Kiều Bích Hậu (thực hiện)

Gần đây, trên Facebook cá nhân của nhà văn Võ Thị Xuân Hà thường xuyên đăng tải giới thiệu kênh Youtube Cầm Kỳ Official. Trong đó, nữ nhà văn tự đọc những sáng tác của chính mình, thậm chí là những truyện nóng hổi, vừa sáng tác xong. Nhiều khán giả theo dõi kênh, thường xuyên bình luận, thậm chí tò mò về số phận nhân vật, và đặt mua trước bản in sáng tác mới của nhà văn Võ Thị Xuân Hà.

Nhà văn Võ Thị Xuân Hà. Ảnh: NVCC

Chúng ta cùng trò chuyện với chị về việc rất mới mà chị táo bạo đầu tư – vừa sáng tác vừa chia sẻ luôn tác phẩm trên kênh đọc sách riêng của nữ nhà văn.

Vừa qua chị đã chính thức phát hành truyện dài “Câu chuyện của nàng Thê” trên kênh riêng của mình trên nền tảng Youtube. Đây là cách làm hoàn toàn ngược so với quan điểm chung, phát hành sách trước rồi mới “tung” lên mạng. Điều gì khiến chị quyết định làm ngược như thế?

– Tôi có khát vọng viết cuốn tiểu thuyết “Câu chuyện của nàng Thê” đã 11 năm qua. Năm 2011, sau khi tổ chức thành công Hội nghị viết văn Trẻ toàn quốc lần thứ 8, cơ duyên đã cho tôi ý tưởng viết truyện ngắn Dưới nước, nhân vật là nàng Thê. Sau đó, tôi viết truyện ngắn Câu chuyện của Nàng Thê, chỉ lấy căn cốt nhân vật nàng Thê ở truyện ngắn Dưới nước cho truyện ngắn mới này. Khi viết tôi có sự thôi thúc tìm hiểu về tâm linh, không hi vọng sẽ có báo nào in. Nhưng khi gửi tạp chí Văn nghệ Quân đội (khi ấy nhà văn Đỗ Bích Thúy trực tiếp nhận), thì được in ngay. Còn được góp ý nên sửa một vài từ cho chuẩn với cốt chuyện cổ.

Từ đó tôi ước mong mình sẽ viết được một cuốn tiểu thuyết về kiếp cõi luân hồi, với không gian mở của Vũ Trụ. Nhưng để viết được một tiểu thuyết chứa đựng không gian mở của Vũ Trụ, cần nhiều lắm những chiều kích, những hiểu biết những trải nghiệm cả ở phần đời và tâm linh.

Ngoài 5 phần đã thành hình như trên, những năm qua, tôi đã viết một số phần, đã công bố dưới dạng truyện ngắn, lần lượt được in như: Tấm lưới óng ánh; Lưới Sông, Thủy Mạc và tôi; Bến Đoạn Hà…

Năm 2022, sự thôi thúc trải dài 11 năm đã đưa tôi đến một quyết định có thể nói là khá liều lĩnh: nhân mở một kênh youtube, sẽ vừa viết vừa đọc công bố, mong đưa đến cho bạn đọc bền vững của nhà văn Võ Thị Xuân Hà một tác phẩm dưới dạng “đọc”; cũng mong nhận được những phản hồi để tôi có thể rút kinh nghiệm, phát huy tính tích cực của tác phẩm. Sau đó sẽ xuất bản thành sách một cách hoàn thiện hơn. Và may mắn thay, trong hơn 1 tháng vừa qua, tôi đã hoàn thành 21 phần cho tiểu thuyết “Câu chuyện của nàng Thê”.

Kênh “Cầm Kỳ Official” lại do chính chị tự đạo diễn, tự đọc. Có thể nói chị là một trong những nhà văn đầu tiên ở Việt Nam tự đọc tác phẩm của mình trên kênh. Xin chị cho biết ý tưởng táo bạo này nảy sinh từ đâu?

– Tôi vốn làm nhiều công việc liên quan đến sách và truyền thông. Từng là Tổng Biên tập Tạp chí Nhà văn. Suốt từ năm 2008 đến nay, tôi kiên định giữ vững trang web https://tonvinhvanhoadoc.net. Ý tưởng lập một trang youtube cũng đã rất lâu rồi. Vừa rồi, lại có mấy cú huých khiến tôi quyết định: Cứ đi rồi sẽ thành đường. Cho dù bao youtuber đã đạt được những thành quả đáng kinh ngạc trên trang mạng này, cho dù nhiều người có trình độ quay, chỉnh sửa, ghép clip; lại có tư duy làm nội dung rất phong phú, tôi nhận ra rằng mình đã để phí phạm thời gian, bỏ qua một kênh khá phong phú để làm truyền thông. Trên thực tế các nhà văn ít người để ý đến việc rất nhiều trang cứ hồn nhiên đọc tác phẩm của nhà văn, rồi những kênh đó có rất nhiều người đăng kí nghe, họ có thể kiếm tiền bằng những kênh đọc như vậy. Còn nhà văn thì cứ cắm đầu viết, thức đêm viết, nhọc nhằn viết. Nhuận bút thì thấp. Cả năm có khi viết được mỗi 1 truyện, nếu được trả nhuận bút 2 triệu thì sẽ bị trừ thuế thu nhập cá nhân là 10%… Sao lại bất công như vậy?

