HẠNH NGUYÊN

“Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, trong nghệ thuật phải có sự sáng tạo, chỉ khi sáng tạo thì nghệ thuật mới phát triển”.

Âm nhạc tồn tại vì có ích cho một ai đó, và dù viết về nỗi buồn thì âm nhạc cũng hướng con người tới những điều đẹp đẽ. Ðó chính là niềm tin như một xác tín để nghệ sĩ bộ gõ Trần Xuân Hòa dấn thân trên con đường độc hành của mình.

Lạ, nhưng gần gụi

– Sự ra đời của Go Group – nhóm bộ gõ độc lập đầu tiên ở Việt Nam bắt nguồn từ đâu, phải chăng là từ sự thôi thúc sáng tạo và phá cách của những nghệ sĩ ưa tự do, không chịu khuôn mình vào một khuôn khổ nào đó?

– Tôi đã đi diễn nhiều ở Mỹ, Pháp, Mi-an-ma, Thái-lan… Tôi sững sờ khi sang Mi-an-ma, nền kinh tế họ kém phát triển hơn mình nhưng các mô hình nghệ thuật lại rất phong phú, họ có nhiều nhóm gõ đang hoạt động rất “oách”. Tôi tự hỏi, tại sao họ lại đầu tư cho văn hóa nhiều như vậy? Tại sao Việt Nam chủ yếu chỉ là ca nhạc tạp kỹ. Tại sao mình không làm? Về nước, tôi tụ họp mấy anh em và Go Group ra đời. Bốn thành viên của nhóm gõ là Phan Nam, Bùi Anh Dũng, Nghiêm Mạnh Tuấn và Trần Xuân Hòa, đều là những nghệ sĩ gắn bó với Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam và Dàn nhạc của Nhà hát Nhạc Vũ kịch. Ðêm diễn đầu tiên ra mắt nhóm vào tháng 9-2010 nhiều người “sốc” vì phong cách chơi độc, lạ, sử dụng hơn 100 nhạc cụ gõ trong đó chủ yếu là marimba, xylophone, vibraphone… thậm chí có cả đe, búa, xoong, thùng nhôm… Lần đầu khán giả được nghe những bản nhạc Việt Nam chuyển soạn cho bộ gõ, lạ và hấp dẫn.

– Go Group ra đời đã mang đến một luồng gió mới cho đời sống âm nhạc đương đại Việt Nam trong thời điểm đó. Ðến bây giờ, anh thấy mình đã đi đến đâu trong hành trình dự định?

– Tôi vẫn đang trên hành trình đi tìm kiếm. Khát vọng của Go Group không chỉ chơi âm nhạc hàn lâm mà muốn đem âm nhạc đương đại và nghệ thuật bộ gõ đến gần hơn với công chúng. Tôi muốn khán giả nhận ra rằng, âm nhạc thật gần gụi và không có gì cao siêu cả, nó là những thanh âm vẫn diễn ra hằng ngày trong đời sống, đôi khi chỉ là tiếng bát đũa va nhau, tiếng rao đêm, tiếng chuông gọi đổ rác. Thế giới của âm nhạc cũng phong phú đa sắc màu như đời sống vậy.

– 8 năm và một chuỗi hơn 18 liveshow cá nhân cho thấy sự lao động bền bỉ của anh cùng nhóm nhạc. Ðiều gì giữ cho anh ngọn lửa đó, khi mà ngôn ngữ âm nhạc của anh vẫn còn mới đối với khán giả Việt Nam?

-Tôi nhớ, trong đêm ra mắt đầu tiên, khán giả rất ngạc nhiên, thậm chí có những người bỏ về, vì nó mới và lạ quá. Nhưng đến bây giờ, sau tám năm, dù khán giả của tôi không đông, không rầm rộ nhưng họ đã ngồi lại và lắng nghe một cách thích thú. Tôi chỉ hy vọng mình phấn đấu hết cả cuộc đời này, để đưa âm nhạc bộ gõ đến gần với công chúng. Nếu mình không là người tiên phong thì ai sẽ làm. Âm nhạc thật sự đem lại hạnh phúc cho người làm ra nó và hy vọng, nó sẽ truyền được cảm hứng ấy cho khán giả, để lan tỏa hơn nữa. Bởi tôi nghĩ, âm nhạc sẽ hướng con người đến đời sống thiện lành, trong sáng hơn.

– Bộ gõ của Trần Xuân Hòa không chỉ là những nhạc cụ có thể gọi tên quen thuộc mà có khi là cái cốc, thìa, dao… đó là một thế giới rất phong phú, đa dạng. Anh tìm thấy gì ở những vật dụng quen thuộc đó?

– Ngày mới bắt đầu những liveshow riêng, chúng tôi chơi những bản nhạc Việt Nam kinh điển của các nhạc sĩ Ðỗ Nhuận, Ðàm Linh, Ðặng Hữu Phúc… rồi những bản nhạc của thế giới chuyển soạn cho bộ gõ. Chúng tôi cũng sáng tác những bản nhạc dành riêng cho bộ gõ. Tuy nhiên, ở các liveshow thỉnh thoảng tôi mang những vật dụng đời thường lên, để tạo sự tò mò, lôi kéo khán giả tới, để họ thấy, bất cứ thứ gì trong đời sống, qua bàn tay nghệ sĩ đều có thể tạo nên âm thanh. Tôi muốn phá bỏ sự ngăn cách giữa khán giả và nghệ sĩ, mọi người tới xem chương trình với chúng tôi là một, chúng ta đang cùng nhau sống trong một không gian bình dị này. Tôi vẫn luôn tâm niệm rằng, trong nghệ thuật phải có sự sáng tạo, chỉ khi sáng tạo thì nghệ thuật mới phát triển. Còn nếu chúng ta cứ chơi đi chơi lại những bài cũ, thì đó là chúng ta đang bảo tồn mà thôi.

