1/ Khác một số ngành nghệ thuật khác, nghệ thuật tạo hình vừa rất cần một không gian rộng và yên tĩnh để sáng tác, với các phương tiện hỗ trợ, dụng cụ, máy móc đầy đủ. Nhưng nó cũng không nên quá biệt lập và xa xôi các trung tâm nghệ thuật. Bởi hơn bao giờ hết, những công việc chân tay, chế tác trong nghề mỹ thuật cần sự gắn bó giao lưu qua lại mật thiết giữa các tác giả (nhất là điêu khắc). Điều này một mặt là sự giao thoa tương hỗ về kỹ thuật nghề nghiệp giữa các “xưởng” thực hành với nhau như những “đôi bạn cùng tiến”, “học thày không tày học bạn”. Việc thứ hai là sự “cạnh tranh lành mạnh”, thi đấu ngầm về tài năng, giữa các tác giả, trong bối cảnh có một môi trường sôi động, thì cái lẽ “sáng tạo kích thích sáng tạo” là một quy luật thú vị và rất quan trọng của nghệ thuật.
Bởi vậy, từ xưa đến nay, người nghệ sĩ có thể sinh ra từ bất cứ làng quê nào, nhưng muốn trưởng thành, tất phải tìm đến những trung tâm nghệ thuật để thi thố và trau dồi kiến thức. Trong nghệ thuật tạo hình những năm gần đây, có hai trường hợp hiếm hoi trở về làng nhưng đầy triển vọng. Đó là hai nghệ sĩ Nguyễn Duy Mạnh (Vĩnh Phúc) và Kù Kao Khải (Ninh Bình).
2/ Nguyễn Duy Mạnh sinh năm 1984 tại Yên Đồng, Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Đây là một vùng quê thuần nông, những ngày nông nhàn, xưa người dân nơi đây có thêm nghề phụ là nghề bật bông dạo. Nay, nghề phụ này phát triển thành việc buôn bán chăn đệm, làm thảm dệt chùi chân, bện cây lau nhà. Nghệ sĩ tốt nghiệp Trường Văn hóa – Nghệ thuật của tỉnh, nhưng sau đó vì hoàn cảnh gia đình, anh không tiếp tục thi lên Trường Mỹ thuật Việt Nam mà trở về dạy tiểu học ở trường gần nhà. Vĩnh Phúc là địa phương gần đây có nhiều nghệ sĩ mỹ thuật trẻ ra Hà Nội sinh sống và sáng tác nhiều thành công, như các nghệ sĩ Khổng Đỗ Tuyền, Thái Nhật Minh… Họ, người thì là đồng môn, người là đàn anh của Nguyễn Duy Mạnh. Và những mối liên hệ với bạn bè đồng nghiệp đó cũng là một động lực để khiến anh tích cực sáng tác liên tục, từ 10 năm nay.
Mới đầu, Mạnh sáng tác tranh, từ những ám ảnh cá nhân về vấn đề… tai nạn giao thông, theo lối vẽ siêu thực. Sau đó, quan sát cuộc sống ở nông thôn với nhiều biến đổi thành thị hóa, với quá trình thay đổi về lối sống và văn hóa, Mạnh chuyển sang sáng tác những tác phẩm rất khó gọi tên là điêu khắc hay sắp đặt, để nói về sự thay đổi của đồ vật này. Anh dùng chính ngay những phế thải của sợi vải tổng hợp (vật liệu để dùng làm thảm, cây lau nhà) để làm những tác phẩm của mình. Có thể đó chỉ là những mảnh bát đĩa vỡ, cái cày cuốc cũ, chiếc ghế, được anh cuốn lại, tạo khối theo một chủ ý nào đó rồi treo lên. Các tác phẩm này được đón nhận một cách ngỡ ngàng, nhưng ấn tượng tại Triển lãm Festival Mỹ thuật trẻ (2014), hoặc Triển lãm Điêu khắc 10 năm toàn quốc (2013).
Cho đến giữa năm 2016, Mạnh đủ tự tin để ra mắt một triển lãm cá nhân tại Bảo tàng Mỹ thuật có tên là “Không gian bên trong”. Vẫn bằng các thủ pháp cuốn, buộc giăng sợi vải và khối, Mạnh trình làng một tổ hợp cấu trúc lưới, với câu chuyện kể về sự giằng xé nội tâm khá trừu tượng của nghệ sĩ. Nghệ thuật của Mạnh, tuy được sáng tác “ở làng”, nhưng được đánh giá là khá hiện đại, tiếp cận được những ý tưởng mới mẻ của nghệ thuật phương Tây…
3/ Nghệ sĩ Kù Kao Khải lại là một câu chuyện khác, anh sinh năm 1978 tại Kim Tân, Kim Sơn, Ninh Bình. Năm 2001, anh trai biển này tốt nghiệp Trường cao đẳng Sư phạm Nhạc họa Trung ương. Loanh quanh chật vật ở Hà Nội làm gốm Bát Tràng mấy năm, Khải về quê biển dạy học cho trẻ em, với niềm hy vọng vừa mơ hồ, vừa rõ rệt rằng vùng quê biển mặn mòi của mình mới là “mỏ vàng chất liệu” cho sáng tác. Vừa vẽ, đục vừa đi học tiếp, đến tận năm 2008, Khải mới tốt nghiệp Trường đại học Sư phạm Mỹ thuật. Và con đường sáng tác của Khải đã được rộng mở đúng như hy vọng trước đây. Anh “hùng hục” đi khắp tỉnh Ninh Bình để học và làm những nghề thủ công truyền thống liên quan tạo hình với mục đích ứng dụng vào tác phẩm của mình: Học làm gốm Bồ Bát ở huyện Yên Mô, đá ở Ninh Vân, làm cói ở Kim Sơn, làm gỗ ở Ninh Phong. Và những tác phẩm (cũng rất khó đặt tên thể loại) của Khải ra đời đều đặn và đạt giải cao (tác phẩm “Chuyện quê”, đạt giải nhì, không có giải nhất, trong Triển lãm 10 năm Điêu khắc toàn quốc 2013).
Tác phẩm của Khải không hẳn là hội họa, điêu khắc, hay sắp đặt mà là tổng hợp của cả ba loại hình này. Đó là những cụm sắp đặt vừa được đục, đẽo bằng gỗ, hoặc chắp ghép vật liệu tận dụng và có sơn mầu. Khác với Duy Mạnh, tác phẩm của Khải mang hơi hướng của nghệ thuật thổ dân nguyên thủy, một cách tự thân, như toát ra từ chất của nghệ sĩ vậy… Phải chăng làm được điều ấy, phần lớn chính bởi anh là một nghệ sĩ ở làng?
Nguồn Thời Nay ĐT
Dương Thanh Minh đăng bài