Hải An

Sau 4 năm đóng cửa xưởng tìm tòi “một cách biểu đạt hội họa” cho riêng mình, ngày 3.11 vừa qua, họa sĩ Nguyễn Đức Phương (sinh năm 1982) đã ra mắt triển lãm cá nhân đầu tiên của anh tại Manzi cafe, 14 Phan Huy Ích, Hà Nội.


Một tác phẩm của Nguyễn Đức Phương

Gần 20 tác phẩm được vẽ trên giấy bản (một loại giấy thủ công của vùng dân tộc miền núi phía Bắc) với những màu thuần tự nhiên đã đem đến cho người xem nhiều cảm xúc khác nhau.

Như tên gọi của triển lãm, “Ngắm giấy” lấy cảm hứng từ giấy, một chất liệu quen thuộc trong đời sống con người. Sẽ không có gì đặc biệt nếu họa sĩ chỉ sử dụng giấy như một chất liệu thông thường và vẽ lên chúng. “Ngắm giấy” khác, bởi vì người tạo ra đã tương tác với giấy, khởi họa một không gian tinh thần theo cách cảm của anh ta: Hết sức mộc mạc, tự nhiên, song lại chứa đầy sự tinh tế.

Sự mộc mạc, tự nhiên thể hiện ở chỗ họa sĩ dùng chính những tờ giấy đã qua sử dụng để tái tạo tác phẩm của mình. Những trang sách cũ, những bài văn khấn ngấm thời gian ố vàng, nhiều chỗ đã rách được giữ như một hình tượng để từ đó sáng tạo. Màu sắc trong tranh không nhiều, hòa sắc trung tính, chủ yếu là gam nâu vàng tự nhiên tạo nên từ cỏ xây, đất đá, hoa lá đem lại cho các bức tranh không khí gần gũi, nhẹ nhàng tựa như hơi thở.

Mặc dù có chủ ý trong việc xé giấy, nhuộm giấy (đối với những tranh khổ lớn), đưa các hình tượng như Phật, thánh, thầy mo – thầy tào, người và thú lên bề mặt văn tự, giấy cũ nhưng Nguyễn Đức Phương không mô tả các hình tượng một cách kỹ càng, cũng không thần thánh hay huyền bí chúng. Đức Phật hay vị thánh, con người hay con thú, thầy mo hay thầy tào đều mang vẻ đẹp của đời sống tâm linh mộc mạc, với hình dáng không lớn, hình thái đầy tự nhiên: Không cân đối hay ngay ngắn, nghiêm trang.

Những nhân vật đều như thoắt hiện ra, lấp ló, thấp thoáng sau màn mây, rặng núi hoặc rất khiêm nhường trong quanh cảnh mà chúng thuộc về. Dù quang cảnh đó có giản đơn, thiếu chi tiết này, mất chi tiết kia nhưng vẫn gợi lên sự hài hòa, an nhiên; đem đến cảm giác êm trôi, gần gũi.

Việc tìm tòi “một cách biểu đạt hội họa” nhiều khi nằm ngoài dự tính của họa sĩ, cũng như việc họa sĩ không tính trước phải mua một quyển sách cũ, dỡ chúng ra rồi thao tác vẽ lên chúng để tạo thành tác phẩm. Một cách hết sức tự nhiên, họa sĩ đi nhặt những màu sắc trên núi, trong rừng, gặp những quyển sách cũ trên chặng đường; chúng va chạm với anh trong một hoàn cảnh cụ thể khiến cho câu chuyện nảy sinh. Những bức tranh cũng ra đời từ đó.

Có người sẽ nói rằng, sự tái tạo của Phương tinh tế đến mấy, về bản chất cũng chẳng khác gì việc người ta đang làm là: Biến các văn tự, sách giấy, cổ vật của các dân tộc thành mặt hàng trao đổi, mua bán. Việc sở hữu món đồ sưu tầm hay tái tạo thành những bức tranh không thể cho chúng một đời sống thực sự như chúng vốn có – khi đã bứng các giá trị văn hóa khỏi không gian sinh tồn. “Mình tưởng chúng hiện hữu nhưng thực chất chúng đã mất”.

Nhưng, thay vì món đồ chỉ có ý nghĩa riêng tư với người sở hữu, “bị mối mọt hoặc nằm trong một xó xỉnh nào đó” thì việc tái tạo đã cho chúng một vẻ đẹp mới, chưa hẳn ý nghĩa đã tốt hơn, song có khả năng đánh thức ở người xem sự luyến tiếc những giá trị tốt đẹp trong nguy cơ mai một và biến mất để có ý thức giữ gìn và giảm thiểu nó. Điều này Nguyễn Đức Phương đã làm được theo một cách “rất Phương”: Nhẹ, thấm và thảng thốt.

LĐO

Phạm Thúy Quỳnh đưa bài

Exit mobile version