TUYẾT LOAN
Barong là một thể loại kịch múa nổi tiếng nhất ở Bali, và cũng là một trong những điểm thú vị của Bali mà khách du lịch không thể bỏ qua. Hãy tưởng tượng, giữa vẻ cổ kính, rêu phong của những ngôi đền cổ linh thiêng, mà sân đền là “khán phòng”, khán giả được thưởng thức những vở kịch múa của chính những người dân bản địa. Thần, quỷ, công chúa, người bảo vệ, các chiến binh… hiện ra sống động và rực rỡ màu sắc giữa khung cảnh đẹp tuyệt vời của hòn đảo du lịch này. |
Barong xuất phát từ một loài linh vật gần giống như sư tử trong huyền thoại của Bali. Barong là vua của các linh hồn, là vị chúa tể của lòng tốt, và là kẻ thù của Rangda, nữ hoàng quỷ và là mẹ của những lính canh gác linh hồn trong các truyền thuyết của Bali. Câu chuyện về cuộc chiến giữa Barong và Rangda trong điệu múa Barong thể hiện cuộc chiến bên trong mỗi con người giữa cái tốt và cái xấu. Trong những câu chuyện cổ của người Bali, linh hồn tốt được coi là Banas Pati Raja, đây là người anh thứ tư trong số các linh hồn thường đồng hành trong suốt cuộc đời mỗi đứa trẻ, giống như một thiên thần hộ mệnh. Banas Pati Raja là linh hồn hay biến thành Barong dưới hình dáng loài sư tử. Barong thường được mô tả là có hai con khỉ đi kèm. Hình tượng Barong trong điệu múa thường được thể hiện là sư tử (gần giống như lân trong múa lân của Việt Nam), với đầu màu đỏ, bộ lông dày màu trắng. Nguồn gốc của Barong khá xa với bây giờ cho nên không xác định được rõ ràng, có thể xuất phát từ tín ngưỡng tôn thờ sự bảo vệ của động vật, trước cả khi Hindu giáo xuất hiện, khi người dân tin rằng vào khả năng bảo vệ siêu nhiên của động vật. Hình ảnh con sư tử phổ biến nhất, bởi vì nó xuất phát từ vùng Gianyar, nơi có làng Ubud (thủ phủ của du khách, cũng là nơi có nhiều điểm biểu diễn múa Barong nhất ở Bali). Trong mỗi vở diễn, sau khi tiêu diệt phép thần của Rangda và giết chết Rangda, Barong sẽ chạy ra ngoài phố nhảy múa điệu múa huyền thoại calon arang. Và một thầy pháp sẽ vẩy nước thánh vào linh vật này. Vở múa mở đầu với hình ảnh hai chú khỉ trêu chọc Barong trong một khung ảnh yên bình. Cảnh tiếp theo là “điệu múa Keris”, nhân vật Rangda xuất hiện và tàn phá mọi thứ. Bà ta truyền pháp thuật đen tối cho các vũ công nam, những người thể hiện vai chiến binh Airlangga, và ra lệnh cho họ tự sát. Những người này trong trạng thái mê man lấy giáo tự đâm vào ngực. Trong khi đó, Barong và thầy pháp cố gắng bảo vệ họ bằng cách dùng phép thuật không cho các vật sắc nhọn chạm được vào họ. Vở kịch kết thúc bằng trận chiến cuối cùng giữa Barong và Rangda, trong đó chiến thắng thuộc về Barong. Rangda phải tháo chạy, loài quỷ bị đánh tơi tả, và trật tự trong thế giới thần thánh được phục hồi. Sư tử Barong là một trong năm linh vật Barong. Ở Bali, mỗi một hòn đảo lại có một thần linh bảo vệ cho rừng và đảo riêng. Mỗi Barong của từng vùng được biểu hiện bằng một loài vật khác nhau. Barong Ket là sư tử Barong, loại linh vật phổ biến nhất, và là biểu tượng cho vị thần của điều tốt. Barong Langdung là Barong khổng lồ, thường là một cặp, một mang hình dáng một người đàn ông da đen và một mang hình dáng một phụ nữ xinh đẹp, có chiều cao lên tới 3m. Barong Celeng mang hình dáng lợn rừng. Barong Naga là Barong hổ. Barong Naga là rồng hoặc rắn. Các buổi trình diễn Barong ngày càng phổ biến ở Bali, và các vũ công tham gia ở đủ mọi lứa tuổi, từ cụ già đến thiếu nhi. Một buổi diễn kéo dài khoảng từ 45 phút đến một tiếng, và kết thúc buổi diễn bao giờ cũng có màn chụp hình cho khách du lịch với các diễn viên trong những bộ trang phục rất đẹp, cầu kỳ và tinh xảo. Điểm đặc biệt là các vở Barong thường chỉ trình diễn vào buổi sáng, trong khoảng từ 9 giờ 30 đến 10 giờ 30. Vé bán từ 6-8 USD/khách. Nghệ thuật múa Barong truyền thống hiện nay đang được lưu truyền và gìn giữ rất tốt trong cộng đồng người bản địa ở Bali. Có những lớp học dạy cho trẻ nhỏ, nối tiếp nhau, và bản thân các vũ công nhí cũng thường được nhận show cho nên có thu nhập ổn định. Cứ nửa năm hoặc một năm, cơ quan văn hóa của Indonesia lại đến thẩm định, đánh giá cụ thể về thực trạng của nghệ thuật truyền thống này. Barong còn đem lại thu nhập cho rất nhiều loại hình dịch vụ chung quanh, như xe chuyên chở khách du lịch từ các khách sạn, resort ở Bali đến điểm biểu diễn, rồi bán đồ lưu niệm, chụp ảnh. Sau mỗi show diễn, sẽ có một người thợ ảnh đến chụp ảnh cho từng du khách, và sau đó rất nhanh, bức ảnh của bạn đã được dán lên một món đồ lưu niệm nào đó, như cốc hay đĩa sứ. Thông thường du khách sẽ vui vẻ bỏ tiền ra để mua lại bức ảnh của mình, được trang trí khá đẹp. Còn trong trường hợp không mua, không sao cả, bạn sẽ nhận được một nụ cười, và bức ảnh của bạn nhanh chóng được bóc ra để thay thế bằng ảnh của những du khách khác. Nguồn: Nhandan.com.vn Lê Thị Hồng Nhung đăng bài |