Quang Hưng
Trong tình thế tiếp tục chịu những đợt tiến công và sức ép dai dẳng của đại dịch, đời sống văn hóa, văn nghệ đã có một chặng đường khắc phục và thích ứng, vượt lên trong biến động. Nhìn lại khái quát đời sống văn hóa, văn nghệ đất nước một năm qua, cũng là để nhận rõ hơn những xu hướng mới và nhiều nung nấu đổi mới sáng tạo, phát triển các phương thức lan tỏa giá trị thẩm mỹ đến xã hội.
1/Dễ nhận ra nét đáng nhớ của đời sống văn hóa, văn học nghệ thuật năm qua ở ngay sự ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. 2020 đã có nhiều kỳ cuộc, sự kiện Covid ngăn trở. Sang 2021, tình trạng này càng kéo dài trên nhiều lĩnh vực. Nhiều nhà hát, đơn vị nghệ thuật biểu diễn không thể sáng đèn dù trước đây vốn đã không thường xuyên, chỉ có một số buổi báo cáo “tập kích” vào những khoảng thời gian ngắn dịch bệnh tạm lắng. Việc tập luyện chương trình, vở diễn, tiết mục mới cũng phải “lựa theo chiều dịch” với cách thức giản lược, giãn cách nhân sự. Nhưng chủ yếu cũng để duy trì hoạt động chuyên môn chứ cơ hội diễn xuất “trôi” gần hết. Đến mức nhiều đơn vị nghệ thuật công lập phải cùng “kêu cứu” lên Cục Nghệ thuật biểu diễn và bộ chủ quản.
Vài thí dụ: Phố đi bộ Hồ Gươm và hoạt động văn hóa khu vực phố cổ, trung tâm Thủ đô suốt thời gian dài “đóng cửa”. Cùng với đó là phố sách Hà Nội. Đường sách TP Hồ Chí Minh cũng tương tự trong hơn bốn tháng, giữa cảnh giãn cách ngặt nghèo của thành phố, cho đến khi mở lại có điều tiết vào đầu tháng 10. Hội nghị viết văn trẻ toàn quốc lần thứ X được Hội Nhà văn Việt Nam tích cực chuẩn bị từ sớm và đã “hạ quyết tâm” tổ chức vào giữa tháng 12, nhưng rồi lại phải lùi chờ thời điểm phù hợp do tình hình khống chế dịch ở Đà Nẵng chưa thể bảo đảm.
Ngay khi đã có những sự kiện được tổ chức, thì khẩu hiệu 5K vẫn luôn được nêu lên như sự cảnh báo và nguyên tắc xuyên suốt mọi hoạt động. Và luôn luôn kèm với đó là việc gia giảm, giản lược hoạt động trong những chương trình, kỳ cuộc vốn trước kia dày đặc các sự kiện. Thí dụ, như Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ 22 chỉ diễn ra từ 18 đến 20/11 tại Huế với số ít hoạt động dồn cho việc chấm chọn và quảng bá tiềm năng điện ảnh Huế, áo dài Việt Nam… Ngay trong những ngày thích ứng khi đợt dịch thứ tư tạm lắng, nhiều sự kiện triển lãm, trưng bày tranh sau nhiều tháng im lìm đã khởi lên với nhiều hào hứng tại Hà Nội; nhưng cũng liền đó, ngành văn hóa thành phố đã phải “thích ứng” dừng lại trong bối cảnh dịch lại nóng dần lên.
