“Đi đến một xứ sở mới, người Tây Ban Nha xây dựng tu viện, người Italy xây dựng nhà thờ, người Anh xây dựng ngân hàng, còn người Pháp xây dựng nhà hát” – Claude Bourrin đã viết như vậy trong cuốn Xứ Bắc Kỳ xưa. Sân khấu, thể thao, cuộc sống nhân gian (1884 – 1889) xuất bản năm 1934. Vị giám đốc đầu tiên của Nhà hát Lớn Hà Nội cũng có đóng góp không nhỏ thúc đẩy và hiện đại hóa sân khấu Việt Nam thời kỳ thuộc địa.

Dựa trên nghiên cứu tàng thư của Claude Bourrin đang được lưu giữ tại Hiệp hội Lịch sử nhà hát (SHT, Thư viện Quốc gia Pháp), PGS.TS. Corinne Flicker, Trường Đại học Aix-Marseille vừa có buổi thuyết trình về Nhà hát Lớn Hà Nội trong tiến trình hiện đại hóa sân khấu Việt Nam thế kỷ XX. Buổi thuyết trình nằm trong khuôn khổ dự án nghiên cứu Số hóa di sản văn hóa do Viện Quốc tế Pháp ngữ tiến hành với sự tài trợ của Tổ chức đại học Pháp ngữ (AUF).

Từ nghệ sĩ nghiệp dư tới giám đốc nhà hát

Đầu thế kỷ XX, chính quyền thực dân Pháp đã cho xây dựng ở các đô thị lớn những nhà hát để tổ chức diễn kịch, hòa nhạc hay dạ hội dành riêng cho người Pháp và tầng lớp cai trị ở xứ thuộc địa. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của những đoàn kịch nói quy mô nhỏ đến từ Pháp đã mang đến không khí mới cho đời sống tinh thần của cộng đồng người Pháp tại Việt Nam cũng như công chúng bản địa.


Nhà hát Lớn Hà Nội, nơi trình diễn nhiều vở kịch của Pháp đầu thế kỷ XX

Trong bối cảnh ấy, tới Đông Dương năm 1898, làm công chức ngành thuế nhưng đam mê văn học và kịch nghệ, Claude Bourrin đã có chặng đường đời ở xứ thuộc địa rất sôi động. Theo PGS.TS. Corinne Flicker, từng làm việc tại sở thuế Hải Phòng, Bourrin nổi bật so với các viên chức người Pháp đương thời nhờ khả năng viết báo và thể hiện hiểu biết sâu rộng về kỹ thuật trình diễn, sân khấu, nghệ thuật. Năm 1904, Bourrin xuất hiện lần đầu tiên trên sân khấu ở Đà Nẵng trong vở hài kịch Tourane – Revue trong tư cách một nghệ sĩ hài nghiệp dư. Cũng trong năm đó, ông còn tham gia viết vở kịch Trắng và vàng. Trong những năm 1904 – 1912, trong vai trò vừa là diễn viên vừa là đạo diễn, ông tham gia các vở kịch tại Nhà hát Hải Phòng, Nhà hát Hà Nội.

Năm 1914, Chiến tranh thế giới thứ Nhất buộc ông phải trở về quê nhà để thực hiện lệnh động viên, sau đó Bourrin vẫn tiếp tục niềm đam mê với sân khấu kịch và tham gia các vở diễn tại những nhà hát uy tín tại Paris. Nhờ vậy, ông trở thành một nghệ sĩ trước khi quay trở lại Đông Dương năm 1924 để bắt đầu quá trình làm sân khấu chuyên nghiệp. Danh tiếng có được tại Pháp đã giúp ông tiếp tục được tín nhiệm giữ vị trí lãnh đạo Nhà hát Lớn Hà Nội từ năm 1927 – 1928, lãnh đạo Nhà hát tại Hải Phòng, Sài Gòn những năm 1928 – 1929, 1929 – 1930.

Khơi gợi tinh thần sáng tạo của trí thức Việt

Cùng với sự kiện khánh thành Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 9.12.1911, hai vở kịch Pháp đã được trình diễn là Hai người lính dự bị của Ernest Vois và Chuyến du hành của ông Perrichon của Labiche. Tiếp đó, Claude Bourrin trong vai trò người đứng đầu Nhà hát đã mang những vở hài kịch cổ điển Pháp trình diễn tại Việt Nam như: La Locandiera, Công chúa Turandot, Đám cưới ép buộc, Lòng đố kỵ của kẻ lấm lem, Cỗ xe ngựa của thành Sacrement, Cú đập hay chiến thắng của y học. Với những kiến thức sân khấu được đào tạo tại trường Copeau ở Pháp, Claude Bourrin đã đề xuất cải biên và cách tân các tiết mục sân khấu, vừa bình dân vừa văn chương, vừa bảo đảm yếu tố giải trí, vừa đề cao giá trị văn học, giá trị thẩm mỹ…

Đặc biệt, Bourrin là người khởi xướng dàn dựng kịch của Molière bằng tiếng Pháp phục vụ công chúng ở Bắc Kỳ với tác phẩm Lòng đố kỵ của kẻ lấm lem. Đây là một vở hề kịch (farce) có khả năng làm thỏa mãn các tín đồ của kịch cũng như một bộ phận công chúng lần đầu tiên được tiếp xúc với thể loại mới này. Tiếp nối sự khởi đầu thành công của Claude Bourrin, đến tháng 4.1920, nhân kỷ niệm thành lập Hội Khai Trí Tiến Đức, ở Nhà hát Lớn Hà Nội đã tổ chức buổi công diễn vở Người bệnh tưởng của Molière bằng tiếng Việt, do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch, sau đó còn diễn các vở Trưởng giả học làm sang, Người biển lận… “Dù chưa thể phổ biến đến mọi đối tượng công chúng trong xã hội nhưng sự thâm nhập của kịch Pháp vào Việt Nam đã góp phần tác động và khơi gợi tinh thần sáng tạo của giới trí thức Việt đương thời. Đây cũng là tiền đề để đến năm 1921, tác giả Vũ Đình Long cho ra đời vở diễn Chén thuốc độc – vở kịch thuần Việt hiện đại đầu tiên của sân khấu hiện đại Việt Nam” – PGS.TS. Corinne Flicker nhấn mạnh.

Với hành trình truyền bá sân khấu Pháp vào Việt Nam, Claude Bourrin đã góp phần đưa những vở kịch cổ điển Pháp du nhập vào Việt Nam và công diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn Hà Nội, một mặt đó là sân khấu giải trí được chính quyền thực dân khuyến khích, nhưng mặt khác đó còn là một sân khấu văn học được Bourrin bảo vệ nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật cũng như thị hiếu thẩm mỹ cho một bộ phận công chúng bản địa, tạo tiền đề cho sự ra đời sân khấu kịch Việt Nam.

Theo Thanh Yến – Đại biểu nhân dân

Exit mobile version