Tôi quyết tâm mở trang Cầm Kỳ Official, để công bố những tác phẩm cần công bố của mình, của bạn bè, của các tác giả từng là những cây bút mà nhiều năm trước, từng là đối tượng cùng tôi đi những chặng đường gian khó văn chương. Tôi cũng vốn là một giáo viên dạy giỏi, từng đi hát biểu diễn từ thời còn trẻ khi tôi mới đi dạy học. Nên nếu luyện tập lại, sẽ có thể đọc trực tiếp, không phải thuê MC. Tôi cũng nghĩ, ở mỗi clip cũng không nhất thiết cứ phải có nhạc, vấn đề nhạc là vấn đề rất phức tạp trong việc có bản quyền hay không, mua nhạc ở đâu… Tôi nghĩ, cách thể hiện, âm hưởng giọng trực tiếp của nhà văn, và nội dung sẽ thay thế phần nhạc đôi khi thừa thãi và không giúp người nghe tập trung…

Chị có học các kỹ thuật ghi hình chuyên nghiệp, hoặc các chiêu thức để thu hút lượng view cao?

– Khi mở kênh Cầm Kỳ Official, tôi đăng kí học online, mua khóa học, cũng tập trung học ở các kênh hướng dẫn suốt mấy tuần đầu. Thức đêm viết. Viết xong thì đọc. Liên hệ bạn bè, nhờ thu âm ghi hình. Mời mọi người cộng tác. Thời gian hở ra là học làm youtube. Học cả những người còn rất trẻ trên mạng. Càng học càng vỡ ra, thậm chí đôi khi rất nản vì khó với hoàn cảnh của tôi vô cùng. Thậm chí khi đăng kí học, cũng không dám ra mặt, phải dùng nick ảo, vì phần lớn các youtuber ở thế hệ 9x, 200x… Phần lớn những youtuber thành công hướng dẫn cách làm video kinh doanh, cách lấy nhạc, cách kiếm tìm nội dung hot, cách làm kênh nhanh được bật kiếm tiền, mẹo tăng view… Trong khi tôi chỉ có một mảng nhỏ của văn chương, nghệ thuật… Thời buổi này, bán sách đã khó, vào kênh mới mở của 1 nhà văn, mấy ai đã biết. Lại không có phương tiện, máy móc, bàn dựng… Nản vô cùng.

Nhưng hai tháng qua, tôi đã bước được một bước đầu tiên cũng có thể coi là kết quả khả quan. Mặc dù lượng view chưa cao, nhưng lượng quảng cáo nhảy vào kênh đáng kể, thậm chí đáng ngạc nhiên. Đội ngũ của youtube cũng gửi cho tôi thư hướng dẫn cách làm cơ bản, trong khi nhiều trang khác chưa nhận được ưu ái như vậy.

Hiện tôi vẫn đang tiếp tục học hỏi, và khắc phục dần những yếu điểm.

Các khán giả của chị trên kênh “Cầm Kỳ Official” phần lớn thuộc giới nào? Họ phản hồi ra sao?

– Khán giả, theo hồ sơ tổng hợp của kênh, phần lớn là bạn bè quen biết, bạn bè trên trang facebook Cầm Kỳ. Thậm chí là cả những tiktoker trên trang Tiktok Cầm Kỳ Official mà tôi lập từ năm ngoái.

Tôi mong muốn sẽ có được lượng độc giả mới ở cộng đồng. Và điều này chắc chắn sẽ có trong tương lai gần. Bởi kênh Cầm Kỳ Official đâu chỉ đưa tác phẩm của riêng tôi. Tôi mong muốn giới thiệu với độc giả nhiều gương mặt nhiều tác phẩm của văn học nghệ thuật Việt Nam và nếu có thể thì mở rộng bạn bè văn nghệ sĩ trên thế giới, bổ trợ cho trang web tonvinhvanhoadoc.net mà tôi kiên định giữ suốt bao năm qua; cũng giúp tôi giới thiệu những tác giả và những cuốn sách mà Trung tâm Tôn vinh văn hóa đọc đã xuất bản.

Việc đưa từng phần tiểu thuyết lên mạng trước khi phát hành sách chính thức, có giúp chị bán sách và tiên lượng số lượng phát hành hiệu quả hơn không?

– Tôi không quan tâm lắm đến việc này. Không phải vì một số đơn vị in sách cũng đã đặt vấn đề sẽ nhận xuất bản. Mà tôi quan tâm điều lớn nhất: Như tôi đã tâm sự, Câu chuyện của Nàng Thê là tiểu thuyết tôi ấp ủ và chuẩn bị đã khá lâu, là dạng truyện luân hồi kiếp cõi đa chiều kích. Tôi đã quyết định đọc tặng bạn đọc trước khi in sách, với mong muốn mở ra một hướng nhìn mới về Vũ Trụ, về kiếp cõi, về thế giới từ 3D vượt lên 5D, trong một không gian mở. Trước khi sách được xuất bản, độc giả đã tiếp cận truyện này, sẽ chiêm nghiệm sâu sắc hơn khi trực tiếp đọc những câu chữ của truyện.

Việc phát hành kênh “Cầm Kỳ Official” cho chị những trải nghiệm ý nghĩa nào? Chị có cho rằng các nhà văn khác cũng nên thử nghiệm cách thức mới mẻ này để vượt qua sự khó khăn trong phát hành sách theo kiểu truyền thống hay không?

– Phát hành kênh “Cầm Kỳ Official”, là tôi được tiếp xúc trải nghiệm với một phương cách không mới, nhưng chưa được coi là thực hữu dụng với nhà văn. Cũng là cách để tôi có thêm tầm nhìn trong không gian mở. Chắc chắn cách phát hành tác phẩm truyền thống vẫn là một sự khẳng định hợp pháp và bền vững nhất. Nhưng các nhà văn vốn dĩ là những người tiên phong trong mạch nguồn tinh thần của đời sống. Nếu có thể đi con đường nào mà mình thấy phù hợp cho nghiệp văn, thì cứ đi thôi.

Nguồn: Báo Lao Động

Exit mobile version