hạnh phúc của người viết như tôi được nhân lên.
* Nếu được kể chuyện có thật của riêng chị sẽ kể cho bạn đọc nghe chuyện gì? Vì sao?
Trong tập này, tôi có những “chuyện có thật”, và được viết theo lối “Kể chuyện ngày xưa”. Nếu bạn đọc quan tâm đến cuộc sống của nhà văn, có thể đọc chuỗi những câu chuyện “Kể chuyện ngày xưa” đó. Tôi muốn kể thật, bằng văn phong truyện ngắn, vì không muốn viết tự truyện theo lối cũ. Và tôi muốn chính mình hóa thân nhân vật để được trải nghiệm rằng, khi là nhân vật, tôi có quyền được nói lên những điều chất chứa trong chính trái tim mình.
Bạn có thể hiểu trong dạng viết “Kể chuyện ngày xưa”, trong dạng viết “Chuyện của các nhân vật có thật trên đời”, đều có tôi, bạn tôi, người thân của tôi trong đó; nhưng là cũng có cả bạn và người thân của bạn.
Vì vậy bạn hãy đọc tập truyện ngắn này trong một tâm thức mới, theo cách hiện đại, phóng dụ và minh triết.
Cảm ơn nhà văn Võ Thị Xuân Hà!
Vào lúc 9h ngày mai (8/8), NXB Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm ra mắt sách của 3 nữ tác giả: Y Ban (cuốn Có thể có, có thể không), Thùy Dương (Lạc lối) và Võ Thị Xuân Hà (Chuyện của các nhân vật có thật trên đời) tại Cad phê Trung Nguyên, số 2 Hàng Bài, Hà Nội.

 

PHẠM HUY

(Thể thao và Văn hóa)

Exit mobile version