HUY SƠN (THỰC HIỆN)

Năm nay là một năm “bội thu” đối với nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà khi chỉ mới nửa năm chị đã giới thiệu tới bạn đọc ba cuốn tự truyện, gồm: “Ông giáo làng trên tầng gác mái”, “Trò chuyện với cõi vô hình” và gần đây là tự truyện “Lột xác” của ca sĩ Lâm Khánh Chi.

Phóng viên (PV): Nhắc đến công việc sáng tác của nhà văn, người ta vẫn nghĩ đến những tập truyện ngắn hay tiểu thuyết. Những tác phẩm đó mới làm nên tên tuổi của nhà văn. Chị nghĩ sao về ý kiến này?

Nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà (NTVH): Tôi không nghĩ thế, sao lại quy định thể loại văn chương cụ thể nào đó làm nên tên tuổi nhà văn được chứ. Đối với nhà văn thì thể loại nào cũng quan trọng và cũng có thể làm nên tên tuổi nhà văn. Điều sai lầm là cho ra đời những cuốn sách viết vội mà thôi!

PV: Thời gian gần đây, chị liên tục cho ra mắt một số cuốn sách thuộc thể loại tự truyện. Việc chấp bút cho nhân vật với chị có gì thú vị lẫn khác biệt so với việc sáng tác mà chị đã từng trải qua trước đó?

NTVH: Tôi luôn luôn thích những cuộc khám phá vào tận sâu thẳm lòng người. Tôi nghĩ văn chương phải bật lên từ đó mới bền lâu. Nên trước kia, tôi đau đáu những người tôi đã gặp, thường là những người lao động, những mảnh đời bất hạnh, tìm kiếm ở họ nghị lực sống, khát khao cháy bỏng thay đổi cuộc đời, những uẩn khúc bị vùi lấp… rồi đem họ vào tác phẩm của mình.

Chấp bút hồi ký đem lại cảm giác lạ lắm! Giống như bạn được sống thêm một cuộc đời nữa vậy. Khi đã thấu hiểu, đã sống cùng, đã như là chính họ thì nhà văn mới viết đúng được như chính họ viết, mới hòa lẫn vào giọng điệu của họ được. Tôi như cũng được trải qua những quãng sống của họ, cũng ngần ấy hạnh phúc, khổ đau, thành công hay thất bại… Nhờ những cuốn hồi ký tôi học được nhiều lắm: những trải nghiệm rất kỳ lạ giống như mình được xâm nhập vào nhiều thế giới khác nhau và sống trong một không gian rộng rãi vô cùng.

PV: Để có một cuốn tự truyện hay, lột tả được con người nhân vật thì điều quan trọng nhất là gì với chị?

NTVH: Việc “gặp” nhau trong cảm xúc của con người nhân vật và người chấp bút rất quan trọng bởi đó là yếu tố đầu tiên để dẫn mạch cảm xúc của nhau đi xa và đi sâu vào cõi lòng của con người nhân vật. Nó làm thức dậy những ký ức ngủ quên và họ dám đối diện với tất cả để kể ra sự thật.

PV: Sau tự truyện “Lột xác”, chị đã có kế hoạch gì cho mình?

NTVH: Tôi viết cuốn tiểu thuyết “Bên kia bờ đại dương”, nội dung xoay quanh những người trẻ tìm ra con người mình trong một xã hội đầy biến đổi. Những lựa chọn cho tuổi trẻ về tương lai và hạnh phúc. Tôi chuẩn bị cho ra đời cuốn sách “Tôi là một đứa trẻ tự kỷ” nhân ngày 2-4-2018 – Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ.

PV: Cảm ơn nhà văn Nguyễn Thị Việt Hà!

Nguồn: Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version