Hồng Nhung
Vừa qua, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã cho ra mắt cuốn tiểu thuyết Thư về quá khứ và Thiên mệnh. Ngay sau khi ra mắt, nhà văn Nguyễn Trọng Tân đã quyết định trích một phần tiền sau khi bán sách để ủng hộ Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc.
Ông chia sẻ: Từ nay tôi sẽ đồng hành cùng Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc để đưa sách đến với người đọc nhiều hơn. Sách là nguồn dinh dưỡng cho tâm hồn. Nhưng hiện nay tỉ lệ đọc sách của người dân Việt Nam còn quá thấp so với các nước Âu – Mỹ, đây là điều khiến tôi trăn trở, và muốn chung tay thay đổi thực trạng này.
Trung tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc do nhà văn Võ Thị Xuân Hà thành lập từ hơn 10 năm trước. Trung tâm quy tụ các nhà văn nhà báo nhà văn hóa cùng ý chí quyết tâm Tôn vinh Văn hóa Đọc, giữ gìn truyền thống văn hóa Việt Nam.
Trung tâm có website: www.tonvinhvanhoadoc.net (trướclà tonvinhvanhoadoc.vn)
Trang Fanpage là: https://www.facebook.com/Tonvinhvanhoadoc
Nhiều năm qua Trung tâm đã giúp đỡ cho nhiều tác giả xuất bản sách, giới thiệu các nhà văn và tác phẩm để định hướng độc giả biết đến những giá trị văn chương nước nhà. Trung tâm đã có những hoạt động nhằm xây dựng, khích lệ thói quen đọc sách, tình yêu với sách trong cộng đồng, giúp xây dựng Tủ sách cộng đồng, Thư viện trường học, Tủ sách Gia đình… Góp phần nâng cao nhận thức về Văn hóa Đọc, bồi dưỡng kiến thức văn chương bên cạnh sự giáo dục của gia đình và nhà trường cho mọi lứa tuổi học sinh sinh viên; hướng cho thanh niên khởi nghiệp v.v…
‘Thiên mệnh’ là tiểu thuyết lịch sử, lấy bối cảnh và phản ánh, dựng lại xã hội phong kiến Việt Nam thời kỳ suy vi cuối triều Hậu Lê. Lột tả được một giai đoạn lịch sử đau đáu suốt 15 năm từ 1774 – 1789 của dân tộc với bao cuộc càn khôn ròng rã. Với 42 chương cùng vĩ thanh, như dòng lân tinh sóng sánh để tác giả có thể giải mã được một vị anh hùng dân tộc gắn liền với lịch sử dân tộc Việt Nam.
PGS Lê Văn Canh: Đọc xong Thư về quá khứ của Nguyễn Trọng Tân (tác giả của Thiên Mệnh) học thêm được một điều bổ ích. Điều học được là người ta có thể làm mới một chủ đề hay chất liệu cũ rích bằng một phương pháp tiếp cận mới, một cách nhìn mới. Chất liệu trong Thư về quá khứ là chiến tranh, một chất liệu tưởng chừng đã được bao nhà văn khai thác đến cùng kiệt. Nguyễn Trọng Tân không đi theo lối mòn mà tự tìm ra cách tiếp cận mới mang dấu ấn cá nhân của riêng ông. Ông chọn cách lùi xa hiện tượng hay theo cách diễn tả của ông là ‘những mảnh vụn ký ức’, kết nối chúng lại với nhau bằng sợi dây Trải nghiệm văn hoá để từ đó vẽ nên một bức tranh trung thực của cuộc chiến tranh giữ nước với cả cái hùng và cái bi của nó . Cuốn tiểu thuyết thể hiện sự pha trộn rất tài tình giữa Hiện tượng luận thông diễn của Martin Heidegger với Nhân sinh quan Phật giáo và với Lý thuyết Dòng chảy văn hoá. Qua nhân vật Nhã ông thể hiện sinh động quan hệ máu thịt của người lính giải phóng quân với quê hương. Ông không né tránh miêu tả ‘những cái chết lặng lẽ tức tưởi vô danh góc rừng chiều’ của những người lính. Nguyễn Trọng Tân lên án chiến tranh, kêu gọi xoá bỏ hận thù bằng hình ảnh biến đổi dòng chảy của con sông Cả một cách rất ấn tượng. Từ một con sông hiền hoà nhưng sau khi hai làng vốn chung sống yên bình với nhau xảy ra mâu thuẫn chém giết nhau để lại hận thù muôn đời. “Từ hôm đó dòng sông Cả thay đổi tính nết đến kinh ngạc. Giống như giấc ngủ của thủy thần thức giấc. Nó cựa mình liên tục… Vỉa đất có tuổi đời mấy trăm năm bỗng chốc rùng mình theo nhau tan biến trong dòng chảy cuồn cuộn.”