Không thể dừng lại

– Anh nói, anh trở thành một nghệ sĩ độc lập bắt nguồn từ tự ái cá nhân, khi ra nước ngoài thấy mọi người làm và từ việc ở Việt Nam, hình ảnh nghệ sĩ chơi nhạc cụ bị mờ nhòa, chỉ là sân sau của ca sĩ. Những nỗ lực của anh liệu đã xóa bỏ được quan điểm đó?

– Lúc đầu, mọi người vẫn hoài nghi về con đường mà tôi và Go Group đang đi. Nhưng dần dần mọi người cũng hiểu ra và trân trọng nó. Tôi muốn chứng tỏ, nghệ sĩ nhạc cụ cũng rất quan trọng. Bộ gõ không chỉ có vai trò giữ nhịp điệu trong dàn nhạc giao hưởng mà bộ gõ còn có thể trình diễn độc lập, rất hấp dẫn. Ở Việt Nam, khi các sinh viên tốt nghiệp nhạc viện thường đầu quân về làm việc cho một ban nhạc, hay một dàn nhạc, làm theo sự chỉ đạo của người khác, rất khó để bứt lên thành một solo như ca sĩ. Dù các nghệ sĩ đó là những người tài năng, họ lao động miệt mài, nhiều người đi học nước ngoài về nhưng đành yên vị với một vị trí trong dàn nhạc. Tôi thấy hơi bất công. Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, quãng thời gian học trong trường là “chôn vùi tuổi xuân với cây đàn”. Tại sao họ lao động và cống hiến như thế mà không được trân trọng bằng một cô ca sĩ thị trường chỉ nổi tiếng với một bài hát hit nào đó rồi biến mất? Thật ra đây còn là câu chuyện của thị hiếu khán giả, và thị hiếu khán giả lại bắt nguồn từ giáo dục, phải có một lộ trình thay đổi chứ không chỉ trông chờ vào nghệ sĩ.

– Mỗi năm tổ chức một – hai chương trình. Năm 2018 sẽ là một vở nhạc kịch bằng bộ gõ. Tôi đang tò mò hình hài vở nhạc kịch đó sẽ thế nào?

– Trước đây tôi thường làm các chương trình nhỏ lẻ, thiếu sự kết nối giữa các tiết mục. Bây giờ tôi muốn thay đổi, sẽ kể cho khán giả nghe một câu chuyện từ đầu đến cuối bằng âm thanh. Ở đó, các nghệ sĩ không chỉ chơi bộ gõ mà còn biết biểu diễn. Ðó là một ngày của Hà Nội diễn ra bằng âm thanh. Tôi rất hào hứng với dự án mới này và đang tìm nghệ sĩ. Dù khởi đầu một dự án cũng nhiều mệt mỏi, có lúc tưởng như kiệt sức, cứ xong một dự án là ốm, nhưng phải làm thôi, tôi đã chọn con đường này rồi, không thể dừng lại.

– Tôi hỏi thật, có bao giờ anh thấy nản trong hành trình đơn độc của mình, khi nghệ thuật đương đại chưa được công chúng mặn mà, còn âm nhạc giải trí lấn át đời sống văn hóa văn nghệ?

– Ðơn độc nhưng rất thú vị. Thực tế, vẫn có nhiều nghệ sĩ đang dấn thân trên con đường khó khăn này như Vũ Nhật Tân, Phó An My, mỗi người đi một con đường nhưng đều hướng tới những sáng tạo mới. Tôi nghĩ, trong nghệ thuật cần nhiều màu sắc ghép lại thành bức tranh, nghệ thuật như những bông hoa, bông nào đẹp thì cứ nở thật đẹp, có bông nở bình thường nhưng nó đều góp một phần quý giá cho đời sống âm nhạc. Thực tế, đời sống âm nhạc Việt Nam đang trên đà phát triển, có nhiều nghệ sĩ trẻ dám cống hiến hết mình và đi con đường của mình, tuy nhiên chúng ta cần nhiều, nhiều hơn nữa những con người dám hy sinh, dám dấn thân. Trong tổng thể chung đó, mình không đơn độc.

– Anh là người tiên phong khai phá một con đường, nhưng con đường đó cần những thế hệ tiếp nối. Anh đã nhìn thấy điều đó ở các bạn trẻ?

– Tôi đã đi tám năm trên hành trình của mình, cũng nhiều gian nan, thử thách, phải hy sinh nhiều thứ để được sống trọn vẹn cho đam mê. Chúng tôi đều phải làm những công việc khác để nuôi dưỡng đam mê như đi dạy, đánh trống event trong ban nhạc. Và điều tôi mong ngóng là mình cứ khai phá con đường đó để các bạn trẻ nhìn thấy, thích thú và đi theo. Ðến bây giờ, thế hệ kế cận chưa nhìn thấy, nhưng trong tương lai tôi hy vọng sẽ có.

– Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

Nguồn: Nhandan.com.vn

Lê Thị Hồng Nhung đăng bài

Exit mobile version