2/Nhưng “ghìm” ở đâu, thì lại có xu hướng vượt thoát ở đó. Dù rằng, đã ghìm thì khó còn cơ hội cho nhiều ý tưởng, hoạt động, dự án, chương trình bung nở. Nhưng trong sự hạn chế về đi lại, tiếp xúc, công bố, quảng bá tác phẩm, sản phẩm văn hóa, văn nghệ, thì đã có những sáng tạo lóe lên, được chứng kiến, theo dõi, ghi nhận trước hết trong chính giới văn nghệ và sau đó phần nào lan tỏa ra xã hội. Văn nghệ sĩ cho thấy sự thích ứng tích cực của mình trong việc điều chỉnh, đổi mới phương thức xây dựng, công bố những thành quả lao động. Không gian mạng được tận dụng triệt để với những nền tảng số, các kênh truyền thông, các trang mạng từ tổ chức, nhóm cho đến cá nhân văn nghệ sĩ, tác giả. Thông qua con đường này, các ca khúc mới và dân ca nhạc cổ lời mới, tiểu phẩm sân khấu, thơ, truyện, bút ký, tản văn, tranh cổ động, tranh sáng tác, tác phẩm nhiếp ảnh, hình thức sách nói… được lan tỏa rộng rãi, có những khi sôi nổi, góp phần bù đắp cho công chúng món ăn tinh thần trong bối cảnh giãn cách xã hội kéo dài, làm giảm thiểu những hoạt động văn hóa, văn nghệ trực tiếp ở không gian công cộng, các thiết chế văn hóa hay những điểm đến du lịch.
Nếu như trước kia, việc lựa chọn “con đường số” còn dè dặt, vừa phải hoặc chầm chậm khi thực tế chưa câu thúc, thì từ 2020 sang 2021 và thời gian tới, có xu hướng đây sẽ là bệ phóng mới, chiếc áo mới cho nhiều đơn vị, tổ chức hay cá nhân văn nghệ sĩ trong nhiều lĩnh vực văn hóa, văn nghệ. Các chương trình, sự kiện cũng theo đó thích ứng nhiều hơn với các hoạt động gây dựng, tích lũy nguồn tư liệu, sản phẩm, tác phẩm trên nền tảng số để sử dụng phục vụ xã hội; đồng thời xen kẽ, ứng biến, kết hợp giữa trực tuyến với trực tiếp, duy trì hoạt động tại chỗ với mở nhiều điểm cầu, kênh lan tỏa để thu hút, giữ chân công chúng.
3/Và không thể thay thế được trên nền tảng mang tính kỹ thuật, phương thức mới mẻ đó, chính là nội dung, giá trị nghệ thuật của các chương trình văn hóa, tác phẩm văn nghệ. Mà một điểm nhấn đáng chú ý trong hoàn cảnh dịch bệnh chính là mảng đề tài văn nghệ chống dịch. Sẽ cần sự đánh giá, nhìn nhận đầy đủ hơn về dòng chảy văn nghệ trong dịch bệnh, trong biến động này, nhưng nhiều tác phẩm, sản phẩm đã được công bố, đăng tải qua những hình thức khác nhau một cách thường xuyên cho thấy tư thế nhập cuộc của nhiều văn nghệ sĩ, tác giả. Những bài ca, bức tranh, những bài thơ, truyện ngắn, tản văn lẻ cho đến một số cuốn sách…, giúp khán thính giả cùng hòa chung dòng chảy sáng tạo để hướng về hoàn cảnh và vận mệnh đất nước, số phận con người, những cung bậc tình cảm, tinh thần, đạo đức cộng đồng trong bão táp dịch bệnh và những hệ lụy kéo dài của nó. Còn có những mảng đề tài khác nữa, nhưng sự nổi lên của dòng chảy văn nghệ chống dịch này là gợi mở đáng lưu tâm suy ngẫm, ghi nhận và gợi mở, tạo điều kiện cho văn nghệ sĩ trên hành trình sáng tạo hướng về những vấn đề lớn của cộng đồng, đất nước.
Dòng chảy đó, xu hướng đó và tính thích ứng của văn hóa, văn nghệ, sẽ tiếp tục được thể hiện trong năm 2022. Việc rất cần của các cấp, ngành lãnh đạo, quản lý đất nước và ngành văn hóa, lĩnh vực văn nghệ, bên cạnh tinh thần nhập cuộc của văn nghệ sĩ, là sự tiếp sức kịp thời, hiệu quả cho lao động nghề nghiệp và đổi mới của đội ngũ sáng tạo, quảng bá, lan tỏa sản phẩm văn hóa, tác phẩm văn nghệ. Như chính Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã định hướng: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Theo nhandan.vn/baothoinay