Nhà văn, dịch giả Phạm Tú Châu vừa qua đời ở tuổi 83 tại nhà riêng ở Hà Nội. Tang lễ đã được tổ chức hồi 15 giờ ngày 25-3-2017 tại Nhà tang lễ Phùng Hưng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Đoàn đại biểu Hội Nhà văn Việt Nam do nhà văn Nguyễn Trí Huân-Phó Chủ tịch Hội-dẫn đầu, đã đến viếng và dự lễ truy điệu.

Nhà văn, dịch giả Phạm Tú Châu sinh năm 1935 tại TP Nam Định, trong một gia đình có truyền thống Hán học và văn chương. Năm 1956, sau khi tốt nghiệp tại Khu học xá Nam Ninh (Trung Quốc) bà ở lại trường công tác. Từ năm 1959 đến khi nghỉ hưu (1999) bà công tác tại Viện Văn học Việt Nam; là Phó giáo sư, Tiến sĩ chuyên nghiên cứu văn học cổ Việt Nam và mối quan hệ giữa văn học cổ Việt Nam với văn học cổ Trung Quốc. Vài thập niên gần đây, bà dồn sức cho việc dịch thuật văn học Trung-Việt. Bà là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam năm 2000.

Các tác phẩm dịch tiêu biểu đáng chú ý của bà: Thơ văn Lý Trần;Truyện truyền kỳ Việt Nam; Liêu trai chí dị; Tuyết Sơn Phi Hồ; Lựa chọn sinh tử… (dịch chung), Gót sen ba tấc; Ngọc vỡ; Roi thần; Tiễn đăng tân thoại; Chuồng bò trong tháng mù sương; Lửa thiêu Hoa Lam Các; Trời lạnh về khuya; Hồ Điệp; Biên thành; Đất dày; Triết học nhân sinh của tôi… (dịch riêng). Ngoài ra, bà còn có nhiều công trình nghiên cứu về văn học cổ Việt Nam và một số truyện ngắn tự sáng tác… Trong đó, bản dịch Gót sen ba tấc đã được tặng thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1988.

PGS,TS, nhà văn, dịch giả Phạm Tú Châu là một người điển hình cho tấm gương tự học mà nên, tự luyện mà thành nghề. Cũng bởi con đường đến với khoa học và dịch thuật đầy chật vật nên bà luôn trân trọng những giá trị thật của cuộc đời, sợ những cái ảo, những hư danh mà nhiều người ngày nay chạy theo, bất luận những cái giá phải trả. Với riêng bà, dù ở tuổi 20 hay khi đã ngoài 80 tuổi thì sự say mê, thận trọng, trung thực với nghề, với chính cuộc sống của mình vẫn luôn là một yếu tố tiên quyết. Mặc dù đã có hàng nghìn trang sách dịch cùng nhiều công trình khoa học được chú ý, nhưng bà vẫn luôn tâm niệm rằng: Nghề dịch thuật là một nghề khó! Dịch để chuyển được đúng tinh thần nguyên bản đã đành, nhưng phải gắn được cái hay, cái bản sắc, cái tinh thần Việt vào trong bản dịch thì tác phẩm dịch mới thực sự sống lâu trong lòng độc giả. Những năm gần đây, mỗi ngày bà vẫn dành khoảng bốn giờ đồng hồ ngồi bên máy tính để làm việc…

Vanvn.net xin chia buồn sâu sắc cùng gia quyến PGS, TS, nhà văn, dịch giả Phạm Tú Châu.

P.V

Exit mobile version