Cần nhiều hoạt động để khuyến khích, cổ vũ tuổi trẻ tích cực sáng tác về Thủ đô, cũng như để thành phố, quần chúng nhân dân quan tâm đến những người cầm bút trẻ tại Hà Nội.
Ngóng chờ
Hội nhà văn Hà Nội vừa ra mắt CLB văn học trẻ, nằm trong Ban nhà văn trẻ. Đây là nét mới trong hoạt động hướng đến và dành cho những người cầm bút trẻ tại Thủ đô nói chung, vốn được mong đợi từ lâu về việc quy tụ đội ngũ và tạo điều kiện hỗ trợ, đồng hành trong sáng tác.
Nhìn lại Hội nghị viết văn trẻ Hà Nội lần thứ hai, tổ chức năm 2015, sau 22 năm từ lần thứ nhất, đã có những đề xuất của đại biểu trẻ và một số ý tưởng từ lãnh đạo Hội được nêu ra vào thời điểm đó. Như việc tăng cường tài trợ sáng tác; tổ chức các sự kiện ra mắt sách, tọa đàm cho tác giả trẻ; tổ chức thi, vận động sáng tác về các chủ đề, đề tài của Hà Nội với mục tiêu khuyến khích nhiều cây bút trẻ tham gia…
Tuy nhiên, đến nay cũng đã qua thời gian dài, nhiều mong muốn chưa được hiện thực hóa. Có những khó khăn chung cho sự hạn chế này, trong đó có lý do thời gian tổ chức đại hội Hội nhà văn Hà Nội nhiệm kỳ mới bị kéo dài. Cùng với thực tế thời gian qua, Hội còn tập trung cho nhiều công việc khác. Điều đó cũng có những ảnh hưởng đến một số ý tưởng, dự định dành riêng cho lực lượng viết trẻ. Có thể thấy, các hoạt động của Hội khi hướng đến lực lượng hội viên nói chung, thì trong đó cũng đã bao gồm cả các hội viên trẻ. Nhưng nếu kiến tạo được những hoạt động riêng cho người viết trẻ, thì phong trào của hội nghề nghiệp sẽ thêm đa dạng, góp phần khích lệ các hội viên trẻ sáng tác về Hà Nội, tham gia phong trào, hoạt động Hội, lan tỏa hình ảnh, uy tín của Hội nghề nghiệp văn chương Thủ đô trong cộng đồng.
Bên cạnh đó, không chỉ riêng với các hội viên trẻ, mà nhiều cây bút trẻ chưa gia nhập Hội, đang sống và làm việc, học tập trên địa bàn Thủ đô, cũng rất đáng được Hội mời gọi, quy tụ, hướng dẫn, kiến tạo các hoạt động và bước đầu động viên, hỗ trợ trong sáng tác. Hiện nay tại Hà Nội có nhiều các tác giả trẻ ở lứa tuổi 35 trở xuống, đang làm việc tại các cơ quan báo chí, xuất bản, trường học…, đang học tập tại các cơ sở đào tạo về văn học, sáng tác… Rất nên có các chương trình, hoạt động hướng tới đối tượng này.
Kiến tạo
Theo kế hoạch hoạt động của CLB văn học trẻ bước đầu được công bố, sẽ có các cuộc sinh hoạt hằng tháng, mời gọi các cây bút trẻ tham dự. Thành phần tham gia ban đầu hiện nay đã có nhiều bạn viết trẻ từ các địa chỉ đào tạo về chuyên ngành văn học, sáng tác trên địa bàn Hà Nội. Mong rằng từ hạt nhân là CLB mới này, sẽ có nhiều nét mới xuất hiện trong hoạt động nghề nghiệp thu hút các tác giả trẻ, do CLB tổ chức, do Ban nhà văn trẻ của Hội cũng như Hội nhà văn Hà Nội đứng ra khởi xướng. Trong đó, mong rằng sẽ sớm diễn ra việc tổ chức hội nghị viết văn trẻ Thủ đô lần thứ ba.
