NGUYỄN VI THỦY

Tác phẩm của họa sĩ Catherine.
Giản dị, nhẹ nhàng và sâu lắng là cảm giác khi bước vào phòng triển lãm “Kết nối” của hai họa sĩ Thanh Thục và Catherine Juillerat ở Nola Café – Hương Ngo Art Space Gallerry 89-91 Mã Mây, Hà Nội. Một họa sĩ Việt Nam và một họa sĩ Pháp. Hai phong cách, kỹ thuật khác nhau tạo ra hai tinh thần khác nhau, vừa tương phản, vừa đồng điệu làm nên một triển lãm thú vị giữa khu phố cổ đông đúc, chật hẹp của Hà Nội.
1/ Khi bước vào phòng triển lãm, tiêu đề cuốn sách “Tại sao đó lại là nghệ thuật?” của tác giả Terry Barret chợt hiện ra, khi tôi nghĩ tới những quan niệm và cách nhìn về nghệ thuật của những người quan tâm tới mỹ thuật; những khái niệm “chuyên nghiệp”, “không chuyên nghiệp”, “sang trọng” hay được bàn đến bên lề khi mọi người nói về nghệ sĩ, triển lãm… không biết mọi người sẽ nghĩ gì khi xem triển lãm này?

Cùng chọn chất liệu vải, họ kết nối người quen tìm vải và đóng góp cho tác phẩm. Chị Thanh Thục đã làm những bức tranh ghép vải đầu tiên như thế từ những năm 1980. Catherine thì coi việc liên hệ, chia sẻ những mảnh vải là tinh thần và mục đích của tác phẩm: tác phẩm mang tính xã hội, hợp tác chứ không đơn thuần mang tính cá nhân của tác giả. Tranh ghép vải hoặc làm từ quần áo khá phổ biến ở phương Tây đã nhiều thập niên. Sự tương tác, hoặc mỗi yếu tố cấu thành phản ánh tinh thần tác phẩm, nó còn thể hiện tính cộng đồng trong hành trình sáng tạo.

2/ Đều là hoa súng, nhưng họa tiết và mầu sắc của hai chị rất khác nhau. Tranh của chị Thục mang cảm giác tươi vui, tưng bừng của nắng, gió miền nhiệt đới. Hoa súng của Catherine lại mang một dáng vẻ khác, trầm lắng mà vẫn rộn ràng trong buổi ban mai. Nếu như họa sĩ Thanh Thục dày công tìm những miếng vải thích hợp diễn tả khoảnh đất bờ ao, hay cái sóng sánh lung linh của mặt nước thì Catherine lại nhờ bạn bè tìm và gửi cho chị các miếng vải khác nhau rồi may thành một tấm rộng gồm những ô vuông, tính hiện thực giảm đi, không gian và họa tiết của vải gợi hơn là mô tả. Tác phẩm này của Catherine được xem cả hai mặt, chị may ghép từ 1.000 miếng vải khác nhau lấy cảm hứng từ truyền thống ở Mỹ, các cô gái trẻ tự may một tấm thảm gồm 1.000 miếng để gây sự chú ý của các chàng trai, và đó cũng là cách họ tìm người bạn đời cho mình, tấm thảm này được gọi là “Duyên thảm”.

Tranh cắt vải của Thanh Thục là đồng quê, đỉnh núi mờ sương, bản làng hoa nở phố nắng tràn sắc hoa rộn ràng… đều là phong cảnh Việt Nam. Tranh của chị luôn tạo cảm giác tươi vui, lạc quan tích cực dù ở đó có sự tiếc nuối cái lãng mạn, thanh bình đã qua. Hiệu quả được tạo ra từ những mảnh vải, họa tiết hoa văn vốn có của nó.

Tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thanh Thục.

Đây là sự khác biệt giữa tranh giá vẽ và tranh từ những chất liệu có sẵn, hoạ sĩ không thể làm chủ mọi tình huống, mà hiệu ứng, hiệu quả tạo ra từ chính chất liệu.

Catherine hướng tới những chủ đề khác nhau, từ thế giới nội tâm “như sự bùng nổ về cảm xúc được giữ kín bao năm” cho tới các vấn đề về môi trường, đa văn hóa. Bộ tranh “Nham thạch” chị khâu, may chủ yếu với hai mầu đỏ đen. Tác phẩm thuần túy cảm xúc về sự cô đơn của con người trong cơn khủng hoảng tâm lý, những đường chỉ mỏng manh chằng chịt như là những mạch máu, là sự kết nối mong manh giữa đàn ông, đàn bà.

3/ Họa sĩ Thanh Thục làm việc ở Viện Khoa học công nghệ, Catherine là một kỹ sư trong ngành công nghệ máy tính, công việc hoàn toàn là kỹ thuật. Cũng như bao người, họ phải mưu sinh và gác những đam mê, sở thích của mình sang một bên. Catherine giải thích, tôi đã trở thành một người mẹ đơn thân với hai đứa con trước khi tôi 20 tuổi, tôi phải chọn một công việc để kiếm sống nuôi con.

Cả hai cùng yêu thích vải vóc và thêu may. Catherine đi nhiều, tiếp xúc với những vùng đất khác với châu Âu – nơi chị sinh ra. Chị học kỹ thuật và lấy đề tài cảm hứng từ những nét đặc thù của những nền văn hóa khác như Nhật Bản, Indonesia, Afganistan, Bangladesh… “Hoa súng” là tác phẩm như thế: tranh được xem cả hai mặt, mặt sau là muôn vàn lá hoa súng trên với nền ấm và sâu khác với bề mặt rực rỡ của mặt bên kia. Tranh được treo giữa hai lớp mica cách nhau 10 cm, nên tạo ra không gian, tương tác với ánh sáng tự nhiên của phòng triển lãm.

Chị cũng dùng nhiều vải voan đơn sắc, phản chiếu, trong suốt từ lớp này sang lớp khác gây hiệu quả và cảm giác khác.

Lựa chọn phương tiện hay chất liệu khác để làm nghệ thuật khởi nguồn từ quan niệm thẩm mỹ. Thẩm mỹ luôn thay đổi cũng như sự vận động của đời sống. Chất liệu hay phương thức biểu đạt chỉ là phương tiện cho người nghệ sĩ, họa sĩ chuyển tải thông điệp và tình cảm của mình. Sáng tạo nghệ thuật là tạo ra sự khác biệt, tạo ra cái riêng, chưa bàn đến đẹp hay chưa đẹp, hay hay dở, mà phải là cái riêng!

Hình như đối với nhiều phụ nữ, nghệ thuật chính là ngôi đền hạnh phúc, như tiêu đề một tác phẩm của Catherine trong triển lãm.

Theo Báo Thời Nay

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

 

Exit mobile version