Lưu Đình Long

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, điều gì khiến một người cầm bút có thể trụ lại với nghề? Phải chăng đó là tình yêu nghề, thấy giá trị công việc mình làm cho cộng đồng?

Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam nghĩ về nghề báo và tính thiện trên từng con chữ. (Nguồn: Dân trí)

Hồi học ở trường, thầy cô ví người làm nghề báo là “thư ký của thời đại”. Nhưng ghi những gì, ghi ra sao thì tùy tâm và tầm của mỗi người cầm bút.

Có những bài báo đọng lại trong lòng độc giả rất lâu, với những tình cảm sâu sắc, gợi mở niềm vui, hướng giải quyết hợp tình hợp lý, đưa tới thay đổi chính sách phù hợp hơn… Nhưng cũng không hiếm những tin, bài khiến người ta chỉ đọc vì tò mò, để rồi sau đó bất an, có khi mất mát niềm tin.

Trong vai bạn đọc, bạn thích đọc những tin gì? Tất nhiên, tờ báo sẽ đo được sự quan tâm đó mà đáp ứng nội dung thông tin.

Ngày xưa chưa có báo mạng, nên khó thấy được sự quan tâm đó qua lượt view thể hiện tức thì như hiện nay.

Có đồng nghiệp ở một vài tờ báo mạng chia sẻ, thường những tin liên quan đến thị phi, nhất là giới nghệ sĩ; tin về cướp – hiếp – giết sẽ được đọc nhiều. Những bản tin gây án na ná nhau, chỉ khác tên hung thủ, nghi can, nạn nhân, địa điểm, nhưng chỉ cần liên quan tới vụ án là sẽ được quan tâm áp đảo. Do vậy, làm báo, nếu sa đà vào những tin dạng này có khi sẽ đánh mất lương thiện từ bên trong mình.

Bạn học tôi làm cho một tờ báo chuyên săn tin tai nạn đã từng giật mình trong một lần tác nghiệp. “Mình và anh em phóng viên đến hiện trường một vụ tai nạn. Sau khi biết được nạn nhân… không tử vong mà bị thương nhẹ, một vài anh em tỏ ra thất vọng vì tốn công đi nhưng không viết được tin hoặc có viết cũng không đăng”.

Trong phút chốc, “cái giật mình” ấy khiến người cầm bút nghĩ về tính thiện trong con người mình. Tại sao mình có thể vui trước một tai nạn nghiêm trọng, có thương vong? Chỉ vì một bản tin được xuất hiện, nhuận bút được lĩnh sau đó. Biên tập hay thư ký tòa soạn trực tin mảng này cũng vậy, rất dễ bị niềm vui view cao che lấp sự thương cảm đối với những tình huống ngặt nghèo nơi cuộc sống quanh ta.

Do vậy, ở đây, làm nghề để không chai sạn cảm xúc thật không dễ dàng, nhất là khi cân đếm giữa lợi ích của mình với thiệt hại của người khác.

Tình yêu với nghề ngoài con chữ còn là làm sao để luôn giữ được tấm lòng mình bình yên, để có năng lượng tích cực gửi vào từng bài viết.

Có những người viết đấu tranh với cái xấu nhưng rồi sau đó bị chính cái xấu mua chuộc, “ngã ngựa”. Bằng chứng là có những vụ nhà báo ép doanh nghiệp phải chi tiền vì đã nắm trong tay sai phạm của họ. Sự liêm chính đôi khi bị bẻ cong vì rất nhiều tiền như cách người ta vẫn hay đùa: cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền.

Có thể nói, việc quản lý phóng viên – nhà báo của các cơ quan báo chí là rất quan trọng. Làm sao vun bồi được lòng tự trọng với nghề và tình yêu con chữ chân chính cho mỗi người cầm bút thuộc cơ quan của mình. Làm sao để người làm báo có thể sống với nghề mà không phải lăn tăn với chuyện áo cơm. Tòa soạn và bạn đọc cần đòi hỏi ở nhà báo nhưng cũng cần nghĩ về đời sống thực tế của họ nữa. Có thực mới vực được đạo, đấy là lời của người xưa đã đúc kết.

Báo chí chính thống ngày nay phải cạnh tranh với mạng xã hội. Tất nhiên, luôn có chỗ đứng riêng nhưng thị phần đã bị chia sẻ ít nhiều. Báo chí, nhất là báo in đang đứng trước rất nhiều thách thức. Có những tờ báo xưa nay không chèn quảng cáo vào nội dung, đến nay đã phải chấp nhận mất trang cho quảng cáo; hoặc để bài PR khéo léo ở những trang, mục, rải rác nhưng ai tinh ý sẽ nhận ra.

Sự “hy sinh” này hẳn rất đau xót đối với chính những người đã từng chứng kiến sự hưng thịnh của báo in. Trong vai bạn đọc, mình có thể cảm thông, dù cam kết bán tờ báo của tòa soạn không còn đúng như hứa hẹn: 20 trang nội dung/kỳ trước đó.

Tất nhiên, sự cảm thông này cần được người làm báo đáp lại bằng những tin, bài chất hơn, để dù bị khuyết đi một “mảnh đất” thì độc giả đã có món ăn đủ ngon cho tinh thần trong mỗi ngày.

Với sự cạnh tranh khốc liệt như đã nói, nhiều nhà báo đã tìm hướng đi mới, có người không tiếp tục làm báo chuyên nghiệp nữa. Họ viết, nếu còn, đó là tình yêu nghề, yêu con chữ và muốn sống với nó theo cách khác, bằng một lựa chọn đắn đo. Có lẽ, chọn bỏ đam mê là điều đau đớn.

Không ai có thể phủ nhận, báo chí có đóng góp rất lớn cho xã hội, mang tính phản biện và kiến tạo, giúp truyền tải thông tin. Những người làm báo là những người thật sự dũng cảm vì đã dám dấn thân vào nguy hiểm.

Đặc biệt, những người lăn xả vào vùng có chiến sự, điều tra các tiêu cực trong xã hội và cả đi vào vùng dịch Covid-19 để đưa tin. Có những người yêu nghề, trách nhiệm với bạn đọc đã chọn sống độc thân hoặc đánh mất hạnh phúc cá nhân. Đó là lựa chọn và cũng là một chọn lựa khiến người ta phải xót xa ít nhiều.

Nghĩ về những lựa chọn của người có duyên với nghề để thấy việc tôn vinh ai còn làm nghề nhân ngày 21/6 là xứng đáng. Những ai không trụ lại cũng là điều đương nhiên trong sự sàng lọc khắc nghiệt của cuộc sống.

Chỉ mong ai còn làm nghề thì giữ “bút sắc lòng trong”. Còn nếu chông chênh giữa làm nghề và kinh tế, trách nhiệm gia đình thì việc dứt khoát rẽ ngang để không bị chi phối tiền bạc tới nghề, âu cũng là một chút “lòng trong” của người cầm bút vậy, dù khó khăn.

Theo Baoquocte.vn

Hồng Nhung đưa bài

Exit mobile version