Đây vẫn là một mục tiêu từ khi kết thúc đại hội của Hội đến giờ. Hiện cũng đã đến quá nửa năm 2019, chẳng mấy nữa lại hết một nhiệm kỳ của Hội nhà văn Hà Nội. Trong khi thực tế hoạt động nghề nghiệp một cách tự thân của nhiều cây bút trẻ tại Thủ đô đang khá hăng hái, như tích cực đăng tải tác phẩm văn, thơ, phê bình trên báo chí; in ấn, ra mắt, phát hành tác phẩm; tích cực trao đổi, chia sẻ thông tin văn học trong không gian mạng…
Ngoài ra, bên cạnh các cuộc sinh hoạt của CLB theo dự kiến, Ban nhà văn trẻ, Ban chấp hành Hội nhà văn Hà Nội rất nên quan tâm thúc đẩy các chương trình thực tế sáng tác trên địa bàn Hà Nội với điểm đến có thể chọn lựa đa dạng như các khu công nghiệp, các đơn vị bộ đội, vườn quốc gia, trung tâm nghiên cứu, các làng cổ, làng nghề truyền thống, các di tích lịch sử, các vùng danh thắng, các địa chỉ tôn giáo, tín ngưỡng danh tiếng và uy tín… Có thể xây dựng những chương trình, chuyến đi thực tế hay trại sáng tác chia thành các chuyên đề như tập trung vào khu vực nội đô, ra khu vực ngoại thành, lên khu vực trung du, miền núi, hoặc chia theo từng địa bàn huyện, thị xã. Có thể phát động các cuộc thi, vận động sáng tác dành cho tác giả trẻ, giới hạn ở độ tuổi 35 trở xuống. Hoặc tổ chức những cuộc giới thiệu tác phẩm, tọa đàm, hội nghị mà đối tượng, đề tài chính được hướng đến là những người trẻ và tác phẩm của họ, là những vấn đề thiết thực, thiết thân đối với hoạt động nghề nghiệp, sáng tác của các cây bút trẻ tại Hà Nội.
Và hỗ trợ
Tất nhiên, để kiến tạo, tổ chức được các hoạt động thí dụ như trên, hoặc theo những hình thức, ý tưởng khác nữa, thì Hội, Ban nhà văn trẻ hay CLB vừa mới thành lập không thể thiếu sự hỗ trợ tích cực của thành phố, ngành văn hóa, du lịch, thông tin truyền thông, sự hợp tác của các địa phương, đơn vị, cơ sở trên địa bàn thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, đương nhiên sẽ khó để các tác giả trẻ tự thân tổ chức các chương trình, chuyến đi thực tế, sáng tác hay các cuộc sinh hoạt nghề nghiệp do hạn chế về điều kiện kinh phí, phương tiện, cơ sở vật chất… Mà nên có sự đầu tư, tạo điều kiện của các cấp chính quyền thành phố và ban ngành liên quan. Điều rất cần là cơ quan Hội, Ban, CLB có nhiều ý kiến tư vấn, đề xuất để thúc đẩy tiến trình hợp tác, cộng hưởng này.
Từ những hoạt động như thế, tin rằng, sẽ có thêm nhiều hội viên trẻ, tác giả trẻ tích cực tham dự, hưởng ứng, quảng bá, có thêm nhiều tác phẩm mới của thế hệ trẻ về Hà Nội, có thêm cơ sở để chọn lọc, giới thiệu các tác phẩm chất lượng tốt phục vụ cho cộng đồng, tạo nên sự khuyến khích, cổ vũ các tác giả trẻ quan tâm nhiều hơn đến các đề tài về mọi mặt đời sống xã hội, văn hóa… của Thủ đô. Mặt khác, cũng là một sự thúc đẩy, kéo lại gần để quần chúng nhân dân và đội ngũ lãnh đạo, cơ quan ban ngành của thành phố quan tâm đến văn học và đội ngũ tác giả hơn. Đó cũng là điều mà vốn từ lâu, mỗi người cầm bút đều mong muốn, rằng nghề nghiệp của mình được xã hội trân trọng, đánh giá tốt về công sức lao động, cống hiến. Hội nhà văn Hà Nội còn nhiều việc cần thúc đẩy như đầu tư sáng tác cho các cây bút uy tín, sung sức, tài năng; tổ chức trại, các cuộc sinh hoạt chuyên môn cho hội viên nhiều thành phần, lứa tuổi; xét giải, trao thưởng…, nhưng bổ khuyết riêng cho những người viết trẻ, cũng rất đáng được lưu ý.
Theo Báo Nhân Dân ĐT