PHÚC NGHỆ

Những nỗ lực bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hát xoan Phú Thọ là sự quyết định để di sản này được mang một danh hiệu mới.

Trên toàn thế giới, Hát xoan Phú Thọ mới là di sản đầu tiên được UNESCO quyết định rút ra khỏi Danh sách di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại.

Đầu tiên và duy nhất đến nay

Hát xoan Phú Thọ đã chính thức được UNESCO ghi danh vào DSVHPVT đại diện của nhân loại tại Phiên họp của Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 12 tại Jeju, Hàn Quốc ngày 8-12 vừa qua.

Bản thân từ “cần bảo vệ khẩn cấp” đã nói lên tình trạng “báo động đỏ” về sức sống và công tác bảo tồn, phát huy của di sản. Trong 10 DSVHPVT đã được UNESCO vinh danh ở Việt Nam có Ca trù của người Việt, Hát xoan Phú Thọ. Trên thế giới cũng có khoảng 20 di sản của nhiều quốc gia được UNESCO ghi danh vào Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp. Theo quy định của UNESCO, sau 5 năm được ghi danh, các quốc gia thành viên có di sản ở danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp phải báo cáo về tình trạng sức sống, công tác bảo tồn, phát huy di sản này với UNESCO.

Từ năm 2009 đến nay, có hơn 10 quốc gia báo cáo về di sản cần được bảo vệ khẩn cấp nhưng chưa có báo cáo nào đệ trình UNESCO xem xét, xác nhận đã ra khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp. Báo cáo của Việt Nam về Hát xoan Phú Thọ là báo cáo đầu tiên và duy nhất tính đến nay trên thế giới tự tin xác nhận di sản này đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp.

Điều đáng nói là chính UNESCO cũng chưa có những văn bản quy định hay hướng dẫn chuyển đổi di sản từ Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp sang Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Từ trước đến nay cũng chưa có tiền lệ nào như vậy nên chính báo cáo của Việt Nam về thực trạng Hát xoan Phú Thọ đã thoát khỏi tình trạng cần bảo vệ khẩn cấp đã đặt ra cho UNESCO bài toán mới.

Hồi sinh ngoạn mục!

Thực tế, Hát xoan Phú Thọ sau khi được UNESCO đưa vào Danh sách DSVHPVT đã có sự phục hồi mạnh mẽ. Nếu năm 2009, bốn phường xoan mới có khoảng 100 người hát và nhạc công hoạt động không thường xuyên, với hơn phân nửa là trên 60 tuổi thì hiện nay các phường có gần 200 thành viên với độ tuổi trung bình là 35. Trong số 31 nghệ nhân cao tuổi nhất khi hát xoan được UNESCO đưa vào Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp chỉ có bảy người có khả năng trình diễn và truyền dạy các bài bản cổ của hát xoan, hiện đã có tổng số 62 người kế nhiệm, được đào tạo và đều được trang bị đầy đủ để dạy các bài bản của hát xoan… Bên cạnh đó, Hát xoan Phú Thọ ngoài sự đồng thuận của cộng đồng thì Dự án bảo vệ và phát huy hát xoan được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thực hiện từ năm 2013 đến năm 2020, đã đóng vai trò thiết yếu trong việc bảo vệ và phục hồi di sản mạnh mẽ của hát xoan…

Bên cạnh những giá trị, những kết quả tích cực đáp ứng các tiêu chí của UNESCO… là di sản đầu tiên được UNESCO quyết định rút ra khỏi Danh sách DSVHPVT cần bảo vệ khẩn cấp để chuyển sang Danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại, Ủy ban liên Chính phủ Công ước bảo vệ DSVHPVT 2013 nhấn mạnh: “Dựa trên kinh nghiệm thu được trong quá trình xem xét của Ủy ban về đề nghị này của Việt Nam, Ủy ban sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo hướng dẫn và xác định các thủ tục rõ ràng để rút một di sản ra khỏi danh sách và đưa một di sản từ danh sách này sang danh sách khác. Như vậy, không chỉ thoát khỏi tình trạng bảo vệ khẩn cấp và được ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại một cách đầy ngoạn mục, trường hợp Hát xoan Phú Thọ còn đặt ra những gợi mở mới về dự thảo hướng dẫn các thủ tục, tiêu chuẩn và tiêu chí cho nhiều di sản khác của nhiều quốc gia trên thế giới đang trong Danh sách DSVHPVT của UNESCO.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version